(Baothanhhoa.vn) - Với sự phong phú, độc đáo và giàu giá trị, các di sản văn hóa phi vật thể (DSVHPVT) là một tấm gương sinh động, phản chiếu đời sống tinh thần cộng đồng. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân khách quan lẫn chủ quan mà đã có không ít di sản rơi vào quên lãng, hoặc đang đối diện với nguy cơ mai một.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Ngày Di sản văn hóa Việt Nam 23-11:

Bảo tồn các di sản văn hóa trước nguy cơ mai một

Bảo tồn các di sản văn hóa trước nguy cơ mai một

Cồng chiêng – loại hình nghệ thuật dân gian đặc sắc của dân tộc Mường. Ảnh: khôi nguyên

Với sự phong phú, độc đáo và giàu giá trị, các di sản văn hóa phi vật thể (DSVHPVT) là một tấm gương sinh động, phản chiếu đời sống tinh thần cộng đồng. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân khách quan lẫn chủ quan mà đã có không ít di sản rơi vào quên lãng, hoặc đang đối diện với nguy cơ mai một.

Từng có một thời, hò Sông Mã được ví như một đại diện tiêu biểu cho nghệ thuật trình diễn dân gian xứ Thanh. Giống như nhiều loại hình nghệ thuật dân gian khác, hò Sông Mã cũng ra đời từ trong quá trình lao động, hay là thành quả từ sự kết tinh mồ hôi và trí tuệ của cư dân vùng sông Mã. Song, điểm khác là hò Sông Mã chỉ hay, chỉ đẹp, chỉ sống động, đặc sắc, chỉ giàu sức sống và sức biểu cảm khi được “trình diễn” ngay trong lao động, hay theo những chuyến đò ngược xuôi sông Mã. Mỗi câu hò đều thấm đẫm mồ hôi của các trai đò và quyện cùng con nước mỗi khi lên thác xuống ghềnh, hay xuôi theo dòng nước hiền lành chảy về phía hạ lưu. Lời ca có đôi khi là sự ngẫu hứng theo tâm trạng người hát, gắn với động tác và bối cảnh lao động. Nhưng cũng có đôi khi, người hát “lẩy” ca từ trong kho tàng ca dao, tục ngữ, dân ca dân gian. Cũng từ đó mà hò Sông Mã có được loại “ngôn ngữ thi ca” khá dung dị, gần gũi nhưng cũng không kém phần tinh tế. Hò Sông Mã được kết cấu bằng một hệ thống làn điệu mang tính nguyên hợp, không phân tách, với 5 chặng rõ rệt, gồm hò rời bến, hò đò ngược, hò mắc cạn, hò đò xuôi và hò cập bến. Tất cả khiến cho hò Sông Mã khác với câu hò xứ Nghệ, câu ca xứ Huế hay khúc đờn ca tài tử trên vùng sông nước Nam bộ. Hò Sông Mã là bài ca lao động, dẫu đầy vất vả, nhọc nhằn nhưng không thiếu vắng niềm vui, tiếng cười, sự hào sảng và khoái hoạt.

Nhưng rồi, khi những chuyến đò ngược xuôi sông Mã dần vắng bóng, thì “sân khấu trình diễn” đích thực của hò Sông Mã cũng theo đó mà biến mất. Vài năm trở lại đây, loại hình nghệ thuật trình diễn dân gian đặc sắc này chỉ thi thoảng xuất hiện trong vài sự kiện văn hóa hay chương trình nghệ thuật của tỉnh. Tuy nhiên, bấy nhiêu chỉ đủ để người ta nhắc nhớ về nó, chứ không đủ để làm sống dậy trọn vẹn, đủ đầy vẻ đẹp và giá trị của một di sản văn hóa giàu giá trị. Và rồi, không chỉ hò Sông Mã, Thanh Hóa còn có hàng trăm lễ hội, trò chơi, trò diễn, âm nhạc, văn học dân gian, phong tục tập quán, tri thức dân gian... hàm chứa vô vàn các giá trị văn hóa bản địa, cũng đã tiêu biến hoàn toàn hoặc đang dần mai một. Trong đó phải kể đến các lễ hội Đền Ông, Đền Bà, Hang Ma của dân tộc Thái huyện Quan Hóa; các lễ hội Mùa Xuân, Tẩy Trần của dân tộc Mông huyện Mường Lát; hay trò chơi, trò diễn Khua Luống dân tộc Thái, Phường Bùa dân tộc Mường, hát đồng dao dân tộc Thổ, hát Tơm dân tộc Khơ Mú, hát Gầu tào, hát giao duyên, dân ca, dân vũ trong lễ dựng núi dân tộc Mông...

