(Baothanhhoa.vn) - Dân vận và dân chủ là tư tưởng cốt lõi, bao trùm, giá trị nổi bật, là di sản quý báu của Chủ tịch Hồ Chí Minh để lại cho Đảng ta, nhân dân ta và các thế hệ cán bộ, đảng viên.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Nghiên cứu, vận dụng mối quan hệ giữa Tư tưởng dân vận và dân chủ Hồ Chí Minh vào việc xây dựng tác phong làm việc dân chủ cho đội ngũ cán bộ ở cơ sở hiện nay

Nghiên cứu, vận dụng mối quan hệ giữa Tư tưởng dân vận và dân chủ Hồ Chí Minh vào việc xây dựng tác phong làm việc dân chủ cho đội ngũ cán bộ ở cơ sở hiện nay

Hơn 3 vạn đại biểu các tầng lớp nhân dân, lực lượng vũ trang Thanh Hóa lắng nghe Bác Hồ nói chuyện... Ảnh: Tư Liệu

Dân vận và dân chủ là tư tưởng cốt lõi, bao trùm, giá trị nổi bật, là di sản quý báu của Chủ tịch Hồ Chí Minh để lại cho Đảng ta, nhân dân ta và các thế hệ cán bộ, đảng viên.

Theo Người, dân vận phải được đặt trên cơ sở dân chủ; dân chủ là nội dung, phương thức và mục tiêu của dân vận; dân chủ và dân vận là cội nguồn phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc. Nhân kỷ niệm 70 năm Bác Hồ viết tác phẩm “Dân vận” (1949-2019), việc nghiên cứu, làm rõ giá trị lý luận và thực tiễn về Tư tưởng dân vận của Người, đồng thời với việc đẩy mạnh học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh về xây dựng ý thức tôn trọng nhân dân, phát huy dân chủ, chăm lo đời sống nhân dân càng có ý nghĩa thiết thực trong việc rèn luyện tác phong làm việc dân chủ cho đội ngũ cán bộ ở cơ sở hiện nay.

Dân vận phải được đặt trên cơ sở dân chủ

Cách đây 70 năm (15-10-1949) trong lời mở đầu bài báo “Dân vận”, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết: “Vấn đề dân vận nói đã nhiều, bàn đã kỹ nhưng vì nhiều địa phương, nhiều cán bộ chưa hiểu thấu, làm chưa đúng nên cần phải nhắc lại”(1). Điều mà Người nhắc lại trước tiên đó là “dân chủ”. Đây chính là phương châm, triết lý hành động mà mỗi cán bộ, đảng viên cần phải nắm vững trong thực hành dân vận. Theo Người, dân vận phải được đặt trên tiền đề, cơ sở là chế độ dân chủ thực sự theo những tiêu chuẩn về lợi ích, quyền hạn, trách nhiệm, tổ chức Đảng, Nhà nước, đoàn thể... tất cả đều của dân, do dân và vì dân. Bởi, vấn đề cơ bản nhất và quan trọng nhất về dân chủ mà Hồ Chí Minh nhắc lại để mọi người “hiểu thấu” và làm cho đúng đó chính là “quyền hành và lực lượng đều ở nơi dân”(2). Theo đó, mỗi cán bộ, đảng viên từ suy nghĩ đến hành động: Phải thật sự tôn trọng nhân dân: “Tin vào dân chúng. Đưa mọi vấn đề cho dân chúng thảo luận và tìm cách giải quyết”(3); và phải “phải học dân chúng, phải hỏi dân chúng, phải hiểu dân chúng”(4) ; phát huy quyền làm chủ của nhân dân; chăm lo đời sống nhân dân theo tinh thần “Đem tài dân, sức dân, của dân làm lợi cho dân”(5), đặt lợi ích của nhân dân lên trên hết, trước hết: “Việc gì có lợi cho dân phải hết sức làm, việc gì có hại cho dân phải hết sức tránh”(6). Đây là một triết lý vô cùng độc đáo và hết sức sâu sắc, đồng thời có ý nghĩa thiết thực với việc xây dựng tác phong làm việc dân chủ của đội ngũ cán bộ ở cơ sở hiện nay, bởi chỉ có sự tin yêu, thấu hiểu, thấu cảm tâm tư, nguyện vọng của nhân dân, biết lắng nghe, học hỏi nhân dân, chăm lo lợi ích cho nhân dân thì mới tìm thấy ở nơi dân những kinh nghiệm hay, sáng kiến, sáng tạo cùng những tư vấn, hiến kế tạo bước đột phá trong sự nghiệp đổi mới và phát triển đất nước và ngược lại, nếu cán bộ, đảng viên tiến hành dân vận không trên nền tảng dân chủ, nhất là vi phạm lợi ích, quyền hạn của nhân dân thì dù có cố gắng cải tiến, cổ vũ hô hào bao nhiêu đi chăng nữa, thì cũng sẽ lâm vào tình trạng “vận” mà dân không “động” không nghe, không tin, không theo.

