(Baothanhhoa.vn) - Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Việc nước lấy đoàn thể làm cốt cán. Việc đoàn thể lấy cán bộ làm cốt cán. Cán bộ lấy đạo đức làm cốt cán”. Muốn vậy, công tác cán bộ nói chung, xây dựng đội ngũ cán bộ “vừa hồng, vừa chuyên” nói riêng, đòi hỏi phải vừa “dụng công” vừa “dụng tâm”, hay phải xuất phát từ cái tâm gắn với tầm nhìn chiến lược vì sự phát triển chung.

Công tác cán bộ: Từ “tâm” đến “tầm”

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Việc nước lấy đoàn thể làm cốt cán. Việc đoàn thể lấy cán bộ làm cốt cán. Cán bộ lấy đạo đức làm cốt cán”. Muốn vậy, công tác cán bộ nói chung, xây dựng đội ngũ cán bộ “vừa hồng, vừa chuyên” nói riêng, đòi hỏi phải vừa “dụng công” vừa “dụng tâm”, hay phải xuất phát từ cái tâm gắn với tầm nhìn chiến lược vì sự phát triển chung.

Công tác cán bộ: Từ “tâm” đến “tầm”

Hội nghị lần thứ 20, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa khóa XIX thảo luận và quyết định nhiều vấn đề quan trọng.

Nghiêm minh và nhân văn

“Công tác cán bộ là công việc hệ trọng của Đảng, phải được tiến hành thường xuyên, thận trọng, khoa học, chặt chẽ và hiệu quả. Đầu tư xây dựng đội ngũ cán bộ là đầu tư cho phát triển lâu dài, bền vững”. Đây là quan điểm chỉ đạo được đề ra trong Nghị quyết Số 26-NQ/TW, ngày 19-5-2018 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược, đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ. Cũng bởi công tác cán bộ là khâu “then chốt” của công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị, nên cần phải làm một cách thận trọng, vừa nghiêm minh theo đúng quy định, song cũng phải hết sức nhân văn để bảo vệ, khuyến khích cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám sáng tạo.

Cũng bởi “dụng nhân như dụng mộc”, nên trong công tác cán bộ, nhất là trong kiểm tra, giám sát và kỷ luật của Đảng, càng phải vừa “dụng công” vừa “dụng tâm”. Theo đó, Quy định số 22-QĐ/TW ngày 28-7-2021 nêu rõ: Công tác kiểm tra, giám sát phải kịp thời phát hiện nhân tố mới, tích cực để phát huy, phải bảo vệ cái đúng, bảo vệ người tốt, cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đột phá vì lợi ích chung. Đồng thời, phải chủ động phát hiện sớm để phòng ngừa, ngăn chặn, khắc phục khuyết điểm, vi phạm của tổ chức đảng và đảng viên ngay từ khi còn mới manh nha, không để vi phạm nhỏ tích tụ thành sai phạm lớn, kéo dài và lan rộng. Khi các vụ việc vi phạm được phát hiện, phải cương quyết xử lý kỷ luật nghiêm minh, kịp thời để răn đe và giáo dục.

Cũng bởi công tác cán bộ có ảnh hưởng trực tiếp đến sinh mệnh của Đảng, do đó bên cạnh việc chăm lo xây dựng đội ngũ cán bộ “vừa hồng, vừa chuyên”, Đảng ta đang đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm những cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ; kiên quyết đấu tranh với các biểu hiện, hành vi tham nhũng, tiêu cực. Phát biểu tại hội nghị toàn quốc tổng kết 10 năm công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực giai đoạn 2012-2022, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng đặc biệt nhấn mạnh: “Việc xử lý nghiêm nhiều cán bộ, kể cả cán bộ cấp cao sai phạm, là điều không ai mong muốn, thậm chí rất đau xót, rất đau lòng. Nhưng vì sự nghiệp chung, vì sự nghiêm minh về kỷ luật của Đảng, thượng tôn pháp luật của Nhà nước, sự trong sạch, vững mạnh và uy tín của Đảng, Nhà nước và ý nguyện của Nhân dân, chúng ta phải làm và kiên quyết làm. Kỷ luật một vài người để cứu muôn người; và sẽ còn phải tiếp tục làm quyết liệt, mạnh mẽ hơn nữa trong thời gian tới theo tinh thần Bác Hồ đã dạy “Cắt bỏ một vài cành cây sâu mọt để cứu cả cái cây”.

