(Baothanhhoa.vn) - Trong lịch sử đấu tranh bảo vệ Tổ quốc, Việt Nam có nhiều sáng tạo “độc nhất vô nhị” . Việc sử dụng xe đạp thồ làm phương tiện vận tải phục vụ chiến đấu chưa từng có trong lịch sử quân sự thế giới, chỉ xuất hiện ở Việt Nam. Dù là phương tiện thô sơ nhưng đoàn quân xe thồ mang sức mạnh phi thường, đọ sức cùng xe tăng, máy bay tối tân hiện đại của quân xâm lược, để làm nên chiến thắng  “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”. Có thể ví đoàn dân công xe thồ là những chiến binh “ngựa sắt Thánh Gióng” của thế kỷ 20.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Chuyện về “ngựa sắt Thánh Gióng” trong kháng chiến chống Pháp

Chuyện về “ngựa sắt Thánh Gióng” trong kháng chiến chống Pháp

Chiếc xe thồ của ông Bùi Tín, dân công Thanh Hóa tại Bảo tàng lịch sử quốc gia. Ảnh: Mai Huơng

Trong lịch sử đấu tranh bảo vệ Tổ quốc, Việt Nam có nhiều sáng tạo “độc nhất vô nhị” . Việc sử dụng xe đạp thồ làm phương tiện vận tải phục vụ chiến đấu chưa từng có trong lịch sử quân sự thế giới, chỉ xuất hiện ở Việt Nam. Dù là phương tiện thô sơ nhưng đoàn quân xe thồ mang sức mạnh phi thường, đọ sức cùng xe tăng, máy bay tối tân hiện đại của quân xâm lược, để làm nên chiến thắng “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”. Có thể ví đoàn dân công xe thồ là những chiến binh “ngựa sắt Thánh Gióng” của thế kỷ 20.

Cách đây 10 năm, khi được giao nhiệm vụ viết bài tuyên truyền về kỷ niệm 55 năm chiến thắng Điện Biên Phủ, tôi đã tìm gặp những cựu dân công trong kháng chiến chống Pháp, nghe các cụ kể về những ngày tháng phục vụ chiến trường.

Cụ Nguyễn Văn Tường, sinh năm 1921, quê xã Hoằng Quý, Hoằng Hóa là người trực tiếp tham gia đoàn dân công phục vụ chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954. Hồi ấy xã Hoằng Quý có một đại đội 100 người đi dân công xe thồ, tất cả đều là nam giới ở độ tuổi từ 20 đến 35. Huyện Hoằng Hóa phát cho mỗi người một chiếc xe đạp, cụ Tường vốn là thợ sửa xe nên hướng dẫn cho anh em trong đội dân công cách buộc tay ngai và bao thồ sao cho vững chắc, giữ được thăng bằng. Đội quân xe thồ của cụ Tường có nhiệm vụ lấy hàng từ kho Sánh Lược, nay thuộc xã Thọ Minh, huyện Thọ Xuân, ngược lên La Hán thuộc huyện Quan Hóa, đến Suối Rút, Vạn Mai thuộc tỉnh Hòa Bình. Ban đầu mỗi xe chở 50 kg, sau đó tăng dần tải trọng lên 100kg đến 250kg. Càng lên cao càng khó khăn, dốc đứng hình chữ M, cứ lên lại xuống, đi một quãng dài, nhìn xuống dưới vẫn thấy đoạn đường mình vượt qua đã khá lâu. Đoạn nào dốc quá thì một người buộc dây kéo phía trước, hai người đẩy phía sau để hỗ trợ nhau. Sau này trong kháng chiến chống Mỹ, cụ Tường lại tiếp tục tham gia chở lương thực trên cung đường vào Nam. Vì đã có kinh nghiệm trong kháng chiến chống Pháp và địa hình phía Nam bằng phẳng hơn nên anh em dân công chở lên đến 7-8 tạ/1 xe.

