(Baothanhhoa.vn) - Tại hội thảo Khoa học Quốc gia “Lê Văn Hưu và Đại Việt Sử ký” nhân kỷ niệm 700 năm ngày mất nhà sử học Lê Văn Hưu (1322-2022), nhà nghiên cứu Trần Thị Liên (Hội viên Hội Khoa học Lịch sử Thanh Hóa) và nhà nghiên cứu Đồng Thành Luân (Ban Nghiên cứu và biên soạn lịch sử Thanh Hóa) đã có đã có tham luận làm rõ hơn về những giai thoại và đóng góp của nhà sử học nổi tiếng này. Báo Thanh Hóa xin lược trích tham luận.

Giai thoại về Lê Văn Hưu: Nhận diện thể loại và giá trị nội dung, nghệ thuật

Tại hội thảo Khoa học Quốc gia “Lê Văn Hưu và Đại Việt Sử ký” nhân kỷ niệm 700 năm ngày mất nhà sử học Lê Văn Hưu (1322-2022), nhà nghiên cứu Trần Thị Liên (Hội viên Hội Khoa học Lịch sử Thanh Hóa) và nhà nghiên cứu Đồng Thành Luân (Ban Nghiên cứu và biên soạn lịch sử Thanh Hóa) đã có đã có tham luận làm rõ hơn về những giai thoại và đóng góp của nhà sử học nổi tiếng này. Báo Thanh Hóa xin lược trích tham luận.

Giai thoại về Lê Văn Hưu: Nhận diện thể loại và giá trị nội dung, nghệ thuật

Hội thảo Khoa học Quốc gia “Lê Văn Hưu và Đại Việt Sử ký” nhân kỷ niệm 700 năm ngày mất nhà sử học Lê Văn Hưu (1322-2022).

Qua nhiều nguồn tư liệu, có thể khẳng định: Nhà sử học Lê Văn Hưu sinh năm Canh Dần (1230) tại giáp Thần Hậu, làng Phủ Lý, huyện Đông Sơn (nay là xã Thiệu Trung, huyện Thiệu Hóa, tỉnh Thanh Hóa).

Một trong những nghiên cứu sớm nhất về Lê Văn Hưu là cuốn “Việt Nam sử lược” của Trần Trọng Kim, theo đó năm 1247 Lê Văn Hưu tham dự kì thi Thái học sinh dưới triều Trần và đỗ Bảng nhãn. Trong đền thờ Lê Văn Hưu hiện vẫn còn cặp câu đối ca ngợi ông:

Khắc Thiệu Hóa cơ, Nam - Bắc - Đông - Tây, sơn đẩu vọng

Vĩnh Thanh Hóa địa, y quan chương phú lý dư hương

(Đặt nền Thiệu Hóa, bốn phương trông về Thái sơn sao Đẩu

Vững đất Thanh Hóa, văn chương áo mũ thơm ngát quê hương).

Các mốc sự nghiệp quan trọng trong quan nghiệp của Lê Văn Hưu cũng được Ngô Sỹ Liên ghi chép khá tường tận trong Đại Việt sử ký toàn thư, theo đó Lê Văn Hưu từng giữ các chức vụ: Hàn lâm Thị độc Viện, Phó quan - giúp việc cho Thái úy. Kiểm pháp quan Viện Đăng văn, Hàn lâm Viện Học sỹ kiêm Quốc sử Giám tu và Binh bộ Thượng thư. Với vai trò là tác giả bộ Đại Việt sử ký gồm 30 quyển, Lê Văn Hưu được thừa nhận là người đặt nền móng cho nền quốc sử Việt Nam.