Trên tinh thần đó, trong giai đoạn 2015-2020, cấp ủy, tổ chức đảng và ủy ban kiểm tra các cấp tỉnh Thanh Hóa tiến hành kiểm tra 7.984 tổ chức đảng, 28.759 đảng viên; giám sát 16.610 tổ chức đảng, 57.761 đảng viên; thi hành kỷ luật 45 tổ chức đảng, 3.472 đảng viên bằng các hình thức khiển trách, cảnh cáo, cách chức và khai trừ. Việc thi hành kỷ luật đối với các tổ chức đảng và đảng viên vi phạm được thực hiện đúng phương hướng, phương châm, nguyên tắc, quy trình và thủ tục. Qua đó, cơ bản khắc phục được tình trạng “nhẹ trên, nặng dưới”, nể nang, né tránh, ngại va chạm, bao che sai phạm ở các địa phương, cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh.

Trọng yếu và cần kíp

Trong tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc”, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhấn mạnh: “Muôn việc thành công hoặc thất bại, đều do cán bộ tốt hoặc kém. Đó là một chân lý nhất định”. Cũng bởi “vấn đề cán bộ là một vấn đề rất trọng yếu, rất cần kíp”, cho nên “huấn luyện cán bộ là công việc gốc của Đảng”, “Đảng phải nuôi dạy cán bộ, như người làm vườn vun trồng những cây cối quý báu”. Người chỉ rõ, việc “dạy cán bộ và dùng cán bộ” thể hiện ở 6 việc, đó là: 1. Phải biết rõ cán bộ; 2. Phải cất nhắc cán bộ một cách cho đúng; 3. Phải khéo dùng cán bộ; 4. Phải phân phối cán bộ cho đúng; 5. Phải giúp cán bộ cho đúng; 6. Phải giữ gìn cán bộ.

Quán triệt sâu sắc quan điểm của Người, việc thường xuyên chăm lo xây dựng đội ngũ cán bộ, đổi mới công tác cán bộ gắn với đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng, được Tỉnh ủy Thanh Hóa xác định là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt trong quá trình lãnh đạo sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị; đồng thời, xem đây là công việc của tổ chức, của bộ máy công tác của Đảng và cả hệ thống chính trị.

Công tác cán bộ: Từ “tâm” đến “tầm”

Người dân đến làm các thủ tục hành chính tại bộ phận tiếp nhận và trả kết quả UBND huyện Bá Thước.

Theo đó, việc ban hành và triển khai thực hiện Nghị quyết số 04-NQ/TU, ngày 12-3-2012 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa khóa XVII về “Tiếp tục xây dựng đội ngũ cán bộ và đổi mới mạnh mẽ công tác cán bộ đáp ứng yêu cầu Thanh Hóa thành tỉnh tiên tiến vào năm 2020”, được xem là một bước cụ thể hóa chủ trương, đường lối của Đảng về công tác cán bộ của tỉnh Thanh Hóa. Với quan điểm chỉ đạo mang tính chiến lược, lâu dài là “xây dựng đội ngũ cán bộ của tỉnh có đức, có tài, lấy hiệu quả thực hiện nhiệm vụ và uy tín làm thước đo để đánh giá, bố trí cán bộ”, qua 10 năm triển khai Nghị quyết số 04-NQ/TU, công tác cán bộ đã được nâng tầm cả về lượng và chất - chuẩn hóa, trẻ hóa, thực tiễn hóa. Đặc biệt, Tỉnh ủy Thanh Hóa đã chọn đánh giá cán bộ và điều động, luân chuyển cán bộ là khâu đột phá trong công tác cán bộ. Trong đó, với nội dung, quy trình và phương pháp đánh giá được mở rộng dân chủ, đa chiều hơn thông qua việc lấy ý kiến của các chủ thể từ dưới lên, từ trên xuống và lấy ý kiến ngang. Đồng thời, việc điều động, luân chuyển cán bộ đã góp phần xóa bỏ tư tưởng cục bộ, khép kín địa phương, xóa bỏ tư tưởng hẹp hòi, ích kỷ đối với cán bộ luân chuyển; khắc phục tình trạng khép kín, hẫng hụt, bị động trong công tác cán bộ.

Thấm nhuần sâu sắc quan điểm, công tác cán bộ là nhiệm vụ “then chốt” của công tác xây dựng Đảng, đồng thời bám sát các quan điểm, nguyên tắc của Đảng, nên công tác cán bộ được tỉnh Thanh Hóa triển khai ngày càng đi vào nền nếp và đạt được nhiều kết quả quan trọng. Đây cũng chính là tiền đề cho việc bồi dưỡng và xây dựng đội ngũ cán bộ có đủ đức, đủ tài, có uy tín trong Đảng và Nhân dân, đáp ứng yêu cầu lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện các nhiệm vụ trong tình hình mới.

Bài và ảnh: Khôi Nguyên


Bài và ảnh: Khôi Nguyên

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]