Cụ Trần Khôi, sinh năm 1927, quê xã Đông Tiến, huyện Đông Sơn, từng là chính trị viên đại đội dân công của thị trấn Thanh Hóa. Lúc bấy giờ, không phải ai muốn đi dân công đều được, mà phải qua bình bầu, lựa chọn những người có sức khỏe, phẩm chất đạo đức tốt, tư tưởng chính trị vững vàng và có hoàn cảnh gia đình phù hợp. Ai không đi được thì đóng góp vật chất để mua xe. Ngày 6-2-1954, đại đội dân công xe thồ của cụ lên đường từ phố Bôn, xã Đông Tiến, lên Cẩm Thủy lấy hàng, rồi sang Quan Hóa, Bá Thước. Từ đây đi Phú Lệ, Vạn Mai, lên Mộc Châu qua ngã ba Cò Nòi vào Sơn La. Cứ ba người chia thành một nhóm gọi là tổ “tam tam” để hỗ trợ nhau khi lên xuống dốc. Đầu tháng 3-1954, chiến dịch Điện Biên Phủ mở màn, nhu cầu cung cấp cho chiến trường rất căng thẳng, yêu cầu đội dân công càng phải khẩn trương. Các đơn vị phát động phong trào thi đua tăng năng suất. Từ đây, Thanh Hóa xuất hiện những gương như “kiện tướng” Cao Văn Tỵ lập kỷ lục chở với 320kg, hay “Vua xe thồ” Trịnh Ngọc với 345,5kg. Ngày nghỉ, đêm đi, dưới sự rà soát của máy bay địch, đối mặt với sốt rét rừng. Thế nhưng đoàn quân xe thồ vẫn không chùn bước: “Đèo cao thì mặc đèo cao/ Tinh thần tiếp vận còn cao hơn đèo”. Tổng kết chiến dịch Điện Biên Phủ, đại đội dân công xe thồ thị trấn Thanh Hóa được tặng cờ thi đua “đơn vị khá nhất”, cụ Trần Khôi lúc ấy được bầu là chính trị viên làm tư tưởng tốt nhất.

Con đường từ hậu phương Thanh Hóa lên Điện Biên xa hàng 500- 600 km, địa hình hiểm trở, trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt, nhu cầu của chiến trường rất lớn và gấp rút, việc vận tải lại phải giữ bí mật ở mức cao nhất. Thế nhưng, với tinh thần “quyết chiến quyết thắng”, hàng vạn dân công, hàng ngàn xe đạp thồ đã được huy động nhanh chóng. Trong chiến dịch Điện Biên Phủ, bộ đội và dân công cả nước sử dụng hơn 21.000 chiếc xe đạp thồ, hoạt động như một binh chủng riêng. Trong đó riêng Thanh Hóa đã huy động 11.000 chiếc xe đạp, 12 vạn dân công thồ hàng tiếp chuyển từng chặng trên suốt tuyến từ Thanh Hóa cho đến kho lương thực Tuần Giáo (Lai Châu). Từ Tuần Giáo đến Điện Biên Phủ đường dài 80km thì đoàn xe thồ hỏa tuyến của Thanh Hóa đóng vai trò chủ chốt với 3.000 xe. Đầu năm 1954, khi Chính phủ Việt Nam ra lời hiệu triệu toàn dân tham gia vận tải lương thực phục vụ chiến dịch Điện Biên Phủ, tỉnh Thanh Hóa thành lập 8 đại đội, mỗi đại đội 100 người, trong đó có một đại đội nữ, với nhiệm vụ vận chuyển lương thực từ Thanh Hóa lên suối Rút (Hòa Bình) để từ đó qua Sơn La, lên Điện Biên.

