(Baothanhhoa.vn) - Thôn Phú Nhuận thuộc xã Phú Nhuận (Như Thanh) hiện có 191 hộ với 756 nhân khẩu, trong đó người Mường chiếm gần 80% dân số. Trong những năm qua, cùng với việc thực hiện hiệu quả các phong trào thi đua phát triển kinh tế, việc giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống của người Mường nơi đây cũng luôn được cấp ủy, chính quyền và người dân đặc biệt coi trọng.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Bảo tồn văn hóa dân tộc Mường ở thôn Phú Nhuận

Thôn Phú Nhuận thuộc xã Phú Nhuận (Như Thanh) hiện có 191 hộ với 756 nhân khẩu, trong đó người Mường chiếm gần 80% dân số. Trong những năm qua, cùng với việc thực hiện hiệu quả các phong trào thi đua phát triển kinh tế, việc giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống của người Mường nơi đây cũng luôn được cấp ủy, chính quyền và người dân đặc biệt coi trọng.

Bảo tồn văn hóa dân tộc Mường ở thôn Phú Nhuận

Một số tiết mục văn nghệ của Câu lạc bộ Bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Mường thôn Phú Nhuận (xã Phú Nhuận, Như Thanh).

Hòa chung vào không khí vui tươi, phấn khởi trong buổi ra mắt Câu lạc bộ (CLB) Bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Mường thôn Phú Nhuận, vừa tổ chức cách đây chưa lâu, ai cũng cảm nhận được niềm vui xen lẫn tự hào của đồng bào mình. Được khơi dậy bản sắc của người Mường như: đánh chiêng, thổi sáo, ca hát, múa... ai cũng thấy háo hức, phấn chấn. Núi cao vời, rừng xanh thẳm, suối mát trong, chim trên cành... dường như cũng phải gác lại thứ thanh âm bản năng quen thuộc để say đắm theo những lời ca, điệu múa của bà con bản mường.

Với người Mường, ngay từ khi lọt lòng mẹ đã được nghe câu hát Xường, nghe tiếng trống, tiếng chiêng khua rộn ràng, thấy múa cây bông, chơi đánh mảng... Vì thế, văn hóa truyền thống bản địa giống như một dòng chảy tự nhiên cứ thế thấm sâu vào trong mỗi tâm hồn, trái tim đồng bào Mường da diết, khôn nguôi. Văn hóa đã tạo cho người Mường những giá trị đặc sắc, vô giá mà chỉ có người Mường mới là chủ thể bảo vệ nét văn hóa riêng có của dân tộc mình.

Tuy nhiên, vẫn còn một bộ phận thanh niên hiện nay không tha thiết với phong tục tập quán của cha ông. Thế nên, để văn hóa Mường không có nguy cơ bị mai một, cũng như để khẳng định vai trò sứ mệnh lịch sử của mình, CLB Bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Mường thôn Phú Nhuận đã được thành lập với tư cách là một tổ chức xã hội tự nguyện. CLB có chức năng, nhiệm vụ hướng dẫn các đoàn thể trong thôn tập luyện, tổ chức sinh hoạt chuyên đề. Phát hiện, bồi dưỡng những người có năng khiếu tham gia vào CLB, thường xuyên luyện tập để phục vụ phong trào và tham gia giao lưu, các hội thi, hội diễn. Tuyên truyền, vận động, giáo dục cho người dân, thu hút ngày càng đông các đối tượng tham gia vào CLB để nâng cao đời sống tinh thần. Chấp hành các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, thực hiện nhiệm vụ phát triển văn hóa, văn nghệ ở cơ sở. Chăm lo bồi dưỡng các thế hệ trẻ nhằm giữ gìn, bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc Mường.

Ban đầu, số hội viên tham gia CLB là 42 người, sau 2 tháng đi vào hoạt động đã tăng lên 48 người. Trong đó, hội viên có độ tuổi thấp nhất là 30 tuổi, cao nhất là 70 tuổi, hai phần ba là nữ. CLB thường xuyên duy trì sinh hoạt định kỳ 1 tháng/lần. Nội dung trong mỗi lần sinh hoạt CLB đưa ra là nhằm xây dựng kế hoạch hoạt động, tập luyện các tiết mục văn hóa, văn nghệ sưu tầm được hoặc sáng tác mới gắn với nhiệm vụ chính trị của thôn. Các tiết mục tập trung ca ngợi Đảng, Bác Hồ, ca ngợi vẻ đẹp núi rừng miền Tây xứ Thanh cũng như truyền thống văn hóa, nét sinh hoạt rất đỗi quen thuộc của dân tộc Mường.

