(Baothanhhoa.vn) - Cách đây hơn một tuần, lúc bấy giờ trời đã rất khuya, tôi đang mơ màng thì nghe chuông điện thoại. Cầm máy lên và cũng rất khó chịu thì tiếng người ở đầu dây bên kia vọng lại.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Bài thơ và chuyện cũ

Cách đây hơn một tuần, lúc bấy giờ trời đã rất khuya, tôi đang mơ màng thì nghe chuông điện thoại. Cầm máy lên và cũng rất khó chịu thì tiếng người ở đầu dây bên kia vọng lại.

- Bác có phải là nhà văn Kiều Vượng không ạ? Sau tiếng vâng của tôi là một hồi dài, anh ta nói liên tục.

- Cảm ơn bác. Em là giáo viên Trường THPT Tĩnh Gia 1. Em đã được gặp bác một lần cách đây mấy năm khi bác về thăm trường và nói chuyện văn học địa phương với thầy và trò trường em. Biết là khuya nhưng vẫn phải quấy rầy bác vì nhà em hôm nay có giỗ một bà cô hy sinh trong kháng chiến chống Mỹ. Trong dòng họ, anh em còn lưu truyền nhiều đoạn thơ viết ca ngợi liệt sĩ Lê Thị Kiềm cách đây 53 năm. Người nhớ đoạn này, người nhớ đoạn kia nên trong họ đều thống nhất xin hỏi lại bác một là có đúng bác là tác giả bài thơ “Người em gái Tĩnh Gia” hay không? Nếu đúng bác là tác giả hoặc không phải mà bác vẫn nhớ thì xin bác cho ghi lại để dòng họ làm lưu niệm tự hào. Tất cả mong chờ và cảm ơn bác. Tôi hoảng hốt nói ngay:

Tôi có đọc bài thơ ấy và không biết còn nhớ được đoạn nào không. Còn tác giả bài thơ “Người em gái Tĩnh Gia” là của anh Bùi Khắc Nữu quê ở xã Tân Dân, Tĩnh Gia. Lúc bấy giờ anh là cán bộ thi đua trong phòng tổ chức mà tôi phụ trách. Tôi nhớ có một đêm sau trận bom rung chuyển từ phía cầu Hàm Rồng thì anh Bùi Khắc Nữu có cầm tập giấy đến phòng đọc cho tôi nghe bài thơ anh mới viết. Tôi cảm ơn thầy giáo đã hỏi. Việc có chép lại được bài thơ hay không là còn tùy vào trí nhớ, vì bài thơ này chưa in ở đâu và hầu như đã vào quên lãng lâu rồi. Sau cuộc trò chuyện dài ấy, tôi không sao chợp mắt được nữa. Hình ảnh cuộc chiến tranh với những chiếc thuyền nan đầy ắp quân lương cùng những đoàn quân mượt ánh tóc dài trên dòng kênh nhà Lê cứ ám ảnh thức dậy trong tôi.

Chuyện là năm 1965, khi xảy ra cuộc chiến tranh phá hoại của giặc Mỹ trên miền Bắc, Thanh Hóa trở thành trọng điểm đánh phá ác liệt. Lúc bấy giờ Trung ương giao cho Thanh Hóa phải vận chuyển 2/3 quân lương vào chiến trường miền Nam. Thanh Hóa đã quyết định thành lập Công ty Vận tải thuyền nan chống Mỹ với hơn 10.000 người và đan 5.000 chiếc thuyền nan vận chuyển. Tỉnh ủy đã giao cho bảy huyện miền núi phải khai thác đủ số lượng luồng, nứa, song, mây để đảm bảo vận chuyển kịp về trung tâm đan thuyền, đồng thời cũng giao cho 18 xã huyện Thiệu Hóa tập trung toàn bộ nhân lực đan đủ số thuyền được giao.

