(Baothanhhoa.vn) - Trong lịch sử khai sáng các triều đại phong kiến Việt Nam, Thanh Hóa không chỉ tham dự mà còn ghi dấu ấn vô cùng đậm nét và đáng tự hào. Thậm chí, đây là một nét đặc biệt, chỉ thấy được đánh dấu ở xứ Thanh, mà không vùng đất nào có được. Xứ Thanh là đất đế vương chung hội!

Tin liên quan

Đọc nhiều

Đất quý hương

Trong lịch sử khai sáng các triều đại phong kiến Việt Nam, Thanh Hóa không chỉ tham dự mà còn ghi dấu ấn vô cùng đậm nét và đáng tự hào. Thậm chí, đây là một nét đặc biệt, chỉ thấy được đánh dấu ở xứ Thanh, mà không vùng đất nào có được. Xứ Thanh là đất đế vương chung hội!

Đất quý hương

Vua Lê Đại Hành đăng quang – tiết mục sân khấu hóa tại Lễ hội Lê Hoàn.

Trong vô vàn duyên cớ muốn tìm để hiểu về Thanh Hóa, người ta không thể phủ nhận sức hấp dẫn riêng có và còn nhiều bí ẩn của mảnh đất này. Lý giải thế nào về cái xứ sở thừa nắng gắt, thừa gió hanh, thừa cả gian khổ lại là nơi chung đúc khí thiêng sông núi cho tinh anh hội tụ? Cái nghịch lý đầy thú vị, nhưng cũng rất đỗi kinh ngạc ấy, đã mặc nhiên tồn tại ở cái xứ cần lao, nhưng đã được không ít sử gia gọi bằng những ngôn từ trang trọng, thành kính và đẹp đẽ nhất: Đất thang mộc, đất quý hương.

Xuất phát từ các yếu tố địa – chính trị, địa – văn hóa hay đặc điểm của hoàn cảnh tự nhiên, bối cảnh lịch sử và phẩm chất con người, mà Thanh Hóa luôn có một vị trí đặc biệt trong lòng dân tộc. Song, những nét riêng có và độc đáo của Thanh Hóa không tách rời, mà luôn gắn bó chặt chẽ cùng lịch sử, văn hóa và vận mệnh quốc gia - dân tộc. Xứ Thanh là nơi sinh ra Lê Hoàn, để rồi đến lượt mình, người con của trang Kẻ Xốp nghèo khó ấy đã đưa vai gánh lấy giang sơn giữa thời buổi đầy biến cố, để tránh cho “cơ đồ đắm biển sâu”. Xứ Thanh cũng là nơi người anh hùng áo vải Lê Lợi dựng cờ đại nghĩa “Lấy chí nhân thay cường bạo”, mà dựng nên vương triều nhà hậu Lê tồn tại trên 360 năm, với không ít đỉnh cao phát triển rực rỡ. Xứ Thanh cũng là nơi Hồ Quý Ly chọn xây thành dựng lũy, với hy vọng đế đô mới sẽ tạo nên căn cơ bền vững, giúp triều Hồ vượt qua giông bão thời cuộc và lật giở một trang phát triển mới cho đất nước.

Và, khi nhắc đến Thanh Hóa – đất quý hương, thì chắc chắn không thể không nhắc đến vai trò lịch sử của các chúa Nguyễn và triều Nguyễn. Khi nói về quê hương của vương triều phong kiến cuối cùng này, Phan Huy Chú trong “Lịch triều hiến chương loại chí” đã mô tả khá rõ: “Gia Miêu ngoại trang là đất tổ của các vua triều Nguyễn. Từ tiên tổ là Nguyễn Đức Trung làm chức Thái úy, có con gái lấy Lê Thánh tông, sinh ra Hiến tông. Con trai là Nguyễn Văn Lang giúp nhà Lê lập Tương Dực đế, được phong tước vương. Cháu là Hoằng Dụ lại lập Chiêu tông. Đến Triệu tổ (Nguyễn Kim) tôn lập Trang tông, cơ nghiệp Trung hưng của nhà Lê gây dựng ra từ đấy trước. Tới khi Thái tổ hoàng đế (Nguyễn Hoàng) về giữ Thuận Hóa, Quảng Nam truyền được 8 đời. Đến triều Nguyễn bình định được cả đất nước, thì làng Gia Miêu là ấp thang mộc. Vì là đất phát phúc to, khí tốt chung đúc còn lâu dài mãi”.

