(Baothanhhoa.vn) - Chiều 11-6, tiếp tục chương trình làm việc Kỳ họp thứ Bảy, dưới sự điều khiển của Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự thảo Luật Thư viện.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Đại biểu Quốc hội Thanh Hóa Bùi Thị Thủy tham gia thảo luận về dự thảo Luật Thư viện

Chiều 11-6, tiếp tục chương trình làm việc Kỳ họp thứ Bảy, dưới sự điều khiển của Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự thảo Luật Thư viện.

Đại biểu Quốc hội Thanh Hóa Bùi Thị Thủy tham gia thảo luận về dự thảo Luật Thư viện

ĐBQH Bùi Thị Thủy (Thanh Hóa) cho ý kiến về dự thảo Luật Thư viện chiều 11-6.

Thảo luận về nội dung này, các đại biểu Quốc hội đều cho rằng, sự phát triển mạnh mẽ của khoa học và công nghệ đã tạo ra bước tiến vượt bậc của khoa học thư viện, làm thay đổi cả về tổ chức, quy trình, phương thức hoạt động của thư viện và cách tiếp cận thông tin của người dân. Đồng thời, cũng tạo ra những thách thức lớn đối với hệ thống thư viện; văn hóa đọc đã và đang bị lấn át bởi những hình thức tiếp cận thông tin mới. Thực tế này đòi hỏi cần phải đổi mới tổ chức, hiện đại hóa và nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động thư viện. Do đó, việc ban hành Luật Thư viện là cần thiết.

Đóng góp ý kiến vào dự thảo Luật, ĐBQH Bùi Thị Thủy (Thanh Hóa) cho rằng, dự thảo luật đã có điểm mới trong việc mở rộng và quy định đối với thư viện ngoài công lập, đẩy mạnh xã hội hóa cho phép thành lập thư viện tư nhân có phục vụ cộng đồng, thư viện cộng đồng. Tuy nhiên, phần chính sách của nhà nước để thu hút đầu tư chưa thể hiện rõ nét. Với cách quy định như dự thảo Luật, người tham gia thành lập thư viện chưa thấy rõ mình sẽ được hưởng những chính sách gì. Do vậy, Ban soạn thảo cần nghiên cứu thêm chính sách như một số nước đã áp dụng như: giảm thuế nhà đất dùng làm thư viện, giảm thuế doanh thu trợ cấp hoặc hỗ trợ bổ sung vốn tài liệu, mời tham gia cung cấp dịch vụ công thay vì nhà nước lập ra rồi bao cấp để đưa vào luật cho phù hợp.

Cũng theo đại biểu, thư viện đại học, thư viện thuộc cơ sở giáo dục khác có vai trò quan trọng trong việc thực hiện quyền tiếp cận thông tin, quyền học tập, quyền hưởng thụ và tiếp cận các giá trị văn hóa theo hiến định, cũng như phục vụ nhu cầu giải trí của cán bộ giáo viên, nhân viên và học sinh trong các nhà trường. Từ đó hình thành phát triển văn hóa đọc, xây dựng môi trường học tập lành mạnh. Tuy nhiên, đại biểu cũng chỉ ra thực trạng hoạt động của các thư viện chưa được đánh giá đầy đủ. Tồn tại rất dễ nhận thấy, đó là nhiều thư viện trong các nhà trường không được quan tâm, đầu tư về cơ sở vật chất, thiết bị thư viện, vốn tài liệu, phòng đọc vắng người, tủ sách nghèo nàn, phủ bụi. Theo đại biểu, những tồn tại, hạn chế nêu trên là do những nguyên nhân:

Thứ nhất, người đọc có thể tìm kiếm thông tin dễ dàng mà không cần đến thư viện thông qua công cụ tìm kiếm google.

Thứ hai, có hiện tượng học sinh ngại đọc sách báo, nhiều em lựa chọn game online, mạng xã hội để giải trí.

Thứ ba, thư viện trong các nhà trường không đáp ứng được nhu cầu người đọc. Để khắc phục tồn tại này, đại biểu đề nghị, cơ quan soạn thảo cân nhắc để thể hiện rõ hơn trong Luật những nội dung liên quan đến thư viện thuộc cơ sở giáo dục khác.

Theo đó, cần có chính sách cụ thể đầu tư cho thư viện thuộc cơ sở giáo dục công lập, tránh việc chỉ phụ thuộc vào sự quan tâm của Ban giám hiệu hay Hiệu trưởng như hiện nay. Dự thảo Luật cần quy định trách nhiệm của cơ sở giáo dục, người đứng đầu cơ sở giáo dục trong việc bổ sung vốn tài liệu mới theo nhu cầu sử dụng vào Điều 32 của dự thảo Luật. Bởi trên thực tế, thư viện của các trường trung học phổ thông đặc biệt ở miền núi rất thiếu tài liệu tham khảo phục vụ cho công tác giảng dạy, nhất là tài liệu ôn thi học sinh giỏi, ôn thi trung học phổ thông quốc gia dành cho học sinh thi tuyển vào các trường đại học. Các tài liệu này phải bỏ tiền mua mới có được chứ không thể khuyến khích hay vận động như quy định tại khoản 5, khoản 6 Điều 32 của dự thảo Luật.

Cùng với đó, đại biểu đề nghị, cần bổ sung vào khoản 5 Điều 32 của dự thảo Luật về trách nhiệm đưa các sáng kiến kinh nghiệm được công nhận vào trong thư viện thuộc các cơ sở giáo dục. Đồng thời, bổ sung Điều 34 về trách nhiệm của người dạy là khai thác, sử dụng vốn tài liệu trong thư viện, trong đó có các sáng kiến kinh nghiệm hay nhằm phát huy hiệu quả loại tài liệu này bởi đây là sản phẩm trí tuệ được đúc rút từ thực tiễn giảng dạy và hoạt động giáo dục của thầy cô và được kiểm chứng bằng hiệu quả học tập của học sinh.

Đề cập đến chính sách phát triển thư viện, đại biểu Bùi Thị Thủy cho rằng, trong thời đại bùng nổ của công nghệ thông tin, tất cả các tin tức có thể cập nhật nhanh chóng thông qua internet và các nền tảng số khác. Tuy vậy, vẫn còn một bộ phận người dân sống tại các vùng kinh tế - xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn, vùng dân tộc thiểu số miền núi, biên giới, hải đảo xa xôi, thiếu thông tin, khó khăn trong việc tiếp cận và sử dụng kiến thức vào đời sống, có nguy cơ tụt hậu cao.

Để phát triển thư viện tại các khu vực khó khăn này, cần có chính sách đầu tư thỏa đáng. Tuy vậy, theo quy định tại điều 4 của dự thảo Luật, chính sách chính sách của nhà nước về phát triển thư viện tại các khu vực này còn chung chung, chưa tính hết các đối tượng thụ hưởng chính sách. Do vậy, cần có chính sách đầu tư phát triển các thư viện công lập tại các vùng kinh tế - xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn, vùng dân tộc thiểu số miền núi, biên giới, hải đảo phù hợp với đặc thù về phong tục, tập quán văn hóa của từng vùng. Theo dự thảo Luật, chính sách mới chỉ tác động đến đối tượng là đồng bào dân tộc thiểu số, trẻ em, người cao tuổi, người khuyết tật mà chưa tính đến các đối tượng khác nhưng sinh sống tại các vùng này. Do đó, cần bổ sung thêm đối tượng thụ hưởng chính sách vào điểm a khoản 1 Điều 4 của dự thảo Luật, đại biểu Bùi Thị Thủy đề nghị.

Hà An


Hà An

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]