Được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền huyện Như Thanh và xã Phú Nhuận, CLB Bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Mường thôn Phú Nhuận đã tích cực sưu tầm, bảo tồn những bản sắc văn hóa của đồng bào dân tộc Mường như: Trang phục, nhạc cụ (trống, chiêng, sáo trúc...), công cụ lao động, các trò chơi truyền thống (đánh mảng...), phục dựng các bài dân ca Mường (hát Xường, hát ru...) và văn hóa ẩm thực dân tộc Mường (cá nướng, măng đắng, chả quấn lá bưởi...). Các thành viên cao tuổi trong CLB thường xuyên trao đổi, hướng dẫn, truyền dạy những bài ca, điệu múa, những nét văn hóa đặc sắc của người Mường cho lớp trẻ nhằm tạo nguồn kế cận. Bên cạnh đó, các tiết mục sưu tầm được cũng như các sáng tác mới đều được CLB giữ lại in thành sách tư liệu để lưu truyền vốn quý cho con cháu đời sau. CLB cũng đã cử ra một đội tham gia trò chơi dân gian đánh mảng và một đội văn nghệ chuyên đi biểu diễn ở khắp nơi trong xã, trong huyện, đáp ứng nhu cầu sáng tạo và hưởng thụ văn hóa, văn nghệ của Nhân dân.

Không những vậy, bằng nguồn đóng góp của hội viên CLB và nguồn xã hội hóa đã đầu tư bước đầu được một bộ nhạc cụ cồng chiêng, trống, sáo trúc để các hội viên tập luyện, biểu diễn. Tuy nhiên, số hội viên thì đông, số nhạc cụ thì ít, nên khi tham gia các lễ hội, các cuộc thi, hay giao lưu văn hóa, văn nghệ không có đủ nhạc cụ biểu diễn. Không gian sinh hoạt lại không có, hiện CLB đang phải mượn tạm hội trường nhà văn hóa của thôn để hoạt động...

Ông Bùi Văn Biên, Trưởng thôn Phú Nhuận kiêm Chủ nhiệm CLB Bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Mường thôn Phú Nhuận, cho biết: Việc thành lập CLB có ý nghĩa quan trọng. Các hạt nhân văn nghệ thông qua CLB có cơ hội tiếp cận bảo tồn, phát huy văn hóa truyền thống kết hợp với xóa bỏ các hủ tục, tệ nạn xã hội, không ngừng cải thiện và nâng cao mức hưởng thụ văn hóa của bà con Nhân dân. Tạo nền tảng động lực tinh thần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo trật tự an toàn xã hội ở địa phương. Để khắc phục khó khăn, ban chủ nhiệm CLB đang tiếp tục tuyên truyền, vận động kêu gọi đóng góp theo hướng xã hội hóa để công tác bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Mường đạt hiệu quả. Thôn cũng đang có kế hoạch tổ chức một không gian văn hóa riêng trưng bày các hiện vật, dụng cụ trong sinh hoạt, lao động sản xuất của người Mường. Bên cạnh đó từng bước khôi phục nghề và tiến tới thành lập tổ dệt thổ cẩm dân tộc Mường. Đồng thời, nghiên cứu, tìm hiểu mo Mường để có hướng khôi phục và bảo tồn vốn quý của cha ông để lại.

Được biết, thôn Phú Nhuận đã được công nhận thôn nông thôn mới vào năm 2020 và đang phấn đấu xây dựng thôn nông thôn mới nâng cao vào năm 2023. Trong đó, tiêu chí văn hóa không chỉ là bản sắc của người Mường nơi đây, mà vừa là mục tiêu vừa là động lực quan trọng giúp thôn Phú Nhuận hoàn thành các cấp độ trong xây dựng nông thôn mới.

Bài và ảnh: Ngọc Anh


Bài và ảnh: Ngọc Anh

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]