(Baothanhhoa.vn) - Để quảng bá hình ảnh đất và người xứ Thanh tươi đẹp, thân thiện và mến khách đến đông đảo du khách trong và ngoài nước, thì việc tổ chức các đoàn presstrip (khảo sát điểm đến du lịch dành cho báo chí) đang là một giải pháp được Thanh Hóa lựa chọn.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Ấn tượng xứ Thanh trong lòng du khách quốc tế

Ấn tượng xứ Thanh trong lòng du khách quốc tế

Đoàn presstrip quốc tế tham quan Lam Kinh.

Để quảng bá hình ảnh đất và người xứ Thanh tươi đẹp, thân thiện và mến khách đến đông đảo du khách trong và ngoài nước, thì việc tổ chức các đoàn presstrip (khảo sát điểm đến du lịch dành cho báo chí) đang là một giải pháp được Thanh Hóa lựa chọn.

Thanh Hóa là địa phương có tốc độ tăng trưởng lượng khách thuộc top đầu cả nước. Tuy nhiên, chi phí của du khách khi lưu lại Thanh Hóa còn rất thấp. Điều này xuất phát từ chất lượng dịch vụ và phân khúc khách hàng vẫn ở tầm trung và thấp. Do đó, thu hút phân khúc khách hàng cao cấp, trong đó có khách quốc tế, là mục tiêu được du lịch Thanh Hóa đặt ra, thông qua việc đẩy mạnh xúc tiến, quảng bá. Giữa tháng 9-2019, một đoàn presstrip gồm nhiều phóng viên nhà báo quốc tế, đến từ các quốc gia như Thổ Nhĩ Kỳ, Đức, Phillipines, Hàn Quốc, Ấn Độ, Nga đã có chuyến tham quan, trải nghiệm 2 điểm đến nổi bật nhất của Thanh Hóa là Di sản Văn hóa thế giới Thành Nhà Hồ và Di tích quốc gia đặc biệt Lam Kinh. Chuyến đi chỉ gói gọn trong thời gian 1 ngày, song ấn tượng và những chia sẻ chân thành của những vị khách quốc tế này về Thanh Hóa, thiết nghĩ, cũng rất đáng để suy ngẫm.

Chuyến đi của đoàn bắt đầu với Lam Kinh – di tích có tuổi đời ngót 600 năm và đang được đầu tư nguồn lực lớn để trùng tu, tôn tạo nhằm trả lại diện mạo vốn có. Bước qua Bạch Kiều, cây cầu bắc qua lạch nước nhỏ chảy trước điện và ôm vòng lại như cánh cung, Lam Kinh mở ra trước mắt những vị khách quốc tế là một không gian xanh, thư thả và trầm mặc. Để rồi, ấn tượng về Lam Kinh hằn lên tâm tưởng của họ là nét Á Đông đậm đặc, thể hiện trong lối kiến trúc nghệ thuật truyền thống. Đồng thời, những trò chơi, trò diễn đặc trưng của dân tộc Mường, như múa Pồn Pôông, múa sạp, đánh mảng và nổi bật hơn cả là Trò Xuân Phả, cũng đã mang đến cho du khách nhiều trải nghiệm thú vị.

“Lam Kinh rất đẹp và những điệu múa truyền thống của các bạn cũng rất đặc biệt, rất thu hút”, đó là nhận xét của nữ nhà báo người Ấn Độ De Rupanjana. Còn với nữ nhà báo Gurdal Yaprak (Thổ Nhĩ Kỳ), việc bảo tồn các di sản văn hóa phi vật thể, song song với di sản Lam Kinh, đã khiến bà ngạc nhiên, tán thưởng và để lại cho bà ấn tượng sâu sắc. Theo bà, điều này chứng tỏ người dân địa phương rất trân trọng gìn giữ các giá trị văn hóa truyền thống và điều này là vô cùng đáng quý. Cảm nhận của hai nữ nhà báo cũng là cảm nhận của những vị khách trong đoàn presstrip. Sự ngạc nhiên và thích thú mà Lam Kinh cùng những điệu dân vũ truyền thống, dường như đã tạo ra một “chất xúc tác” văn hóa đặc biệt, có thể kéo gần khoảng cách về quốc gia, dân tộc, về thế giới quan, nhân sinh quan và lắng đọng trong lòng mỗi người nhiều tình cảm đẹp.

