(Baothanhhoa.vn) - Thanh Hóa có hệ thống di tích phong phú, đa dạng, với nhiều di tích được xếp hạng cấp tỉnh, cấp quốc gia. Những năm qua, không thể phủ nhận nỗ lực của các địa phương trong công tác giữ gìn, phát huy giá trị các di tích. Tuy nhiên, bên cạnh đó còn có không ít di tích do đã có “tuổi đời” hàng mấy trăm năm, các cấu kiện chủ yếu bằng gỗ, lại chịu ảnh hưởng của thiên tai, bão lũ nên ngày càng xuống cấp. Bởi vậy, việc triển khai các biện pháp bảo vệ di tích, nhất là khi mùa mưa bão đã cận kề, đang là nỗi lo của nhiều địa phương.

Bảo vệ di tích mùa mưa bão

Thanh Hóa có hệ thống di tích phong phú, đa dạng, với nhiều di tích được xếp hạng cấp tỉnh, cấp quốc gia. Những năm qua, không thể phủ nhận nỗ lực của các địa phương trong công tác giữ gìn, phát huy giá trị các di tích. Tuy nhiên, bên cạnh đó còn có không ít di tích do đã có “tuổi đời” hàng mấy trăm năm, các cấu kiện chủ yếu bằng gỗ, lại chịu ảnh hưởng của thiên tai, bão lũ nên ngày càng xuống cấp. Bởi vậy, việc triển khai các biện pháp bảo vệ di tích, nhất là khi mùa mưa bão đã cận kề, đang là nỗi lo của nhiều địa phương.

Bảo vệ di tích mùa mưa bãoĐền thờ Trà Đông, xã Thiệu Trung (Thiệu Hóa) đang xuống cấp, cần sớm được trùng tu, tôn tạo nhất là khi mùa mưa bão đang cận kề.

Dù đã trải qua nhiều thăng trầm của thời gian, nhưng những kiến trúc độc đáo, những mảng chạm khắc tinh tế ở đình làng Hồ, thôn Hồng Kỳ, xã Thọ Thanh (Thường Xuân), vẫn giữ được nét sinh động và vẻ đẹp của các đề tài sinh hoạt dân gian. Tiếc rằng, hiện nay đình lại đang đứng trước nguy cơ đổ sập, nhất là các vì gỗ đã có nhiều chỗ bị mối mọt, phần mái bị dột; phần cửa chính của đình cũng bị hư hỏng, đổ nát; hệ thống các cột tường hoa thấp, phần bờ dải, bờ nóc đều bị bong tróc... Vì vừa là nơi thờ thành hoàng làng, lại là nơi sinh hoạt cộng đồng của thôn, nên nỗi bất an luôn hiện hữu, bởi không ai dám chắc các cột chống bằng gỗ có thể bảo đảm để mái đình không sập. Ông Lê Sỹ Nam, cán bộ văn hóa xã Thọ Thanh, cho biết: Đình làng Hồ là nơi thờ tự Thành hoàng làng Lê Phúc Chân và Lê Phúc Trực. Hai người từ phủ Thanh Hóa vượt sông Chu đến vùng đất Ngọc Bối (trong đó có làng Hồ xưa, nay là thôn Hồng Kỳ), nơi đất đai phì nhiêu, đồi núi trùng điệp để khai sơn phá thạch, làm ăn sinh sống và lập nên làng Hồ. Trải qua hàng trăm năm, cư dân đến đây định cư ngày càng đông đúc. Để tưởng nhớ công ơn hai vị đã có công dựng ấp, lập làng, người dân nơi đây đã lập đền thờ. Tuy nhiên, không ai nhớ rõ là đình được xây dựng từ năm nào, chỉ biết rằng đến năm 1635, đình được làm lại bằng tranh tre, nứa lá. Năm 1907, đình được tôn tạo lại và hoàn thành vào năm 1911, với kiến trúc bằng gỗ, đòn tay, rui mè bằng luồng, mái lợp bằng tranh... Ngôi đình hiện đang xuống cấp, cần sớm được trùng tu, tôn tạo lại. Tuy nhiên, do kinh phí của địa phương có hạn, trong khi việc huy động xã hội hóa còn khó khăn, nên mỗi năm vào mùa mưa bão, địa phương chỉ có thể tiến hành gia cố, che chắn, chống đỡ, néo giữ, xử lý mối mọt; chủ động di dời các hiện vật ở những nơi ẩm thấp, có nguy cơ bị hư hại đến những nơi khô ráo hơn...