Đặc điểm về thể loại

Việc xác định thể loại của nhóm truyện về Lê Văn Hưu được dựa vào các biểu hiện như chức năng, hình thức, nhân vật đề cập, tâm thế - tình cảm người kể và sự logic giữa các chi tiết trong truyện (địa danh, thời điểm, nhân vật…). Đó là những câu chuyện kể ngắn gọn, cấu trúc đơn giản, ít nhân vật, không nhiều lời thoại, chủ yếu gắn với giai đoạn niên thiếu của Lê Văn Hưu. Đặc biệt, dẫu số lượng giai thoại về ông không nhiều song những địa danh gắn với vùng đất Kẻ Rị xưa xuất hiện với tần suất khá “dày”, đó là: Mả Hỗn/Hón (Giấc mộng hoa lan), làng Thần Hậu, Mả ông Hương (Bên quán học), bến đò Diệc (Bốn đám mây che), làng Phúc Triền (Câu đối ông thợ rèn), Kẻ Chè (giáp ranh Kẻ Rỵ - truyện Cây đèn hình rồng), dòng sông Chu (Trường giang phong lộng), chùa Báo Ân (Hoa thiên lý thơm ngàn dặm)… Nói cách khác, hệ thống giai thoại về Lê Văn Hưu là các câu chuyện kể về cuộc đời, hành trạng của Lê Văn Hưu và “gắn rất chặt” với vùng không gian văn hóa Phủ Lý - Đông Sơn xưa, giúp củng cố độ xác tín về một nhân vật thật, một vùng đất hiện hữu trên bản đồ hành chính đương thời cũng như hiện tại.

Bên cạnh đó, chuỗi giai thoại về Lê Văn Hưu cũng mang hơi hướng của truyền thuyết khi có không ít yếu tố huyễn hoặc, hoang đường, kì ảo về một nhân vật lịch sử. Đó là các chi tiết: Bà mẹ được thần linh báo mộng (Giấc mộng hoa lan), mỗi bước chân của Lê Văn Hưu thuở nhỏ luôn có bốn đám mây che trên đầu (Bốn đám mây che); vị tiên trên núi Nhồi thỉnh thoảng lại hạ phàm để đàm đạo văn chương (Hoa thiên lý thơm ngàn dặm)… Có thể xếp những giai thoại này vào “nhóm giai thoại kì ảo” với nhân vật trung tâm mang tính chất “đặc biệt”, sinh ra theo sắp xếp của thần linh, mỗi bước đi đều được lực lượng siêu nhiên hiển linh bảo trợ. Điều này cho thấy, những câu chuyện về Lê Văn Hưu có sự giao thoa, chuyển biến về thể loại, khi thì mang tính giai thoại, lúc lại đậm đặc yếu tố truyền thuyết, hoặc chuyển thể, hoán đổi giữa truyền thuyết với giai thoại.

Đặc điểm về cấu trúc

Cốt truyện: Chuỗi giai thoại về Lê Văn Hưu là những câu chuyện đơn lẻ, rời rạc, song đặt cạnh nhau lại cho thấy sự liền mạch, xuyên suốt, mô tả hành trạng, cuộc đời của Lê Văn Hưu từ khi thân mẫu thụ thai đến giai đoạn lão niên. Các giai thoại này đều có mô hình cốt truyện truyền thống điển hình với lược đồ gồm 3 phần, gắn với các tiến trình sự kiện sau:

Phần thứ nhất nêu lên hoàn cảnh, sự kiện xuất hiện của nhân vật chính. Phụ họa, “hợp thức hóa” cho nhân vật chính là các “nhân vật phụ” (bác thợ rèn, thày dạy học, vị tiên ông) hoặc các địa tích hiện tồn.

Phần thứ hai kể lại những sự kiện gây ấn tượng về nhân vật với những hành trạng, hoạt động thường ngày.

Phần thứ ba, kết thúc sự việc, bao gồm kết quả cụ thể liên quan đến nhân vật, thường là khiến đối phương khâm phục, kính nể.

Khảo sát giai thoại về Lê Văn Hưu, thấy có các tình tiết, mô típ điển hình sau.

Các tình tiết, mô típ điển hình của chuỗi giai thoại

Giai thoại về Lê Văn Hưu còn là những câu chuyện về một nhân vật có sự phù trợ kì bí của các lực lượng siêu nhiên. Đề tài - cốt truyện này được xác lập với nhân vật mang đặc điểm: Điềm lạ xuất hiện, phù trợ thần kỳ của thần linh qua những dấu ấn hành trạng và dấu tích lưu lại (bến Diệc, chùa Báo Ân). Nhóm này có các truyện tiêu biểu như: Giấc mộng hoa lan, Bốn đám mây che, Hoa thiên lý thơm ngàn dặm…

