(Baothanhhoa.vn) - Những năm gần đây kinh tế - xã hội của xã Thanh Lâm (Như Xuân) đã có bước phát triển mạnh, đời sống người dân được nâng lên, tỷ lệ hộ nghèo giảm qua từng năm. “Chìa khóa” mang đến hiệu quả cho công tác giảm nghèo của xã chính là vai trò lãnh đạo của đảng bộ xã được phát huy.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Đảng bộ xã Thanh Lâm phát huy vai trò lãnh đạo trong công tác giảm nghèo

Những năm gần đây kinh tế - xã hội của xã Thanh Lâm (Như Xuân) đã có bước phát triển mạnh, đời sống người dân được nâng lên, tỷ lệ hộ nghèo giảm qua từng năm. “Chìa khóa” mang đến hiệu quả cho công tác giảm nghèo của xã chính là vai trò lãnh đạo của đảng bộ xã được phát huy.

Đảng bộ xã Thanh Lâm phát huy vai trò lãnh đạo trong công tác giảm nghèo

Câu lạc bộ thổ cẩm Thanh Lâm của Hội LHPN xã Thanh Lâm đã giúp cho nhiều hội viên có việc làm, thu nhập ổn định.

Thanh Lâm một trong những xã vùng sâu, vùng xa khó khăn nhất của huyện Như Xuân. Xuất phát điểm kinh tế thấp, lại nằm xa trung tâm huyện, giao thông không mấy thuận lợi nên việc phát triển kinh tế - xã hội, giảm nghèo của xã gặp nhiều trở lực. Qua phân tích, cấp ủy đảng, chính quyền xã đã nhận diện nguyên nhân dẫn đến “cái nghèo” ở địa phương chủ yếu là do người dân thiếu đất canh tác, thiếu kiến thức khoa học, phương pháp làm kinh tế và còn một bộ phận bà con vẫn trông chờ vào sự hỗ trợ của Nhà nước. Để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, nhất là mục tiêu giảm nghèo nhanh, bền vững, đảng bộ xã đã cụ thể hóa Nghị quyết số 09-NQ/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác giảm nghèo nhanh và bền vững ở các huyện miền núi Thanh Hóa đến năm 2020”, bằng chương trình hành động về công tác giảm nghèo nhanh và bền vững. Mặt khác, trên cơ sở rà soát, đánh giá toàn diện thực trạng kinh tế - xã hội của địa phương, hàng năm, đảng ủy xã đã ban hành nghị quyết chuyên đề về phát triển kinh tế đề ra những mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp cụ thể phù hợp với điều kiện thực tế, tình hình địa phương.

Bằng việc lựa chọn phát huy tiềm năng, thế mạnh về đất đai để phát triển lâm nghiệp, nông nghiệp hàng hóa, cấp ủy đảng, chính quyền xã đã từng bước tìm được hướng sản xuất mới cho người dân, tạo bước đột phá trong công tác giảm nghèo. Cùng với việc duy trì 102 ha mía nguyên liệu, xã Thanh Lâm đẩy mạnh tuyên truyền, vận động Nhân dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, áp dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật và đưa những cây, con giống mới năng suất cao vào sản xuất; chuyển dịch từ chăn nuôi thả tự nhiên sang chăn nuôi có kiểm soát theo mô hình trang trại, gia trại. Hiện nay, toàn xã có 8 trang trại, gia trại chăn nuôi, nhiều mô hình chăn nuôi mang lại hiệu quả kinh tế cao, đang được nhân rộng như: Nuôi gà thả vườn, nuôi dê sinh sản, nuôi ong lấy mật. Đi liền với phát triển chăn nuôi, xã Thanh Lâm còn chú trọng phát triển kinh tế lâm nghiệp. Thực hiện Đề án về “Phát triển rừng gỗ lớn” của huyện, xã đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo Nhân dân đầu tư phát triển rừng sản xuất. Trong 5 năm qua, toàn xã đã trồng được hơn 30 ha rừng gỗ lớn, qua đó nâng tổng diện tích rừng sản xuất của Thanh Lâm lên 930 ha. Bên cạnh đó, xã cũng chú trọng phát triển các loại hình kinh doanh, thương mại dịch vụ. Toàn xã có 5 doanh nghiệp, 1 HTX sản xuất nông, lâm nghiệp và 101 hộ kinh doanh cá thể. Theo đó, giá trị sản xuất công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp năm 2020 của xã đạt 11,35 tỷ đồng, tăng 6,7 tỷ đồng so với năm 2015.

Phát huy vai trò trong việc giúp đỡ hội viên giảm nghèo bền vững, Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) xã Thanh Lâm đã đẩy mạnh các phong trào “Phụ nữ giúp nhau phát triển kinh tế gia đình”, “Giúp phụ nữ thoát nghèo bền vững”. Trong 5 năm qua, hội LHPN xã đã đứng ra ủy thác với Ngân hàng Chính sách xã hội cho 228 lượt hội viên vay khoảng 8,514 tỷ đồng để phát triển kinh tế. Đặc biệt, nhằm tạo việc làm cho hội viên và khôi phục bản sắc văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc, hội LHPN xã đã thành lập câu lạc bộ thổ cẩm Thanh Lâm. Mô hình đã và đang hoạt động ổn định, tạo việc làm cho 40 thành viên với thu nhập từ 3 đến 4,5 triệu đồng/tháng. Nhờ vậy, 5 năm qua, hội LHPN xã đã giúp 35 phụ nữ nghèo thoát nghèo bền vững.

Song song với thực hiện hiệu quả công tác giảm nghèo, đảng ủy xã chỉ đạo chính quyền, các tổ chức đoàn thể đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân chung sức đồng lòng trong xây dựng nông thôn mới. Trong 5 năm qua, Nhân dân xã Thanh Lâm đã tự nguyện hiến 10.532m2 đất, hàng nghìn ngày công để làm đường giao thông, các công trình phúc lợi nông thôn; đóng góp kinh phí làm 11,3km đường bê tông; lắp đặt được 9,5km đường điện thắp sáng, 7 cổng chào kiên cố. Hiện nay, xã Thanh Lâm đã đạt 12/19 tiêu chí nông thôn mới.

Với sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt của đảng bộ, chính quyền xã và sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự nỗ lực vươn lên của đồng bào các dân tộc địa phương, công tác giảm nghèo bền vững ở Thanh Lâm đã thu được những kết quả đáng mừng. Theo đó, tỷ lệ hộ nghèo của xã đã giảm mạnh từ 54,99% năm 2015 xuống còn 4,53% năm 2020, vượt 200% so với nghị quyết.

Bài và ảnh: Hòa Bình


Bài và ảnh: Hòa Bình

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]