Có ý kiến cho rằng, nếu như di sản văn hóa vật thể là những “hiện vật lịch sử”, phản ánh quá khứ lịch sử của một dân tộc; thì di sản văn hóa phi vật thể lại là những truyền thống văn hóa đang sống, vừa tương đối ổn định vừa mang tính động. Các di sản phi vật thể nổi bật và tiêu biểu như lễ hội, phong tục tập quán, tôn giáo, tín ngưỡng, ngôn ngữ, văn chương, nghệ thuật trình diễn... được tích lũy và tái tạo trong cộng đồng, qua nhiều thế hệ. Để rồi, cùng với các di sản văn hóa vật thể, tạo ra chiều sâu, bề dày và các giá trị chân, thiện, mỹ cho một nền văn hóa. Đồng thời, các di sản văn hóa, trong đó có di sản phi vật thể, đã trở thành sợi dây vô hình, có khả năng gắn kết các cá nhân trở thành một cộng đồng tồn tại lâu dài và bền chặt. Tuy nhiên, không phải ở đâu và lúc nào, vai trò, ý nghĩa của văn hóa cũng được hiểu đúng và đặt đúng vị trí tương xứng. Cũng vì sự thờ ơ và bất lực trong việc gìn giữ vốn văn hóa cha ông, mà không ít DSVHPVT đã hoàn toàn biến mất khỏi đời sống của chính cộng đồng đã sản sinh, nuôi dưỡng, trao truyền và hưởng thụ vốn văn hóa ấy.

Cách đây vài năm, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã thực hiện một đợt kiểm kê di sản. Theo đó, chỉ tính riêng 6 địa phương là Hà Trung, Thường Xuân, Thạch Thành, Vĩnh Lộc, Sầm Sơn và Quan Sơn, đã có 58/194 di sản có nguy cơ mai một và 41 di sản đã mai một hoàn toàn. Các di sản này thuộc 7 loại hình là ngôn ngữ, ngữ văn dân gian, nghệ thuật trình diễn dân gian, tập quán xã hội, lễ hội truyền thống, nghề thủ công truyền thống và tri thức dân gian. Số lượng các DSVHPVT đang tồn tại và phát huy giá trị, chiếm chưa đến 50% tổng số di sản được kiểm kê. Những con số đó đã phần nào phản ánh thực trạng tồn tại và tiêu biến của nhiều DSVHPVT trong đời sống cộng đồng hiện nay. Để khắc phục tình trạng trên, những năm gần đây, việc kiểm kê di sản và lập hồ sơ khoa học đối với những di sản tiêu biểu để đưa vào danh mục DSVHPVT quốc gia, đang được ngành văn hóa và các địa phương quan tâm. Theo đó, Thanh Hóa đã có nhiều di sản được vinh danh, tiêu biểu là Trò Xuân Phả, Trò Chiềng, Dân ca - dân vũ Đông Anh, lễ hội Cầu Ngư Diêm Phố, Kin Chiêng Bọoc Mạy, Pồn Pôông... Đồng thời, việc sưu tầm, bảo lưu, gìn giữ các DSVHPVT cũng đã có được nhiều kết quả bước đầu quan trọng. Theo đó, đã có hàng trăm lễ hội truyền thống, trò chơi, trò diễn dân gian, dân ca dân vũ, chữ viết, ca dao, tục ngữ, truyện thơ đặc trưng cho các dân tộc Kinh, Thái, Mường, Mông, Dao, Thổ được khôi phục và ngày càng phát huy giá trị trong đời sống.

Mặc dù vậy, so với yêu cầu đặt ra thì việc đầu tư cho công tác sưu tầm, nghiên cứu, phục dựng và kiểm kê, lập hồ sơ di sản, hiện vẫn chưa tương xứng. Trong khi đó, ngành chức năng và nhiều địa phương đã xây dựng các phương án cũng như đề ra nhiều giải pháp nhằm bảo tồn, gìn giữ, phát huy giá trị các di sản. Song có không ít giải pháp vẫn chưa đi vào thực tế và mang lại hiệu quả thiết thực. Ví như di sản hò Sông Mã, để có được bộ tư liệu gốc chính xác, đầy đủ về nguồn gốc, giá trị và quá trình hình thành, tồn tại, thậm chí là mai một của nó, hiện là rất khó. Thiếu hồ sơ khoa học về di sản, trong khi những nghệ nhân nắm giữ được cái hồn cốt của di sản cũng không còn nhiều. Cùng với đó, dù tỉnh ta đã đưa tuyến du lịch “Ngược xuôi sông Mã” vào khai thác được vài năm nay. Thế nhưng, tour du lịch này cũng chưa “tích hợp” được các DSVHPVT, trong đó có hò Sông Mã vào chương trình trải nghiệm để phục vụ du khách. Do vậy, để các DSVHPVT không bị rơi vào quên lãng, hoặc đối diện với nguy cơ mai một, thiết nghĩ, cần nhiều hơn nữa nguồn lực đầu tư từ Nhà nước và xã hội. Đồng thời, cần đặc biệt khơi dậy, đề cao nhận thức và tinh thần trách nhiệm của chính cộng đồng có di sản trong việc gìn giữ và trao truyền di sản ấy cho thế hệ sau.

Khôi Nguyên


Khôi Nguyên

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]