(Baothanhhoa.vn) - Nhiều người thường hay nói chị Hoàng Thị Sáng, chi hội trưởng chi hội phụ nữ thôn Thái Tây, xã Hà Thái (Hà Trung) là “người vác tù và hàng tổng”.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Phụ nữ Thanh Hóa học và làm theo Bác

Nhiều người thường hay nói chị Hoàng Thị Sáng, chi hội trưởng chi hội phụ nữ thôn Thái Tây, xã Hà Thái (Hà Trung) là “người vác tù và hàng tổng”.

Học và làm theo Bác, Hội phụ nữ xã Vĩnh Yên (Vĩnh Lộc) thi mổ lợn tiết kiệm.

Chị Sáng nói, rất tâm đắc vác “tù và” nên học hỏi được nhiều kinh nghiệm và có động lực để hoạt động. Đó là chị chứng kiến nhiều hội viên có hoàn cảnh khó khăn nhưng rất kiên trì, chịu khó, bản thân mình không khó khăn như hội viên thì tại sao lại nản lòng?. Vậy là chị đã tiên phong đi đầu nhận thầu đất làm trang trại cá - lúa, kết hợp chăn nuôi lợn, gia cầm. Khó khăn, thất bại cũng nhiều nhưng chị không bỏ cuộc. Đến nay, trang trại của gia đình chị đã mang lại nguồn thu 400 đến 500 triệu đồng/năm, tạo việc làm từ 20 đến 25 lao động thời vụ. Chị Sáng còn thường xuyên giúp đỡ hội viên khó khăn và chuyển giao khoa học - kỹ thuật với mong muốn chị em tăng thêm thu nhập.

Chị Sáng là một trong số rất nhiều cán bộ hội cơ sở đang hàng ngày năng nổ, nhiệt tình, trách nhiệm, góp phần thực hiện tốt công tác hội, tập hợp, thu hút hội viên tham gia sinh hoạt, tham gia các phong trào thi đua do các cấp hội phụ nữ phát động. Trong những năm qua, cụ thể hóa việc học và làm theo Bác, Hội LHPN tỉnh đã xây dựng 5 chuẩn mực học và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, đó là: Có bản lĩnh chính trị vững vàng, tuyệt đối trung thành với Đảng, Tổ quốc; kỷ luật, kỷ cương, tận tụy, trách nhiệm, năng động, sáng tạo, sẵn sàng nhận và hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao; đoàn kết, yêu thương đồng chí, đồng nghiệp, thẳng thắn chân thành, giúp đỡ nhau cùng tiến bộ; gương mẫu, trung thực, khiêm tốn, tự tin, tự trọng, trung hậu, đảm đang, liêm khiết, tiết kiệm; sâu sát, gắn bó với cơ sở, gần gũi với hội viên phụ nữ và quần chúng nhân dân, tích cực học tập nâng cao trình độ về mọi mặt...

