(Baothanhhoa.vn) - Văn hóa ví như “bộ gen” xã hội tộc người, hay là cách thức để mã hóa cái bản sắc riêng, độc đáo của từng dân tộc trong cộng đồng lớn là quốc gia - dân tộc, thậm chí rộng hơn nữa. Song, để “bộ gen” quý ấy được bảo vệ và phát huy, thiết nghĩ, phải bắt đầu từ cái gốc cơ bản của nó: Làng văn hóa.

Tin liên quan

Đọc nhiều

30 năm xây dựng làng, bản, tổ dân phố văn hóa: Vì một nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc

Văn hóa ví như “bộ gen” xã hội tộc người, hay là cách thức để mã hóa cái bản sắc riêng, độc đáo của từng dân tộc trong cộng đồng lớn là quốc gia - dân tộc, thậm chí rộng hơn nữa. Song, để “bộ gen” quý ấy được bảo vệ và phát huy, thiết nghĩ, phải bắt đầu từ cái gốc cơ bản của nó: Làng văn hóa.

30 năm xây dựng làng, bản, tổ dân phố văn hóa: Vì một nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc

Phong trào xây dựng làng, bản, tổ dân phố văn hóa góp phần gìn giữ và phát huy nhiều giá trị văn hóa truyền thống.

Gìn giữ các chân giá trị!

Khi bàn về văn hóa Việt Nam, nhiều nhà nghiên cứu đã nhấn mạnh, văn hóa làng là cốt lõi của văn hóa nông thôn, cũng là nơi lưu giữ cái phần hồn cốt của văn hóa dân tộc. Còn nhà nghiên cứu Phan Ngọc trong tác phẩm Bản sắc văn hóa Việt Nam (NXB Văn học, 2002), thì cho rằng, làng Việt Nam có tổ chức quan tâm đến người dân chứ không đơn thuần là một bị khoai tây như làng ở phương Tây. Cái sự “quan tâm” này bao hàm trong đó nhiều giá trị đẹp, giàu tính nhân văn, thể hiện qua văn hóa, nếp sống, nếp nghĩ, qua mối quan hệ trong cộng đồng và trong nhân sinh quan, thế giới quan của con người. Có lẽ, xuất phát từ những đặc trưng ấy mà làng được xem là một “sản phẩm độc đáo” của lịch sử và xã hội Việt Nam.

Tạm gạt đi những “đất lề quê thói” không còn phù hợp, hay những hủ tục đi ngược với thuần phong mỹ tục và yêu cầu của cuộc sống mới. Không thể phủ nhận, sức mạnh nội sinh trong làng xã cổ truyền người Việt đã kết thành “thành lũy”, nhằm bảo vệ làng khỏi mọi sự xâm hại từ bên ngoài, cũng chính là bảo vệ các giá trị truyền thống tốt đẹp, được đúc kết từ quá trình lịch sử và văn hóa hàng nghìn năm. Đồng thời, cũng trong môi trường sống và lao động khép kín ấy, con người càng có ý thức cao trong việc xây dựng, bồi đắp, gìn giữ và trao truyền cho thế hệ sau các tinh hoa văn hóa. Đó là lòng yêu nước, gan dạ dũng cảm, tự lực tự cường, tương thân tương ái, tinh thần lao động, đức hy sinh, nhân ái, vị tha, khoan hòa, ưa thiện bài ác...

Song song với các chức năng chính trị, kinh tế, thì làng chính là một không gian văn hóa đậm đà bản sắc. Làng truyền thống người Việt được định vị bởi các tín hiệu văn hóa lấp lánh của cây đa cổ thụ, giếng nước trong lành, mái đình rêu phong, cổng làng nhuốm màu thời gian, hội hè đình đám... Sự “giàu có” của văn hóa làng đã mang đến một đời sống tinh thần phong phú cho con người, bất kể đời sống vật chất còn nhiều gian khó. Thậm chí, những thế hệ sinh ra từ làng, được tắm mình trong dòng chảy văn hóa của phong tục tập quán, nếp sống, nếp nghĩ, lối ứng xử, của tín ngưỡng, tôn giáo... hết sức đặc trưng, mà định hình nên “diện mạo” tâm hồn, tính cách, ý thức khó có thể bị pha lẫn hay mai một. Đồng thời, sống trong môi trường văn hóa ấy, mỗi cá nhân được bao bọc trong nhiều mối quan hệ gia đình, dòng tộc, xóm giềng và các tổ chức xã hội làng, xã. Bởi vậy, ý thức về bổn phận, trách nhiệm và lối sống trọng nghĩa tình đã sớm hình thành trong con người.

