(Baothanhhoa.vn) - Làng Cùng là tên nôm của làng, còn tên chữ là Liên Sơn, thuộc xã Cẩm Tú (Cẩm Thủy). Làng Cùng nằm ở điểm cuối giáp sông Mã trong hệ thống các làng được phân bố từ Bắc xuống Nam. Sở dĩ di tích có tên gọi là đền Cùng vì ngôi đền này nằm trên địa phận của làng Cùng, cho nên Nhân dân đã lấy tên làng đặt tên cho di tích.

Dấu ấn văn hóa, tín ngưỡng dân gian ở đền Cùng

Làng Cùng là tên nôm của làng, còn tên chữ là Liên Sơn, thuộc xã Cẩm Tú (Cẩm Thủy). Làng Cùng nằm ở điểm cuối giáp sông Mã trong hệ thống các làng được phân bố từ Bắc xuống Nam. Sở dĩ di tích có tên gọi là đền Cùng vì ngôi đền này nằm trên địa phận của làng Cùng, cho nên Nhân dân đã lấy tên làng đặt tên cho di tích.

Dấu ấn văn hóa, tín ngưỡng dân gian ở đền Cùng

Đền Cùng (xã Cẩm Tú, huyện Cẩm Thủy) - nơi thờ Thượng Ngàn Đào Nguyên công chúa.

Theo bản thần tích (bản chữ Hán) được soạn năm Giáp Tý (1924) cho biết sự tích của thần được thờ ở đền Cùng như sau:... Trong làng có hai cụ già ban đêm mộng gặp hai vị tiên nhân. Một vị mặc áo màu hồng, một vị mặc áo màu trắng, dung nhan đẹp đẽ như thần tiên, giáng linh vào người Hồng y tiên nhân báo: ta là Thượng Ngàn Đào Nguyên công chúa Lê Mại đại vương; giáng linh vào người Bạch y tiên nhân báo: ta là Sơn Tiên đại vương Ngô Liên dạo bước du chơi cùng vua dưới trần gian, thấy nơi này đẹp, có sông xanh biếc, đỉnh núi là nơi thắng cảnh u tịch nên có tình ý biến hiện chỗ này. Nếu trong dân làng lập đền thờ cúng thì muôn vật tự yên ổn. Khi tỉnh giấc, hai vị già làng mới biết là mộng nên triệu tập Nhân dân nói rõ mộng gặp hai người, bèn lật xem quẻ thì thấy mộng linh y như mộng báo hai người nên dân làng lập đền thờ cúng.

Từ sự tích trên cho thấy cư dân làng Cùng coi việc thờ tự những nhiên thần, thiên thần vốn là các lực lượng tự nhiên mang sức mạnh chi phối cuộc sống hàng ngày của Nhân dân, được họ tôn vinh để cầu sự bảo hộ; hoặc mang hình ảnh người nhưng chỉ là biểu tượng như hai vị thần ở đền Cùng là tương đối phổ biến. Mặt khác, trong đời sống cư dân của người làng Cùng, vị thần được thờ ở đền Cùng được Nhân dân tôn thờ như một vị thần hoàng làng. Ngài là vị thần biểu hiện của lịch sử, phong tục, pháp lệ cùng hy vọng chung của cả làng. Phần đất do ngài cai quản đạt đến đời sống “nhân khang, vật thịnh”, nên ngài tượng trưng cho sự trường tồn của thôn làng, bởi thế ngài còn được coi như một vị phúc thần của làng.

Đền Cùng là nơi thờ nữ thần Lê Mại đại vương, được người dân tôn thờ là Thượng Ngàn Đào Nguyên công chúa. Vì vậy, sinh hoạt tín ngưỡng ở đây thường xuyên diễn ra. Vào ngày rằm, mùng một hàng tháng số lượng người đến cúng lễ đông hơn. Từ Tết Nguyên đán đến hết tháng ba âm lịch là những tháng hội của đền, diễn ra rước bóng giữa các đền trong vùng với nhau.

