(Baothanhhoa.vn) - Trải qua chiến tranh và hòa bình, đổ nát và phát triển, mối tình anh em Hoằng Hóa - Điện Bàn được hun đúc trong đại gia đình các dân tộc Việt Nam. Đó là tình cảm mẫu mực thủy chung của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân hai huyện, là tài sản tinh thần vô giá mà thế hệ hôm nay và các thế hệ mai sau sẽ tiếp tục gìn giữ, phát huy trong sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc ta.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Hoằng Hóa - Điện Bàn nghĩa tình son sắt

Trải qua chiến tranh và hòa bình, đổ nát và phát triển, mối tình anh em Hoằng Hóa - Điện Bàn được hun đúc trong đại gia đình các dân tộc Việt Nam. Đó là tình cảm mẫu mực thủy chung của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân hai huyện, là tài sản tinh thần vô giá mà thế hệ hôm nay và các thế hệ mai sau sẽ tiếp tục gìn giữ, phát huy trong sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc ta.

Lãnh đạo huyện Hoằng Hóa thăm Công ty may Hòa Thọ, xã Điện Thắng Bắc, thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam.

Sinh ra trên quê hương Hoằng Hóa, từ thời niên thiếu tôi đã có cơ duyên nhiều lần được đến thăm huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam cùng các đồng chí lãnh đạo huyện và các doanh nghiệp Hoằng Hóa. Tôi luôn cảm phục và trân trọng quá khứ hào hùng của dân tộc và tình cảm thiêng liêng mà hai địa phương đã hình thành, dựng xây, vun đắp.

Khi được trở về nhận nhiệm vụ ngay trên quê hương Hoằng Hóa – tôi càng trân trọng và cảm phục hơn bao giờ hết những tình cảm thân thiết mà lãnh đạo hai địa phương – từ thế hệ này qua thế hệ khác đã bồi đắp, trở thành tượng đài bất tử trong lòng mỗi người con Điện Bàn – Hoằng Hóa. Trải qua chiến tranh và hòa bình, đổ nát và phát triển, mối tình anh em Hoằng Hóa - Điện Bàn được hun đúc trong đại gia đình các dân tộc Việt Nam. Đó là tình cảm mẫu mực thủy chung của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân hai huyện, là tài sản tinh thần vô giá mà thế hệ hôm nay và các thế hệ mai sau sẽ tiếp tục gìn giữ, phát huy trong sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc ta.

Bên sông Thu Bồn, Điện Bàn - vùng đất địa linh nhân kiệt của xứ Quảng yêu thương - nơi sinh ra nhiều nhân tài luôn cống hiến hết mình, làm rạng danh quê hương, đất nước, tiêu biểu như Tổng đốc Hoàng Diệu - vị phó bảng học rộng tài cao, nêu gương trung liệt thề quyết sống chết giữ thành Hà Nội; Phạm Phú Thứ thông minh hiếu học, mới 23 tuổi đã đỗ tiến sĩ, là một đại thần triều Nguyễn, một trong những người có quan điểm canh tân đất nước những năm cuối thế kỷ 19; Chí sĩ Trần Cao Vân một trong những lãnh tụ của cuộc khởi nghĩa Duy Tân vang động cả nước; Danh thần triều Nguyễn - Lê Đình Đỉnh, nhà ngoại giao tài ba; nhà giáo, nhà báo, nhà truyền bá quốc ngữ, nhà hoạt động cách mạng lỗi lạc Phan Thanh; Nguyễn Thị Bình - nhà ngoại giao, nữ Phó Chủ tịch nước đầu tiên của Việt Nam; Nguyễn Trọng Nghĩa - một Phan Đình Giót của miền Nam; Giáo sư, Nhà giáo Nhân dân, nhà phê bình văn học nổi tiếng Lê Đình Kỵ; Giáo sư ngôn ngữ học Hoàng Phê; các nhà toán học Hoàng Tụy, Hoàng Chúng... suốt đời tận tụy vì sự nghiệp trồng người cũng được sinh ra từ Điện Bàn...

Trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Điện Bàn - Quảng Nam là nơi tuyến đầu đánh Mỹ “nhất Củ Chi, nhì Gò Nổi”, bom đạn của kẻ thù đã cày xới đất này nhưng lòng yêu nước với tinh thần thép của quân và dân Điện Bàn thì kẻ thù không thể nào lay chuyển. Mẹ Nguyễn Thị Thứ - người mẹ huyền thoại, tượng đài của lòng yêu nước, của đức hy sinh đã hiến dâng 9 người con trai, 1 con rể, 2 cháu ngoại cho đất nước. Những anh hùng, dũng sĩ của Điện Bàn như Trần Thị Lý, Nguyễn Văn Trỗi, Bảy Dũng sĩ Điện Ngọc,... đã trở thành biểu tượng, là tấm gương, là lẽ sống và nhiều phong trào hành động cách mạng của thanh niên yêu nước và nhân dân Việt Nam trong thế kỷ 20.

Hơn 18.900 liệt sĩ, hơn 3.000 bà mẹ được Nhà nước phong tặng và truy tặng danh hiệu vinh dự Nhà nước “Bà mẹ Việt Nam Anh hùng” - Điện Bàn là huyện có số gia đình chính sách nhiều nhất trong cả nước. Điện Bàn đã biến đau thương thành sức mạnh để vươn lên, bắt tay vào hàn gắn vết thương chiến tranh, chống đói nghèo, lạc hậu, khẳng định vị thế không chỉ trong tỉnh Quảng Nam mà còn trong cả nước.

Hơn 40 năm sau ngày giải phóng, Đảng bộ, quân và dân Điện Bàn một lần nữa lại xây nên những kỳ tích mới: Năm 2005, được Nhà nước phong tặng danh hiệu “Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới”; năm 2010, hoàn thành mục tiêu xây dựng huyện cơ bản trở thành huyện công nghiệp; năm 2015, huyện công bố trở thành thị xã, được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Độc lập hạng Nhì và thị xã đạt chuẩn nông thôn mới. Năm 2017, thu ngân sách đạt trên 1.400 tỷ đồng, là năm đầu tiên thị xã tự cân đối ngân sách. Thị xã Điện Bàn thay đổi từng ngày theo hướng văn minh, hiện đại, xứng tầm là trung tâm kinh tế - đô thị phía Bắc Quảng Nam. Cơ cấu kinh tế chuyển biến mạnh mẽ theo hướng công nghiệp, dịch vụ. Khu Công nghiệp Điện Nam – Điện Ngọc đã cơ bản được lấp đầy bởi 63 công ty, nhà máy, giải quyết cho hàng chục ngàn lao động trong và ngoài thị xã. Du lịch biển của Điện Bàn đã mang tầm quốc tế khi đã hình thành được các khu du lịch cao cấp nổi tiếng, như: Bãi tắm Viêm Đông - Điện Ngọc kết nối với bãi tắm Hà My – Điện Dương. Khu resort The Nam Hải thuộc phường Điện Dương được bình chọn là khu du lịch biển đẹp nhất ở khu vực Đông Nam Á với lượng khách du lịch quốc tế đến với khu nghỉ mát ngày càng đông. Bên cạnh đó, mô hình du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái làng quê, văn hóa lịch sử... mở ra nhiều triển vọng phát triển để du lịch từng bước trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của thị xã. Đời sống nhân dân không ngừng được cải thiện, năm 2017 thu nhập bình quân đầu người đạt 42,2 triệu đồng, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 2,15%, hộ cận nghèo còn 2,69%; văn hóa - xã hội có nhiều khởi sắc, an ninh - quốc phòng được bảo đảm; bộ mặt quê hương đã thay đổi diệu kỳ bởi bàn tay và khối óc của những người con “trung dũng kiên cường” đã biến Điện Bàn từ vùng đất bị chiến tranh tàn phá nặng nề trở thành một điểm đến hấp dẫn.