Nghe chuyện kể của các nhân chứng khi chưa từng trải qua những cung đường lên mặt trận Điện Biên, tôi chưa thể hình dung hết sức mạnh phi thường của đoàn quân “ngựa sắt”. Cho mãi tới dịp kỷ niệm 60 năm chiến thắng Điện Biên cách đây 5 năm, tôi mới được trải nghiệm những cung đường mà đoàn dân công xe thồ năm xưa đã vượt qua. Ai đã từng đứng trên những đỉnh đèo nổi tiếng Pha Đin, Lũng Lô của miền Tây Bắc, mới thấu được sự gian nan, khốc liệt mà những đoàn quân năm xưa từng trải qua khi tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ. Đến những nơi này, dường như ai cũng nhớ tới những câu thơ của Tố Hữu: “Dốc Pha Đin, chị gánh anh thồ/ Đèo Lũng Lô, anh hò chị hát/ Dù bom đạn xương tan, thịt nát / Không sờn lòng, không tiếc tuổi xanh...” . Chiến trường Điện Biên Phủ năm xưa là nơi quân dân ta đã tải lương vượt dốc, kéo pháo băng đèo, chịu đựng những tháng ngày “khoét núi ngủ hầm, mưa dầm cơm vắt, máu trộn bùn non”... Đến mỗi di tích, nghe kể về những sự kiện lịch sử đã diễn ra ở đó, chúng tôi không thể cầm nước mắt. Những dấu tích chiến tranh minh chứng cho một sự thật lịch sử: Sức mạnh vô địch của người Việt Nam trong cuộc chiến đấu giành độc lập, tự do cho dân tộc và sự bẽ bàng của quân xâm lược trong cuộc chiến tranh phi nghĩa kéo lùi sự phát triển của nhân loại.

Chuyện về “ngựa sắt Thánh Gióng” trong kháng chiến chống Pháp

Xe cút kít của cụ Bầm.

Cùng với quân dân cả nước, Thanh Hóa sẵn sàng hiến dâng tất cả cho kháng chiến bảo vệ Tổ quốc. Điều đó được ghi dấu rất rõ ràng tại Bảo tàng lịch sử Điện Biên Phủ. Tại đây trưng bày một hiện vật khá đặc biệt: Bánh xe cút kít của cụ Trịnh Đình Bầm, dân công xã Định Liên, huyện Yên Định được làm bằng gỗ bàn thờ, đã làm tăng trọng lượng chuyên chở từ 100 lên 180kg. Một nhà báo nước ngoài khi chính mắt được thấy và nghe giới thiệu rất xúc động, ông nói: “Một dân tộc mà biết hy sinh tổ tiên tín ngưỡng của mình để góp phần giành lấy độc lập, tự do thì dân tộc ấy sẽ chiến thắng”. Được tận mắt chứng kiến những hiện vật ấy, mới cảm nhận hết được sự sáng tạo và dám hy sinh của người Việt Nam trong chiến đấu.

Ngoài Bảo tàng Điện Biên Phủ, hiện nay ở Bảo tàng Lịch sử quốc gia còn trưng bày chiếc xe đạp thồ của ông Bùi Tín, quê ở Thanh Hóa như một minh chứng lịch sử hùng hồn về binh chủng xe đạp thồ trong chiến dịch Điện Biên Phủ - 1954. Qua lời giới thiệu của thuyết minh viên, chúng tôi được biết: Đầu năm 1954, ông Bùi Tín tình nguyện mang theo chiếc xe đạp thồ phục vụ chiến dịch, ông phụ trách một trung đội xe đạp thồ hơn 30 người. Lúc mới chở, mỗi người chỉ thồ được 80 kg hàng, sau đó động viên nhau lên 100 - 150kg, khi thồ được 200kg thì nhiều người không tin có thể nâng tải trọng lên được nữa. Ông bàn với anh em sửa lại xe đạp cho chắc rồi làm thêm giá đỡ để xe chở được nhiều hơn, đồng thời tập luyện cách di chuyển cho thành thạo trong từng cung đường, sẵn sàng giúp đỡ nhau khi cần thiết..., nhờ đó mức trọng tải thồ được nâng lên. Phong trào thi đua nâng cao tải trọng đã lan ra toàn tuyến. Kết thúc chiến dịch, ông Bùi Tín vinh dự được thưởng Huy hiệu Bác Hồ và Huân chương Chiến công hạng Ba.