Theo các cụ già ở làng cho biết, đền Cùng trước kia được xây dựng có quy mô to lớn, bề thế gồm 5 gian tiền đường và 3 gian hậu cung. Vật liệu chủ yếu của bộ khung làm bằng gỗ tốt, tường xây gạch, trát vôi vữa. Các bộ phận gỗ của kiến trúc được chạm trổ trang trí những hình ảnh điêu khắc truyền thống. Ngôi đền đã bị máy bay của thực dân Pháp ném bom và sập đổ hoàn toàn vào năm 1953. Đền được xây dựng lại vào những năm 80 của thế kỷ trước, gồm các hạng mục công trình: đền chính, lầu cô, lầu cậu, nhà bia. Đền nằm trên sườn núi Liên Sơn, sát liền kề sông Mã, với cảnh trí thiên nhiên đẹp đẽ, thơ mộng, hùng vĩ.

Đền Cùng là một di tích lịch sử, văn hóa nằm trên địa bàn làng Cùng - nơi có tộc người Mường sinh sống từ lâu đời. Với những truyền thống phong phú, đa dạng về lịch sử, văn hóa, nơi đây còn bảo lưu được truyền thống lễ hội của người Mường như: tục ném còn, các ngày lễ thượng điền, hạ điền, thờ cúng tổ tiên... Truyền thống ấy đến nay vẫn còn phát huy mạnh mẽ trong đời sống tín ngưỡng của đồng bào.

Xung quanh di tích ở dưới lòng đất đã phát hiện ra hàng loạt đồ đồng, đồ đá có giá trị như: rìu đồng, mũi tên đồng, giáo đồng, lưỡi cày đồng, rìu đá..., đặc biệt trống đồng minh chứng cho địa bàn này là nơi cư trú của người Việt cổ, các di vật này có đặc điểm của nền văn hóa Đông Sơn. Điều này cũng chứng tỏ, quá trình phát triển từ một làng Việt cổ để hình thành nên một làng có tộc người Mường sinh sống là một vấn đề thú vị đối với các nhà nghiên cứu trong việc tìm hiểu nguồn gốc tộc người, cũng như các vấn đề văn hóa đặc sắc khác ở nơi này.

Vị thần được thờ ở đền Cùng là một đức thánh mẫu, vì thế đã thu hút được nhiều tầng lớp đến đây cúng lễ. Điều đó cũng giúp chúng ta có một cái nhìn khoa học hơn để hiểu về mối quan hệ giữa tục thờ nữ thần với tục thờ Mẫu trong đời sống tín ngưỡng của Nhân dân. Bên cạnh đó, đền Cùng nằm ở sườn núi Liên Sơn, nơi có những hang động, mái đá đẹp, cùng với thảm thực vật nhiệt đới, có nhiều chim thú, núi liền sông tạo nên phong cảnh “sơn thủy hữu tình”. Vì vậy, đền Cùng ngoài giá trị về tín ngưỡng, còn có giá trị về thắng cảnh. Đền Cùng cùng với các di tích khác trên địa bàn như: động Chùa Mổng, chùa Vĩnh Châu, đền Ngốc, đình làng Bông... tạo nên một quần thể di tích với nhiều loại hình phong phú, đa dạng, có khả năng đáp ứng được các điều kiện tham quan du lịch của du khách về trước mắt cũng như lâu dài.

Với những giá trị về lịch sử, văn hóa, khoa học và thẩm mỹ, đền Cùng đã được công nhận di tích lịch sử, văn hóa cấp tỉnh. Để bảo tồn và phát huy giá trị di tích, huyện Cẩm Thủy đang có kế hoạch đầu tư tu bổ, tôn tạo di tích để phục vụ nhu cầu tín ngưỡng và phát triển du lịch của địa phương trong thời gian tới.

Bài và ảnh: Ngọc Anh


Bài và ảnh: Ngọc Anh

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]