(Baothanhhoa.vn) - Những người có uy tín (NCUT) trong đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) là những tấm gương tiêu biểu, đi đầu trong các phong trào thi đua yêu nước, nhất là trong các chương trình xây dựng nông thôn mới (XDNTM), giảm nghèo bền vững, công tác bảo tồn văn hóa truyền thống của các dân tộc, đáp ứng sự kỳ vọng, tin tưởng của Đảng, Nhà nước và các cơ quan trong hệ thống chính trị.

Người có uy tín - “cầu nối” gắn kết ý Đảng - lòng dân

Những người có uy tín (NCUT) trong đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) là những tấm gương tiêu biểu, đi đầu trong các phong trào thi đua yêu nước, nhất là trong các chương trình xây dựng nông thôn mới (XDNTM), giảm nghèo bền vững, công tác bảo tồn văn hóa truyền thống của các dân tộc, đáp ứng sự kỳ vọng, tin tưởng của Đảng, Nhà nước và các cơ quan trong hệ thống chính trị.

Người có uy tín - “cầu nối” gắn kết ý Đảng - lòng dân

Ông Trịnh Phúc Hiến (thứ 2 từ phải sang) - người có uy tín, trưởng ban công tác mặt trận, tổ trưởng tổ dân phố Ngọc Sơn, thị trấn Phong Sơn (Cẩm Thủy) trao đổi công việc cùng bà con.

"Cầu nối" gắn kết ý Đảng - lòng dân

Hiện nay, tỉnh Thanh Hóa có 1.289 NCUT trong đồng bào DTTS; trong đó dân tộc Mường 638 người, dân tộc Thái 485 người, dân tộc Dao 12 người, dân tộc Mông 43 người, dân tộc Kinh 83 người, dân tộc Khơ Mú 2 người và dân tộc Thổ 26 người.

Trong những năm qua, NCUT tại các vùng DTTS đã thể hiện rõ vai trò, trách nhiệm của mình đối với xã hội và cộng đồng; thực sự là “chỗ dựa” quan trọng của các cấp ủy đảng, chính quyền, mặt trận; có vai trò và ảnh hưởng lớn trong công tác vận động đồng bào tham gia xây dựng Đảng, chính quyền, hệ thống chính trị ở địa phương. Họ là những người gương mẫu, đi đầu thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; đưa “ánh sáng của Đảng” đến với đồng bào vùng sâu, vùng xa, vùng còn nhiều khó khăn; không quản ngại khó khăn, gian khổ đi từng ngõ, gõ từng nhà, vận động bà con tích cực tham gia các phong trào thi đua; giúp nhau phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo; bài trừ hủ tục lạc hậu; giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa tốt đẹp; hòa giải, giải quyết tốt mọi vướng mắc, phát sinh trong cộng đồng; tạo sự đồng thuận, xây dựng thôn, bản đoàn kết, bình yên, phát triển.

Trong phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói, giảm nghèo, XDNTM, đô thị văn minh, rất nhiều NCUT đã mạnh dạn ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, kinh doanh vươn lên làm kinh tế, là những tấm gương có ảnh hưởng tích cực đến công tác xóa đói, giảm nghèo ở địa phương. Bằng kinh nghiệm, uy tín của mình, đội ngũ NCUT đã vận động Nhân dân tham gia hàng nghìn ngày công lao động, hiến hàng nghìn m2 đất làm đường, đóng góp hàng tỷ đồng làm đường bê tông nông thôn; kiên cố hóa kênh mương; cải tạo, xây dựng nhiều nhà văn hóa thôn, tu sửa phòng học, trạm y tế xã; khai hoang, cải tạo ruộng đất, phát triển trang trại sản xuất, kinh doanh dịch vụ đạt hiệu quả kinh tế cao.

Ngoài ra, còn có rất nhiều tấm gương NCUT tiêu biểu trong giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc; xây dựng hệ thống chính trị cơ sở và khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Họ truyền dạy cho các thế hệ con cháu và cộng đồng các nghề truyền thống như: dệt thổ cẩm, chế biến lâm sản, truyền dạy các điệu khặp, ném còn, kéo co, bắn nỏ, đẩy gậy... Vận động bà con duy trì và phát triển các lễ hội, điệu hát, múa, nhạc cụ mang bản sắc văn hóa truyền thống dân tộc như: khặp, múa sạp, khua luống của dân tộc Thái, Mường; múa khèn, thổi khèn, ném còn, đánh cù của dân tộc Mông; lễ cấp sắc của dân tộc Dao...

Phát huy “cánh tay nối dài” của Đảng và Nhà nước

Là NCUT, trưởng thôn Đồng Xuân, xã Hải Long (Như Thanh) cùng với việc tích cực vận động Nhân dân đóng góp tiền, hiến đất, ngày công lao động bê tông hóa hơn 3,2 km đường, kiên cố hóa 800m mương, xây dựng nhà văn hóa thôn, với tổng kinh phí hơn 1,3 tỷ đồng, ông Quách Văn Long còn gương mẫu đi đầu trong việc chuyển đổi giống cây trồng, vật nuôi; mạnh dạn đầu tư trồng 1,5 ha luồng, 3,5 ha keo kết hợp chăn nuôi gia súc, gia cầm mang lại thu nhập hàng năm từ 200 - 250 triệu đồng/năm, tạo việc làm cho 5 - 10 lao động theo thời vụ. Với kinh nghiệm bản thân, ông Long đã hướng dẫn, giúp đỡ bà con tiếp cận, nhân rộng mô hình để phát triển kinh tế. Với 215 hộ dân, hiện thôn Ba Ngọc đã có 27% hộ giàu, 71% hộ khá giả, chỉ còn lại 3% hộ nghèo.

