(Baothanhhoa.vn) - Với chức năng quản lý Nhà nước đa lĩnh vực, có tác động đến nhiều đối tượng trong xã hội, vì vậy công tác phòng chống tham nhũng (PCTN) trong lĩnh vực lao động - thương binh và xã hội (LĐTB&XH) có ý nghĩa rất quan trọng.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Ngăn ngừa việc lợi dụng “lỗ hổng” chính sách để trục lợi

Với chức năng quản lý Nhà nước đa lĩnh vực, có tác động đến nhiều đối tượng trong xã hội, vì vậy công tác phòng chống tham nhũng (PCTN) trong lĩnh vực lao động - thương binh và xã hội (LĐTB&XH) có ý nghĩa rất quan trọng.

Thực hiện chương trình kiểm tra, giám sát năm 2018, Đoàn kiểm tra của Ban Thường vụ Tỉnh ủy vừa triển khai kế hoạch kiểm tra việc lãnh đạo, chỉ đạo công tác nội chính, PCTN, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí đối với Đảng ủy, Ban Giám đốc Sở LĐTB&XH.

Báo cáo tại buổi làm việc, lãnh đạo Sở LĐTB&XH cho biết: Đảng ủy, lãnh đạo sở đã chỉ đạo các cấp ủy, cơ quan, đơn vị trực thuộc, các tổ chức đoàn thể triển khai nghiêm túc các văn bản về công tác PCTN của Đảng, Nhà nước, của Bộ LĐTB&XH, của tỉnh tới toàn thể cán bộ, công chức, viên chức, người lao động (CCVCNLĐ). Quan tâm thực hiện tốt công tác cải cách hành chính, trọng tâm là cải cách thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân khi đến làm các hồ sơ, thủ tục. Đồng thời, sở đã lồng ghép, cụ thể hóa các nhiệm vụ, giải pháp về PCTN trong tất cả các lĩnh vực quản lý của ngành. Chú trọng công tác quản lý cán bộ, CCVCNLĐ; đề cao trách nhiệm của người đứng đầu đơn vị trong việc tự kiểm tra nội bộ; chỉ đạo triển khai kê khai, minh bạch tài sản, thu nhập cá nhân theo quy định. Ban hành công khai kế hoạch chuyển đổi vị trí công tác theo Nghị định 158/NĐ-CP. Thường xuyên rà soát, bổ sung, sửa đổi để hoàn thiện quy chế chi tiêu nội bộ, quy chế làm việc, quy chế tiếp công dân. Hàng năm lãnh đạo sở thường xuyên chỉ đạo các đơn vị trực thuộc, các phòng LĐTB&XH các huyện, thị xã, thành phố rà soát các văn bản thực hiện các chế độ, chính sách lao động, người có công và chính sách xã hội, kiến nghị, đề xuất với trung ương, tỉnh để sửa đổi, bổ sung cơ chế, chính sách cho phù hợp.

Cùng với việc triển khai các giải pháp phòng ngừa tham nhũng, Sở LĐTB&XH đã chú trọng công tác thanh tra hành chính, thanh tra chuyên ngành. Công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra tập trung vào việc chấp hành và thực hiện chế độ, chính sách về lĩnh vực lao động và người có công tại các huyện, thị xã, thành phố, trong đó chú trọng vào những nội dung có tác động lớn với xã hội như công tác chi trả đối với người có công, đối tượng bảo trợ xã hội, xuất khẩu lao động...

Từ 1-1-2016 đến 31-3-2018, sở đã tiếp 370 lượt công dân đến hỏi, đề nghị; tiếp nhận 305 đơn; 100% đơn đã được giải quyết đúng quy định. Qua thanh tra 6 đơn tố cáo, đã phát hiện một số đối tượng hưởng sai chính sách người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học, chính sách như thương binh. Giám đốc sở đã ban hành quyết định dừng trợ cấp và truy thu số tiền hưởng sai chính sách đối với 4 đối tượng, với tổng số tiền 517.535.600 đồng.

Cũng trong thời gian trên, thanh tra sở đã thực hiện thanh tra, kiểm tra việc thực hiện pháp luật lao động, an toàn, vệ sinh lao động và bảo hiểm xã hội đối với 92 doanh nghiệp (DN); thanh tra việc thực hiện chế độ, chính sách người có công, chính sách bảo trợ xã hội tại 5 huyện, thanh tra thực hiện chính sách pháp luật về giáo dục nghề nghiệp tại 3 cơ sở, đã xử phạt 18 DN với số tiền 934 triệu đồng, số tiền được thu hồi về ngân sách Nhà nước là 934 triệu đồng.

Thanh tra hành chính đã thanh tra việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ, Luật PCTN, Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí tại 4 đơn vị, gồm: Cơ sở cai nghiện ma túy số 2, trung tâm bảo trợ xã hội, trung tâm cung cấp dịch vụ công tác xã hội và trung tâm điều dưỡng người có công. Qua thanh tra đã phát hiện những thiếu sót về hồ sơ cán bộ, kê khai tài sản, yêu cầu các đơn vị phải khắc phục, chấn chỉnh.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, đồng chí Trịnh Ngọc Dũng, Giám đốc Sở LĐTB&XH cũng thừa nhận còn có những tồn tại, hạn chế. Đó là việc chuyển đổi vị trí công tác để phòng ngừa tham nhũng theo Nghị định 158 chưa bảo đảm triệt để. Lực lượng thanh tra mỏng, trong khi đó việc giải quyết đơn, thư khiếu nại, tố cáo của công dân khá nhiều. Công tác xử lý sau thanh tra đối với các đối tượng vi phạm trong việc chấp hành và thực hiện chế độ, chính sách của Nhà nước khó khăn. Lý do là hầu hết các đối tượng khi bị truy thu hưởng sai chế độ, chính sách đều có hoàn cảnh gia đình khó khăn, thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo, hay đau ốm, bệnh tật...

Thực tế cho thấy những năm gần đây vẫn còn nhiều vụ việc lợi dụng “lỗ hổng” chính sách để trục lợi. Đơn cử như vụ việc ghép tên vợ cán bộ UBND xã Nga Thanh (Nga Sơn) vào hộ nghèo để hưởng lợi từ chính sách bảo hiểm y tế, chính sách vay vốn; cán bộ chính sách, cán bộ chi trả xã Tân Phúc (Lang Chánh) sai phạm khi lập danh sách đối tượng người có công đã chết nhưng vẫn đưa vào danh sách lĩnh tiền trợ cấp hàng tháng... bị xử lý thu hồi cuối năm 2017. Hay gần đây nhất là vụ việc 12 trường hợp trên địa bàn TP Sầm Sơn và huyện Quảng Xương hưởng sai chế độ thương binh với tổng số tiền vi phạm gần 2 tỷ đồng bị cơ quan điều tra Công an tỉnh phát hiện...

Có lẽ để bịt các “lỗ hổng” chính sách, vẫn cần tiếp tục phải bổ sung, hoàn thiện các quy định, chế tài hiện có nhằm ngăn ngừa các vụ việc vi phạm. Bên cạnh đó, cần thúc đẩy việc công khai, minh bạch trong thực hiện các chính sách xã hội. Bởi trong lúc lực lượng thanh tra còn mỏng, công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát toàn diện chưa được thực hiện thường xuyên thì rất cần huy động, phát huy vai trò giám sát, “tai mắt” của nhân dân để kịp thời phát hiện, ngăn chặn các vụ việc vi phạm ngay từ cơ sở.


Hà Minh

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]