(Baothanhhoa.vn) - Tại kỳ họp thứ sáu HĐND tỉnh khóa XVII, Giám đốc Sở Công thương Lê Tiến Lam trả lời chất vấn của HĐND tỉnh các nội dung liên quan đến các dự án thủy điện trên địa bàn tỉnh.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Rà soát, loại bỏ những dự án thủy điện không hiệu quả

Tại kỳ họp thứ sáu HĐND tỉnh khóa XVII, Giám đốc Sở Công thương Lê Tiến Lam trả lời chất vấn của HĐND tỉnh các nội dung liên quan đến các dự án thủy điện trên địa bàn tỉnh.

Giám đốc Sở Công thương Lê Tiến Lam trả lời chất vấn. (ảnh: Minh Hiếu)

Cụ thể, việc quy hoạch và xây dựng các công trình thủy điện trên địa bàn các huyện miền núi còn nhiều bất cập, ảnh hưởng đến sản xuất, đời sống của nhân dân, nhất là vùng ven sông, suối; việc bố trí và đầu tư các khu tái định cư (TĐC) chưa phù hợp, tiến độ thực hiện chậm nên đời sống của nhân dân đến khu TĐC còn gặp nhiều khó khăn. Giám đốc Sở Công thương cho rằng: Trên địa bàn tỉnh có 21 dự án thủy điện được quy hoạch đầu tư xây dựng, với tổng công suất 825 MW. Trong đó, có 6 dự án đã hoàn thành đi vào vận hành thương mại, 7 dự án đang triển khai thi công, 8 dự án đang ở bước lập hồ sơ đầu tư để trình xem xét chấp thuận. Việc quy hoạch và đầu tư các dự án thủy điện trên địa bàn tỉnh còn bộc lộ những bất cập, từ công tác quy hoạch đến quá trình thi công xây dựng khu TĐC và hỗ trợ sinh kế cho người dân. Nhà nước chỉ nghiên cứu quy hoạch những thủy điện lớn trên những dòng sông chính, còn lại đa số các dự án thủy điện khác do doanh nghiệp tự bỏ kinh phí khảo sát. Vì vậy, dẫn việc quy hoạch các dự án thủy điện thiếu đồng bộ, chỉ chú trọng đến khai thác năng lượng.

Để khắc phục những tồn tại, bất cập trong công tác quy hoạch và đầu tư các dự án thủy điện ở khu vực miền núi, nhằm khai thác hợp lý hơn nguồn thủy năng tự nhiên, Giám đốc Sở Công thương đã đưa ra những giải pháp như: Rà soát quy hoạch, đánh giá kỹ ảnh hưởng tác động môi trường - xã hội; loại bỏ quy hoạch các dự án có hiệu quả thấp, ảnh hưởng nhiều đến đất đai, môi trường... Yêu cầu chủ đầu tư đánh giá hiệu quả kinhh tế và tác động ảnh hưởng, lập phương án sinh kế cho người dân; lấy ý kiến tham vấn của cộng đồng để thực hiện. Tiếp tục bám sát, đôn đốc, hỗ trợ các chủ đầu tư khẩn trương thi công hoàn thành các khu TĐC để bảo đảm tiến độ di dân. Đối với các khu TĐC đã có người dân sinh sống, các chủ đầu tư phải có trách nhiệm đến đời sống của người dân, thường xuyên duy tu, sửa chữa các công trình cơ sở hạ tầng xuống cấp, bảo đảm điều kiện sống của người dân nơi TĐC.

Đại biểu Phạm Bá Diệm, Bí thư Huyện ủy Quan Hóa nêu câu hỏi chất vấn. (ảnh: Minh Hiếu)

Tại phiên chất vấn, nhiều câu hỏi được các đại biểu HĐND tỉnh và cử tri chuyển đến giám đốc Sở Công thương liên quan đến đời sống người dân ở các khu TĐC; việc quy hoạch và đầu tư xây dựng 7 dự án thủy điện nhỏ trên sông Lò và sông Luồng (Quan Sơn) có tác động như thế nào đến môi trường sinh thái; sự chênh lệch về diện tích ảnh hưởng của các dự án thủy điện khi lập dự án và khi tích nước đi vào hoạt động; vấn đề bảo đảm lương thực khi diện tích đất trồng lúa không còn, thiếu việc làm, thu nhập bấp bênh của bà con miền núi; nhiều dự án thủy điện quy hoạch xây dựng vượt diện tích thu hồi đất theo quy định; chưa xây dựng khu TĐC; sạt lở đất vùng hạ lưu và ảnh hưởng của Thủy điện bản Mộc (tỉnh Nghệ An) làm ngập một thôn ở huyện Như Xuân...

