(Baothanhhoa.vn) - Trước đây, nạn nhân bị mua bán chủ yếu là phụ nữ và trẻ em thì ngày nay đối tượng mà loại tội phạm này hướng tới là cả nam giới và trẻ sơ sinh. Nạn nhân các vụ mua bán người thường bị bán sang Trung Quốc và một số quốc gia khác để làm vợ, lao động cưỡng bức, lấy nội tạng, bào thai, đẻ thuê…

Trợ giúp pháp lý cho nạn nhân mua bán người: Còn đó những khó khăn

Trước đây, nạn nhân bị mua bán chủ yếu là phụ nữ và trẻ em thì ngày nay đối tượng mà loại tội phạm này hướng tới là cả nam giới và trẻ sơ sinh. Nạn nhân các vụ mua bán người thường bị bán sang Trung Quốc và một số quốc gia khác để làm vợ, lao động cưỡng bức, lấy nội tạng, bào thai, đẻ thuê…

Trợ giúp pháp lý cho nạn nhân mua bán người: Còn đó những khó khănPhổ biến kiến thức cho người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số huyện Như Thanh.

Với vai trò, chức năng của mình, những năm qua Trung tâm Trợ giúp pháp lý (TGPL) Nhà nước tỉnh Thanh Hóa đã thực hiện công tác TGPL đối với nạn nhân mua bán người thông qua công tác tuyên truyền, truyền thông pháp luật tại cơ sở, tham gia tố tụng và tư vấn pháp luật... Tuy nhiên, theo ông Đoàn Văn Dương, Giám đốc Trung tâm TGPL Nhà nước tỉnh Thanh Hóa, các vụ việc TGPL cho nạn nhân mua bán người mà trung tâm thực hiện thời gian qua không nhiều do đa số nạn nhân của các vụ mua bán người thường có tâm lý lo sợ, e ngại, mặc cảm, xấu hổ không dám công khai, không sẵn sàng chia sẻ câu chuyện của bản thân.

Với những người may mắn trốn được về hoặc được giải thoát thường có tâm lý muốn sống yên ổn, không muốn khơi lại chuyện buồn nên không thể biết được họ cần gì, muốn gì để hỗ trợ kịp thời. Có nạn nhân sau khi tố cáo sự việc đến cơ quan cảnh sát điều tra lại lo sợ bị trả thù nên cũng không hợp tác. Đơn cử như trường hợp chị Đỗ Thị Xuân, sinh năm 1988, lấy chồng người Trung Quốc và quen biết với một người đàn ông tên thường gọi là Mối, người này chuyên mua các cô gái người Việt Nam để giới thiệu, bán làm vợ cho những người đàn ông Trung Quốc. Ông Mối nhờ Xuân tìm các cô gái Việt Nam để đưa sang Trung Quốc, mỗi người phụ nữ ông Mối tiếp nhận và bán được sẽ trả công cho Xuân 123 triệu đồng. Xuân quen và nhờ Cầm Thị Lộc, sinh năm 1981, quê ở huyện Thường Xuân tìm người giới thiệu để đưa sang Trung Quốc, đồng thời thỏa thuận nếu giao dịch thành công sẽ trả cho Lộc 90 triệu đồng. Đầu tháng 9-2017, qua facebook Lộc làm quen với Lương Thị Sáng, sinh năm 1991 và Lê Thị Lành, sinh năm 1993 (Lành đã có chồng) quê đều ở huyện Như Xuân. Lộc dụ dỗ, nói với Sáng và Lành nếu sang Trung Quốc lấy chồng sẽ được Lộc trả cho 60 triệu đồng, 6 tháng được về Việt Nam một lần và cả 2 đồng ý. Sau đó, Lộc liên lạc hẹn Xuân về Việt Nam nhận người, rồi đưa Lành và Sáng sang Trung Quốc qua đường tiểu ngạch.

Tại Trung Quốc, Xuân đưa Lành và Sáng đến tỉnh An Huy giao cho ông Mối. Ông này bán 2 người cho 2 gia đình khác nhau để làm vợ. Về phần Lành, làm vợ một người đàn ông Trung Quốc nhưng bị đối xử không tốt nên bỏ trốn, quay về tìm Xuân. Sau đó, Xuân lại giao Lành cho ông Mối bán làm vợ người đàn ông khác. Ở gia đình mới, Lành được đối xử tốt và cho tiền về Việt Nam thăm gia đình. Về quê, Lành làm đơn tố cáo Xuân và Lộc đến cơ quan Cảnh sát Điều tra Công an tỉnh Thanh Hóa. Tiếp nhận thông tin, cơ quan cảnh sát điều tra đã xác minh, triệu tập làm việc với Đỗ Thị Xuân. Tại cơ quan điều tra, Xuân đã xin đầu thú và khai báo hành vi phạm tội của mình.

