(Baothanhhoa.vn) - Được xem là sự kết tinh của trí tuệ, tài hoa, sức sáng tạo và tinh thần dân tộc, các bảo vật quốc gia có giá trị đặc biệt quý hiếm, đòi hỏi ở hậu thế sự trân trọng, cùng thái độ ứng xử đúng mực.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Bảo vệ và phát huy giá trị bảo vật quốc gia:

Cần ứng xử đúng mực

Cần ứng xử đúng mực

Bảo vật quốc gia bia Vĩnh Lăng. Ảnh: Khôi Nguyên

Được xem là sự kết tinh của trí tuệ, tài hoa, sức sáng tạo và tinh thần dân tộc, các bảo vật quốc gia có giá trị đặc biệt quý hiếm, đòi hỏi ở hậu thế sự trân trọng, cùng thái độ ứng xử đúng mực.

Trong hàng chục công trình kiến trúc, nghệ thuật lớn nhỏ tại Lam Kinh, thì hệ thống bia ký có một vị trí hết sức đặc biệt. Không đơn thuần là nơi ghi lại thân thế, sự nghiệp của các nhân vật lịch sử; nhiều tấm bia còn là những công trình kiến trúc nghệ thuật đặc sắc, độc đáo và tinh xảo hiếm có. Một minh chứng chắc chắn và đầy sức thuyết phục cho giá trị của hệ thống bia ký này là sự hiện diện của 4 bảo vật quốc gia, gồm bia Vĩnh Lăng (bia Lê Thái tổ), bia Khôn Nguyên Chí Đức (bia Hoàng thái hậu Ngô Thị Ngọc Dao), bia Chiêu Lăng (bia Lê Thánh tông) và bia Dụ Lăng (bia Lê Hiến tông). Trong đó, mỗi tấm bia đều có giá trị lịch sử và nghệ thuật riêng, song tiêu biểu và nổi bật hơn cả phải kể đến bia Vĩnh Lăng.

Bia Vĩnh Lăng được dựng tháng 10 năm 1433 (Thuận Thiên năm thứ 6, Quý Sửu), để lưu lại hậu thế thân thế, sự nghiệp và công lao của Đức Thái tổ Cao hoàng đế Lê Lợi. Đây cũng là một trong số không nhiều di sản đã tồn tại cùng mọi sự thăng trầm của khu miếu điện Lam Kinh suốt hơn 600 năm qua. Có nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng, bia Vĩnh Lăng là một trong những công trình mở đầu cho thời kỳ phát triển mới của nền nghệ thuật điêu khắc thời Lê sơ. Tấm bia vừa có sự kế thừa tinh hoa nền điêu khắc Lý - Trần, vừa mang nhiều nét đặc trưng của nghệ thuật dân gian. Bởi vậy, cùng với các giá trị về mặt lịch sử, công trình độc bản và độc đáo này được xem là một trong những công trình kiến trúc nghệ thuật - điêu khắc tiêu biểu và có giá trị bậc nhất trong quần thể di sản Lam Kinh.

Bảo tàng tỉnh là một trong những bảo tàng cấp tỉnh có số lượng hiện vật lớn và nhiều bộ sưu tập hiện vật của các nền văn hóa tiêu biểu, đặc sắc nhất của cả nước. Các hiện vật quý đang được gìn giữ, bảo vệ và trưng bày tại bảo tàng là pho tư liệu quý, mang đến cho công chúng cách tiếp cận xuyên suốt tiến trình lịch sử Thanh Hóa. Đặc biệt, 3 bảo vật quốc gia là Kiếm ngắn núi Nưa, Trống đồng Cẩm Giang và Vạc đồng Cẩm Thủy đang được trưng bày, đã góp phần nâng tầm giá trị hệ thống hiện vật tại bảo tàng. Nếu Vạc đồng Cẩm Thủy nổi bật ở kích thước to lớn; Trống đồng Cẩm Giang được xác định là một hiện vật gốc, thuộc thời kỳ văn hóa Đông Sơn; thì Kiếm ngắn núi Nưa cũng được cho là hiện vật cổ, có “tuổi đời” hơn nghìn năm và đặc biệt nổi bật nhờ hình dáng thiết kế, họa tiết trang trí hết sức tinh xảo.

