(Baothanhhoa.vn) - Ngày 21-9-1954, Bác Hồ viết bức thư thăm hỏi, động viên và căn dặn bộ đội, cán bộ và các gia đình từ miền Nam ruột thịt tập kết ra Bắc: “Đồng bào đã phải tạm xa quê hương, nhưng lại được gần Trung ương Đảng, Chính phủ, gần quân đội và đồng bào miền Bắc. Nam Bắc vẫn là một nhà”. Sự động viên kịp thời của Bác đã cổ vũ mạnh mẽ tinh thần cho đồng bào miền Nam và thổi bùng “ngọn lửa đoàn kết dân tộc”, để rồi những con tàu xuất phát từ miền Nam chở hơn 50.000 đồng bào, chiến sĩ, học sinh ra miền Bắc với mong muốn “Mỗi người sẽ tùy theo sức mình tham gia vào công cuộc xây dựng nước nhà”.

Con tàu tập kết - Con tàu nghĩa tình

Ngày 21-9-1954, Bác Hồ viết bức thư thăm hỏi, động viên và căn dặn bộ đội, cán bộ và các gia đình từ miền Nam ruột thịt tập kết ra Bắc: “Đồng bào đã phải tạm xa quê hương, nhưng lại được gần Trung ương Đảng, Chính phủ, gần quân đội và đồng bào miền Bắc. Nam Bắc vẫn là một nhà”. Sự động viên kịp thời của Bác đã cổ vũ mạnh mẽ tinh thần cho đồng bào miền Nam và thổi bùng “ngọn lửa đoàn kết dân tộc”, để rồi những con tàu xuất phát từ miền Nam chở hơn 50.000 đồng bào, chiến sĩ, học sinh ra miền Bắc với mong muốn “Mỗi người sẽ tùy theo sức mình tham gia vào công cuộc xây dựng nước nhà”.

Con tàu tập kết - Con tàu nghĩa tình

Cách đây 68 năm, sau chiến thắng Điện Biên Phủ vang dội năm châu chấn động địa cầu, buộc thực dân Pháp phải ký Hiệp định Genève (Giơ-ne-vơ) năm 1954 về đình chỉ chiến sự, lập lại hòa bình ở Việt Nam và trên toàn cõi Đông Dương, Chính phủ ta đã tổ chức chuyển quân và lực lượng dân chính đảng từ miền Nam tập kết ra miền Bắc từ đầu tháng 8-1954 đến 1-5-1955 tại 3 điểm Quy Nhơn (Bình Định); Cao Lãnh (Đồng Tháp) và tỉnh Cà Mau. Thanh Hóa được Đảng, Nhà nước chọn cảng Lạch Hới (nay là phường Quảng Tiến, TP Sầm Sơn) làm nơi đón tiếp cán bộ, chiến sĩ, đồng bào miền Nam ra tập kết.

Góp phần vào thắng lợi của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, Thanh Hóa phải dốc toàn bộ sức người, sức của cho chiến trường. Thêm vào đó, hạn hán, lũ lụt đã làm cho mùa màng thất bát, lương thực, hàng tiêu dùng bị thiếu hụt nghiêm trọng, nạn đói đã xảy ra ở nhiều nơi. Trong điều kiện khó khăn như vậy, nhưng với tình cảm lớn và tinh thần trách nhiệm cao, tỉnh Thanh Hóa đã thực hiện nhiệm vụ mà Đảng, Chính phủ giao cho với phương châm “tận tình chu đáo”. Thanh Hóa đã lập 12 trạm đón tiếp, động viên các tầng lớp Nhân dân từ miền xuôi đến miền núi đóng góp gỗ, luồng, nứa, lá kè dựng hơn 1.000 gian nhà làm nơi ở tạm, làm trạm xá, bệnh viện. Ngành y tế đã xây dựng một trạm cấp cứu tại Sầm Sơn, 2 trạm y tế đặt ở các xã Hoằng Quang (TP Thanh Hóa) và Hoằng Lộc (Hoằng Hóa), xây dựng bệnh xá ở xã Thiệu Đô (nay là thị trấn Thiệu Hóa) để chăm sóc sức khỏe cho cán bộ, đồng bào và học sinh miền Nam. Các địa phương như: Quảng Xương, Nga Sơn, Đông Sơn, Hoằng Hóa, Nông Cống, Thiệu Hóa, Yên Định, Thọ Xuân... cung cấp hàng ngàn con trâu, bò, lợn; hàng vạn con gà, vịt, hàng chục ngàn bộ quần áo, chăn, màn, áo ấm,... kịp thời phục vụ nhu cầu sinh hoạt, đời sống của cán bộ, chiến sĩ và đồng bào miền Nam tập kết.

Như đón những người thân đi xa trở về, dù còn vất vả, nghèo khó nhưng người dân Thanh Hóa lúc đó đã dành tất cả những gì tốt nhất của mình cho đồng bào miền Nam. Trong 7 đợt (từ 15-10-1954 đến 1-5-1955) đã có 1.869 thương, bệnh binh, 47.346 cán bộ, 5.922 học sinh, 1.443 gia đình cán bộ miền Nam tập kết về Sầm Sơn được Nhân dân Thanh Hóa đón tiếp, chăm sóc tận tình.

