(Baothanhhoa.vn) - Năm mươi năm so với lịch sử ngàn năm dựng nước và giữ nước của dân tộc không phải là dài, song ngần ấy thời gian cũng đủ cho 2 huyện Thọ Xuân và Quế Sơn có quyền tự hào về những năm tháng hào hùng, keo sơn gắn bó, nghĩa tình sắt son, làm nên những giá trị tinh thần vô giá, kết nối quá khứ, hiện tại và tương lai.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Sáng mãi nghĩa tình Thọ Xuân - Quế Sơn

Năm mươi năm so với lịch sử ngàn năm dựng nước và giữ nước của dân tộc không phải là dài, song ngần ấy thời gian cũng đủ cho 2 huyện Thọ Xuân và Quế Sơn có quyền tự hào về những năm tháng hào hùng, keo sơn gắn bó, nghĩa tình sắt son, làm nên những giá trị tinh thần vô giá, kết nối quá khứ, hiện tại và tương lai.

Lãnh đạo huyện Thọ Xuân trao tặng kinh phí hỗ trợ xây dựng nhà tình nghĩa cho đối tượng chính sách, người có công cách mạng huyện Quế Sơn. Ảnh: Xuân Hải (Thọ Xuân)

Những ngày này, huyện Quế Sơn (Quảng Nam) phối hợp với huyện Thọ Xuân (Thanh Hóa) tổ chức các hoạt động kỷ niệm 50 năm kết nghĩa giữa hai huyện (20-11-1968 – 20-11-2018). Đây là sự kiện trọng đại, là dịp để ôn lại truyền thống gắn bó, chia ngọt sẻ bùi, tri ân những cống hiến, hy sinh mất mát của quân và dân hai huyện trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ quê hương, đất nước.

Ngược dòng thời gian về nguồn cội, tỉnh Thanh và đất Quảng đã có cơ duyên từ hàng trăm năm trước. Từ thuở Nguyễn Hoàng, người con của dòng họ nổi tiếng vùng đất Gia Miêu Ngoại Trang, huyện Tống Sơn (nay thuộc huyện Hà Trung, tỉnh Thanh Hóa) tiến về phương Nam mở cõi, gây dựng cơ đồ cho con cháu nhiều đời. Vùng Thuận Quảng “đất nhiều vàng sắt, biển nhiều cá muối”, xứng là nơi dụng võ của đấng anh hùng. Vương triều Nguyễn ở Đàng Trong đã xây dựng xứ Thuận Quảng trở nên một vùng đất phồn hoa đô hội bằng chính sách trọng thương cởi mở. Hồn cốt văn hóa xứ Quảng là sự giao thoa, hội nhập và chắt lọc giữa các nền văn hóa khác nhau, trong đó có dấu ấn văn hóa xứ Thanh. Tiếp nối mạch nguồn ấy, đến thời đại Hồ Chí Minh, vào năm 1960, khi cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước đang trong giai đoạn cam go, ác liệt, cháu con của hai miền đất giàu di sản này lại kết giao tình huynh đệ, kề vai sát cánh bên nhau trong cuộc chiến đấu chống giặc ngoại xâm, giành độc lập tự do cho Tổ quốc.

Từ đây, người xứ Quảng - người xứ Thanh không chỉ là dân một nước, mà đã là con một nhà. Dưới mái nhà chung ấy, huyện Thọ Xuân, quê hương của hai vị Hoàng đế Lê Hoàn, Lê Lợi, đã kết nghĩa với huyện Quế Sơn, miền đất sinh ra nhiều bậc hiền tài, danh sĩ thuộc hàng “Ngũ phụng, tứ hổ” của khoa bảng đất Việt. Lễ kết nghĩa diễn ra vào ngày 20-11-1968, tại làng Mỹ Lý Hạ, xã Bắc Lương, nơi sơ tán của cơ quan Huyện ủy Thọ Xuân lúc bấy giờ. Tại buổi lễ, hai huyện đã tiến hành ký biên bản kết nghĩa trước sự chứng kiến của lãnh đạo hai tỉnh, cùng nguyện ước gắn bó keo sơn, kề vai sát cánh, chung sức, đồng lòng chống kẻ thù chung, thống nhất nước nhà; đồng thời phát động phong trào thi đua: Quế Sơn không ngại gian khổ hy sinh, ra sức chiến đấu giết giặc lập công; Thọ Xuân vừa sản xuất vừa chiến đấu, động viên nhân dân hết lòng hết sức chi viện cho tiền tuyến miền Nam, đặc biệt là cho địa phương kết nghĩa với tinh thần “Quế Sơn gọi, Thọ Xuân sẵn sàng”.