Quá trình đô thị hóa ví như ngôi sao chổi, mà cái đuôi rực rỡ của nó đã vẽ một vệt sáng dài lên không ít làng quê và làm “đổi màu” cái không gian truyền thống ấy. Nhiều làng thuần nông đã không còn khép kín mình sau lũy tre hay cánh cổng làng, mà đã bứt lên mạnh mẽ, trở nên mở hơn, thoáng đạt hơn. Sự chuyển biến ấy xuất phát từ sự giao lưu, quá trình đô thị hóa và công nghiệp hóa ngày càng mạnh mẽ, đã ăn sâu vào đời sống, vào lối sống và cả trong nếp nghĩ của người nông dân. Đồng thời, đứng trước sự thay đổi có tính tất yếu của làng quê hiện đại, cũng đòi hỏi văn hóa làng phải có sự thay đổi, hay đúng hơn là phải tái cấu trúc, nhằm lựa chọn và biến đổi các yếu tố văn hóa truyền thống cho phù hợp. Cũng vì lẽ đó mà quá trình xây dựng làng văn hóa, diễn ra ngót 3 thập kỷ qua, là nhằm hướng đến bảo tồn, gìn giữ, kế thừa và phát huy các giá trị truyền thống tốt đẹp của làng, xã cổ truyền. Đồng thời, xây dựng một cộng đồng dân cư có đời sống kinh tế, văn hóa phát triển lành mạnh, phong phú, hay một nông thôn mới cả về lượng và chất.

Những “trái ngọt”...

Văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội. Đây là điều đã được nhấn mạnh qua nhiều văn kiện của Đảng, nhằm định hướng “Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc” và “Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước”. Do đó, mô hình làng văn hóa ra đời cũng xuất phát từ yêu cầu thực tiễn khách quan trong xây dựng đời sống văn hóa nông thôn. Phong trào xây dựng gia đình văn hóa, nếp sống văn hóa được phát động từ những năm 60, 70 của thế kỷ trước đã đi vào đời sống văn hóa cơ sở và góp phần tạo nên nhiều giá trị văn hóa mới trong các gia đình và cộng đồng nông thôn. Đến năm 1986, cùng với sự ra đời của Nghị quyết 10 của Bộ Chính trị, về chính sách khoán trong nông nghiệp, chế độ bao cấp về văn hóa ở nông thôn cũng mất dần. Nhằm giữ gìn các giá trị văn hóa làng và duy trì các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao, thì việc đổi mới công tác tổ chức, quản lý và hoạt động văn hóa ở nông thôn, sao cho phù hợp với cơ chế quản lý mới trong nông nghiệp là yêu cầu bắt buộc.

Trước đòi hỏi của thực tiễn phát triển, tỉnh Thanh Hóa cùng với một số địa phương trên cả nước đã có chủ trương nghiên cứu, thí điểm chuyển địa bàn xây dựng đời sống văn hóa từ địa bàn xã về địa bàn làng. Lấy đơn vị làng là cơ sở để huy động các nguồn lực, nhằm duy trì và phát triển các hoạt động văn hóa ở nông thôn. Thực hiện chủ trương của Đảng và định hướng của tỉnh, những kết quả đạt được trong 30 năm triển khai xây dựng làng, bản, tổ dân phố văn hóa trên địa bàn tỉnh, ví như những “quả ngọt” rất đáng tự hào. Từ mô hình làng văn hóa Đông Cao (xã Trung Chính, Nông Cống), nhiều làng văn hoá mới đã được xây dựng khắp các vùng miền, điển hình là làng Ngọc Liên (xã Nga Liên, Nga Sơn), làng Duy Tinh (xã Văn Lộc, Hậu Lộc), Đội 5 (Nông trường Hà Trung), làng Văn Đoài (xã Đông Văn, Đông Sơn)... Tiếp đó, 27/27 huyện, thị xã, thành phố đã triển khai thí điểm xây dựng làng văn hóa.

