(Baothanhhoa.vn) - Nằm soi bóng ven bờ sông Lèn, nơi núi sông giao cắt, thuộc thôn Phong Mục, xã Châu Lộc (nay là xã Triệu Lộc), huyện Hậu Lộc, cụm di tích, thắng cảnh Phong Mục (đền Hàn) thật là sơn thủy hữu tình, miền văn hóa - tín ngưỡng đặc sắc.

Cụm di tích, thắng cảnh Phong Mục bên bờ sông Lèn

Nằm soi bóng ven bờ sông Lèn, nơi núi sông giao cắt, thuộc thôn Phong Mục, xã Châu Lộc (nay là xã Triệu Lộc), huyện Hậu Lộc, cụm di tích, thắng cảnh Phong Mục (đền Hàn) thật là sơn thủy hữu tình, miền văn hóa - tín ngưỡng đặc sắc.

Cụm di tích, thắng cảnh Phong Mục bên bờ sông LènCụm di tích, thắng cảnh Phong Mục (Hậu Lộc).

Con sông Mã kiêu hùng chảy từ thượng nguồn tới khu vực ngã ba Bông được chia làm hai nhánh; một nhánh chảy từ địa đầu núi Sơn Trang thuộc địa phận xã Hoằng Khánh (nay là xã Hoằng Xuân) qua huyện Hậu Lộc xuống Lèn rồi ra Lạch Sung; một nhánh chảy theo hướng Bắc - Nam, gặp sông Chu ở ngã ba sông rồi rẽ theo hướng Đông chảy xuống Hàm Rồng, đổ ra cửa biển Hội Triều. Trên hành trình về với biển, sông Mã tạo nên nhiều ngã ba sông vừa tươi đẹp về cảnh sắc thiên nhiên, vừa phong phú, đa dạng về lịch sử, văn hóa, tín ngưỡng. Ngã ba Bông - nơi “một tiếng gà gáy, sáu huyện cùng nghe” được tạo nên từ hải trình ấy.

Nơi ngã ba Bông, cụm di tích, thắng cảnh Phong Mục không chỉ tọa lạc ở vùng đất “sơn thủy hữu tình”, cảnh sắc thiên nhiên tươi đẹp mà còn là nơi đất thiêng, trung tâm tín ngưỡng - tôn giáo. Cách cụm di tích, thắng cảnh Phong Mục không xa là khu di tích quốc gia đặc biệt - Khu Di tích lịch sử và kiến trúc nghệ thuật đền Bà Triệu - nơi thờ nữ anh hùng dân tộc Triệu Thị Trinh (thường gọi là Bà Triệu), người nổi tiếng với câu nói: “Tôi muốn cưỡi cơn gió mạnh, đạp luồng sóng dữ, chém cá kình ở Biển Đông, đánh đuổi quân Ngô, giành lại giang sơn, cởi ách nô lệ, chứ không muốn khom lưng làm tì thiếp cho người”. Bên kia sông Lèn, đền Hàn Sơn (xã Hà Sơn, Hà Trung) uy nghi, bề thế. Ngoài ra, trong một vùng ngã ba sông nước - ngã ba Bông ấy hội tụ nhiều di tích lịch sử - văn hóa, tín ngưỡng độc đáo như: đền Cây thị, đền thờ Lý Thường Kiệt, đền cô Bơ (Ba) Bông... như càng ghi dấu cái danh giá tự bao đời, ít nơi nào có được. Vì lẽ đó, từ lâu, cụm di tích, thắng cảnh Phong Mục được du khách địa phương tìm về vãn cảnh, chiêm bái, thắp nén hương thơm tỏ lòng thành kính, gửi gắm những mong cầu, ước nguyện về cuộc sống ấm no, hạnh phúc, an yên, sức khỏe dồi dào, tài lộc...

Không phô trương, bề thế, bao đời nay, cụm di tích, thắng cảnh Phong Mục nép mình giữa cảnh non nước, làng mạc, bao gồm: đền Mẫu, đền quan Giám Sát, đền cô Tám và đền Cô Đôi.

Đền Mẫu còn gọi là cung cấm, xưa kia uy nghi tráng lệ và rất sầm uất gồm 5 cung. Thượng điện thờ Tam tòa thánh Mẫu: Thánh Mẫu Liễu Hạnh (áo đỏ) ngồi ở giữa và cao nhất, bên hữu là mẫu Thoải (áo trắng), bên tả là mẫu Thượng ngàn (áo xanh). Cung thứ 2 là ban thờ Ngọc Hoàng, Nam Tào và Bắc Đẩu. Bên tả thờ vua cha Bát Hải (vua nước), bên hữu thờ vua cha Diêm Vương (vua đất). Cung thứ 3 là ban thờ đức thánh. Cung thứ 4 thờ ngũ vị tôn ông. Cung thứ 5 thờ tứ phủ Chầu Bà; do chịu ảnh hưởng ít nhiều của Nho giáo mà các bà hầu như không có tên cụ thể. Tuy nhiên, do công lao của các bà rất lớn nên được Nhân dân thờ phụng, các bà thường được Nhân dân cho là người có công dạy nghề cho họ, có người cầm quân đánh giặc.