Còn nếu nói về “đất phát phúc to” thì Xuân Lam quả thật xứng với danh từ quý hương. Nằm bên tả ngạn sông Chu, Xuân Lam là cửa ngõ nối liền vùng đồng bằng sông Chu phì nhiêu với miền Tây Thanh Hóa. Mảnh đất có hình chữ Vương này, được bao bọc bằng bức tranh non xanh nước biếc vô cùng hữu tình. Phía Tây Bắc có núi Dầu làm hậu chẩm; phía Đông Nam có núi Chúa và núi Mục làm tiền án; núi Hướng phía Tây tạo thành cánh tay ngai bên hữu và một dãy đồi thoai thoải làm tay ngai bên tả. Mặt trước là dòng Lương Giang (sông Chu ngày nay) chảy từ miền Tây xuống, vòng từ phải qua trái theo thế tụ thủy. Nguyễn Trãi đã từng ví vùng đất này như rồng thiêng nổi dậy, như ngọn giáo nhà trời quét sạch lũ giặc ngoại xâm: “Rồng thần nổi dậy, bay trên núi Lam/Giáo trời chỉ lên, quét thành ải Bắc” (Phú Chí Linh). Xuân Lam đi vào lịch sử dân tộc, không chỉ là đất phát tích của vương triều hậu Lê; mà còn bởi đây là nơi đặt “kinh đô tưởng niệm” nhà Lê suốt gần 600 năm qua. Để rồi, cho đến tận ngày nay, Xuân Lam và Lam Kinh vẫn là nơi con cháu họ Lê, con dân đất Việt tìm về để tri ân tiền nhân, tiên tổ.

Khi đánh giá về vị thế của Thanh Hóa, nhiều học giả đã nhìn mảnh đất này dưới giác độ văn hóa, giác độ mỹ cảm. Với Phan Huy Chú, “Thanh Hóa là đất phên dậu”. Còn Hoàng Xuân Hãn thì khẳng định “ở Việt Nam không có nơi nào nhiều cảnh đẹp như ở Thanh Hóa”! Phải chăng, có những quy luật sâu xa, bí ẩn nào đó đã và luôn tồn tại ở mảnh đất này. Để rồi chính nó đã lý giải cho những điều tưởng chừng đối lập, không thể dung hòa lẫn nhau, lại vẫn có thể tồn tại cạnh nhau và tương hỗ một cách khó tin đến vậy. Mảnh đất ấy dung hòa một cách khó tin giữa vẻ đẹp thiên nhiên đến tận cùng ngôn ngữ và sự bi tráng của nỗi đau chiến tranh. Hay là sự dung dị của phẩm chất làm người và sự lớn lao đến tận cùng trong khát vọng giành lại quyền sống cho con người. Hay đó còn là khát vọng một cuộc sống yên hàn và sự can trường đến tận cùng trong mọi cuộc chiến giành, giữ độc lập cho dân tộc.

Sự vĩ đại, có đôi khi không chỉ thể hiện qua những chiến công hiển hách, hay ở năng lực xoay chuyển thời cuộc của một hay một số cá nhân kiệt xuất. Sự vĩ đại ấy, đã và sẽ luôn tồn tại ở mảnh đất này, trong một dạng thức đặc biệt của nó, ở những thời điểm và trong những bối cảnh có thể rất đỗi bình thường. Bởi ở xứ sở này, rồng không từ trên cao hạ xuống, mà rồng từ dưới đất vươn lên. Và mỗi người con của mảnh đất quý hương, bằng trí tuệ, bằng nghị lực và một khát khao cống hiến, đều mang trong mình một sự vĩ đại – giản dị nhất, để có thể ấp ủ và dưỡng nuôi những kỳ vọng lớn cho xứ sở này.

Hoàng Xuân


Hoàng Xuân

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]