Học và làm theo Bác được xác định phải từ công tác cán bộ. Cán bộ hội phải chuẩn mực, nêu gương, có trách nhiệm đi đầu thực hiện các phong trào, cuộc vận động. Do vậy, Hội LHPN tỉnh đã chỉ đạo cán bộ hội các cấp đổi mới tác phong, lề lối làm việc khoa học, khắc phục hành chính hóa, nâng cao chất lượng tham mưu, sâu sát cơ sở; duy trì, nhân rộng mô hình “ngày làm việc 8 giờ hiệu quả”; xây dựng phong cách người cán bộ hội “gần hội viên, hiểu hội viên, nghe hội viên nói, nói hội viên hiểu, làm hội viên tin”. Do vậy hầu hết các phong trào, chương trình hoạt động hội cơ sở đều thu hút được đông đảo hội viên tham gia. Sự nhiệt tình, sáng tạo và trách nhiệm của cán bộ hội đã góp phần xây dựng nhiều mô hình học và làm theo Bác đạt hiệu quả, lan rộng. Rõ nhất là thực hành tiết kiệm bằng nhiều hình thức: Tiết kiệm theo chương trình vay vốn của ngân hàng, các chương trình tài chính vi mô, tiết kiệm điện, vật tư sản xuất... từ phong trào thực hành tiết kiệm “làm theo” Bác, các cấp hội đã tiết kiệm được hàng trăm tỷ đồng, giúp 55.125 hội viên, phụ nữ có điều kiện vươn lên trong cuộc sống. Qua đó xuất hiện nhiều mô hình mới phù hợp với từng địa phương, như: Hội LHPN tỉnh triển khai mô hình ngân hàng bò (ở các huyện Mường Lát, Quan Sơn, Như Xuân, Lang Chánh...); tổ tiết kiệm hùn vốn hỗ trợ phụ nữ xây dựng nhà vệ sinh, các công trình vệ sinh đạt tiêu chuẩn thực hiện cuộc vận động xây dựng gia đình “5 không, 3 sạch” (huyện Quan Sơn); mô hình trang trại tiết kiệm điện, nước đảm bảo vệ sinh môi trường (các huyện Như Thanh, Yên Định, Hà Trung, Thạch Thành); mô hình tiết kiệm tặng vàng cho hội viên phụ nữ (TP Thanh Hóa); mỗi ngày tiết kiệm 1 số điện (thị xã Bỉm Sơn)...

Trong xây dựng nông thôn mới, các cấp hội vận động hội viên thực hiện tốt 19 tiêu chí gắn với cuộc vận động xây dựng gia đình “5 không, 3 sạch”, vận động được nhiều hội viên hiến đất, làm đường... xây dựng các mô hình sản xuất, ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật, nâng giá trị thu nhập trên cùng đơn vị diện tích. Tại các cơ sở hội, nhiều mô hình kinh tế chăn nuôi, trồng trọt, dịch vụ được thành lập do phụ nữ làm chủ, như HTX, tổ hợp tác, tổ liên kết... Hội viên đã liên kết đầu vào, đầu ra, cùng nhau chia sẻ kinh nghiệm, tìm kiếm thị trường nên các mô hình đang duy trì, phát triển bền vững, giải quyết việc làm cho nhiều lao động và nâng cao thu nhập cho các thành viên từ 3 triệu đồng/người/tháng trở lên, tiêu biểu, như: HTX sản xuất rau an toàn xã Thiệu Tân (Thiệu Hóa); HTX sản xuất và tiêu thụ nấm do phụ nữ làm chủ xã Vân Sơn (Triệu Sơn); tổ liên kết chăn nuôi bò sinh sản xã Sơn Thủy (Quan Sơn)...

Học và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách của Bác còn là ở việc chống lãng phí, tiêu cực, chống bệnh thành tích, hình thức. Do vậy, các phong trào thi đua, cuộc vận động thực hiện 6 nhiệm vụ trọng tâm công tác hội được tổ chức thực hiện có trọng tâm, trọng điểm đi vào thực chất, phù hợp với nhu cầu, nguyện vọng của đông đảo hội viên phụ nữ các dân tộc, được cấp ủy, chính quyền đánh giá cao, như: Thực hiện phong trào phụ nữ giúp nhau phát triển kinh tế gia đình; xây dựng nông thôn mới; giúp phụ nữ nghèo có địa chỉ...

Từ việc học và làm theo Bác, các cấp hội phụ nữ đã xuất hiện nhiều tấm gương phụ nữ điển hình, “tự tin - tự trọng - trung hậu - đảm đang”, “giỏi việc nước, đảm việc nhà”, “Lao động giỏi, lao động sáng tạo”, 3.090 điển hình được biểu dương, khen thưởng. Đặc biệt, có 1 chị được nhận Cúp Bông hồng vàng, 2 chị được nhận Giải thưởng Kova, 2 chị được nhận Bằng khen Trung ương Hội LHPN Việt Nam, 2 chị được tham dự Hội nghị điển hình tiên tiến toàn quốc, 2 chị nhận Giải thưởng “Vì sự phát triển Thanh Hóa”.


Bài và ảnh: Lê Hà

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]