Nếu tính đến cuối năm 2005, toàn tỉnh có 1.271/6.031 làng, bản, tổ dân phố đăng ký xây dựng danh hiệu văn hóa, đạt tỷ lệ 21%; trong đó, 753/6.031 làng, bản được công nhận làng văn hóa, đạt tỷ lệ 12,4%. Thì đến tháng 12-2009 toàn tỉnh đã khai trương xây dựng 4.334/6.031 làng, bản, tổ dân phố văn hóa, đạt tỷ lệ 71,8%; trong đó xét công nhận danh hiệu văn hóa cho 3.426 làng, bản, phố, đạt tỷ lệ 56,8%. Trong 10 năm tiếp theo (2009 – 2019), việc duy trì, nâng cao chất lượng phong trào gắn với xét công nhận tiêu chí số 16 về nông thôn mới và tiêu chí làng đạt chuẩn nông thôn mới được đặc biệt chú trọng. Kết quả, tính đến tháng 12-2018, toàn tỉnh có 5.586/6.031 làng, thôn, bản, tổ dân phố đăng ký xây dựng văn hóa, đạt tỷ lệ 92,6%; trong đó 4.396/6.031 làng, thôn, bản, tổ dân phố được công nhận danh hiệu văn hoá, đạt tỷ lệ 72,8%. Các địa phương có phong trào xây dựng làng, bản, tổ dân phố nổi bật là Thọ Xuân, Đông Sơn, Thiệu Hóa, Quảng Xương, Hoằng Hóa, Nga Sơn, Vĩnh Lộc, Cẩm Thủy, Thạch Thành.

Từ những kết quả đạt được, có thể khẳng định, tròn 3 thập kỷ triển khai thực hiện, phong trào xây dựng làng, bản, tổ dân phố văn hóa đã phát triển liên tục, ngày càng lớn mạnh và đi sâu vào đời sống nông thôn, được đông đảo các tầng lớp nhân dân ở nông thôn hưởng ứng mạnh mẽ. Nhờ các thành tựu đạt được từ phong trào đã góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội tại các địa phương. Trong các làng văn hoá đã xuất hiện nhiều tấm gương giúp nhau làm kinh tế. Các mô hình trang trại, gia trại, ngành nghề thủ công truyền thống, ngành nghề du nhập mới được phát triển. Sự chênh lệch giàu nghèo của các hộ giữa các vùng, miền đã được thu hẹp. Cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất, sinh hoạt của nhân dân không ngừng được cải thiện, với hệ thống điện, trường, trạm, giao thông, thuỷ lợi, thông tin liên lạc được tăng cường và phát triển. Nhờ đó, diện mạo nông thôn có nhiều đổi thay.

Cũng từ khi phát động phong trào xây dựng làng văn hóa đến nay, nhân dân các làng văn hóa đã đóng góp trên 80%, thậm chí có làng đóng góp 100% kinh phí để xây dựng nhà văn hóa, sân thể thao. Tính đến cuối năm 2018, toàn tỉnh có 5.259/6.031 nhà văn hóa - khu thể thao thôn (đạt tỷ lệ 87,2%), trong đó có 3.154/6.031 nhà văn hóa - khu thể thao thôn đạt chuẩn (đạt tỷ lệ 52,3%); trên 70% làng, bản, tổ dân phố văn hóa có đội văn nghệ; 254 thư viện cấp xã, 4.002 phòng đọc sách báo cơ sở; 480 sân bóng đá (60m x 90m), 70 nhà tập luyện, 190 bể bơi, 4.035 sân bóng chuyền, 4.334 sân cầu lông, 2.360 bàn bóng bàn, 130 sân quần vợt... Đồng thời, các hình thức sinh hoạt văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao dân gian, truyền thống tiếp tục được bảo tồn; sinh hoạt tôn giáo tín ngưỡng, tâm linh được tôn trọng; việc cưới, việc tang và lễ hội có nhiều chuyển biến tích cực... Nhờ đó, đời sống văn hoá - tinh thần của nhân dân ngày càng được nâng cao.

Đến nay, toàn tỉnh có 744.378/942.251 gia đình đạt danh hiệu văn hóa, đạt tỷ lệ 79%; 2.756 gia đình được công nhận gia đình hiếu học; 4.910 khu dân cư không có trẻ em bỏ học; 2.930 khu dân cư không có người sinh con thứ ba trở lên... Thông qua đó, các quy định, quy tắc, quy ước và chuẩn mực văn hóa đã từng bước thấm sâu vào đời sống từng gia đình và cộng đồng. Đồng thời, góp phần hình thành lối sống, nếp sống văn hóa, văn minh; phát huy truyền thống tương thân, tương ái, củng cố tình làng, nghĩa xóm; tăng sức “đề kháng” nhằm phòng, chống tệ nạn xã hội và các sản phẩm văn hóa độc hại ảnh hưởng đến cộng đồng. Cũng từ phong trào xây dựng làng, bản, tổ dân phố văn hóa đã xuất hiện nhiều gương người tốt, việc tốt, những điển hình tiên tiến trên các lĩnh vực, từ kinh tế, văn hóa - xã hội đến quốc phòng - an ninh...

