(Baothanhhoa.vn) - Trên hành trình tạo dựng Thanh Hóa giàu đẹp, văn minh, có lẽ chưa khi nào khát vọng thịnh vượng lại được hun đúc và thôi thúc mạnh mẽ như lúc này. Bởi hơn lúc nào hết, Thanh Hóa đang hội tụ đầy đủ các yếu tố “thiên thời - địa lợi - nhân hòa” cho phát triển.

Hành trình hiện thực hóa khát vọng thịnh vượng

Trên hành trình tạo dựng Thanh Hóa giàu đẹp, văn minh, có lẽ chưa khi nào khát vọng thịnh vượng lại được hun đúc và thôi thúc mạnh mẽ như lúc này. Bởi hơn lúc nào hết, Thanh Hóa đang hội tụ đầy đủ các yếu tố “thiên thời - địa lợi - nhân hòa” cho phát triển.

Hành trình hiện thực hóa khát vọng thịnh vượng

Diện mạo TP Thanh Hóa ngày càng văn minh, hiện đại.

Khát vọng thịnh vượng, suy cho cùng vừa là mục tiêu phấn đấu, vừa là động lực thôi thúc ý chí tự lực, tự cường và giải phóng mọi nguồn năng lượng để tạo nền tảng vững chắc cho phát triển. Song, để hiện thực hóa khát vọng ấy, thì một nguyên lý tạo nên thành công đã được người xưa đúc kết, đó là sự hội tụ của 3 yếu tố “thiên thời - địa lợi - nhân hòa”. Thiên thời hay là thời cơ và việc nắm bắt thời cơ để chuyển hóa thành động lực. Địa lợi là những lợi thế, tiềm năng, gồm cả vị trí địa lý, tài nguyên thiên nhiên, tài nguyên nhân văn, cơ sở hạ tầng, cơ chế, chính sách... Và nhân hòa, đó là sự đồng thuận, đoàn kết “trên dưới một lòng”, “dọc ngang thông suốt”, là niềm tin và tinh thần sẵn sàng cống hiến – nguồn lực nội sinh; đồng thời, “hòa” còn là sự hài hòa lợi ích với các nhân tố bên ngoài – nguồn lực ngoại sinh, bởi xu thế hợp tác cùng tiến – cùng thắng đang trở thành “dòng chủ đạo” trong bối cảnh hội nhập mạnh mẽ hiện nay.

Thanh Hóa được nhiều nhà nghiên cứu đánh giá là cái tên có tính đại diện mang giá trị về lịch sử, chính trị, văn hóa – xã hội của dân tộc. Cái tên mà từ trong dặm dài lịch sử, mỗi khi được nhắc đến vẫn thường gắn liền với những thời điểm đặc biệt, những kỳ tích, những huyền thoại đã ghi rất sâu, rất đậm vào lịch sử đất nước. Cũng chính vì lẽ đó mà khát vọng vượt qua trở ngại để đưa “xứ sở của những bản anh hùng ca” này bước ra khỏi “vùng tối” của nghèo khó, vẫn luôn luôn nung nấu, luôn luôn thôi thúc trong huyết quản của biết bao thế hệ. Đặc biệt, bề dày truyền thống yêu nước, tinh thần đoàn kết, tự lực, tự cường, ý chí mạnh mẽ, đã trở thành những giá trị tự thân làm nên đặc trưng vùng đất và phẩm giá con người. Đồng thời, tiềm năng, lợi thế so sánh về tài nguyên, nhân lực, cùng nhiều thành quả phát triển kinh tế - xã hội đã được tích những năm qua... Đó chính là các yếu tố “địa lợi”, “nhân hòa” đã, đang và sẽ tạo điểm tựa vững chắc để Thanh Hóa sánh kịp bước tiến của đất nước trong kỷ nguyên dựng xây quốc gia giàu mạnh.

Và, thời cơ chưa từng có hay nhân tố “thiên thời”, có khả năng mở ra cánh cửa mới của sự đổi thay và phát triển cho mảnh đất này, không gì khác chính là sự ra đời Nghị quyết số 58-NQ/TW, ngày 5-8-2020 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển tỉnh Thanh Hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Đồng thời, Nghị quyết số 37/2021/QH15 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Thanh Hóa, đã tạo hành lang cơ chế, chính sách hết sức quan trọng để Thanh Hóa vận dụng, nhằm phát huy tiềm năng, thế mạnh sẵn có.

Câu hỏi từng được nhiều người đặt ra đó là: Vì sao Bộ Chính trị lại ra nghị quyết riêng cho Thanh Hóa? Việc tạo cơ hội cho Thanh Hóa phát triển sẽ có gì nghĩa như thế nào đối với mảnh đất này, thậm chí là cho cả vùng và cả nước? Trở lại câu chuyện lịch sử của 76 năm về trước, khi lần đầu tiên về thăm Thanh Hóa, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đặt ra kỳ vọng rất lớn, rằng Thanh Hóa phải “trở nên một tỉnh kiểu mẫu”. Và “muốn trở thành một tỉnh kiểu mẫu, nhất định được, vì người đông, đất rộng, của nhiều, chỉ còn thiếu sự điều khiển sắp đặt”. Đồng thời, một tỉnh Thanh Hóa kiểu mẫu sẽ góp phần dựng xây nên “một nước kiểu mẫu, thì thế giới biết nước ta là một nước đáng được độc lập, thống nhất, dân tộc tự do”.