Sau lễ kết nghĩa, với tinh thần “Vì miền Nam ruột thịt, vì Quế Sơn kết nghĩa”, nhân dân Thọ Xuân ra sức thi đua mỗi người làm việc bằng hai, tăng gia sản xuất với những cánh đồng 5 tấn/ha để lấy lương thực chi viện cho chiến trường; đồng thời đã nhiều lần tuyển quân vào Nam, trong đó nhiều người đã kề vai sát cánh cùng quân và dân Quế Sơn chiến đấu chống Mỹ. Những năm tháng chiến tranh ác liệt, những người con ưu tú của Thọ Xuân đã được nhân dân Quế Sơn hết lòng đùm bọc, chở che; nhiều đồng chí đã chiến đấu kiên cường, vĩnh viễn nằm lại trên đất mẹ Quế Sơn anh hùng. Hàng trăm chiến sĩ khi trở về cuộc sống đời thường, thân thể không còn nguyên vẹn cùng với biết bao sự hy sinh thầm lặng khác...

Thi đua với miền Bắc xã hội chủ nghĩa và hậu phương Thọ Xuân kết nghĩa, Đảng bộ huyện Quế Sơn đã lãnh đạo quân, dân vượt qua muôn vàn khó khăn, thử thách, không sợ hy sinh gian khổ, nêu cao chủ nghĩa anh hùng cách mạng, đoàn kết, chiến đấu dũng cảm, kiên cường bám trụ, tổ chức đánh địch ở mọi lúc, mọi nơi, đánh địch bằng 3 mũi giáp công, đánh địch ở 3 vùng chiến lược, lần lượt làm thất bại mọi chiến lược chiến tranh của Mỹ - Ngụy, lập nên nhiều chiến công hiển hách như chiến thắng Bà Rén, Mộc Bài, Hòn Chiêng, Động Mông - Đá Hàm... đặc biệt là chiến thắng Cấm Dơi vang dội, sẽ mãi còn in đậm trong lịch sử hào hùng chống giặc ngoại xâm. Những chiến công oanh liệt đó đã góp phần cùng cả nước làm nên thắng lợi của Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, thu non song về một mối, cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội.

Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, mặc dù còn gặp nhiều khó khăn, thiếu thốn do hậu quả của chiến tranh để lại, nhưng Đảng bộ và nhân dân Thọ Xuân nói riêng, Thanh Hóa nói chung vẫn tăng cường cho Quảng Nam, cho Quế Sơn hàng trăm cán bộ quản lý, cán bộ chuyên môn, tiếp tục chi viện lương thực, thực phẩm, giống cây trồng, vật nuôi, văn hóa phẩm... trong đó hàng chục người con của Thọ Xuân và con em Quảng Nam đang công tác ở Thọ Xuân, ở Nông trường Sao Vàng đã vào giúp Quảng Nam, giúp Quế Sơn hàn gắn vết thương chiến tranh, khôi phục sản xuất, ổn định đời sống.

Đáp lại tình cảm chân tình, thắm thiết, năm 1976, đoàn đại biểu lãnh đạo huyện Quế Sơn đã ra thăm, học tập kinh nghiệm xây dựng quê hương tại Thọ Xuân và tặng Đảng bộ, nhân dân Thọ Xuân những món quà thể hiện nghĩa tình gắn bó keo sơn giữa Đảng bộ và nhân dân hai huyện.

Tiếp nối truyền thống tốt đẹp được dựng xây từ những ngày gian khó, trong thời kỳ đổi mới, hai huyện thường xuyên tổ chức các chuyến thăm hỏi, trao đổi kinh nghiệm phát triển kinh tế, xã hội, giúp nhau xóa đói giảm nghèo. Nhất là trong những ngày lễ, ngày kỷ niệm, những sự kiện trọng đại của hai địa phương, là dịp để gặp gỡ giao lưu, bày tỏ sự quan tâm thiết thực và chia sẻ niềm vui, động viên nhau xây dựng quê hương, đất nước. Hay cả khi hai huyện gặp thiên tai, lũ lụt, lãnh đạo hai huyện đã có mặt kịp thời, động viên nhau, tiếp thêm sức mạnh để cùng nhau vượt qua khó khăn, thử thách. Những năm gần đây (2013 – 2018), huyện Thọ Xuân đã trao tặng 25 sổ tiết kiệm và 5 ngôi nhà tình nghĩa cho các gia đình chính sách của Quế Sơn với tổng trị giá 500 triệu đồng và 430 triệu đồng giúp khắc phục hậu quả thiên tai. Đáp lại tình cảm đó, huyện Quế Sơn cũng thường xuyên cử các đoàn công tác ra Thọ Xuân thăm hỏi, trao đổi về tình hình phát triển kinh tế – xã hội của hai địa phương. Chỉ tính từ năm 2012 đến nay, Quế Sơn đã trao tặng 26 sổ tiết kiệm và 3 ngôi nhà tình nghĩa cho các gia đình có công với cách mạng của Thọ Xuân với tổng giá trị 410 triệu đồng. Đồng thời động viên, giúp đỡ nhân dân Thọ Xuân bị thiệt hại do thiên tai với số tiền 235 triệu đồng... Tất cả những việc làm ân nghĩa thủy chung xuất phát từ tấm lòng nhân ái, tình cảm trong sáng ấy đã kịp thời động viên, cổ vũ nhân dân hai huyện vượt qua khó khăn, thách thức, đưa sự nghiệp đổi mới đạt được những thành tựu ngày càng to lớn và toàn diện hơn.

