(Baothanhhoa.vn) - Thực ra không đến mức chỉ khi thằng Huếnh – đứa cháu mà tôi kể trong chuyện “Giá không có muỗi” - có xe ô tô, tôi mới được đi ké cùng nó lên huyện kiếm cốc bia, bát phở.

Cái thiệp mời bảo bối

Thực ra không đến mức chỉ khi thằng Huếnh – đứa cháu mà tôi kể trong chuyện “Giá không có muỗi” - có xe ô tô, tôi mới được đi ké cùng nó lên huyện kiếm cốc bia, bát phở.

Cái thiệp mời bảo bối

Ảnh minh họa.

Thỉnh thoảng tôi cũng có công việc phải lên tận tỉnh, dù mỗi lần đi là vô cùng ngại – lần thì bị cảnh sát giao thông phạt, lần thì bị đội trật tự khiêng cả xe về phường, lần thì mua hớ đồ ở chợ. Đúng như lũ bạn tôi càm ràm “lên đến tỉnh là... lơ ngơ như bò đội nón, nhìn mặt biết đồ nhà quê”.

Lần này thì tôi bắt buộc phải đi. Bạn về tận làng để đưa giấy mời đám cưới con trai, lại còn dặn dò chi tiết rằng cứ đi theo sơ đồ trên giấy mời là đến nhà.

Bạn cứ làm như đường xương cá ở làng vậy. Đường trên tỉnh ngang dọc như bàn cờ, vừa đi vừa hỏi mà thế quái nào tôi vẫn chui vào đường một chiều. Đang loắng ngoắng giữa dòng người đi ngược thì có mấy đồng chí mặc đồ công vụ áp sát và yêu cầu đưa xe lên vỉa hè. Một cơn ớn lạnh chạy dọc sống lưng, mồ hôi tôi túa ra và lập cập làm theo chỉ dẫn.

Các đồng chí ấy thông báo tôi đã vi phạm đi vào đường một chiều và yêu cầu tôi xuất trình giấy tờ để kiểm tra. Nói thật, không phải mình tôi đâu, nhiều người làng tôi cũng bảo, lên huyện, lên tỉnh mà phải gặp những người mặc đồ công vụ, bất kể màu xanh hay vàng là đầu óc bấn loạn, chân tay run bắn cả lên. Nhiều người được chỉ đường, hỗ trợ khắc phục sự cố xe cộ, lúc nói câu cảm ơn cũng lắp ba lắp bắp.

Lúc nghe các đồng chí ấy nói rất nhanh rằng căn cứ theo nghị định bao nhiêu ấy, thì lỗi của tôi bị phạt từ 1 đến 2 triệu đồng, rồi bị giữ giấy phép lái xe, tôi lại càng run. Ngoài tiền mừng đám cưới, vợ cho mang theo mỗi tiền đổ xăng. Run đến mức đánh rơi cả tập giấy tờ cầm trên tay.

Các đồng chí động viên tôi cứ bình tĩnh để lập biên bản và một người ngồi xuống giúp tôi thu nhặt giấy tờ, lẫn trong mấy cái giấy tờ xe nào biên lai tiền điện, giấy thu nợ của ngân hàng chính sách, giấy ghi tiền cám bã của lợn gà..., cái thiệp cưới màu hồng, trang trí cầu kỳ là nổi bật hơn cả. “Chà chà, cái thiệp cầu kỳ quá, hẳn nhà có điều kiện đây” - đồng chí ấy trầm trồ rồi tò mò mở thiệp ra xem.

Thế rồi gương mặt đồng chí ấy ngẩn ra, nhìn tôi rồi lại nhìn tấm thiệp, hồi lâu mới hỏi: “Thế cái gia đình đằng trai này có mối quan hệ thế nào với anh”.

Chết tôi rồi, lại còn thế nữa, coi chừng mà tội thêm tội. Thằng bạn tôi phải có vấn đề gì mới bị người ta truy như thế. Tôi lắp bắp: “Thì... tôi với bố chú rể... là người cùng làng... ”. “Chỉ thế thôi à?”. “Lại... học với nhau từ bé”. “Anh phải nói thật đấy”. “Tôi nào dám nói sai ạ”. “Đúng địa chỉ này chứ”. “Thưa, đúng”.

Các đồng chí đi cùng cũng tò mò nhìn cái giấy mời. Rồi hết nhìn cái giấy mời lại nhìn tôi. Giọng một đồng chí mới thật... dịu dàng: “Thế ra... anh với bố chú rể có mối quan hệ à”.

Giờ thì tôi mạnh dạn hơn: “Báo cáo, bạn thân ấy chứ”. “Bạn à?”, “Thân cơ!”. “Thân cơ à?”. “Rất thân!”. “Rất thân??”. “Rất rất thân!!”.

“Thân thế nào?”. Giờ thì tôi bình tĩnh lại rồi. Gì chứ chuyện về bạn tôi thì tôi kể lèo lèo. “Nhà nó nghèo, ngày nhỏ toàn sang ăn ké nhà tôi. Cái sẹo trên trán tôi đây, là do nó ném quả găng vào chứ đâu. Nó học giỏi, làm cán bộ, được cái nết uống rượu giỏi, rượu quê nặng thế mà vật được tôi đấy”.

Các đồng chí ấy sắp xếp gọn gàng giấy tờ cho tôi vào cái túi dít, đặt vào cốp xe, rồi nhẹ nhàng nói: “Thôi, lỗi vi phạm lần đầu, nhắc nhở anh thế, lần sau rút kinh nghiệm. Giờ anh đi theo chúng tôi..., sau đó đi đường này... rẽ trái là thấy căn biệt thự có rạp đám cưới...

Tôi mừng không nói nên lời, lắp ba lắp bắp tính cảm ơn, thì một đồng chí cúi người dặn dò: “Đây, anh giữ lấy cái giấy mời. Có tên với số điện thoại của tôi vừa ghi trên đấy, sau lên đây có việc gì chưa thạo thì cứ gọi trước để chúng tôi giúp”. “Vâng, quý hóa quá...”. “Chút nữa có gặp bố chú rể, phiền anh nói giúp câu là có gặp chúng tôi”. “Vâng, lại còn được các anh giúp đỡ tận tình”. “Thế thì quý quá. Nhớ là có gặp và được chúng tôi giúp nhé”.

Từ đấy trở đi, tôi giữ cái thiệp ấy như bảo bối, dù chưa dùng đến thêm lần nào.

Nguyên Phong


Nguyên Phong

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]