(Baothanhhoa.vn) - Đã hơn 600 năm trôi qua, kể từ “ngọn lửa khởi nghĩa” do Anh hùng dân tộc Lê Lợi khởi xướng và lãnh đạo đã đập tan ách nô lệ lầm than, khôi phục nền độc lập dân tộc và bắt đầu một kỷ nguyên mới phát triển trong lịch sử Việt Nam thời phong kiến; hình ảnh vị lãnh tụ thiên tài của khởi nghĩa Lam Sơn vẫn tỏa sáng cùng lịch sử dân tộc. Đó là ánh sáng từ sự kết hợp “chí ở thương sinh”, nghị lực phi thường, tư tưởng nhân đạo cao cả và nghệ thuật quân sự tài tình.

“Khởi nghĩa Lam Sơn - Dấu son rực rỡ trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc”: Bài 3 - Bình Định Vương Lê Lợi - lãnh tụ thiên tài của khởi nghĩa Lam Sơn

Đã hơn 600 năm trôi qua, kể từ “ngọn lửa khởi nghĩa” do Anh hùng dân tộc Lê Lợi khởi xướng và lãnh đạo đã đập tan ách nô lệ lầm than, khôi phục nền độc lập dân tộc và bắt đầu một kỷ nguyên mới phát triển trong lịch sử Việt Nam thời phong kiến; hình ảnh vị lãnh tụ thiên tài của khởi nghĩa Lam Sơn vẫn tỏa sáng cùng lịch sử dân tộc. Đó là ánh sáng từ sự kết hợp “chí ở thương sinh”, nghị lực phi thường, tư tưởng nhân đạo cao cả và nghệ thuật quân sự tài tình.

“Khởi nghĩa Lam Sơn - Dấu son rực rỡ trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc”: Bài 3 - Bình Định Vương Lê Lợi - lãnh tụ thiên tài của khởi nghĩa Lam Sơn

Tượng đài Anh hùng dân tộc Lê Lợi được xây dựng tại trung tâm TP Thanh Hóa, trở thành điểm đến văn hóa - tâm linh của người dân xứ Thanh và du khách. Ảnh: Thùy Linh

"Lương Giang trời mở chân nhân. Vua Lê Thái tổ ứng tuần mới ra”. Đó là hai câu thơ trong Đại Nam Quốc Sử diễn ca đã ngợi ca về vùng đất Lương Giang (nay là huyện Thọ Xuân, Thanh Hóa) – nơi sinh ra vị lãnh tụ thiên tài của cuộc khởi nghĩa Lam Sơn. Theo chính sử, Lê Lợi sinh năm Ất Sửu 1385, tại hương Lam Sơn, huyện Lương Giang (nay là huyện Thọ Xuân, Thanh Hóa). Dưới ngòi bút của tinh thần ngợi ca, người xưa đã miêu tả về Lê Lợi: “thiên tư tuấn tú khác thường, tinh thần và dáng người tinh anh, mạnh mẽ, mắt sáng, miệng rộng, mũi cao, vai có nốt ruồi, tiếng nói như chuông, đi như rồng, bước như hổ, kẻ thức giả đều biết là người phi thường” (Lam Sơn thực lục).

