(Baothanhhoa.vn) - Những ngày đầu thu này, tôi được gặp họ - những người đã góp phần vào công cuộc giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước. Trong số đó, có người dù tuổi đã cao, mắt đã mờ nhưng giọng thì vẫn sang sảng khi nhớ lại cuộc chiến đã qua với phơi phới niềm tự hào...

Gặp gỡ gia đình truyền thống cách mạng

Những ngày đầu thu này, tôi được gặp họ - những người đã góp phần vào công cuộc giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước. Trong số đó, có người dù tuổi đã cao, mắt đã mờ nhưng giọng thì vẫn sang sảng khi nhớ lại cuộc chiến đã qua với phơi phới niềm tự hào...

Gặp gỡ gia đình truyền thống cách mạng

Cán bộ chính sách xã Nga Thắng đến thăm gia đình cụ Phan Thị Yến (từ phải qua trái: Cụ Phan Thị Yến, ông Nguyễn Văn Thân và vợ, bà Lê Thị Hồng).

Gần 40 năm qua, người dân xã Nga Thắng và một số xã lân cận khác trên địa bàn huyện Nga Sơn đã quen với hình ảnh một người thầy thuốc làng chuyên đi khám, chữa bệnh cho dân. Ông là bệnh binh Nguyễn Văn Thân, sinh năm 1950, ở thôn Thượng, xã Nga Thắng.

Điều đặc biệt, ông Thân sinh ra trong một gia đình có truyền thống cách mạng. Bố ông là cụ Nguyễn Nhật Tân, cán bộ lão thành cách mạng và mẹ ông là cụ Phan Thị Yến, cán bộ tiền khởi nghĩa. Hai cụ sinh được 8 người con. Sau này, theo tiếng gọi của Tổ quốc, ông Thân và người em trai của mình là Nguyễn Văn Thảo cũng lên đường nhập ngũ.

Giữa tiết trời thu, trong căn nhà bình dị, chúng tôi ấm lòng bởi câu chuyện của những người đã từng đi qua cuộc chiến. Năm 1967, ông Nguyễn Văn Thân học tại Trường Y sĩ Thanh Hóa. Hai năm sau đó, vào năm 1969, khi 19 tuổi ông vào bộ đội sang phục vụ chiến đấu tại Lào, tham gia đội phẫu thuật cơ động Đoàn 559 - Bộ đội Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh. Đội phẫu thuật khi đấy gồm 12 người. Địch chủ yếu đánh ban đêm, nhưng vào bất cứ lúc nào, khi nghe 3 tiếng súng báo hiệu có thương binh là các thành viên trong đội lại mũ áo, ni lông, cánh võng ra đường khiêng thương binh về băng bó, mổ cấp cứu... Ông Thân bồi hồi nhớ lại: “Những lần địch đánh vào đơn vị, nhà mổ thì ở phía ngoài, khi địch bắn tín hiệu thì chúng tôi vội vàng khiêng thương binh chạy vào hang; có lần địch đánh đúng một ngày không ra được. Tôi nhớ, bản thân cũng đã thoát chết vài lần. Có hôm, sau khi bưng cơm cho thương binh ăn, tôi ra suối rửa bát, khi vừa đi khỏi suối được 10m thì địch bắn một quả pháo hiệu trúng chỗ tôi ngồi...”.

Cũng ở Đoàn 559, chàng thanh niên Nguyễn Văn Thân đã có mối tình đẹp với cô thanh niên xung phong Lê Thị Hồng ở huyện Nghi Lộc (Nghệ An). Hai ông bà gặp nhau ở Lào vào năm 1972. Năm 1973, bà về Nghệ An còn ông tiếp tục làm nhiệm vụ tại các chiến trường miền Nam, Campuchia. Từ đó, ông bà chỉ có thể “gặp nhau” qua những lá thư, cùng hứa hẹn sau ngày thống nhất đất nước sẽ nên nghĩa vợ chồng. Và cái kết đẹp cho mối tình thủy chung ấy là một đám cưới đã được tổ chức vào năm 1976.