Tiếp tục chuyến trải nghiệm di sản, các vị khách cũng đồng thời là những cây viết về du lịch đã dừng chân tại Thành Nhà Hồ. Tòa thành đá này được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới năm 2011, nhờ bởi những giá trị độc đáo, nổi bật toàn cầu của nó. Thành Nhà Hồ là công trình “biểu hiện sự giao lưu quan trọng các giá trị ảnh hưởng Nho giáo Trung Hoa đối với một biểu tượng vương quyền tập trung ở cuối thế kỷ XIV, đầu thế kỷ XV”. Đồng thời, kiến trúc tòa thành đã “thể hiện những bước phát triển mới trong phong cách kiến trúc trên phương diện kỹ thuật và quy hoạch đô thị trong môi trường Đông và Nam Á”. Di sản này đang giữ kỷ lục “vô tiền khoáng hậu”, khi thời gian hoàn thành các hạng mục chính chỉ vẻn vẹn 3 tháng, với khối lượng đá xây thành ước tính trên 25.000m3, khối lượng đất đắp trên 100.000m3. Nhờ đó, Thành Nhà Hồ được đánh giá là “hiện tượng đột khởi” về kỹ thuật khai thác, chế tác và xây dựng tòa Hoàng thành bằng đá, không chỉ ở Việt Nam mà cả khu vực Đông và Nam Á.

Những thông tin về lịch sử hình thành, tồn tại hơn 6 thế kỷ của di sản thế giới này, đã khiến nữ nhà báo người Thổ Nhĩ Kỳ Gurdal Yaprak rất xúc động. Là cây viết của nhiều tạp chí chuyên về du lịch, bản thân bà đã đi qua nhiều quốc gia, song, được đến Thanh Hóa và tham quan những di sản giàu giá trị lịch sử, văn hóa, vẫn là một trải nghiệm thú vị và rất đáng nhớ đối với bà. Tuy nhiên, để có thể khai thác hiệu quả các di sản phục vụ du lịch, theo nữ nhà báo này, Thanh Hóa cần phát triển nhiều ứng dụng kết nối các điểm đến. Bởi lẽ, du khách hiện nay thường có nhu cầu tìm hiểu thông tin điểm đến trên Internet, trước khi quyết định có lựa chọn hay không. Do đó, việc cung cấp thông tin một cách đầy đủ là vô cùng cần thiết. Ngoài ra, không phải du khách nào cũng đi du lịch theo tour, mà muốn tự trải nghiệm, khám phá điểm đến. Chính vì vậy, địa phương nên có thêm nhiều thông tin bằng tiếng Anh, kể cả trên các website về du lịch và tại các điểm đến, nhằm giúp du khách nắm bắt và hiểu sâu hơn về di sản. Ngoài ra, việc mang đến cho khách du lịch những trải nghiệm ẩm thực mới là cần thiết, song cũng cần có thêm những món Tây để du khách lựa chọn. Đồng thời, có thêm các tiện nghi, dịch vụ tạo các điểm đến nhằm thỏa mãn nhu cầu của khách du lịch.

Cùng chung quan điểm với nữ nhà báo Gurdal Yaprak, bà De Rupanjana (Ấn Độ) cho rằng, Di sản Văn hóa thế giới Thành Nhà Hồ có cảnh quan tự nhiên rất thu hút. Tuy nhiên, du khách không thể di chuyển một đoạn đường khá xa chỉ để ngắm cổng thành, do đó, địa phương cần có thêm các hoạt động trải nghiệm hoặc dịch vụ mang tính văn hóa để hấp dẫn du khách. Còn ông Kreis Werner - nhà báo người Đức thì nhấn mạnh, những điểm đến của Thanh Hóa đều khá thú vị và rất phù hợp để gắn kết với loại hình du lịch MICE (du lịch kết hợp sự kiện, hội nghị, hội thảo). Du khách khi đến Thanh Hóa tham dự các sự kiện có thể nghỉ lại 2-3 ngày và đến tham quan, tìm hiểu các di sản. Đặc biệt, văn hóa bản địa còn giữ nhiều nét tự nhiên, độc đáo và rất khác với các điểm đến hiện đại ví như TP Hồ Chí Minh. Đây là điều Thanh Hóa nên tập trung khai thác và phát triển. Là người có nhiều kinh nghiệm trong việc tổ chức các tour du lịch quốc tế, ông Kreis Werner cũng cho biết, các điểm đến của Thanh Hóa chỉ phù hợp cho việc tổ chức các đoàn nhỏ chừng 17-18 người. Vì nếu tổ chức đoàn lớn thì các điều kiện cơ sở vật chất chất lượng cao sẽ khó đáp ứng...

Lê Dung


Lê Dung

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]