Dân chủ là nội dung, phương thức và mục tiêu của dân vận

Suy cho đến cùng, thực chất của công tác dân vận là xây dựng mối quan hệ máu thịt giữa Đảng với nhân dân, phát huy sức mạnh làm chủ của nhân dân. Sức mạnh của nhân dân là vô tận nhưng nhân dân phải được giác ngộ, được tổ chức, được lãnh đạo đúng đắn thì mới phát huy được lực lượng vô tận của mình. Bác khuyên: “Chúng ta phải ghi tạc vào đầu cái chân lý này: Dân rất tốt”(7). Nhưng trước hết cần phải: “Chịu khó tìm đủ cách giải thích cho họ hiểu rằng: Những việc đó là vì ích lợi của họ mà phải làm”(8). Mỗi cán bộ, đảng viên cần thấu triệt: Nội dung cốt lõi của công tác dân vận là xây dựng lực lượng, tập hợp và phát huy sức mạnh làm chủ từ “mỗi một người dân” cho đến “toàn dân”, Bác chỉ rõ: “Dân vận là vận động tất cả lực lượng của mỗi một người dân không để sót một người dân nào, góp thành lực lượng toàn dân, để thực hành những công việc nên làm, những công việc chính phủ và đoàn thể đã giao cho”(9). Như vậy, công tác dân vận là phải vận động, khơi dậy, phát huy tính tích cực, sáng tạo, huy động được tất cả lực lượng: Trí lực, sức lực, tài lực của mỗi một người dân, góp thành lực lượng của toàn dân vì sự nghiệp đổi mới, phát triển đất nước. Phương thức và mục tiêu công tác dân vận là phải ra sức thực hành dân chủ, phát huy quyền làm chủ của nhân dân, phải sát dân, học hỏi quần chúng, phải không ngừng nâng cao tinh thần tập thể, hợp tác với nhau, tinh thần gương mẫu trước quần chúng. Trong tác phẩm “Dân vận” Hồ Chí Minh đã nêu lên quy trình 4 bước trong công tác dân vận, quy trình đó ứng với quy trình phát huy dân chủ hiện nay “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”. Đối với khâu “dân biết”, Bác nêu: “Trước nhất là phải tìm mọi cách giải thích cho mỗi một người dân hiểu rõ ràng: Việc đó là lợi ích cho họ và nhiệm vụ của họ, họ phải hăng hái làm cho kỳ được”(10). Theo đó, khâu đầu tiên của dân vận tức tuyên truyền, giác ngộ cho nhân dân hiểu rõ lợi ích, quyền và nghĩa vụ, từ đó hăng hái tham gia sự nghiệp cách mạng. Tiếp đến khâu “Dân bàn”, Bác yêu cầu: “Bất cứ việc gì đều phải bàn bạc với dân, hỏi ý kiến và kinh nghiệm của dân, cùng với dân đặt kế hoạch cho thiết thực với hoàn cảnh địa phương”(11), ở khâu này đòi hỏi tác phong dân vận trước hết phải thể hiện ý thức tôn trọng nhân dân, phát huy trí tuệ, kinh nghiệm và sáng kiến của nhân dân để quyết định các chủ trương, kế hoạch phù hợp với điều kiện thực tiễn và nguyện vọng của nhân dân, từ đó “động viên và tổ chức toàn dân ra thi hành”(12). Trong tổ chức phong trào hành động cách mạng của nhân dân nhằm thực hiện “những công việc nên làm, những công việc Chính phủ và đoàn thể đã giao cho”(13), yêu cầu cán bộ, đảng viên phải: “Theo dõi, giúp đỡ, đôn đốc, khuyến khích dân”(14), chứ không được “Đầu voi, đuôi chuột” thiếu theo dõi, giúp đỡ, khuyến khích, động viên nhân dân thực hiện. Để thực hiện có hiệu quả phong trào cách mạng, cùng với việc thực hiện đồng bộ các khâu “Dân biết”, “Dân bàn”, “Dân làm”, Hồ Chí Minh đã chú trọng khâu kiểm tra, giám sát, sơ kết, tổng kết, biểu dương, khen thưởng, rút kinh nghiệm. Theo đó, Người yêu cầu “cùng với dân kiểm thảo lại công việc, rút kinh nghiệm, phê bình, khen thưởng”(15).