Lớn lên trong giai đoạn đất nước đầy biến động, đặc biệt là chứng kiến đủ tội ác của giặc Minh. Chúng cai trị nước ta bằng những chính sách nham hiểm, tàn độc như tịch thu sử sách của ta và ban phát kinh sách của chúng; phá hủy các công trình kiến trúc; bóp nghẹt người dân bằng chế độ sưu cao, thuế nặng, khổ dịch; chà đạp phụ nữ, tàn sát lương dân dã man... Có lẽ, chứng kiến dân tộc chịu cảnh “nướng dân đen”, “vùi con đỏ” đã hình thành trong ông tấm lòng thương dân, cảm thông với nỗi khổ đau của dân; nuôi dưỡng lòng yêu nước, nuôi chí lớn thay đổi cục diện cứu nước, cứu dân. Phải thương dân thế nào, thấu hiểu nỗi đau của dân bao nhiêu thì ông mới vạch trần tội ác của giặc Minh một cách rõ ràng đến vậy: “Tội ác của giặc đầy rẫy, thần và người đều căm giận: chúng đào mồ mả ta, bắt bớ dân ta, chém giết người trung lương”. Từ “chí ở thương sinh” đã thấm sâu vào tâm hồn, trở thành một tất yếu trong mọi suy nghĩ, hành động, Lê Lợi đã biến trại Lam Sơn thành nơi trú ẩn cho bao sinh mệnh, giúp họ không phải chịu phu phen, tạp dịch, đe dọa, đánh đập. Đồng thời, ông quyết chuyên tâm, đọc sách thao lược và dốc sạch của cải hậu đãi khách nhân, phát thóc giúp dân cơ bần, thu nạp người chống đối giặc Minh, ngấm ngầm nuôi giấu những kẻ sĩ mưu trí. Mặt khác lại khéo léo thoát khỏi sự để ý, kiểm soát của kẻ cướp nước và bè lũ bán nước... Đó cũng chính là nhân yếu cơ bản hình thành nên chủ nghĩa nhân đạo trong con người vị lãnh tụ. Cũng chính chủ nghĩa nhân đạo ấy đã trở thành nền tảng làm nên thắng lợi của cuộc khởi nghĩa Lam Sơn sau này.

Khi hàng trăm cuộc khởi nghĩa lớn nhỏ từ mọi miền đất nước nổ ra được rất nhiều người hưởng ứng, nhưng Lê Lợi vẫn quyết tâm ở ẩn. Không phải Lê Lợi chưa nghe rõ tiếng dân tộc đang kêu cứu mà lúc này ông xét thấy thời thế chưa chín muồi, nên càng giữ mình, ở ẩn không để lộ danh tiếng. Trong một thời gian dài ông không tham gia bất cứ hoạt động nào trong khi phong trào cứu nước đang sục sôi khắp nơi. Thay vào đó, ông nghiên cứu sách lược, đúc rút kinh nghiệm lịch sử, xác định phương hướng cho cuộc chiến trường kỳ xây dựng căn cứ địa vững chắc làm chỗ dựa cho cuộc kháng chiến trường kỳ; hình thành lực lượng nòng cốt cho cuộc kháng chiến. Nhiều nhận định cho rằng, sự im lặng của ông trong thời điểm ấy thể hiện sự tính toán, suy xét của một người thức giả, mang trên mình khí chất người anh hùng: Sự im lặng của một chí lớn.

Phát động khởi nghĩa nhằm mục đích giải phóng dân tộc, đó là việc làm của tinh thần chính nghĩa cao cả. Lê Lợi cũng như những lãnh tụ khởi nghĩa trước đó đều mang theo khát vọng ấy khi dựng cờ khởi nghĩa. Song điểm khác biệt nổi bật của Lê Lợi so với những bậc tiền nhân hay các lãnh tụ khởi nghĩa khác là ông và bộ tham mưu của mình đã xác định lý luận rõ ràng, làm căn bản cho mọi hoạt động của mình. Đó là “đại nghĩa thắng hung tàn”, “chí nhân thay cường bạo”, “mưu phạt công tâm”, “chẳng đánh mà người chịu khuất”. Đồng thời, xác định rõ chiến lược kháng chiến, lợi dụng địa hình vùng núi miền Tây Thanh Hóa “lấy ít địch nhiều, lấy yếu chống mạnh, lúc chủ chiến, khi nghị hòa nhằm tiêu hao sinh lực địch, bảo toàn lực lượng nghĩa quân”. Chính những lý luận, sách lược rõ ràng, đúng đắn này đã biến cuộc chiến tranh du kích của nghĩa quân Lam Sơn ngày càng lớn mạnh và trở thành cuộc chiến tranh Nhân dân.

Điều này được minh chứng qua sự kiện Hội Thề Lũng Nhai. Lê Lợi đã lựa chọn và tập hợp 18 vị hào kiệt cùng dâng lễ vật, sinh huyết để tấu cáo với trời đất và sông núi, nguyện chung sức đồng lòng chống giặc. Hội thề là sự kiện đặt nền móng đầu tiên và vững chắc cho cuộc khởi nghĩa. Đến khi nhận định thời cơ đã chín muồi, vào năm Mậu Tuất 1418, Bình Định Vương Lê Lợi đã chính thức khởi xướng cuộc khởi nghĩa Lam Sơn. Trước sự truy đuổi ráo riết của quân Minh, nghĩa quân phải rút lên trên núi Chí Linh ẩn náu (thuộc xã Giao An, huyện Lang Chánh). Bị quân Minh vây chặt, nghĩa quân cạn hết lương thực. Trước tình thế nguy cấp đó, Lê Lai đã tự nguyện đóng giả Lê Lợi, dẫn quân xông ra phá vòng vây để đánh lừa quân địch . Lê Lợi và nghĩa quân thoát khỏi vòng vây của quân thù.