Sau hơn 30 năm thực hiện công cuộc đổi mới, nhất là những năm gần đây, đặc biệt là sau nửa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXVI, nhiệm kỳ 2015 – 2020, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc huyện Thọ Xuân đã phát huy truyền thống cách mạng, nỗ lực vượt qua khó khăn thách thức, phấn đấu vươn lên giành được kết quả quan trọng và khá toàn diện trên tất cả các lĩnh vực. Tốc độ tăng giá trị sản xuất bình quân hằng năm đạt 15,6%. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực. Nông nghiệp phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa quy mô lớn, đã hình thành vùng sản xuất nguyên liệu phục vụ cho công nghiệp chế biến, các vùng sản xuất tập trung chuyên canh, ứng dụng công nghệ cao như cây ăn quả... Chương trình xây dựng nông thôn mới đạt kết quả tích cực, hiện đã có 32 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, dự kiến đến hết năm 2018 sẽ có 36/36 xã, bằng 100% xã đạt chuẩn nông thôn mới. Sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp luôn duy trì được tốc độ tăng trưởng cao, đã thu hút được một số dự án sử dụng nhiều lao động như may mặc, giầy da, sản xuất vật liệu xây dựng... Các ngành dịch vụ, thương mại, du lịch phát triển đa dạng, phong phú. Lượng khách qua Cảng Hàng không Thọ Xuân đạt gần 1 triệu lượt khách/năm, gấp gần 3 lần so với quy hoạch được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đến năm 2020. Khu Di tích lịch sử Lam Kinh được công nhận là Di tích Quốc gia đặc biệt. Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội được quan tâm đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh tế - xã hội. Thị trấn Lam Sơn, thị trấn Sao Vàng và khu vực dự kiến mở rộng được Bộ Xây dựng công nhận đạt tiêu chí đô thị loại 4. Các hoạt động văn hóa - xã hội chuyển biến tích cực theo hướng nâng cao chất lượng và đẩy mạnh xã hội hóa. An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững. Đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân không ngừng được cải thiện; tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 2,4%. Công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị được quan tâm, một số mặt có chuyển biến rõ nét. Những kết quả đạt được nêu trên là tiền đề quan trọng, là động lực to lớn, tạo niềm phấn khởi, tự tin để Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thọ Xuân thực hiện thắng lợi toàn diện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXVI, nhiệm kỳ 2015 - 2020.

Cùng chung vui với những thành tích, kết quả của huyện Thọ Xuân, Đảng bộ và nhân dân Quế Sơn không ngừng nỗ lực phấn đấu, vượt qua khó khăn, thách thức, bằng ý chí tự lực, tự cường, truyền thống cách mạng và bằng mồ hôi, công sức, trí tuệ, sự năng động sáng tạo, phấn đấu vươn lên và đã đạt được những kết quả quan trọng trên tất cả các lĩnh vực, nhất là sau nửa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đảng bộ huyện lần thứ XXIV, nhiệm kỳ 2015 - 2020. Kinh tế luôn duy trì được nhịp độ tăng trưởng cao, bình quân hằng năm đạt 15,6%. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng. Chương trình xây dựng nông thôn mới được quan tâm thực hiện và đạt kết quả tích cực. Đã hình thành một số mô hình sản xuất gắn với chế biến lâm – nông có hiệu quả kinh tế cao. Sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, thương mại, dịch vụ, du lịch tiếp tục phát triển. Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội được quan tâm đầu tư, ngày càng hoàn thiện, nhiều dự án giao thông thủy lợi đã và đang được triển khai đầu tư xây dựng. Các lĩnh vực giáo dục, văn hóa, xã hội, y tế không ngừng phát triển theo hướng chuẩn hóa, xã hội hóa. An sinh xã hội được quan tâm. Tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh. Đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân không ngừng được cải thiện, nâng cao. Quế Sơn hôm nay đang vươn lên mạnh mẽ trong công cuộc đổi mới, bộ mặt đô thị ngày càng khang trang, sạch đẹp, diện mạo nông thôn có nhiều khởi sắc. Quế Sơn không chỉ là vùng đất có truyền thống lịch sử và cách mạng, mà đang trên đà tăng tốc bứt phá đi lên.

Năm tháng sẽ qua đi, nhưng mối tình trong sáng, thủy chung Thọ Xuân - Quế Sơn như hai dòng sông “chung đầu hợp cuối”, lắng đọng bồi đắp tình người, tình quê hương và sẽ mãi mãi là niềm tự hào khắc sâu trong lòng mỗi người. Đó là tài sản vô giá của Đảng bộ và nhân dân hai huyện mà thế hệ hôm nay cần phải gìn giữ, bồi đắp, tô thắm thêm và truyền tiếp cho các thế hệ mai sau, phát triển mối quan hệ nghĩa tình đặc biệt này lên tầm cao mới; nhằm khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế, điều kiện tương đồng ở mỗi địa phương, xây dựng huyện Quế Sơn và huyện Thọ Xuân không chỉ giàu mạnh về kinh tế mà còn trở thành hình mẫu trong tình cảm đồng chí anh em.

Nguyễn Văn Hùng

Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy Thọ Xuân



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]