Nối gót bố mẹ và anh trai, năm 1975, người em Nguyễn Văn Thảo cũng lên đường nhập ngũ, tham gia bảo vệ quần đảo Trường Sa. Ông Thảo là bệnh binh với tỷ lệ thương tật 61%. Sau khi trở về địa phương, nếu ông Thân tiếp tục làm thầy thuốc chữa bệnh thì ông Thảo cũng có gần 30 năm tham gia làm Bí thư, trưởng thôn Thượng. Thêm một điều đặc biệt, ngoài ông Thân, ông Thảo, trong gia đình còn 3 người con nữa đã từng tham gia phục vụ chiến đấu, làm nhiệm vụ sản xuất vũ khí cho bộ đội trên các chiến trường. Hiện họ đang giữ các chức vụ cao trong quân đội.

Trong cuộc gặp gỡ này, dù không còn minh mẫn để trò chuyện cùng chúng tôi, nhưng khuôn mặt cụ Phan Thị Yến (93 tuổi) lúc nào cũng bừng sáng như chính người cán bộ tiền khởi nghĩa này đang lần tìm lại ký ức thời chiến khi thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an toàn cho cán bộ Việt Minh về xây dựng cơ sở...

Về thôn Thái Bình, xã Minh Tâm (Thiệu Hóa), nhắc đến gia đình ông Cao Xuân Bè, hầu như người dân nơi đây ai cũng biết bởi đây là gia đình có đến 3 thế hệ tham gia kháng chiến.

Ông Cao Xuân Bè (sinh năm 1935), từng tham gia chiến đấu tại chiến trường miền Đông Nam bộ, là thương binh 4/4 với tỷ lệ thương tật 32% (chủ yếu ở vùng mắt). Ông đã được tặng Huân chương Chiến sĩ giải phóng hạng Nhất. Trước đó, bố ông là cụ Cao Văn Tàu cũng từng tham gia cuộc kháng chiến chống Pháp. Sau này, con ông Bè là ông Cao Văn Phái (sinh năm 1960) cũng lên đường nhập ngũ khi mới 18 tuổi và tham gia chiến đấu tại Campuchia, là thương binh 4/4.

Hai mươi năm nay, do ảnh hưởng của chiến tranh nên đôi mắt của ông Cao Xuân Bè đã không còn nhìn thấy. Tuy nhiên, giọng ông thì vẫn sang sảng khi nhớ về một thời đạn bom với phơi phới niềm tự hào nhưng chia sẻ về gia đình, giọng ông bỗng chùng lại. Ông nói: “Gia đình tôi của thời chiến rất nghèo, đời bố tôi rồi đến đời tôi và con tôi cũng vậy nhưng ai cũng có tinh thần tham gia kháng chiến. Sau này, khi trở về địa phương, đôi mắt tôi dần trở nặng, nếu không có vợ và các con thì làm sao tôi sống được đến ngày hôm nay...”.

Vợ ông là bà Lê Thị Tấm, năm nay 85 tuổi, từng là dân công hỏa tuyến, trong mấy chục năm qua bà vẫn luôn bên ông chăm sóc từng bữa ăn, giấc ngủ. Khi đôi mắt của ông không còn nhìn thấy thì những lo lắng với bà lại gấp bội phần...

Trời chiều, bà cặm cụi thổi lửa nấu cơm, còn hai cha con, hai thế hệ ngồi bên nhau với ký ức thời chiến. Tôi nghe tiếng ông Bè thở dài rồi lời ông như thầm thì: “Tôi ngửi thấy mùi khói bếp là biết bà ấy đang nấu cơm. Ước gì, mắt tôi được sáng lại, đỡ đần ít, nhiều cho bà ấy...”. Lời của ông làm tôi nhớ đến câu nói, đại ý: “Người lính là người cầu nguyện cho hòa bình nhiều hơn bất cứ ai, bởi chính người lính là người phải chịu đựng và mang những vết thương chiến tranh nặng nề nhất".

Vi An


Vi An

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]