Gần đây nhất, khi về thăm và làm việc với lãnh đạo địa phương, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cũng một lần nữa khẳng định: Thanh Hóa hiện là một trong số ít tỉnh/thành phố trong cả nước có các cơ chế đặc thù để phát triển. Bởi mục tiêu phát triển Thanh Hóa trở thành một cực tăng trưởng mới cùng với Hà Nội, Hải Phòng và Quảng Ninh tạo thành tứ giác phát triển là hết sức đúng đắn, xuất phát từ vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng của tỉnh. Theo đó, thời cơ cho Thanh Hóa đã có, cùng với tiềm năng dồi dào và nhiều lợi thế so sánh; vấn đề còn lại là sự quyết tâm, quyết liệt và đặc biệt là phải củng cố cho được niềm tin, tạo sự đồng thuận, cùng chung ý chí của toàn đảng bộ, chính quyền và các tầng lớn Nhân dân trong quá trình triển khai thực hiện. Có như vậy, Thanh Hóa mới tận dụng được tối đa các cơ chế đặc thù để tạo đòn bẩy tăng trưởng mạnh mẽ, hiệu quả.

Bấy nhiêu có lẽ đủ để lý giải cho cái căn nguyên vì sao Thanh Hóa được Bộ Chính trị ban hành nghị quyết riêng và ý nghĩa của nó đối với sự phát triển chung của đất nước. Vấn đề được đặt ra lúc này là cần “điều khiển sắp đặt” ra sao để biến “thiên thời” trở thành động lực để đẩy nhanh tiến trình đổi mới và phát triển. Nói về việc xây dựng tỉnh Thanh Hóa kiểu mẫu, Bác Hồ cũng đã chỉ ra cách để “điều khiển sắp đặt”. Đó trước hết là phải nắm bắt thời cơ, không chờ đợi và “xắn tay áo làm đi”. “Kế hoạch phải cụ thể, thiết thực, việc gấp trước rồi đến việc sau”. Đặc biệt, Bác yêu cầu “tất cả những người có tài, có đức, có sức, có của, có lòng đều hăng hái ra giúp, toàn thể đồng bào trong tỉnh đều hăng hái tham gia”; “phải đem hết sức dân, tài dân, của dân làm cho dân”.

Minh chứng về việc chủ động trong “điều khiển sắp đặt”, hay động thái cho thấy sự tích cực, trách nhiệm của Thanh Hóa trong việc triển khai Nghị quyết số 58-NQ/TW và Nghị quyết số 37/2021/QH15 thời gian qua, đó là việc thể chế hóa các nghị quyết thành các chương trình, kế hoạch hành động, đề án, cơ chế, chính sách cụ thể để triển khai thực hiện. Cùng với đó, tỉnh đã chủ động rà soát, bổ sung các quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội; rà soát, sửa đổi, ban hành mới 21 cơ chế, chính sách để thực hiện các nghị quyết của Bộ Chính trị, của Quốc hội và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX.

Với quyết tâm rất lớn và tinh thần trách nhiệm rất cao trong việc thể chế hóa các nghị quyết, Thanh Hóa đã bước đầu tạo ra các tiền đề căn bản làm cơ sở cho việc hiện thực hóa các chỉ tiêu, mục tiêu tăng trưởng và phát triển kinh tế - xã hội. Một minh chứng thuyết phục cho điều đó là mặc dù phải đương đầu với vô vàn thách thức, cả khách quan lẫn chủ quan, song Thanh Hóa vẫn lọt vào top những tỉnh/thành có tốc độ tăng trưởng cao của cả nước. Trong đó, riêng năm 2022 tốc độ tăng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) ước đạt 12,51% và đứng thứ 7/63 tỉnh, thành phố. Thu ngân sách Nhà nước đạt cao nhất từ trước đến nay, ước đạt 48.820 tỷ đồng, vượt 65% dự toán, tăng 20% so với cùng kỳ. Hoạt động du lịch phục hồi nhanh ngay sau khi mở cửa trở lại; toàn tỉnh ước đón được 11,01 triệu lượt khách, gấp 3,2 lần năm 2021, tổng thu ước đại 20.038 tỷ đồng, gấp 4 lần năm 2021... Cùng với đó, sự hiện hữu của những công trình nghìn tỷ, những dự án triệu USD trên vùng đất khó, là minh chứng về thành quả từ sự quyết tâm và khát vọng phát triển của tỉnh Thanh Hóa. Đồng thời, đó cũng là tấm gương phản chiếu sống động về một Thanh Hóa đang chuyển mình và vươn dậy mạnh mẽ cùng cơ đồ, tiềm lực và vị thế quốc gia – dân tộc.

Cơ hội đang mở ra trước mắt là rất lớn, song thách thức đặt ra cho tỉnh cũng không hề nhỏ. Muốn vượt thách thức thì không gì khác là “quyết tâm làm thì sẽ thành kiểu mẫu”, như lời Bác đã căn dặn và tin tưởng. Đồng thời, dám nghĩ lớn, khát vọng lớn để tạo đột phá và nâng tầm vị thế của Thanh Hóa. Đó cũng chính là con đường để hiện thực hóa khát vọng thịnh vượng cho xứ sở này.

Bài và ảnh: Lê Dung


Bài và ảnh: Lê Dung

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]