Dân vận vừa là phương thức thực hành dân chủ đồng thời là một trong những nguyên tắc xây dựng Đảng, xây dựng tác phong làm việc cho đội ngũ cán bộ ở cơ sở

Thực tế cho thấy, dân vận chỉ có thể đạt kết quả tốt trên cơ sở thực hiện dân chủ thực sự. Dân vận khéo là phương thức thực hành và phát huy dân chủ có hiệu quả và tập trung được sức mạnh vĩ đại của toàn dân để thực hiện chế độ dân chủ tốt đẹp vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh dân chủ, công bằng, văn minh. Và theo Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Có phát huy dân chủ đến cao độ thì mới động viên được tất cả lực lượng của nhân dân đưa cách mạng tiến lên”(16). Bởi vậy, Bác phê phán thái độ coi thường công tác dân vận, “xem khinh việc dân vận”(17) và phê bình nghiêm khắc cách làm dân vận chỉ “Cử ra một ban hoặc vài người, mà thường cử những cán bộ kém rồi mặc họ. Những cán bộ khác không trông nom, giúp đỡ, tự cho mình không có trách nhiệm dân vận. Đó là sai lầm rất to; rất có hại”(18). Trên cơ sở đó, Bác yêu cầu: “Tất cả cán bộ chính quyền, tất cả cán bộ, đoàn thể và tất cả hội viên của các tổ chức nhân dân (Liên Việt, Việt Minh, v.v...) đều phải phụ trách dân vận”(19), đồng thời cán bộ làm công tác Dân vận phải có tác phong: “Óc nghĩ, mắt trông, tai nghe, chân đi, miệng nói, tay làm”(20).

Sự nghiệp đẩy mạnh CNH, HĐH, quá trình hội nhập quốc tế sâu rộng đã và đang đặt ra nhiều cơ hội và thách thức, đòi hỏi đội ngũ cán bộ, đảng viên phải có đủ phẩm chất, năng lực, uy tín ngang tầm nhiệm vụ. Với vị trí gần dân nhất, trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo việc quán triệt, tổ chức thực hiện, kiểm tra, đánh giá kết quả thực hiện các chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; đồng thời, tiếp thu kiến nghị, phản ánh của nhân dân để đề xuất với Đảng, Nhà nước hoàn thiện chủ trương, đường lối; do đó, đội ngũ cán bộ ở cơ sở có vị trí, vai trò quan trọng, là cầu nối, giữ mối liên hệ máu thịt giữa Đảng với nhân dân. Để thực hành dân chủ và thực hiện tốt công tác dân vận ở cơ sở, đòi hỏi đội ngũ cán bộ phải nhận thức đầy đủ những giá trị cốt lõi về mối quan hệ giữa Tư tưởng dân vận và dân chủ Hồ Chí Minh, đồng thời trong chỉ đạo, điều hành thực tiễn cần phải lưu ý: Lắng nghe dân nhưng không “theo đuôi” dân. Thực hành tác phong làm việc dân chủ, người cán bộ phải biết phân biệt đúng, sai; tránh lợi ích cá nhân, cục bộ. Bác dạy: “Không phải dân chúng nói gì, ta cũng cứ nhắm mắt theo”(21). Vì, “dân chúng trông thấy từ dưới lên. Nên sự trông thấy cũng có hạn”(22). Hơn nữa “dân chúng không nhất luật như nhau. Trong dân chúng có nhiều tầng lớp khác nhau, trình độ khác nhau, ý kiến khác nhau. Có lớp tiên tiến, có lớp lừng chừng, có lớp lạc hậu”(23). Bởi vậy, cũng có ý kiến đúng, có ý kiến sai. Người căn dặn: “Chúng ta tuyệt đối không nên theo đuôi quần chúng”(24); dân chủ nhưng phải quyết đoán, chịu trách nhiệm cá nhân. Tác phong làm việc của người cán bộ lãnh đạo, quản lý đúng đắn là phải kết hợp thống nhất giữa cách làm việc dân chủ, tập thể với tính quyết đoán, dám chịu trách nhiệm cá nhân trước tập thể, kịp thời đưa ra những quyết định đúng, tránh “cha chung không ai khóc”, đổ lỗi cho tập thể. Trong những thời điểm quyết định, người lãnh đạo, quản lý phải dám nghĩ, dám làm, dám quyết..., khi đã thấy đúng thì phải quyết liệt thực hiện cho kỳ được; điều đó còn liên quan trực tiếp đến việc tận dụng được thời cơ nhất là trong điều kiện bùng nổ thông tin như hiện nay. Bác từng dạy: “Lạc nước hai xe đành bỏ phí. Gặp thời một tốt cũng thành công”(25). Huy động sức dân phải đi đôi với bồi dưỡng sức dân. Mỗi cán bộ lãnh đạo, quản lý phải khắc sâu ghi nhớ, mọi thắng lợi của cách mạng đều dựa vào sức dân, nhờ vào sức dân vì vậy muốn sức dân bền, sức dân mạnh thì điều cốt yếu phải chú trọng giữ gìn sức dân, tiết kiệm sức dân, không ngừng bồi dưỡng, nâng cao sức dân. Trước lúc đi xa, trong “Di chúc” thiêng liêng Bác căn dặn: “Đảng cần phải có kế hoạch thật tốt để phát triển kinh tế và văn hóa, nhằm không ngừng nâng cao đời sống của nhân dân”(26).