Trong vụ án này, cả hai nạn nhân mua bán người đều thuộc trường hợp được TGPL. Cơ quan Cảnh sát Điều tra Công an tỉnh Thanh Hóa đã thông báo tới trung tâm để cử trợ giúp viên pháp lý tham gia tố tụng bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho đối tượng. Tuy nhiên, trợ giúp viên pháp lý chỉ gặp được chị Lành một lần duy nhất, sau đó không liên lạc được. Còn chị Sáng, lúc này vẫn đang ở Trung Quốc, không rõ địa chỉ nên không làm việc được (tên các nhân vật đã được thay đổi).

Công tác TGPL cho nạn nhân còn gặp khó do một nguyên nhân nữa là hầu hết nạn nhân của những vụ mua bán người, đặc biệt là các vụ mua bán người qua biên giới thường mất hết các giấy tờ tùy thân nên khó xác định nhân thân. Theo quy định của Luật TGPL năm 2017, những người là nạn nhân của hành vi mua bán người phải thuộc trường hợp khó khăn về tài chính mới thuộc diện được TGPL. Đây là một trong những cản trở để nạn nhân mua bán người trở thành đối tượng được TGPL. Những nạn nhân bị mất hết giấy tờ tùy thân để chứng minh được bản thân mình là ai, tình trạng hoàn cảnh kinh tế như thế nào… phải mất một thời gian dài làm lại giấy tờ và thực hiện các thủ tục bình xét hoàn cảnh khó khăn theo quy định. Do đó, việc TGPL cho nạn nhân khi họ có nhu cầu (mới được giải cứu hoặc mới trốn thoát về được) hầu như không thực hiện được, dẫn đến tính kịp thời về mặt TGPL gần như không có.

Theo ông Dương, thủ đoạn của loại tội phạm mua bán người ngày càng tinh vi, phức tạp. Các đối tượng thực hiện hành vi mua bán người thường được che giấu bằng các hình thức như: tham quan, du lịch, ký kết làm ăn kinh tế, lao động xuất khẩu, tổ chức kết hôn thông qua môi giới, nhận con nuôi… Việc mua bán người có thể không qua biên giới mà còn thực hiện trong nội địa, được biến tướng thông qua hình thức trao đổi nhân viên phục vụ các quán hát. Đa số việc mua bán này khi được phát hiện sẽ bị khởi tố hình sự ở tội danh “bắt, giữ người trái pháp luật”. Nạn nhân thường là những cô gái nhẹ dạ, cả tin ở nông thôn, vùng núi, có điều kiện kinh tế đặc biệt khó khăn bị lừa đi làm ở quán hát và số đông trong các nạn nhân này thường chưa đủ 18 tuổi, thậm chí chưa đủ 16 tuổi. Các nạn nhân sau khi được giải cứu thường mặc cảm hoặc vì một vài lý do nào đó sẽ đi khỏi địa phương, không liên lạc được cũng gây nhiều khó khăn trong quá trình TGPL.

Để nâng cao hiệu quả công tác TGPL cho nạn nhân của hành vi mua bán người, thời gian tới cần tăng cường công tác truyền thông, phòng ngừa, đặc biệt là truyền thông về luật, văn bản luật liên quan đến hành vi mua bán người. Tập trung tuyên truyền sâu rộng đến những đối tượng có nguy cơ cao, những nơi sử dụng nhiều lao động nữ, có nhiều phụ nữ lấy chồng nước ngoài, các trẻ em gái có hoàn cảnh khó khăn, đặc biệt… nhằm nâng cao nhận thức, không để họ trở thành nạn nhân của tội phạm mua bán người. Chú trọng tuyên truyền, phổ biến, giáo dục các quy định pháp luật mới về tội phạm mua bán người dưới 16 tuổi của Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi bổ sung năm 2017). Tiếp tục thực hiện các vụ việc TGPL cụ thể cho các nạn nhân của hành vi mua bán người. Vận dụng tối đa các quy định của pháp luật để hỗ trợ kịp thời, hiệu quả về mặt pháp lý cho các nạn nhân. Đồng thời tổ chức các lớp tập huấn, trao đổi chuyên môn nghiệp vụ nhằm nâng cao năng lực cho các trợ giúp viên pháp lý, người thực hiện trợ giúp viên pháp lý, đặc biệt là năng lực, kỹ năng TGPL cho nạn nhân của hành vi mua bán người. Thực hiện công tác đấu mối, phối hợp tốt với các cơ quan tiến hành tố tụng cũng như các cơ quan, đơn vị khác để kịp thời hỗ trợ nạn nhân bị mua bán người khi họ có nhu cầu. Bên cạnh đó, rất cần sự vào cuộc quyết liệt và sự phối hợp chặt chẽ của các cấp, các ngành, các địa phương trong công tác phòng, chống mua bán người. Có các giải pháp bảo vệ, hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về, tạo điều kiện để họ ổn định cuộc sống, hòa nhâp cộng đồng.

Bài và ảnh: Mai Phương



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]