(Baothanhhoa.vn) - Kỷ niệm 60 năm Ngày Truyền thống bộ đội Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh (19-5-1959 - 19-5-2019), gặp lại những người lính Trường Sơn năm xưa mở đường, thế hệ trẻ chúng tôi càng hiểu thêm về con đường huyền thoại - đường Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh, về những người con Thanh Hóa anh dũng, kiên cường.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Ngày ấy chúng tôi mở đường

Ngày ấy chúng tôi mở đường

Những người lính Trường Sơn năm xưa cùng nhau ôn lại kỷ niệm chiến trường. Ảnh: L.H

Kỷ niệm 60 năm Ngày Truyền thống bộ đội Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh (19-5-1959 - 19-5-2019), gặp lại những người lính Trường Sơn năm xưa mở đường, thế hệ trẻ chúng tôi càng hiểu thêm về con đường huyền thoại - đường Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh, về những người con Thanh Hóa anh dũng, kiên cường.

Lịch sử đã ghi lại sự tàn phá khốc liệt của kẻ thù và những ký ức hào hùng của cán bộ, chiến sĩ, dân quân đã kiên cường bám trụ, mở đường Trường Sơn huyền thoại, góp phần giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Một trong những nơi được coi là trọng điểm khốc liệt nhất của đường Trường Sơn ngày ấy là đèo Phu-la-nhich cua chữ A, ngầm Tà Lê có tên gọi tắt là ATP - túi bom, tọa độ lửa dài 7 km, địa thế hiểm trở, một bên là vách núi cao sừng sững, một bên là vực sâu thăm thẳm, đây là một trong những tuyến đường xuyên dãy Trường Sơn nối liền tỉnh Quảng Bình với tỉnh Khăm Muộn (Lào). Với quyết tâm dù đổ máu cũng không được để tắc đường, những cô gái tuổi 18, đôi mươi, quê chủ yếu ở Tĩnh Gia (Thanh Hóa) và một số ít chị em ở Nghệ An, Hà Tĩnh gia nhập Trung đội nữ công binh gồm 38 chị em thuộc B3 C3, Tiểu đoàn 33, Binh trạm 14, Đoàn 559 đã gan dạ, kiên cường, mang ý chí thép để đảm bảo thông đường trên trọng điểm ATP, đường 20 Quyết Thắng với biết bao kỷ niệm. Trong hồi ức của các nữ công binh, họ không thể quên một ngày đang san lấp hố bom trên đèo, thì được tin Đại tướng, Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp vào thăm bộ đội Trường Sơn, thăm tọa độ lửa đèo Phu-la-nhich. Đại tướng nói: “Chỉ có những ý chí thép mới có thể trụ lại ở chiến trường khốc liệt này” và gọi tên trung đội là “Trung đội nữ công binh thép”.

Nhớ lại những ngày gian khó mở đường, bà Dương Thị Trình, thôn Vinh Tiến, xã Hải Hòa (Tĩnh Gia) nguyên là Trung đội phó Trung đội nữ công binh thép kể: Mỗi ngày có đến 25-30 trận bom giặc Mỹ dội xuống. Xác định mỗi khi bước ra khỏi hầm là có thể chết, nhưng dù có phải hy sinh, đổ máu, chúng tôi cũng không được để tắc đường. Ngày nào cũng chứng kiến chết chóc, đổ máu, nhưng đêm xuống, cả trung đội bốc đá đổ ra ngầm, ngày thì gánh đá, trực barie, bảo đảm thông đường trong mọi tình huống. Có những đêm giặc đánh bom, cả trung đội phải ngâm mình dưới nước ngầm Tà Lê nắm tay nhau làm cọc tiêu dẫn đường hộ tống xe qua, bảo đảm thông suốt cho tuyến đường. Nơi chúng tôi đóng quân, nắng nóng khô hạn, không có nước sinh hoạt, không có xà phòng, bồ kết để tắm gội giặt đồ. Nhiều người tóc bị nấm rụng hết, đơn vị toàn phụ nữ nên việc sinh hoạt gặp nhiều khó khăn hơn.

Hòa với niềm cảm xúc mở đường ngày ấy, bà Dương Thị Thanh Phúc, phố Dương Đình Nghệ I, phường Tân Sơn, TP Thanh Hóa (nguyên giảng viên Trường ĐH Hồng Đức) cho biết thêm: “Ở chiến trường, sốt rét là chuyện bình thường. Chị em chúng tôi bị sốt rét rất nhiều. Có những chị cơn sốt vừa xong đã xung phong đi phá bom, lấp hố. Riêng với tôi, những cơn sốt rét vẫn còn “đeo bám” đến khi hòa bình lập lại, sinh hai người con mà vẫn còn bị sốt rét hành”.

Là chiến sĩ trực tiếp tham gia chiến đấu trên chiến trường, Đại tá Lê Văn Thống (Chủ tịch Hội Truyền thống Trường Sơn – đường Hồ Chí Minh TP Sầm Sơn) xúc động kể: Những năm 1969-1972, chiến trường Trường Sơn vô cùng ác liệt, tôi được giao làm nhiệm vụ “thông tin hai oắt” (đeo máy thông tin truyền lệnh chiến đấu của trung đoàn). Công việc đòi hỏi sự tỉnh táo, nhanh nhạy bởi nếu truyền lệnh chiến đấu không chính xác, không kịp thời thì hậu quả sẽ rất nguy hiểm, thương vong không thể kể hết. Năm 1974, sư đoàn tôi và nhiều sư đoàn khác trực tiếp tham gia trận La Vang Tích Tường – Như Lệ - trận chiến khốc liệt ở thành cổ Quảng Trị. Có những ngày ở Trường Sơn, chúng tôi ăn lương khô, uống nước suối đục (nhiễm chất độc do giặc Mỹ ném xuống), chứng kiến nhiều đồng đội hy sinh... gian khổ, khốc liệt vậy nhưng chúng tôi vẫn lăn xả trên các mặt trận dù mang trên mình nhiều vết thương.