Còn bên dòng Mã giang, Hoằng Hóa - vùng đất học của xứ Thanh địa linh nhân kiệt, đất và người Hoằng Hóa luôn gắn bó với những thăng trầm cùng đất nước qua các triều đại. Xứ Thanh nổi tiếng là đất của các võ tướng, đất “Tam Vương, Nhị Chúa” và là “vùng đất của khoa bảng”. Trong số 125 tiến sĩ của tỉnh Thanh Hóa được ghi danh tại Quốc Tử Giám thì Hoằng Hóa đứng đầu với 28 người. Những nho sĩ và võ tướng tiêu biểu của Hoằng Hóa đã có những cống hiến lớn trong các triều đại, như: Lương Hay - thầy dạy Trạng nguyên Lương Thế Vinh; Bảng nhãn Lương Đắc Bằng đỗ Bảng nhãn năm 28 tuổi, làm đến chức Thượng thư Bộ lại, làm quan trong thời kỳ nhà Lê suy vong đã dâng Trị bình thập tứ sách (14 kế sách trị nước) nhưng không được trọng dụng, ông đã cáo quan về quê dạy học và đã đào tạo nhiều nhân tài xuất chúng; Nhữ Bá Sỹ (người đưa ra phương pháp giáo dục hiện đại đến nay vẫn còn nguyên giá trị); Hương cống Nguyễn Quỳnh (người được nhân dân tôn thờ là Trạng Quỳnh mà chuyện của ông đã được chuyển ngữ ra 14 thứ tiếng trên thế giới)... Tất cả đều là những văn nhân nổi tiếng của Hoằng Hóa. Các võ tướng có Lê Phụng Hiểu người có công dẹp loạn tam vương gây dựng nhà Lý, Tướng quân Lê Viện lập nhiều chiến công trong khởi nghĩa Lam Sơn, Cao Bá Điển trong phong trào Cần vương, Trung đội Lão dân quân Hoằng Trường dù tóc đã bạc, tuổi đã cao vẫn ngày đêm bám trận địa chiến đấu bắn hạ những “con ma, thần sấm” của không lực Hoa Kỳ, Trung đội nữ dân quân Hoằng Hải, 75 dũng sĩ Yên Vực đã chiến đấu và lập nên những chiến công hiển hách trong kháng chiến chống Mỹ, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Lê Đình Chinh, tấm gương anh dũng bảo vệ từng tấc đất thiêng liêng của Tổ quốc...

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, nhân dân Hoằng Hóa đã hăng hái lao động sản xuất và chiến đấu; chi viện tối đa sức người, sức của cho miền Nam, dành một phần cho người anh em Điện Bàn đánh Mỹ, các phong trào “Thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người”, “Cánh đồng Điện Bàn”, “Làm thêm phần anh Trỗi”... đã diễn ra sôi nổi. Hoằng Hóa vinh dự là nơi giành “chiến thắng trận đầu” của hải quân và nhân dân miền Bắc tại cửa Lạch Trường khi giặc Mỹ leo thang đánh phá miền Bắc bằng hải quân, không quân. Trên tuyến lửa Hàm Rồng, quân và dân Hoằng Hóa kiên cường bám trụ chiến đấu cùng bộ đội chủ lực để bảo vệ cầu Hàm Rồng, giữ vững huyết mạch giao thông chi viện cho miền Nam ruột thịt. Vì sự thống nhất của Tổ quốc, vì giải phóng miền Nam, giải phóng quê hương Điện Bàn đã thôi thúc quân và dân Hoằng Hóa vượt qua mọi khó khăn, hy sinh để vừa sản xuất, vừa chiến đấu cho đến ngày toàn thắng.

Ngày nay, trên con đường đổi mới, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Hoằng Hóa đang ra sức thi đua, vượt qua nhiều thách thức và đã đạt được những thành tựu quan trọng. Năm 2017, đã có 30/30 chỉ tiêu về phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh và xây dựng Đảng đạt và vượt kế hoạch, trong đó 26 chỉ tiêu vượt kế hoạch. Đây là năm thứ hai liên tiếp huyện nhà đã nỗ lực phấn đấu hoàn thành và hoàn thành vượt mức các mục tiêu đề ra. Tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất đạt 14,87%; cơ cấu giá trị sản xuất chuyển biến theo hướng tích cực, huy động vốn đầu tư toàn xã hội đạt 4.850 tỷ đồng, cao nhất từ trước đến nay. Thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn đạt trên 570 tỷ đồng, bằng 298,4% kế hoạch tỉnh giao. Thành lập mới 197 doanh nghiệp, là huyện có tỷ lệ doanh nghiệp thành lập mới cao nhất tỉnh.

Chương trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới được đẩy mạnh toàn diện, thực hiện tốt việc dồn điền, đổi thửa, tích tụ ruộng đất để sản xuất hàng hóa, liên kết sản xuất và tiêu thụ nông sản; phát triển chăn nuôi - thủy sản theo hướng thâm canh bền vững; có 8 xã đạt chuẩn nông thôn mới, nâng tổng số xã đạt chuẩn nông thôn mới lên 25/42 xã; thu nhập bình quân đầu người đạt 36,9 triệu đồng/năm; tỷ lệ hộ nghèo còn 5,12%.