Đội quân xe đạp thồ xuất hiện ở Điện Biên là một sự kỳ diệu chưa từng có trong lịch sử chiến tranh không chỉ ở Việt Nam mà cả thế giới, là minh chứng sinh động cho tinh thần và ý chí bền bỉ, quyết tâm của cả dân tộc trên con đường đấu tranh giành độc lập tự do. Thực dân Pháp khẳng định Việt Minh không bao giờ tiếp tế được đến Điện Biên Phủ: “Bọn cu ly muốn tới được đó thì phải ăn hết 4/5 gánh thực phẩm của họ”. Thế nên, những bộ óc điều khiển chiến tranh “thông thái” của người Pháp không thể ngờ rằng Việt Nam đã đè bẹp được máy bay, xe tăng, chiếm “pháo đài bất khả xâm phạm” của Pháp chỉ bằng sức người nhỏ bé và phương tiện thô sơ, giống như “châu chấu đá xe”: “Tưởng rằng chấu ngã ai dè xe nghiêng”! Sau ngày đại thắng, tổng kết của Cục Cung cấp cho chiến dịch Điện Biên Phủ cho biết, các đoàn dân công đã vận chuyển một khối lượng vật chất phục vụ toàn chiến dịch lên tới 20.000 tấn. Để vận chuyển được khối lượng khổng lồ đó, ngoài lực lượng xe cơ giới của Nhà nước, chúng ta đã huy động tới 261.451 lượt người đi dân công (bằng 14 triệu ngày công), 20.991 xe đạp thồ, 736 xe thô sơ, 914 ngựa thồ, 3.230 thuyền. Thanh Hóa luôn hoàn thành vượt mức chỉ tiêu huy động, vượt kế hoạch thời gian vận chuyển, lập nhiều kỷ lục mới về tải trọng thồ hàng.

Những học giả, nhà nghiên cứu quân sự và cả những tướng tá chỉ huy của đối phương cũng đã phải thốt lên rằng: “Chiến thắng Điện Biên Phủ trước hết và trên hết là những chiến thắng về tổ chức tiếp tế”; “Máy bay của ta lại thua đôi bồ dân công của Việt Minh”; “Mặc dù nhiều tấn bom đã trút xuống các trục lộ giao thông, nhưng tuyến tiếp tế của Việt Minh không bao giờ dứt. Không phải vì viện trợ của Trung Quốc giúp Việt Minh thắng Na-va, mà chính là những chiếc xe đạp mang nhãn hiệu Pơ-giô thồ được từ 200 - 300 kg hàng, được điều khiển bởi những dân công ăn không đủ no, ngủ ngay trên nền đất, dưới những tấm vải ni lông. Tướng Na-va bị đánh bại không phải bởi các phương tiện chiến tranh mà là do trí thông minh và ý chí quyết thắng của đối phương!” Người Pháp đã thua vì không thể ngờ chiếc xe đạp do chính họ sản xuất đã trở thành phương tiện chống lại họ.

Trên con đường vận tải lên chiến trường Điện Biên năm xưa, đã có nhiều dân công bị thương và hy sinh. Máu của các cô bác, anh chị đã thấm đỏ trên những cung đường, nhuộm thắm màu cờ trên nóc hầm tướng Đờ Cát-xtơ-ri vào ngày 7-5-1954. Những đoàn “ngựa sắt Thánh Gióng” của thế kỷ 20 đã làm nên cơn đại địa chấn rung chuyển toàn thế giới, đánh gục sự vênh váo, ngạo mạn của chủ nghĩa thực dân xâm lược.

Mai Huơng

*(Bài viết sử dụng tư liệu Kỷ yếu Hội thảo Khoa học Kỷ niệm 50 năm chiến thắng Điện Biên Phủ, do Trường Đại học Hồng Đức chủ trì; Lịch sử Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa 1930-1954).


Mai Huơng

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]