(Baothanhhoa.vn) - Chiều 16-7, đồng chí Nguyễn Đình Xứng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh đã chủ trì hội nghị nghe báo cáo và thảo luận, cho ý kiến về dự thảo báo cáo đánh giá nửa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII, nhiệm kỳ 2015-2020.

Tin liên quan

Đọc nhiều

UBND tỉnh thảo luận dự thảo báo cáo đánh giá nửa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII

Chiều 16-7, đồng chí Nguyễn Đình Xứng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh đã chủ trì hội nghị nghe báo cáo và thảo luận, cho ý kiến về dự thảo báo cáo đánh giá nửa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII, nhiệm kỳ 2015-2020.

Đồng chí Nguyễn Đình Xứng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì hội nghị.

Tham dự hội nghị có các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đức Quyền, Lê Thị Thìn; các đồng chí Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Đăng Quyền, Lê Anh Tuấn; các đồng chí Ủy viên UBND tỉnh cùng đại diện các sở, ngành, Ban Quản lý Khu Kinh tế Nghi Sơn và các Khu công nghiệp.

Theo dự thảo báo cáo, sau 3 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII, hầu hết các chỉ tiêu đề ra đều có những chuyển biến tích cực. Một số chỉ tiêu đã đạt hoặc xấp xỉ mục tiêu đề ra đến năm 2020. Nhiều chỉ tiêu đạt kết quả khả quan.

Cụ thể, trong lĩnh vực kinh tế, tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân giai đoạn 2016-2018 ước đạt 11%. Tuy chưa đạt mục tiêu đề ra nhưng cao hơn giai đoạn 2011-2015 và gấp 1,6 lần so với mức bình quân của cả nước. Cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch theo hướng tích cực. Sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản phát triển ổn định và tương đối toàn diện, hình thành các vùng sản xuất tập trung quy mô lớn. Sản xuất công nghiệp tăng trưởng khá, tuy thấp hơn mục tiêu đề ra của nghị quyết nhưng đây là mức tăng tốt trong điều kiện nhiều dự án chậm tiến độ. Các ngành dịch vụ có bước phát triển nhanh cả về quy mô và chất lượng. Từ năm 2016 đến nay, toàn tỉnh đã chấp thuận chủ trương đầu tư cho 592 dự án với tổng vốn đầu tư đăng ký 72.923 tỷ đồng và 3.194 triệu USD; vận động thu hút được 19,3 triệu USD từ các tổ chức phi chính phủ tài trợ cho các lĩnh vực nông nghiệp, xóa đói, giảm nghèo... Huy động vốn đầu tư toàn xã hội giai đoạn 2016-2018 ước đạt 327.849 tỷ đồng, bằng 53,5% mục tiêu nghị quyết đề ra. Công tác phát triển doanh nghiệp được đặc biệt quan tâm. Trong 3 năm đã thành lập mới được 7.562 doanh nghiệp, đứng thứ 6 cả nước về số lượng doanh nghiệp đăng ký thành lập mới. Các lĩnh vực văn hóa - xã hội, giáo dục, tài nguyên và môi trường, chương trình giảm nghèo được triển khai khá đồng bộ và bài bản. Việc thực hiện 5 chương trình trọng tâm, 3 khâu đột phá đã đạt được những kết quả tích cực, góp phần quan trọng vào thực hiện và hoàn thành các mục tiêu chung của nghị quyết.

Tuy nhiên, báo cáo cũng nêu lên những mặt còn hạn chế, khó khăn trong việc thực hiện các chỉ tiêu, nhiệm vụ nghị quyết đề ra, như: Tốc độ tăng trưởng kinh tế thấp hơn mục tiêu nghị quyết, tăng trưởng kinh tế chủ yếu vẫn theo chiều rộng, các doanh nghiệp có công nghệ hiện đại chưa nhiều, GRDP bình quân đầu người thấp so với mục tiêu và bình quân chung của cả nước, tái cơ cấu ngành nông nghiệp chưa đạt được mục tiêu đề ra, môi trường đầu tư kinh doanh đã được cải thiện nhưng chưa đáp ứng được yêu cầu, kết quả giảm nghèo chưa bền vững, hoạt động khai thác khoáng sản trái phép vẫn diễn biến phức tạp, việc thực hiện các khâu đột phá mới đạt được những kết quả bước đầu...