Để xây dựng tác phong làm việc dân chủ theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, người cán bộ cơ sở, nhất là người đứng đầu phải thực hiện đồng bộ các giải pháp, trong đó giải pháp cơ bản nhất, quan trọng nhất là nêu gương, cụ thể: Phải thực hành trước từ trong nhận thức đến hành động tất cả mọi việc đều phải xuất phát từ lợi ích của Đảng, của nhân dân theo phương châm: “Việc gì có lợi cho dân phải hết sức làm, việc gì có hại cho dân phải hết sức tránh”(27), phải bắt đầu từ những việc nhân dân quan tâm, phải bắt đầu từ những việc nhân dân chưa hài lòng. Thực hành tốt tác phong làm việc dân chủ theo tinh thần vừa phải bao quát mọi người, mọi việc, đồng thời phải sâu sát đến từng người, từng việc. Trực tiếp nắm bắt tâm tư; trực tiếp trao đổi, đối thoại với dân; trực tiếp giải quyết những kiến nghị, đề xuất của nhân dân theo thẩm quyền, tạo sự ổn định ngay từ cơ sở. Đồng thời với thực hành trước và thực hành tốt, người cán bộ ở cơ sở, nhất là người đứng đầu phải có trách nhiệm hướng dẫn, giúp đỡ cán bộ, đảng viên rèn luyện tác phong làm việc: Biết nghe dân nói, biết nói dân hiểu, biết làm cho dân tin... Làm được như vậy sẽ xây dựng được hình ảnh tốt đẹp của người cán bộ, đảng viên, giữ được mối liên hệ máu thịt giữa Đảng với nhân dân, góp phần xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh.

TS Lương Trọng Thành

Tỉnh ủy viên, Hiệu trưởng Trường Chính trị tỉnh

1, 2, 9, 10, 25. Hồ Chí Minh (2011) Toàn tập, tập 6, Nxb CTQG, Hà Nội, Tr. 232, 233, 234.

3, 4, 5. Hồ Chí Minh (2011) Toàn tập, tập 5, Nxb CTQG, Hà Nội, Tr. 337, 333, 81.

6, 24, 26. Hồ Chí Minh (2011) Toàn tập, tập 4, Nxb CTQG, Hà Nội, Tr. 51, 338.

7, 8, 19, 20, 21, 22, 23. Hồ Chí Minh (2011) Toàn tập, tập 5, Nxb CTQG, Hà Nội, Tr. 286, 337, 338, 271, 326, 317.

11, 12, 13, 14, 15, 17, 18 Hồ Chí Minh (2011) Toàn tập, tập 6, Nxb CTQG, Hà Nội, Tr. 234.

16. Hồ Chí Minh (2011) Toàn tập, tập 12, Nxb CTQG, Hà Nội, Tr. 376.

27. Hồ Chí Minh (2011) Toàn tập, tập 15, Nxb CTQG, Hà Nội, Tr. 612.


TS Lương Trọng Thành

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]