Trả lời những vấn đề trên, Giám đốc Sở công thương thừa nhận: Khi đầu tư các dự án thủy điện làm mất đất sản xuất, diện tích rừng ảnh hưởng đến sinh kế của người dân, suy giảm nguồn sinh thủy, thay đổi dòng chảy của các con sông. Vào mùa mưa bão, các dự án thủy điện thực hiện xả lũ không đúng quy trình. Đồng thời, với dung tích hồ chứa lớn, các dự án thủy điện còn gây ra nguy cơ mất ổn định địa chất, dẫn đến sạt trượt, xói lở. Quá trình thi công các dự án thủy điện thường kéo dài trong nhiều năm, ảnh hưởng đến môi trường. Đối với công tác bố trí, xây dựng các khu TĐC, theo Giám đốc Sở Công thương, các dự án thủy điện xây dựng cơ sở hạ tầng khu TĐC chưa được đầy đủ. Diện tích nhà ở nhỏ, thiết kế nhà chưa phù hợp; đất sản xuất được bố trí ít và kém màu mỡ, không có chương trình hỗ trợ sinh kế cho người dân. Trách nhiệm của chủ đầu tư trong việc hỗ trợ đào tạo nghề, giải quyết việc làm, ổn định đời sống của nhân dân bị ảnh hưởng bởi dự án còn hạn chế. Yếu tố làm nảy sinh tư tưởng thắc mắc, so sánh quyền lợi trong nhân dân là chính sách bồi thường có sự khác nhau giữa các dự án thủy điện. Vì vậy, chính sách TĐC, chuyển đổi nghề, an sinh xã hội đã được chủ đầu tư, các ngành kiểm tra, thẩm định và triển khai kịp thời, nhằm hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng.

Bên cạnh đó, công tác đo đạc diện tích đất bị ảnh các dự án thủy còn nhiều thiếu sót dẫn đến sự chênh lệch về diện tích khi lập dự án và khi đi vào hoạt động. Liên quan đến vấn đề tác động môi trường của các dự án thủy điện được các ngành thẩm định, đánh giá nên môi trường tương đối bảo đảm. Đồng thời, những đánh giá về địa tầng, địa chất, chủ đầu tư cùng các sở, ngành liên quan đã cùng phối hợp triển khai. Vì vậy, đối với các dự án thủy điện có sức chứa lòng hồ từ 1 tỷ mét khối nước trở lên mới có ảnh hưởng lớn đến địa tầng, địa chất. Những dự án trên sông Luồng, sông Lò và những dòng suối nhỏ lưu lượng nước ít nên không ảnh hưởng về dư chấn địa lý.

Riêng vấn đề Thủy điện bản Mộc (tỉnh Nghệ An) làm ngập một thôn ở huyện Như Xuân; nhiều dự án thủy điện quy hoạch xây dựng vượt diện tích thu hồi đất theo quy định của Bộ Công thương chưa trả lời được tại kỳ họp này, lãnh đạo Sở Công thương hứa sẽ tìm hiểu và trả lời các đại biểu HĐND tỉnh trong kỳ họp tới.

Kết luận nội dung này, đồng chí Trịnh Văn Chiến, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh khẳng định: Nhiều dự án thủy điện đã đóng góp vào tăng trưởng kinh tế - xã hội của tỉnh và cắt được lũ cho vùng hạ du. Việc đầu tư các dự án thủy điện đã được nhiều thế hệ lãnh đạo tỉnh qua các thời kỳ, cũng như hiện nay và người dân lo lắng trong công tác thi công, TĐC, chính sách hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng. Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh đề nghị, sau kỳ họp này, UBND tỉnh cần rà soát lại các dự án thủy điện trên địa bàn tỉnh. Trên cơ sở đó, những dự án thủy điện không bảo đảm tiêu chí theo quy định, nhất là liên quan đến vấn đề cắt lũ nên xem xét loại bỏ. Đối với những dự án đã chấp thuận chủ trương đầu tư và chấp thuận nhà đầu tư, cũng cần kiểm tra lại nếu chưa bảo đảm các quy định. Chỉ chấp thuận đầu tư và cho lập quy hoạch đối với những dự án thủy điện bảo đảm các quy định. Cần nghiên cứu để có các biện pháp phù hợp nhằm hạn chế, tiến tới không cho doanh nghiệp lập quy hoạch các dự án thủy điện. Sau phiên chất vấn tại kỳ họp này, UBND tỉnh cần giao các sở, ngành liên quan kiểm tra, khảo sát đời sống người dân ở các khu TĐC, trên cơ sở đó, đề nghị chủ đầu tư, các ngành liên quan có giải pháp tháo gỡ khó khăn trong đời sống của người dân. Đồng thời, kiểm tra các khu TĐC các dự án mới để đánh giá chính xác, nếu không bảo đảm đời sống cho người dân thì cần tìm khu mới. Kết quả kiểm tra cần được hoàn thành và báo cáo Thường trực HĐND tỉnh vào cuối tháng 7-2018.


Trần Thanh

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]