(Baothanhhoa.vn) - Cuối năm 2021, khi cuốn sách “Bài thơ của một người yêu nước mình” được trao giải B Giải thưởng Sách quốc gia năm 2020, những người yêu Trần Vàng Sao đã thực sự vui mừng. Vui mừng bởi sau nhiều năm dè dặt nhắc tên Trần Vàng Sao thì nay đã được ghi nhận một cách chính thức, công bằng và xứng đáng.

Tin liên quan

Đọc nhiều

“Bài thơ của một người yêu nước mình”

Cuối năm 2021, khi cuốn sách “Bài thơ của một người yêu nước mình” được trao giải B Giải thưởng Sách quốc gia năm 2020, những người yêu Trần Vàng Sao đã thực sự vui mừng. Vui mừng bởi sau nhiều năm dè dặt nhắc tên Trần Vàng Sao thì nay đã được ghi nhận một cách chính thức, công bằng và xứng đáng.

Tên tập sách cũng là tên bài thơ đã được sáng tác vào tháng 12-1967 khi ông đang ở trên chiến khu đầu nguồn sông Hương. 32 bài thơ, hầu hết đã được in trên Tạp chí Sông Hương, Tạp chí Thơ và một số bài lần đầu công bố... được in trong cuốn sách dày dặn hơn 200 trang là tiếng thơ trĩu nặng những tâm sự và thao thức của nhà thơ Trần Vàng Sao.

Cuộc đời ông là những thăng trầm nổi trôi. “Trần Vàng Sao đã từng bị nghi ngờ, nhưng rồi ông đã cho thấy ông yêu nước theo cách của mình, yêu nước đến tận cùng, sống hết mình, bằng tất cả tình yêu chân chính của một trái tim cởi mở” (Nguyễn Quang Thiều).

Đọc thơ ông ta thấy rõ những quan niệm về đất nước và Nhân dân xuyên qua cuộc chiến tranh với tất cả sự dữ dội, tàn khốc, trần trụi đến mức tàn nhẫn, với bao nhiêu người đã chôn vùi sự sống và tuổi thanh xuân của mình trong đó, nhưng không phải để bi quan, hư vô đến vô nghĩa mà luôn có cái nhìn ấm áp ở tương lai.

Ở đó là người đàn bà úp mặt vào vạt áo, nghiêng lưng trút cái gánh xuống và vén vạt áo sau lau mặt, nhưng:

cây đèn dầu hỏa không có bỏng ngọn

cứ chớp chớp lòa lòa

người đàn bà mở cửa giữa đưa tay

che ngọn đèn thắp hương lên

bàn thờ.

(Mạ ơi)

Ngày mai có hòa bình

tôi nói với anh em bè bạn

có anh em như có tôi hôm nay

ngày mai có hòa bình

thôi em đừng ngơ ngác

hai cánh tay tôi bơ vơ suốt đời tôi rồi

tả tơi và đau lắm em ơi

ngày mai có hòa bình

có thấy nhớ nhau mà về không

mùa thu qua rồi

trời ở Huế tháng mười một tháng chạp nắng còn to.

(Gọi tìm xác đồng đội)

“Bài thơ của một người yêu nước mình” đã có thời kỳ bị săm soi, phán xét, thậm chí nghi ngờ nhưng cũng chính bài thơ đã “hóa giải” cho ông về một tình yêu có sức ám ảnh lớn: Tình yêu Tổ quốc. Mở đầu bằng hình ảnh rất đẹp, rất thanh bình của đất nước: “Gió thổi những bông nứa trắng bên sông/ mùi tóc khô còn thơm mùa lúa qua/ bầy chim sẻ đậu trước sân nhà”. Từ tình yêu quê hương tuổi thơ gắn với bao buồn tủi, nhọc nhằn, ông đã hướng ra đường chân trời của suy tư và khát vọng. Nỗi đau càng lớn thì hình ảnh người mẹ tảo tần, chịu khó, chịu thương càng trở đi trở lại, khát vọng làm người, khát vọng về đất nước “bốn ngàn năm nằm gai nếm mật/ một tấc lòng cũng trứng Âu Cơ/ một tiếng nói cũng đầy hồn Thánh Gióng” sẽ được hồi sinh và phát triển:

