(Baothanhhoa.vn) - Làng Yên Lộ nằm phía tả ngạn sông Chu thuộc xã Thiệu Vũ (Thiệu Hóa). Nhìn những nếp nhà yên bình tựa bên nhau trong không gian làng quê, ít ai biết được nơi đây từng hoạt động cách mạng sôi nổi gắn liền với nhiều tên tuổi, di tích tiêu biểu. Trong đó, ngôi chùa Yên Lộ được xem là dấu ấn trong cụm di tích lịch sử cách mạng Yên Lộ (đình, nghè, chùa Yên Lộ).

Chùa Yên Lộ - ngôi chùa thiêng bên núi

Làng Yên Lộ nằm phía tả ngạn sông Chu thuộc xã Thiệu Vũ (Thiệu Hóa). Nhìn những nếp nhà yên bình tựa bên nhau trong không gian làng quê, ít ai biết được nơi đây từng hoạt động cách mạng sôi nổi gắn liền với nhiều tên tuổi, di tích tiêu biểu. Trong đó, ngôi chùa Yên Lộ được xem là dấu ấn trong cụm di tích lịch sử cách mạng Yên Lộ (đình, nghè, chùa Yên Lộ).

Chùa Yên Lộ - ngôi chùa thiêng bên núi

Ngôi chùa Yên Lộ - “địa chỉ đỏ” giáo dục truyền thống cách mạng, văn hóa - tín ngưỡng của quê hương.

Chùa Yên Lộ là ngôi chùa nhỏ nép mình bên sườn núi. Chưa tìm được tài liệu nào ghi chép về thời gian xây dựng chùa, chỉ được nhắc đến trong một số tư liệu về các lần trùng tu, tôn tạo. Được biết, trước đây, chùa có kiến trúc 3 gian lợp ngói, vì kèo được thiết kế theo lối truyền thống, có các bệ thờ phật. Cũng như số phận của nhiều di tích tín ngưỡng, tâm linh trên dải đất hình chữ S này, có thời điểm, chùa Yên Lộ trở thành phế tích. Tuy nhiên, với lòng thành kính, trân trọng giá trị, truyền thống quý báu của làng, các thế hệ cháu con, nhà hảo tâm cùng với sự quan tâm, tạo điều kiện từ các cấp, các ngành, chùa Yên Lộ được trùng tu, tôn tạo, bền bỉ sức sống, song hành với lịch sử hình thành và phát triển của làng.

Chùa Yên Lộ nằm giữa một vùng sắc thiên nhiên tươi đẹp, hòa quyện giữa nét yên bình, trù phú của những cánh đồng lúa với nét mạnh mẽ, cương nghị của đá, núi, xanh mướt mát cây lá. Từ khu vực nhà sắp lễ, du khách thư thái bước trên các bậc thang để có thể cảm nhận trọn vẹn vẻ đẹp thiên nhiên nơi này. Dừng chân nơi sân chùa, du khách có thể phóng tầm mắt nhìn ra tứ phương, bao quát khung cảnh làng Yên Lộ. Ngay phía bên trái của ngôi chùa có một con đường tiếp tục dẫn lên phía đỉnh núi, nơi đặt tượng phật bà Quan âm như tạc vào trời xanh nét từ bi, hỷ xả, phổ độ chúng sinh.

Trải qua những lần trùng tu, tôn tạo, kiến trúc ngôi chùa Yên Lộ không bề thế, quy mô nhưng vẫn giữ được nét truyền thống, đặc trưng riêng. Nhà tiền đường 3 gian với 3 cửa ra vào và một hậu cung với tổng diện tích là 48m2. Mái chùa được lợp bằng ngói mũi, phía đầu mái uốn cong, bờ nóc được công phu tạo mềm mại, uyển chuyển trong kiến trúc, mỹ thuật. Các bệ thờ ở chùa Yên Lộ xây thành 5 cấp từ trong ra ngoài, các pho tượng được sắp xếp thành 5 lớp theo thứ tự từ trên xuống dưới. Ở vị trí trên cùng là 3 pho tượng Tam Thế, được đặt ở ba vị trí ngồi ngang nhau, tượng trưng cho 3 thời: phật quá khứ; phật hiện tại và phật vị lai. Lớp thứ hai là tượng A Di Đà tam tôn; lớp thứ ba là tòa Cửu Long.

Không chỉ là một thắng cảnh tiêu biểu, chùa Yên Lộ còn là di tích cách mạng ghi dấu nhiều sự kiện quan trọng trong thời kỳ Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa hoạt động bí mật (1930-1945).

Trong tiến trình lịch sử cách mạng huyện Thiệu Hóa nói riêng, xứ Thanh nói chung, cùng với các địa phương khác, làng Yên Lộ có nhiều đóng góp quan trọng, ý nghĩa. Từ năm 1925, đồng chí Ngô Ngọc Toản, người thanh niên đầu tiên của làng Yên Lộ đã được tiếp xúc với tư tưởng tiến bộ thông qua việc đọc sách báo, văn thơ đề cao tinh thần yêu nước, tham gia phong trào để tang cụ Phan Chu Trinh... Năm 1927, đồng chí là một trong số những hội viên thanh niên đầu tiên tham gia tổ chức Việt Nam Cách mạng Thanh niên ở huyện Thiệu Hóa. Đồng chí đã giác ngộ được một số người hoạt động và tin theo cách mạng, trong đó có đồng chí Lê Chủ - người con ưu tú của làng Yên Lộ. Chính những năm tháng hoạt động sôi nổi, tích cực của những con người này đã góp phần dệt nên truyền thống cách mạng đáng tự hào trên quê hương Yên Lộ gắn liền với những địa danh tiêu biểu. Giai đoạn 1930-1945, chùa Yên Lộ là địa điểm hoạt động của cán bộ cách mạng. Những năm 1935-1936, Tỉnh ủy Thanh Hóa đã nhiều lần tổ chức hội nghị củng cố tổ chức, phong trào, địa điểm họp kín của các cán bộ cách mạng trong tỉnh, huyện, tổng.

Ngôi chùa bên núi, từ cảnh sắc thiên nhiên, truyền thống cách mạng, đặc sắc văn hóa tín ngưỡng đều in đậm dấu ấn trong lòng biết bao thế hệ người dân Yên Lộ. Để dẫu có đi đâu về đâu, ngôi chùa như niềm tin tâm linh, bến đỗ tâm hồn, nẻo về nguồn cội giữa muôn dặm mưu sinh.

*Bài viết sử dụng tư liệu trong các cuốn sách: “Di tích lịch sử cách mạng tỉnh Thanh Hóa”, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Thanh Hóa, 2019, NXB Thanh Hóa, “Chùa xứ Thanh”, tập 2, 2016, NXB Thanh Hóa...

Bài và ảnh: Thảo Linh


Bài và ảnh: Thảo Linh

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]