Phía sau danh hiệu

“Làng văn hóa” là một danh hiệu đáng tự hào với nhiều làng quê đang trên đà đổi mới và phát triển. Bởi, đó là thành quả của ngót 3 thập kỷ nỗ lực “gạn đục khơi trong”, nhằm gìn giữ và phát huy các giá trị truyền thống làm bệ đỡ, để đưa các làng quê tiệm cận với các giá trị mới của nông thôn. Đó là kinh tế - xã hội phát triển, đời sống vật chất được nâng cao, đời sống văn hóa - tinh thần phong phú và phát huy tính tự chủ, tinh thần làm chủ của người nông dân. Tuy nhiên, phía sau danh hiệu ấy cũng còn nhiều vấn đề đáng quan tâm.

Người ta nói nhiều đến 3 trụ cột cho phát triển bền vững là kinh tế - văn hóa - môi trường. Song, không phải ở đâu và lúc nào, vai trò của văn hóa cũng được đặt đúng vị trí. Do đó, nhận thức về mục đích, ý nghĩa của phong trào xây dựng làng văn hóa cũng chưa sâu sắc, toàn diện. Nhiều địa phương chưa thực sự xem việc xây dựng làng, bản, phố văn hóa là cần thiết và phải gắn với phát triển kinh tế - xã hội, dẫn đến phong trào mới dừng ở bề rộng, mà chưa đi vào chiều sâu chất lượng và hiệu quả. Việc khai trương, đăng ký xây dựng làng văn hoá ở một số nơi còn nặng về hình thức, chạy theo số lượng. Việc công nhận danh hiệu làng văn hoá còn nóng vội, chạy theo thành tích dẫn đến chất lượng thấp. Trong khi đó, việc xây dựng làng văn hóa còn lệ thuộc vào điều kiện kinh tế - xã hội, chưa khai thác và phát huy đầy đủ các yếu tố văn hóa và nhân tố con người.

30 năm xây dựng làng, bản, tổ dân phố văn hóa: Vì một nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc

Chùa Hàn Sơn, xã Nga Điền (Nga Sơn).

Bên cạnh việc công nhận danh hiệu, thì việc duy trì và nâng cao chất lượng làng, bản, tổ dân phố văn hóa là nhiệm vụ quan trọng. Tuy nhiên, nhiều nơi chất lượng làng văn hóa có xu hướng giảm sút, hoạt động mang tính cầm chừng, hoặc phát sinh nhiều diễn biến phức tạp về văn hóa, xã hội. Nhiều địa phương, phong trào có phần chững lại khi không còn xét công nhận danh hiệu làng văn hoá cấp tỉnh; hoặc khi phong trào xây dựng làng, bản, tổ dân phố văn hóa gắn với phong trào xây dựng nông thôn mới. Trong khi đó, việc thực hiện các tiêu chí phát triển văn hóa, như xây dựng hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở và duy trì các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao ở nhiều địa phương, chưa đáp ứng yêu cầu và chưa mang lại hiệu quả thiết thực. Đồng thời, mức hưởng thụ văn hóa của người dân ở vùng miền núi và vùng đô thị còn chênh lệch khá lớn.

Mặt trái của đô thị hóa nông thôn và công nghiệp hóa làng quê là “vấn nạn” ô nhiễm môi trường, do rác thải, nước thải chưa được xử lý triệt để. Công tác tuyên truyền nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của người dân ở nông thôn chưa thường xuyên; dân chủ ở nông thôn chưa được thực hiện và phát huy đầy đủ, vẫn còn tình trạng khiếu kiện tập thể, kéo dài gây mất ổn định trong đời sống xã hội ở nông thôn. Trong khi đó, các tiêu chuẩn, tiêu chí về phát triển kinh tế chưa thực sự nổi bật, nhất là khu vực miền núi và đồng bào dân tộc thiểu số chưa ổn định về đời sống. Đặc biệt, môi trường xã hội cũng đang biến đổi nhanh chóng, khi mà vùng quê, truyền thống đạo lý tốt đẹp đang bị phá vỡ; thuần phong mỹ tục, lối sống, cách ứng xử trong gia đình truyền thống đang bị mai một. Trong khi sự ảnh hưởng, lai căng, pha tạp các yếu tố phản văn hóa, núp bóng các hoạt động văn hóa đang phát sinh, lúc ngấm ngầm, khi công khai và không dễ ngăn chặn. Tình trạng xâm hại di tích, danh thắng và các giá trị văn hóa truyền thống vẫn còn diễn ra...

Bấy nhiêu băn khoăn đặt ra, đang chờ những giải pháp thật sự khả thi và thấu triệt từ các ngành, các địa phương. Có như vậy, các danh hiệu văn hóa mới vào thực chất và góp phần hình thành nên những giá trị tiên tiến, đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc.

Bài và ảnh: Lê Dung


Bài Và Ảnh: Lê Dung

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]