“... Đất nước này còn chua xót

nên trông ngày thống nhất

cho bên kia không gọi bên này là người miền Nam

cho bên này không gọi bên kia là người miền Bắc

lòng vui hôm nay không thấy chật

tôi yêu đất nước này chân thật

như yêu căn nhà nhỏ có mẹ của tôi

như yêu em nụ hôn ngọt trên môi

và yêu tôi đã biết làm người

cứ trông đất nước mình thống nhất”.

Những vần thơ ra đời gần 8 năm trước ngày miền Nam giải phóng và đến hôm nay, sau 47 năm ngày đất nước thống nhất đọc lại vẫn đầy xúc cảm. Thơ ông được chưng cất từ tấm lòng của một người luôn đau đớn về thế giới bên mình, là sự tự vấn của một người đàn ông tuổi Tỵ cô độc: “hai ba ngày một tuần một tháng có khi không đi đâu hết/ một hai ba giờ sáng thức dậy ngồi vác mặt ngó trời nghe chó sủa/ miếng nước trà mốc nguội có mùi bông lài rát cổ/ cũng không có chi phiền...” (Người đàn ông bốn mươi ba tuổi nói về mình).

Nếu thơ là căn cước của Trần Vàng Sao thì bài thơ này là “bản lý lịch” của một người yêu nước. Ở đó hiện lên tất cả các mối quan hệ, những nghĩ suy, hy vọng của một công dân yêu nước, một nhà thơ. Tập thơ có rất ít bài thơ vui, thậm chí ít câu vui, những con chữ tự do, không vần điệu, không cố định số từ, số câu đã tạo nên những ấn tượng mạnh về hình ảnh, sự đồng cảm với người đọc. Những câu thơ: “Tôi yêu đất nước này khôn nguôi/ Tôi yêu mẹ tôi áo rách/ Chẳng khi nào nhớ tuổi mình bao nhiêu/ Tôi bước đi/ Mưa mỗi lúc một to/ Sao hôm nay lòng thấy chật/ Như buổi sáng mùa đông chưa thấy mặt trời mọc/ Con sông dài nằm nhớ những chặng rừng đi qua”, đủ để chúng ta trân trọng ông.

Cả một đời sống trong nghèo khổ về vật chất, nghi kỵ về tinh thần, nhưng Trần Vàng Sao đã vượt qua hố đen để luôn giữ một tâm hồn đẹp với những câu thơ sáng. Theo chia sẻ của nhà thơ Nguyễn Quang Thiều: “Trong thời gian dài, bài thơ của một người yêu nước mình chưa được đánh giá đúng, hạn chế in trên sách, báo nhưng vẫn len lỏi trong đời sống văn học nghệ thuật. Việc tập thơ cùng tên đoạt giải Sách quốc gia cho thấy cách nhìn mới mẻ, rộng mở, công bằng hơn với nghệ thuật, chứng minh giá trị lâu bền của tác phẩm qua thời gian”.

Cùng với thời gian, có lẽ những người đọc hôm nay chẳng cần bình về cái đẹp của câu chữ hay sức mạnh tư tưởng trong thơ Trần Vàng Sao, chỉ cần dùng trái tim cảm nhận cũng đủ để thấy lòng thổn thức trĩu nặng mà êm ái dịu dàng như dáng hình Tổ quốc. 47 năm sau ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, khi mọi tư tưởng đã được “cởi trói”, “Bài thơ của một người yêu nước mình” như một cách “trả lại lịch sử” để những bạn đọc chưa biết thì chắc chắn sẽ không thể quên tên thi sĩ Trần Vàng Sao, còn những ai đã biết sẽ hiểu hơn về con người, cuộc đời của ông.

Kiều Huyền


Kiều Huyền

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]