Người có uy tín - “cầu nối” gắn kết ý Đảng - lòng dân

Ông Triệu Văn Chính, NCUT khu phố Hạ Sơn, thị trấn Ngọc Lặc tuyên truyền, vận động Nhân dân phát triển kinh tế, xây dựng gia đình văn hóa.

Ông Lâu Văn Chá, dân tộc Mông, NCUT, trưởng ban công tác mặt trận bản Pù Toong, xã Pù Nhi (Mường Lát) là người tích cực tuyên truyền, vận động Nhân dân thực hiện nếp sống văn hóa mới, chấp hành tốt quy ước của bản, xóa bỏ các hủ tục lạc hậu trong việc cưới, việc tang, lễ hội; không tham gia các tệ nạn xã hội. Trong phát triển kinh tế, ông đã cùng chi ủy, ban quản lý bản vận động đồng bào trồng rừng, trồng cây ăn quả, phát triển chăn nuôi theo mô hình VAC, hạ thấp độ cao phát nương làm rẫy chuyển sang trồng lúa nước nhằm bảo vệ rừng đầu nguồn... Với những nỗ lực của ông Chá, năm 2020 bản Pù Toong đã được công nhận bản NTM; tỷ lệ hộ nghèo chỉ còn 4,1% (theo tiêu chí mới).

Các ông Quách Văn Long, Lâu Văn Chá chỉ là 2 trong số 120 điển hình NCUT tiêu biểu trong đồng bào DTTS giai đoạn 2020-2022 vừa được biểu dương tại Hội nghị biểu dương điển hình NCUT tiêu biểu trong đồng bào DTTS tỉnh Thanh Hóa giai đoạn 2020-2022. Còn rất nhiều các tấm gương sáng, những hành động cao đẹp mà NCUT trên địa bàn tỉnh đã đóng góp trên các lĩnh vực của đời sống xã hội. Họ thực sự là những ngọn lửa luôn tỏa sáng trên mọi mặt trận của đời sống xã hội, được Nhân dân đồng tình ủng hộ.

Biểu dương những đóng góp to lớn của NCUT trong đồng bào DTTS đối với sự phát triển của tỉnh tại Hội nghị biểu dương điển hình NCUT tiêu biểu trong đồng bào DTTS tỉnh Thanh Hóa giai đoạn 2020-2022, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Đỗ Trọng Hưng nhấn mạnh, các già làng, trưởng bản, NCUT là những người tiêu biểu, “giữ lửa” ở các bản, làng; “chỗ dựa” vững chắc, “cầu nối” quan trọng của các cấp ủy đảng, chính quyền và đồng bào các dân tộc. Sự đóng góp quan trọng thể hiện rõ nét qua việc vận động đồng bào giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, những phong tục, tập quán tốt đẹp, lễ hội truyền thống, xóa bỏ hủ tục lạc hậu, bài trừ mê tín dị đoan; tích cực đóng góp xây dựng hệ thống chính trị cơ sở, giữ gìn an ninh trật tự và tăng cường khối đại đoàn kết dân tộc, xóa đói, giảm nghèo, XDNTM...

Để quyết tâm đưa “miền núi tiến kịp miền xuôi”, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết số 58-NQ/TW của Bộ Chính trị và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, Bí thư Tỉnh ủy Đỗ Trọng Hưng mong muốn đội ngũ NCUT trong đồng bào DTTS tiếp tục phát huy vai trò hạt nhân “nòng cốt” của mình, luôn gương mẫu, đi đầu trong mọi hoạt động đời sống hằng ngày, động viên, dẫn dắt gia đình, người thân, Nhân dân nơi cư trú thực hiện tốt các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, tích cực tham gia các phong trào thi đua yêu nước, tập trung phát triển kinh tế - xã hội, đẩy mạnh lao động sản xuất, vươn lên thoát nghèo. Chủ động tìm tòi, ứng dụng và triển khai các mô hình phát triển kinh tế hiệu quả, từ đó hướng dẫn bà con cùng thực hiện. Thường xuyên giữ mối liên hệ mật thiết với cấp ủy, chính quyền và lực lượng chức năng trong đấu tranh phòng, chống tội phạm, ngăn chặn hoạt động tuyên truyền, phát triển đạo trái phép trong vùng dân tộc, miền núi; giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc, gắn với xóa bỏ các tập tục lạc hậu, xây dựng bản, làng văn hóa, khu dân cư tiên tiến, góp phần xây dựng quê hương ngày càng văn minh, giàu đẹp và kiểu mẫu.

Bài và ảnh: Phan Nga


Bài và ảnh: Phan Nga

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]