Cuối năm 1965, do huy động quân số không kịp với yêu cầu nên Tỉnh ủy đã quyết định rút thêm năm trăm thanh niên xung phong từ Sân bay Sao Vàng về làm nhiệm vụ vận tải. Lần ấy tôi được giao đi nhận số lượng thanh niên xung phong trên đưa về xã Phong Lộc (Hậu Lộc) để tập chèo thuyền khẩn trương chở hàng vào chiến trường. Trong số người ấy có cô Lê Thị Kiềm, người Tĩnh Gia; chị Tống Thị Đãi, C phó đoàn Hậu Lộc 3, sau chiến tranh đã trưởng thành vào Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh và làm Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh. Cuộc chiến tranh ngày càng khốc liệt. Nơi bốc hàng đi có hàng ngàn con thuyền trong đêm là từ bến Voi xã Quảng Thịnh (Quảng Xương), nay thuộc TP Thanh Hóa. Thuyền phải đi trên chín dòng sông kênh và vượt ba cửa biển dài 260km để vào địa điểm chợ Củi nơi giáp ranh giữa Sông Lam và Sông La của Nghệ An và Hà Tĩnh. Bến giao hàng chợ Củi ngày ấy chính là Đền Ông Hoàng Mười mà bây giờ hàng năm có tới hàng vạn người đến thắp hương thờ cúng. Theo tôi biết, cô Kiềm hy sinh vào tháng 3-1966 tại kênh Than huyện Tĩnh Gia khi đoàn thuyền của đơn vị đang vào tuyến. Anh Bùi Khắc Nữu kể lại với tôi: Hôm ấy trời nắng nóng, máy bay AD6 của Mỹ thả bom phá trước và hình như chúng phát hiện ra đoàn thuyền nên đã gọi thêm máy bay khác đến ném bom Napan. Khi cả đơn vị đang cứu hàng thì có người la: “Nhanh lên cứu người đang bị lửa thiêu trên bờ”. Đó chính là cô Kiềm đang vác bì gạo 50kg trên vai chạy lên bờ cát thì bị lửa Napan cháy theo. Kiềm vẫn chạy, lửa vẫn cháy và khi cô vứt được bì gạo xuống bãi cát thì toàn thân cô đã thành một khối lửa. Khi đơn vị đến cứu thì thân Kiềm chỉ còn là một cục than đỏ. Bài thơ “Người em gái Tĩnh Gia” ra đời trong hoàn cảnh ấy và mỗi lần đọc lại anh Bùi Khắc Nữu đều khóc. Tôi đã được đọc vài ba lần trong tập bản thảo viết loằng ngoằng của anh Bùi Khắc Nữu. Có điều anh cứ bảo rằng thơ mình viết để anh em mình đọc cho vui chứ in ấn làm gì.

Chuyện đã hơn nửa thế kỷ rồi, anh Bùi Khắc Nữu cũng đã ra đi cách đây được ba năm, thọ 85 tuổi. Đêm nay, từ lúc nhận được cuộc điện thoại của thầy giáo tôi đã ngồi bật dậy lục trong trí nhớ xa xưa để chép ra đây bài thơ cũ ấy. Một đêm kỳ lạ - đêm 8 rạng ngày 9 tháng 7 năm 2018. Nếu có đoạn nào sơ suất mong được gia đình dòng họ của thầy giáo thông cảm.

Bài thơ như sau:

NGƯỜI EM GÁI TĨNH GIA

Em không còn nghe lời thơ anh viết

Nét mực tươi như dòng máu quê hương

Lửa cháy toàn thân lòng vẫn kiên cường

Ơi người em gái đồng hương

Thù nhà nợ nước, đôi đường vẹn đôi

Cầu Hang lửa hận sục sôi

Bãi dừa Hải Lĩnh không nguôi căm hờn

Mười tám tuổi thơ

Em theo cờ cứu nước

Đi công trường 101

Mở đường cho Tổ quốc bay cao

Đẹp biết bao tuổi trẻ khát khao

Người sông nước em trở về sông nước

Mái chèo khua như chân ai vội bước

Chở hàng đi giải phóng quê hương

Ngờ đâu một sáng tháng ba

Máy bay giặc Mỹ mò ra bắn thuyền

Chẳng lo cho tấm thân em

Chỉ lo bom đạn thủng thuyền nước vô

Em đưa thuyền gạo lên bờ

Bom gầm không sợ chỉ lo ướt hàng

Chiều hôm ấy hoàn thành nhiệm vụ

Lửa quân thù đốt mái tóc xanh

Lửa thù đốt tuổi thành niên

Đốt thân gái nhỏ em Kiềm của ta

Ơi người em gái Tĩnh Gia

Em không còn thấy quê nhà nữa đâu

Cả quê hương đánh tàu bay giặc

Xác quân thù đáy biển dìm sâu

Lửa từ phà Ghép Hải Châu

Những quân quỷ Mỹ lao đầu xuống sông

Cả quê hương một lòng một dạ

Vững tay chèo tất cả thay em

Thay em cầm lái con thuyền

Trên sông như vẫn có em chở hàng

Kiềm ơi từ dưới suối vàng

Có nghe nhịp sóng Kênh Than đều đều

Thương em càng vững tay chèo vì em.

Tháng 5-1966


Kiều Vượng

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]