Triển khai các giải pháp, huy động các nguồn lực để tu sửa những chỗ xuống cấp của di tích như: trùng tu, tôn tạo sơ bộ, di tích xuống cấp chỗ nào thì trám chỗ đó; lợp lại ngói hoặc căng bạt dưới mái để chống dột, lắp thêm cột, kèo, đòn tay... là cách mà xã Thiệu Trung (Thiệu Hóa), đang thực hiện ở di tích đền thờ Trà Đông. Theo sử sách ghi lại, đền thờ Trà Đông, gắn liền với ông Nguyễn Minh Không - một nhân vật huyền thoại được mệnh danh là ông tổ của nghề đúc đồng nổi tiếng nơi đây. Đền được xây năm 1943, khánh thành năm 1946 kiến trúc theo kiểu chữ “đinh”, bên ngoài là một phòng rộng không cột, tiếp đó là ba gian chạy dọc, gian giữa là sập hội đồng. Gian này cách với gian trong cùng một lần cửa. Gian trong cùng đặt tượng thánh Khổng và các đồ tế khí. Hai vị tiên hiền họ Lê và họ Vũ thì thờ ở hai bên bệ gạch của gian ngoài cùng. Mặt tiền của ngôi đền xây đắp theo kiểu “tân thời”, các ô chắn mái có đắp nổi ba cảnh của tổ sư đi lấy kinh Phật, tổ sư đi lấy đồng và tổ sư truyền nghề đúc đồng. Một bức đại tự đắp nổi nằm chính giữa mặt tiền mang chữ “Tối linh quang từ” (tức là ngôi đền cực thiêng liêng). Từ bao đời nay, ngôi đền không chỉ là nơi sinh hoạt văn hóa tâm linh của bà con trong xã; mà còn thu hút khá đông khách du lịch đến tham quan, tìm hiểu về nghề đúc đồng. Tuy nhiên, do thời gian tàn phá, ảnh hưởng của thiên tai, bão lũ và chưa trùng tu, tôn tạo kịp thời, nên hầu như toàn bộ kết cấu ngôi đền đã bị xuống cấp, nhất là phần mái ngói bị dột khi trời mưa. Dàn đòn tay, rui, lách nhiều đoạn bị mối mọt làm ảnh hưởng kết cấu chịu tải của toàn bộ ngôi đền...

Theo số liệu thống kê, Thanh Hóa hiện có hơn 1.500 di tích lịch sử văn hóa, danh lam thắng cảnh đã được xếp hạng và kiểm kê bảo vệ. Thời gian qua, mặc dù các địa phương, các cấp, các ngành đã quan tâm đến việc tu bổ, tôn tạo các hạng mục nhưng nhiều di tích vẫn bị xuống cấp nghiêm trọng. Đặc biệt cứ vào mùa mưa bão các di tích này cùng chính quyền địa phương lại phải “gồng mình” vượt qua, chẳng hạn như: đền thờ Hoàng Giáp Lê Bật Tứ, thị trấn Nưa (Triệu Sơn); đền Thiều, xã Cầu Lộc (Hậu Lộc); di tích Hoa Thương hội quán (TP Thanh Hóa); đình Hội Hiền, xã Tây Hồ (Thọ Xuân)...

Các di tích lịch sử đã góp phần giáo dục truyền thống, đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng, tâm linh, nâng cao đời sống tinh thần cho người dân. Đồng thời, trở thành nguồn lực quan trọng góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Bởi vậy, để di tích không bị hư hại, xuống cấp thêm trong mùa mưa bão, rất cần các chính sách và giải pháp vừa có tính trước mắt, vừa lâu dài, để tiến hành trùng tu, tôn tạo và phát huy giá trị.

Bài và ảnh: Nguyễn Đạt



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]