Chất liệu chế tác ra Kiếm ngắn núi Nưa là đồng, có trọng lượng chừng 0,62 kg, có hình như chiếc lá tre. Điểm tinh xảo của bảo vật này là hình tượng người phụ nữ được khắc vô cùng sống động trên chuôi kiếm. Đó là vẻ đẹp có sự dung hòa tuyệt đối giữa nét mềm mại, quyến rũ nữ tính, vừa phản ánh sức mạnh uy quyền. Nhờ đó, Kiếm ngắn núi Nưa được xem là thanh kiếm ngắn đẹp nhất, độc đáo nhất có khối tượng người cổ được tìm thấy ở Việt Nam. Đồng thời, cũng bởi các đặc trưng, tính thẩm mỹ và niên đại của nó, mà ngày nay hậu thế đã đưa ra giả thiết về mối liên hệ giữa Kiếm ngắn núi Nưa với hình tượng nữ anh hùng dân tộc Triệu Thị Trinh. Rằng đây có thể là kiếm lệnh của vị nữ thủ lĩnh – người lãnh đạo cuộc khởi nghĩa khiến toàn Giao Châu chấn động.

Là hiện vật gốc độc bản, có hình thức độc đáo và có giá trị đặc biệt về mặt văn hóa, lịch sử, khoa học; do đó, bảo vật quốc gia được bảo vệ và bảo quản theo chế độ đặc biệt, với nhiều quy định nghiêm ngặt. Một điều đáng mừng là hiện nay, cả 7 bảo vật quốc gia kể trên đang được bảo vệ, bảo quản tương đối tốt tại Bảo tàng tỉnh và Khu Di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Lam Kinh. Trong đó, các tấm bia đều có nhà bia bằng gỗ, được phục dựng trên nền móng cũ, để che chắn, bảo vệ và có thể phần nào giảm bớt sự tác động, bào mòn của nắng mưa. Còn các bảo vật tại bảo tàng cũng được trưng bày ở những vị trí, không gian phù hợp. Nhờ đó, du khách muốn tham quan, tìm hiểu hay học tập, nghiên cứu về bảo vật cũng tương đối thuận lợi. Mặc dù vậy, để các bảo vật này tiếp tục được gìn giữ, trao truyền, cũng như tạo ra nền tảng cho sự sáng tạo những giá trị văn hóa mới; thiết nghĩ, việc bảo tồn và phát huy giá trị bảo vật cần được nhìn nhận một cách thấu đáo hơn.

Quá trình bảo tồn các di sản văn hóa vật thể nói chung, bảo vật quốc gia nói riêng, giới chuyên môn đặc biệt nhấn mạnh đến tính xác thực và các giá trị về lịch sử, văn hóa của hiện vật lịch sử. Do đó, câu hỏi đang đặt ra và buộc hậu thế phải trả lời cho được. Đó là làm thế nào để ứng xử đúng tầm và mẫu mực đối với những báu vật - vốn là “gương mặt đại diện” tiêu biểu cho sự tinh tế, đa dạng, phong phú và giàu bản sắc bậc nhất của văn hóa dân tộc? Điều 59, Luật Di sản văn hóa đã nêu rõ,“Nhà nước ưu tiên đầu tư ngân sách cho các hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di tích quốc gia đặc biệt, bảo tàng quốc gia, bảo vật quốc gia, di tích lịch sử cách mạng và di sản văn hóa phi vật thể có giá trị tiêu biểu”. Đây là một cơ sở pháp lý quan trọng để chính quyền các địa phương, trong đó có Thanh Hóa, ưu tiên đầu tư kinh phí cho việc cải tạo, nâng cấp cơ sở vật chất, hạ tầng kỹ thuật phục vụ công tác bảo quản, bảo vệ, trưng bày bảo vật. Đồng thời, không thể không nhấn mạnh đến vai trò, năng lực chuyên môn, nghiệp vụ của đội ngũ cán bộ làm công tác bảo tàng, quản lý di tích hiện nay. Ngoài ra, công tác bảo quản và phát huy giá trị các bảo vật phải dựa trên căn cứ khoa học và tuân thủ các nguyên tắc có liên quan. Trong đó, việc giới thiệu bảo vật đến công chúng phải hạn chế tối đa sự tác động của con người, thời tiết và các yếu tố khách quan khác đến giá trị bảo vật...

Khôi Nguyên


Khôi Nguyên

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]