Với cựu chiến binh Trường Sơn Lê Trạc Nhuận, xã Thọ Tân (Triệu Sơn) thì những ngày tháng gắn bó với con đường huyền thoại vẫn còn vẹn nguyên trong ký ức. “Mới vào đơn vị được một ngày (Đại đội 4, Tiểu đoàn 35, Binh trạm 33 có nhiệm vụ bảo đảm giao thông đèo Tha Mé – trọng điểm lớn tuyến đường 35 phía Nam Lào), ngày hôm sau tôi đã nhận nhiệm vụ khiêng thương binh, tử sĩ từ ngã ba đường 9 giao cho Đội Phẫu thuật 2, Binh trạm 33 với cung đường khoảng 15 km. Cứ 2 người một cáng khiêng đồng đội đi theo đường dây trần, đèo dốc 12h/chuyến, nhìn thấy máu đồng đội phun qua những vết thương chằng chịt, có người lả, ngất đi vì bị thương quá nặng, dù rất mệt, nhưng chúng tôi không dám nghỉ chân với hy vọng đi thật nhanh để đưa đồng đội về đến nơi được cứu chữa kịp thời. Nhiệm vụ chính của tôi là chiến sĩ công binh phá bom mở đường cho xe vào chiến trường, không cho phỉ lấn ra đường. Có lần, tôi được cấp trên giao nhiệm vụ phá bom từ trường – một loại bom hiện đại có sức công phá lớn của Mỹ, nếu có vật kim khí đi qua sẽ tự động phát nổ làm ách tắc giao thông các tuyến đường bộ, đường sông. Nhận được thông tin của đài quan sát báo, chỉ sau thời gian ngắn, tôi và đồng đội đã phá thành công hai quả bom từ trường đầu tiên, tránh tổn thất lớn, mở đường cho xe qua. Với nhiều chiến công khác nơi chiến trường, tôi đã được tặng danh hiệu Chiến sĩ thi đua và Huân chương Kháng chiến hạng Ba.

Trường Sơn - cung đường của những chuyến xe tải vũ khí, lương thực và cả những máu thịt của rất nhiều nam nữ tuổi đôi mươi. Cựu chiến sĩ Trường Sơn Mai Tuấn Oanh, xã Xuân Minh (Thọ Xuân) nhận lệnh làm nhiệm vụ sửa chữa phục hồi xe cho các đoàn xe ra trận. Tuy không trực tiếp cầm súng chiến đấu, nhưng công việc này cũng không kém gian nguy. Đồng chí cùng với đồng đội nhiều lần vào rừng sâu lấy gỗ cắt từng miếng ghép thành thùng xe chở hàng; lần xuống vực sâu tháo gỡ phụ tùng của những chiếc xe bị đánh đổ mang về lắp ghép, thay thế và không ít lần mang trên mình những vết trầy da, tróc thịt.

Với khẩu hiệu “Ở không nhà, đi không dấu, nấu không khói, nói không tiếng”, cô hậu cần bé nhỏ chỉ 38 kg Ngô Thị Nguyệt (phường Trường Thi, TP Thanh Hóa, nay là giám đốc một công ty thương mại) nấu cơm bằng bếp Hoàng Cầm xong phải gánh cơm ra trận địa cho hàng trăm cán bộ, chiến sĩ mà trong lòng vẫn phơi phới một niềm tin chiến thắng. Cô Nguyệt cho biết: Dẫu ác liệt, gian nguy thế nào đi nữa, thì tinh thần của những người lính Trường Sơn thời ấy vẫn luôn vững vàng, lạc quan và gan dạ. Chính chiến trường gian khổ đã cho tôi bản lĩnh “thép” để thành công trên thương trường mà vẫn giữ được khí chất của người lính gần gũi, thân thiện, nghĩa tình.

Không thể kể hết những ký ức của người lính Trường Sơn năm xưa. Trong ký ức ấy luôn có bóng dáng của hàng nghìn cán bộ, chiến sĩ, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến, bộ đội Trường Sơn đã vĩnh viễn nằm lại nơi đại ngàn và hàng nghìn người khác đã để lại một phần máu xương của mình để xây nên con đường huyền thoại. Dẫu không nhiều người có được hạnh phúc trọn vẹn, nhưng chiến sĩ Trường Sơn năm xưa nói chung, những nữ công binh thép ngày ấy nói riêng vẫn luôn động viên, chia sẻ với nhau trong cuộc sống và được Đảng, Nhà nước ghi nhận, tôn vinh. Họ vẫn luôn là tấm gương để các thế hệ trẻ hôm nay và mai sau mãi mãi ghi nhớ, tự hào và nỗ lực vươn lên, phấn đấu hơn nữa để xây dựng quê hương, đất nước.

Lê Hà và Bùi Hoan

(Hội LHPN tỉnh)


Lê Hà Và Bùi Hoan

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]