Lĩnh vực giáo dục - đào tạo đạt thành tích xuất sắc trong dạy và học. Nhiều năm liên tục Hoằng Hóa giữ vững tốp đầu của tỉnh trong giáo dục mũi nhọn, hai năm trở lại đây giữ vị trí quán quân trong kỳ thi học sinh giỏi lớp 9 cấp tỉnh.

Du lịch biển Hải Tiến phát triển mạnh mẽ, hiện toàn Khu Du lịch sinh thái biển Hải Tiến có trên 5.000 phòng khách sạn phục vụ du khách. Năm 2017, huyện đón trên 1,2 triệu lượt khách đến tắm biển và nghỉ dưỡng, tăng gấp 24 lần so với năm đầu tiên đưa vào khai thác (năm 2012).

Hiện nay, huyện Hoằng Hóa là một công trường lớn với các công trình đang xây dựng như đường Gòng - Hải Tiến giai đoạn 1, kè bờ biển Khu Du lịch sinh thái biển Hải Tiến, đường Đạo - Thành, đường Vinh - Lưu - Đạo, đường Phúc - Hà - Đạt, dự án nâng cấp đê tả sông Mã từ chân cầu Hàm Rồng đến xã Hoằng Khánh; một số tuyến đường đang chuẩn bị đầu tư nâng cấp như đường Quỳ - Xuyên, đường Kim - Sơn, đường Phú - Giang khi các công trình hoàn thành sẽ cơ bản kết nối giao thông theo hướng hiện đại.

Hoằng Hóa đang tiến hành lập quy hoạch mở rộng thị trấn Bút Sơn, đô thị Hải Tiến, đô thị Nghĩa Trang, đô thị Thịnh Vinh cùng với một số chương trình, dự án kêu gọi đầu tư, như: Dự án Yến - Trường - Hải, Khu nghỉ dưỡng cao cấp Hoằng Phụ, Khu Du lịch sinh thái Cồn Trường tại hai xã Hoằng Châu và Hoằng Phong, Khu du lịch ven sông Cung. Huyện đang phấn đấu trở thành huyện đạt chuẩn nông thôn mới vào năm 2019 và là điểm đến hấp dẫn của nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Kết quả đạt được ngoài sự cố gắng vượt bậc của cán bộ, quân và dân Hoằng Hóa còn có sự tạo điều kiện giúp đỡ của tỉnh Thanh Hóa, sự đùm bọc sẻ chia, gắn kết của huyện Điện Bàn kết nghĩa.

Để tiếp tục phát huy những giá trị cao quý, thắm đượm nghĩa tình của nhân dân Điện Bàn - Hoằng Hóa trong giai đoạn cách mạng mới, hai huyện sẽ tiếp tục đẩy mạnh hợp tác, trao đổi học tập kinh nghiệm trong phát triển kinh tế - xã hội. Cử cán bộ đi đào tạo, tập huấn, công tác trải nghiệm tại hai đơn vị để làm giàu thêm kiến thức thực tế và giúp đỡ lẫn nhau trong quá trình phát triển. Đẩy mạnh hợp tác và giao lưu văn hóa, nhất là văn hóa truyền thống, xuất bản chung các ấn phẩm, liên kết trang thông tin điện tử, cử đội nghệ thuật quần chúng, các câu lạc bộ tham gia giao lưu mỗi khi có sự kiện để nhân dân tăng cường kết nối, hưởng thụ và sáng tạo làm giàu văn hóa của hai quê hương. Cùng nhau đẩy mạnh ngành “công nghiệp không khói” trở thành ngành kinh tế chủ lực của hai quê hương trên chặng đường mới. Tăng cường tuyên truyền về tình cảm kết nghĩa thủy chung của mỗi đơn vị để nhân dân, đặc biệt là thế hệ trẻ hiểu biết, trân trọng, phát huy và tiếp tục gìn giữ, vun đắp cho tương lai.

55 năm kết nghĩa, với lời thề son sắt thủy chung, tình nghĩa Hoằng Hóa - Điện Bàn sẽ vững bền như chân lý buổi đầu cùng ước nguyện. Hai huyện sẽ tay trong tay cùng tiến lên phía trước. Mối tình Hoằng Hóa - Điện Bàn mãi mãi trường tồn.

Lê Đức Giang

Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Hoằng Hóa



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]