Sau sự kiện đó, quân Minh liên tục kéo quân vào tấn công nghĩa quân Lam Sơn. Lúc này nghĩa quân có khoảng vài chục quan văn võ, vài trăm quân thiết đột, vài trăm nghĩa sĩ, Bình Định Vương bèn lui quân đóng ở Lạc Thủy (nay là huyện Cẩm Thủy) bày binh bố trận chờ giặc đến. Khi giặc tiến đến, quân mai phục của nghĩa quân xung trận chém rơi hàng nghìn thủ cấp giặc, bắt được quân nhu, vũ khí. Đến khi ở Mường Một, Bình Định Vương cho quân mai phục và bắn tên tẩm thuốc độc khiến giặc chết và bị thương quá nửa. Tiếp đến là các trận Ba Lẫm, Sách Khối, Trà Lân... Sau khoảng 3 năm khởi nghĩa nổ ra, thanh danh Lê Lợi và nghĩa quân lam Sơn đã lan tỏa rộng khắp. Khi nghĩa quân mạnh dần lên, Bình Định Vương Lê Lợi bắt đầu thực hiện các chiến lược tấn công bằng ngoại giao, chính trị. Vào năm 1426, Bình Định Vương mở rộng mặt trận tiến quân ra Bắc. Cùng với việc điều khiển tướng sĩ tấn công quân sự, ông còn chiêu dụ địch bằng văn thư khiến địch lung lay ý chí, nhuệ khí chiến đấu. Nhờ đó, dù lực lượng mỏng hơn kẻ dịch, song nghĩa quân Lam Sơn đã giành chiến thắng lẫy lừng với những Tốt Động, Chúc Động, Chi Lăng, Xương Giang hay “Trận Bồ Đằng sấm vang chớp giật”.

Không chỉ giàu lòng thương người, ý chí, nghị lực phi thường, Bình Định Vương còn giỏi điều binh khiển tướng, sử dụng tướng, sĩ một cách linh hoạt, tài tình. Trước một nhiệm vụ cụ thể, Bình Định Vương luôn lựa chọn người phù hợp, bàn kỹ giúp tướng sĩ thông mưu lược, nắm chắc ý đồ. Đặc biệt, Lê Lợi còn mang trong mình tính cách của một lãnh tụ vĩ đại. Đó là, quyết đoán và biết nghe lời phải. Điều này được Nguyễn Trãi đã rất tự hào nói về nhà lãnh tụ của mình đối với mình “nói tất nghe mà kế tất theo”. Qua cách điều binh khiển tướng cho thấy Lê Lợi không chỉ là nhà quân sự mà còn là nhà tổ chức giỏi, biết mình biết người. Những yếu tố này đã tạo nên một lãnh tụ thiên tài và tạo nên thành công cho cuộc khởi nghĩa Lam Sơn.

Thắng lợi của cuộc khởi nghĩa Lam Sơn đã đánh dấu son rực rỡ trong tiến trình lịch sử dân tộc. Đồng thời, cho thấy rõ tài trí lãnh đạo, tầm nhìn chiến lược và tấm lòng nhân đạo của Bình Định Vương Lê Lợi. Mặc dù hơn 6 thế kỷ đã trôi qua, nhưng chủ nghĩa nhân đạo và những quan điểm, sách lược đúng đắn của Lê Lợi vẫn còn nguyên giá trị, cần được tiếp tục nghiên cứu, phát huy sáng tạo vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước trong thời kỳ đổi mới.

(Bài viết có sử dụng một số tư liệu trong sách “Lam Sơn thực lục”).

Bài 4: Từ truyền thuyết Lê Lai cứu chúa đến di tích đền thờ Lê Lai.

Thùy Linh

Tin liên quan:

Thùy Linh

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]