Báo cáo cũng nêu, dự báo khả năng hoàn thành một số chỉ tiêu của nghị quyết. Trong đó, có 8 chỉ tiêu dự báo vượt kế hoạch, gồm: Tổng giá trị xuất khẩu, tỷ lệ xã đạt chuẩn nông thôn mới, tổng sản lượng lương thực bình quân hàng năm, số giường bệnh/1 vạn dân, tỷ lệ xã, phường đạt tiêu chí quốc gia về y tế, tỷ lệ tham gia bảo hiểm y tế trên tổng dân số, tỷ lệ trường học đạt chuẩn quốc gia, tỷ lệ che phủ rừng. Nhóm 12 chỉ tiêu dự báo hoàn thành kế hoạch, như: Tốc độ tăng dân số bình quân hàng năm, tỷ lệ lao động nông nghiệp trong tổng lao động xã hội, số bác sĩ/1 vạn dân, giải quyết việc làm mới trong 5 năm, tỷ lệ lao động đã qua đào tạo, tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân hàng năm, tỷ lệ xã, phường, thị trấn, cơ quan đạt tiêu chí kiểu mẫu theo lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh, tỷ lệ dân số đô thị được dùng nước sạch, tỷ lệ dân số nông thôn được dùng nước hợp vệ sinh, tỷ lệ chất thải nguy hại được thu gom xử lý, tỷ lệ chất thải y tế được thu gom xử lý, tỷ lệ xã, phường, thị trấn đạt tiêu chuẩn về an ninh trật tự. 6 chỉ tiêu dự báo khó hoàn thành kế hoạch là: Tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) bình quân hàng năm, GRDP bình quân đầu người, cơ cấu ngành kinh tế trong GRDP, tổng huy động vốn đầu tư toàn xã hội, tỷ lệ đô thị hóa, tốc độ tăng năng suất lao động xã hội bình quân hàng năm.

Tại hội nghị, các đại biểu đã thảo luận về khả năng hoàn thành các chỉ tiêu của nghị quyết đề ra, phân tích nguyên nhân của những yếu kém dẫn đến một số chỉ tiêu gặp khó khăn, khó đạt mục tiêu. Các đại biểu cũng đề xuất một số giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn cho một số lĩnh vực, chỉ tiêu, như: Tạo điều kiện thuận lợi về sản xuất và thị trường cho hoạt động và tiêu thụ của Dự án Lọc hóa dầu Nghi Sơn, đẩy mạnh thu hút đầu tư và có cơ chế thuận lợi cho các doanh nghiệp đầu tư hạ tầng cụm công nghiệp, đưa chỉ tiêu giảm nghèo vào nhóm cần phải nỗ lực phấn đấu để xây dựng kế hoạch cụ thể...

Sau khi nghe các ý kiến thảo luận tại hội nghị, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đình Xứng phát biểu kết luận, khẳng định tầm quan trọng của việc đánh giá kết quả nửa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII. Đây là báo cáo nhằm nhìn nhận lại gần 3 năm thực hiện nhiệm vụ, có vai trò dẫn dắt cho việc thực hiện thành công các chỉ tiêu 5 năm.

Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh đánh giá dự thảo báo cáo được chuẩn bị khá chặt chẽ về bố cục, đầy đủ nội dung và đề nghị các ngành phối hợp với Cục Thống kê rà soát lại số liệu, chỉ tiêu ngành, hoàn thiện lại trước khi báo cáo Thường trực UBND tỉnh. Với phần hạn chế, yếu kém, cần được đánh giá, phân tích kỹ hơn để đưa ra những giải pháp sát, đúng với tình hình thực tế; trong đó phải làm rõ được chất lượng tăng trưởng và nguyên nhân, trách nhiệm trong công tác chỉ đạo điều hành để xây dựng hướng khắc phục. Với phần dự báo hoàn thành chỉ tiêu, phải đánh giá thêm được tác động của tình hình kinh tế, chính trị thế giới, sự thay đổi của các văn bản quy phạm pháp luật tác động đến việc hoàn thành các chỉ tiêu. Trên cơ sở đánh giá nguyên nhân, hạn chế, báo cáo cần nghiên cứu sâu và hoàn chỉnh việc thực hiện các giải pháp để tiếp tục hoàn thiện các mục tiêu đã đề ra, trong đó tập trung thực hiện các giải pháp đột phá, như: Giải quyết vướng mắc khó khăn trong công tác giải phóng mặt bằng, sản xuất, kinh doanh; xây dựng và đa dạng hóa các hoạt động xúc tiến đầu tư; huy động các nguồn lực cho phát triển kinh tế - xã hội; đổi mới công tác lãnh đạo, chỉ đạo điều hành; tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế; khuyến khích triển khai các dự án xã hội hóa trong lĩnh vực văn hóa, giáo dục; tăng cường công tác quản lý Nhà nước về tài nguyên, khoáng sản; đẩy mạnh xây dựng nông thôn mới...


Minh Hằng

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]