Đền quan Giám sát là nơi thờ tứ phủ Ông hoàng, vốn là các Ông hoàng trong đạo Mẫu, hay còn được dân gian gọi là Thập vị ông Hoàng. Trong các ngôi đền hay trong điện thờ ta thấy tượng ông hoàng được tọa dưới hàng Chầu Bà và Ngũ Vị Tôn Quan trên ban thờ Tứ phủ. Đây là các vị Thánh nam thuộc về bốn phủ: Thiên, Điạ, Thoải và Nhạc. Huyền tích về sự xuất hiện của họ thường có liên hệ mật thiết với các nhân vật lịch sử, danh tướng có công đánh dẹp giặc hay những người khai sáng, mở mang cho đất nước, địa phương nơi họ hiển linh. Ông Hoàng Cả Thượng Thiên là vị Thánh Hoàng thuộc Thiên phủ (miền Trời), trong thần điện và trong nghi lễ hầu đồng của Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ, Tứ phủ, ông ngự áo màu đỏ tượng trưng cho Thiên phủ. Ông là Thánh Hoàng rất ít khi giáng đồng. Các ông Hoàng khác đa số là các nhiên thần và nhân thần có công với đất nước, Nhân dân. Ví như ông Hoàng Đôi là vị Thánh hoàng thuộc Nhạc phủ. Tương truyền, ông là người Mán, có công dẹp giặc cứu nước nên được Nhân dân thờ cúng và tôn sùng. Các huyền tích của ông gắn liền với đền Bảo Hà, Lào Cai. Ông cùng với Ông Hoàng Bảy Bảo Hà dẹp giặc dưới thời vua Lê. Trong thần điện và trong nghi lễ hầu đồng, ông Hoàng Đôi mặc áo màu xanh lá, tượng trưng cho Nhạc phủ (miền Rừng)...

Đền Cô Tám là nơi thờ vị “cứu tinh linh thiêng” chuyên chữa bệnh cứu giúp dân lành đã từng lặn lội núi cao, rừng sâu để tìm dược liệu quý. Theo người dân địa phương kể rằng: nhiều người đến đây lễ cầu đã lấy các thứ lá cây quanh đền về chữa khỏi cả bệnh nan y.

Đền Cô Đôi là nơi thờ hai vị thánh cô. Truyền thuyết kể rằng: Xưa có 2 người con gái, tuổi 19 đôi mươi vì cảnh đời éo le nên không quản gió mưa đến nơi đây cầu Thánh Mẫu. Khi qua sông vì nước lũ dữ quá, họ đã thác xuống dòng sông, dân làng cho đó là người thành tâm với Thánh Mẫu và được Thánh Mẫu mang đi để hầu bảo, Nhân dân đã xây đền thờ cho hai cô bên dòng sông Lèn cách phủ Mẫu khoảng 1km.

Từ lâu, cụm di tích đã là nơi sinh hoạt văn hóa tâm linh của Nhân dân trong và ngoài vùng. Bên cạnh đó, di tích cũng là nguồn sử liệu quý giá, dấu ấn văn hóa - tín ngưỡng tiêu biểu, chứng nhân lịch sử, song hành cũng sự phát triển của làng, xã. Dường như câu ca: “Tháng sáu hội Gai, tháng hai hội Mía” (hội Gai là cách gọi khác của lễ hội đền Hàn) đã ghi dấu trong tâm thức của nhiều người. Trước tác động của thời gian, thăng trầm lịch sử, di tích vẫn luôn được các cấp, các ngành và Nhân dân địa phương quan tâm, chung tay bảo tồn và phát huy. Trải qua nhiều lần tu bổ, tôn tạo, cụm di tích vẫn giữ được nét đặc sắc, độc đáo của nghệ thuật kiến trúc cổ, giá trị văn hóa - tín ngưỡng.

Trong đó, đền mẫu - Cụm di tích, thắng cảnh Phong Mục được trùng tu, tôn tạo theo kiến trúc hình chữ tam với 3 cung: Cung đệ nhất, cung đệ nhị, cung đệ tam. Cung đệ nhất có cấu trúc 5 gian, bốn mái cong có đầu đao; hệ vì, kèo kết cấu theo kiểu giá chiêng, chồng rường kẻ bẩy. Mái kết cấu hoành tải và rui gỗ, lợp ngói mũi hài, dưới có ngói chiếu lót; bờ nóc, bờ chảy đắp vuông, giữa đỉnh mái gắn hiệu tự. Cung đệ nhị cấu trúc 3 gian theo kiểu thu hồi bít đốc; hệ vì, kèo câu trúc theo kiểu giá chiêng, chồng rường kẻ bẩy. Cung đệ tam cấu trúc 3 gian, 2 tầng mái cong có đầu đao; hệ vì, kèo cấu trúc tương tự như cung đệ nhất, đệ nhị.

Được trùng tu, tôn tạo vào năm 2015, hiện nay, đền cô Tám – Cụm di tích, thắng cảnh Phong Mục có kết cấu hình chữ Đinh, theo kiểu tàu đao bốn mái cong (hệ vì, kèo theo kiểu giá chiêng, chồng rường kẻ bẩy). Mái lợp ngói mũi hài, dưới lợp ngói liệt; đối với đao mái đắp gắn hình ba lá, đỉnh mái đắp gắn hình mặt nguyệt...

Nằm trong vùng ngã ba sông “hội sơn tụ thủy”, thấm đẫm giá trị lịch sử - văn hóa - tín ngưỡng, cụm di tích, thắng cảnh Phong Mục tựa như nét chấm phá khiến cho tổng thể bức tranh thêm phần phong phú, đa dạng, hấp dẫn. Từ đây, cụm di tích, thắng cảnh Phong Mục kết nối với các di tích, cụm di tích, thắng cảnh khác mở ra cơ hội, tiềm năng phát triển du lịch, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội địa phương nói riêng, tỉnh Thanh Hóa nói chung.

Bài và ảnh: Thảo Linh



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]