Cũng chính từ đây, sau các đợt tập kết, cán bộ, chiến sĩ, đồng bào miền Nam được bố trí, người tiếp tục theo học tại các cơ sở đào tạo, người biên chế vào lực lượng vũ trang, tập trung học tập, rèn luyện và trưởng thành trên đất Bắc, trở thành lực lượng nòng cốt phục vụ cho cuộc kháng chiến chống Mỹ cũng như tái thiết đất nước sau này. Nhiều chiến sĩ miền Nam tập kết ra Bắc đã đi xây dựng Nông trường Phúc Do, Nông trường Thạch Thành, Nông trường Lam Sơn, Nông trường Thống Nhất, Nông trường Yên Mỹ... góp phần xây dựng cơ sở vật chất ban đầu cho CNXH, chi viện sức người, sức của cho chiến trường miền Nam.

Đặc biệt nhiều con em miền Nam ở lại học tập, sinh sống và gắn bó cuộc đời mình với miền Bắc. Huyện Nông Cống là địa phương của Thanh Hóa đón nhiều đồng bào miền Nam nhất. Vào năm 1954 và 1955, huyện này đón gần 200 gia đình và gần 1.000 học sinh, sinh viên miền Nam về sinh sống, tập trung ở các xã Hoàng Giang, Trung Chính, Vạn Hòa. Tại huyện Quảng Xương lúc bấy giờ có 11 trường học sinh miền Nam được thành lập. Giáo viên được lựa chọn là những thầy cô giáo trẻ, yêu quý học sinh, coi trường học như những ngôi nhà của mình.

Là thư ký giáo vụ Trường học sinh miền Nam số 9 (xã Quảng Ngọc, huyện Quảng Xương) và là một trong những người đi đón học sinh miền Nam sớm nhất ở Sầm Sơn, thầy giáo Lê Vạn Phiên tuy đã mất cách đây vài năm, nhưng con gái thầy là cô Lê Thị Lộc hiện sống tại thôn 5, xã Quảng Hùng (TP Sầm Sơn) kể lại: “Bố tôi khi còn sống nâng niu từng bức thư của các học sinh miền Nam gửi về, những bức ảnh một thời thanh xuân, về những thầy cô giáo trên đất Bắc dành cho học sinh miền Nam"...

Lần giở cuốn nhật ký, những dòng thơ của thầy giáo Lê Vạn Phiên, tôi gặp không ít bài thơ về Trường học sinh miền Nam. Trong đó có ít nhất 3 bài về “mối tình” giữa Trường học sinh miền Nam số 9 và Trường học sinh miền Nam số 28 Thanh Sơn (Phủ Lý, Hà Nam): “Nửa vòng thế kỷ lại gần nhau/ Rơm rớm hàng mi tóc ngả màu/ Thầy trò gặp lại ôi sung sướng/ Kỷ niệm trào dâng biết gửi đâu/ Trường 9 - Thanh Sơn mấy nhịp cầu/ Nhịp mong nhịp nhớ thuở nông sâu/ Cảnh già dẫu tới còn tươi mãi/ Tình trẻ qua rồi vẫn thắm lâu”.

Chỉ đánh giá về những thành tựu, bài học từ mô hình Trường học sinh miền Nam trên đất Bắc, ông Vương Văn Việt, nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh, hiện là Chủ tịch Hội Khuyến học tỉnh Thanh Hóa, cho biết: Thành công của mô hình Trường học sinh miền Nam cho chúng ta nhiều bài học về giáo dục, chăm lo, chuẩn bị nguồn lực con người, về đào tạo thế hệ cho mai sau, về việc thực hiện nguyên lý giáo dục toàn diện, học đi đôi với hành, nhà trường gắn liền với xã hội, từ tình thương yêu của thầy, cô xây dựng nên tình thầy trò - nhân tố quyết định để dạy tốt, học tốt.

Chính tình nghĩa Nam Bắc là sự thôi thúc để những “hạt giống đỏ” khẳng định tên tuổi của mình trên mặt trận phát triển kinh tế, làm giàu cho đất nước. Có đồng chí đã trở thành lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước, nhiều đồng chí làm lãnh đạo các bộ, ban, ngành ở Trung ương, lãnh đạo tỉnh và thành phố, nhiều nhà khoa học, văn nghệ sĩ nổi tiếng, tướng lĩnh, sĩ quan cao cấp, anh hùng lực lượng vũ trang Nhân dân...

Thời gian đi qua gần 2/3 thế kỷ, hôm nay nhớ về những con tàu chở cán bộ, chiến sĩ, đồng bào miền Nam, chúng ta càng thêm nặng nghĩa nặng tình. Những câu chuyện về tình nghĩa Bắc Nam là dòng ký ức của một thời kỳ lịch sử, của cuộc đời rất nhiều con người.

Kiều Huyền


Kiều Huyền

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]