Nhân vật mang đặc điểm hiếu học, thông minh, giỏi giang - biểu hiện ở các đơn vị truyện: Bên quán học, Cây đèn hình rồng, Cô lớn hái hoa - cô bé hái hoc, Đứng cửa khôi nguyên, Hoa thiên lý thơm ngàn dặm, Câu đối ông thợ rèn, Giang trường phong lộng… gắn với bước chân Lê Văn Hưu từ nhỏ tới lúc thành niên không ngừng tìm thày học chữ. Theo bước chân của Lê Văn Hưu, người ta không thể không thán phục về một tài năng xuất chúng

Nhân vật mang đặc điểm những dấu ấn hành trạng và dấu tích lưu lại: Motip này có các truyện: Giấc mộng hoa lan, Bên quán học, Bốn đám mây che, Câu đối ông thợ rèn, Giang trường phong lộng, Hoa thiên lý thơm ngàn dặm, Vợ hiền… Sơ đồ kết cấu cốt truyện của nhóm giai thoại này kể về hành trình nhân vật (Lê Văn Hưu) đi qua những vùng đất cụ thể, hữu hình (kẻ Chè, sông Chu, mả Hỗn, làng Phúc Triền, chùa Báo Ân…) và lưu lại dấu tích (ở đây là các truyện kể).

Giá trị văn hóa - nhân văn của hệ thống giai thoại về Lê Văn Hưu

Thứ nhất là sự thể hiện thái độ sự trọng thị của Nhân dân đối với những người giỏi giang, ham học hỏi. Qua những ghi chép chưa hẳn đã giống nhau, nhìn chung các truyện kể được sáng tác và lưu truyền về Lê Văn Hưu đã thể hiện ở bề sâu thái độ tình cảm của nhân dân đối với nhà sử học lừng danh họ Lê. Truyện Giấc mộng hoa lan, Bốn đám mây che có nhiều chi tiết hoang đường, thần bí, phi thực tế nhưng là tình cảm, sự ngưỡng mộ của người dân đối với Lê Văn Hưu, xem ông như là “người trời”, được thượng giới gửi gắm hạ phàm.

Thứ hai là lí giải sự hình thành một không gian văn hóa Kẻ Rị, quê hương của Lê Văn Hưu. Các câu truyện kể về ông chủ yếu ghi nhận hành trình “tầm sư học đạo” với những hành trạng ly kỳ trong một không gian rộng với “vùng lõi” là Kẻ Rị, qua Bến Diệc, sang Phúc Triền và mở rộng ra các làng, xã lân cận (Kẻ Chè, chùa Báo Ân), hợp thành một không gian văn hóa của hệ thống giai thoại về Lê Văn Hưu. Tuy nhiên, sự gắn kết địa - văn hóa chưa hẳn đã nghiêm chặt, vẫn còn không ít địa danh (có thể là) mang ý nghĩa hư cấu, thêu dệt (thí dụ như làng Yên Lạc trong Bốn đám mây che - đến nay vẫn chưa được định danh chính xác) hoặc được “gán ghép” để tăng tính “chân thực” cho nhân vật.

Tóm lại, truyền thuyết, giai thoại về Lê Văn Hưu mang đậm dấu ấn lịch sử, văn hóa địa phương của vùng “đất học” Thanh Hóa. Nghiên cứu miêu tả, phân tích sự phong phú, sự tồn tại thực tế và đặc điểm của nhóm truyền thuyết về nhân vật này. Đó là những câu chuyện kể có dấu ấn riêng về mặt tư liệu, không gian lưu hành, đặc trưng nghệ thuật… Nguồn truyện kể về Lê Văn Hưu chưa thật sự phong phú, tính ổn định cũng chưa cao nhưng sự tồn tại, lưu truyền của các giai thoạt ấy (đã được “văn bản hóa”) đã minh chứng cho sức sống và giá trị của nó trong đời sống thực tiễn. Đặc biệt, có những giai thoại cổ nhưng lại mang dấu ấn hiện đại (sử dụng chữ latinh thay cho Hán ngữ) cho thấy một giá trị đặc sắc, đó chính là sự tương tác giữa văn học dân gian và văn học viết, được coi là quy luật chung của văn học Việt Nam và rộng hơn là các nền văn học trên thế giới.

Mặt khác, hệ thống giai thoại về Lê Văn Hưu đã góp phần tô đậm thêm sắc thái văn hóa địa phương của văn hóa dân gian Thanh Hóa trên nền thống nhất và đa dạng của văn hóa dân gian Việt Nam.

Nguyễn Đạt (lược trích)


Nguyễn Đạt (lược trích)

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]