(Baothanhhoa.vn) - Theo Quyết định số 289-QĐ/TW của Ban Bí thư Trung ương Đoàn quy định tiêu chuẩn cán bộ đoàn cấp xã, thị trấn giữ chức vụ không quá 35 tuổi. Tuy vậy, hiện toàn tỉnh có khoảng hơn 100 thủ lĩnh đoàn quá tuổi vẫn chưa được chuyển công tác, phần lớn trong số họ đã có trên 10 năm công tác... Nếu không sớm giải quyết được bài toán “đầu ra” cho số cán bộ đoàn quá tuổi hiện nay thì sẽ dẫn tới hiện tượng “dồn toa”, khó khăn cho cả những người trẻ kế cận.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Cán bộ đoàn quá tuổi - nan giải tìm “đầu ra”

Theo Quyết định số 289-QĐ/TW của Ban Bí thư Trung ương Đoàn quy định tiêu chuẩn cán bộ đoàn cấp xã, thị trấn giữ chức vụ không quá 35 tuổi. Tuy vậy, hiện toàn tỉnh có khoảng hơn 100 thủ lĩnh đoàn quá tuổi vẫn chưa được chuyển công tác, phần lớn trong số họ đã có trên 10 năm công tác... Nếu không sớm giải quyết được bài toán “đầu ra” cho số cán bộ đoàn quá tuổi hiện nay thì sẽ dẫn tới hiện tượng “dồn toa”, khó khăn cho cả những người trẻ kế cận.

Cán bộ đoàn quá tuổi - nan giải tìm “đầu ra”Cán bộ, đoàn viên, thanh niên huyện Hậu Lộc tích cực tham gia trồng cây vì một môi trường xanh – sạch – đẹp. Ảnh: Lê Phượng

Yên Định là một trong những huyện có đội ngũ cán bộ đoàn cơ sở quá tuổi chiếm tỷ lệ cao nhất hiện nay, toàn huyện có 15 bí thư đoàn xã có tuổi đời từ 36 - 43 tuổi, trong đó 12/15 đồng chí có trình độ chuyên môn đại học, 2/15 đồng chí có trình độ trung cấp, 1/15 đồng chí có trình độ thạc sĩ. Về trình độ lý luận chính trị có 15/15 đồng chí có trình độ trung cấp. Và sau hàng chục năm cống hiến, các cán bộ đoàn lớn tuổi đều đang mong muốn, chờ đợi được sắp xếp, chuyển sang vị trí công tác khác phù hợp hơn.

Sinh năm 1975, trưởng thành từ bí thư chi đoàn thôn, xóm, có thâm niên 20 năm làm công tác thanh niên và hiện là một trong những cán bộ đoàn có tuổi đời lớn nhất, đồng chí Nguyễn Minh Thọ, Bí thư Đoàn xã Yên Phú, chia sẻ: Mặc dù tâm huyết và nhiệt tình thì vẫn như xưa nhưng sự năng động, xông xáo thì có thể không bằng thế hệ trẻ được. Tôi rất mong được chuyển sang làm một công việc phù hợp với tuổi tác và cũng là để nhường chỗ cho những người trẻ đảm đương công việc, vừa tạo động lực cho họ phấn đấu, vừa nâng cao chất lượng công tác đoàn và phong trào thanh niên ở địa phương.

TP Thanh Hóa là địa phương đứng thứ 2 toàn tỉnh về số lượng đội ngũ cán bộ đoàn cơ sở quá tuổi với 10 bí thư đoàn xã, phường có tuổi đời từ 36-40 rơi vào hoàn cảnh “bí đầu ra”. Điển hình như chị Hoàng Thị Như Quỳnh, sinh năm 1978, Bí thư Đoàn phường Phú Sơn, đã có hơn chục năm gắn bó với công tác đoàn, nay chị vẫn đang là “đồng chí đoàn”. Huyện Triệu Sơn cũng còn tới 2 cán bộ đoàn quá tuổi thuộc thế hệ 7X, 5 cán bộ đoàn có tuổi đời từ 36 trở lên, trong đó có những người đã có thời gian cống hiến lâu năm, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trên cương vị là thủ lĩnh đoàn được các cấp ghi nhận. Huyện Tĩnh Gia cũng có 8 cán bộ đoàn quá tuổi, có tuổi đời từ 36 trở lên...

Hiện nay, một số cán bộ đoàn đã có hướng cơ cấu, một số thì phải chờ thêm một, hai năm khi người ở vị trí được quy hoạch về hưu hoặc sau năm 2020 khi hết nhiệm kỳ và tiến hành đại hội đảng bộ các cấp mới giải quyết được. Trong số những bí thư đoàn quá tuổi chưa được bố trí công tác mới hiện nay có người còn khả năng đảm đương công việc, nhưng cũng không ít người không thắng được “sức ỳ” tuổi tác khiến hoạt động tập hợp, thu hút đoàn viên ở các địa phương gặp nhiều khó khăn. Thêm vào đó, khoảng cách với thế hệ đoàn viên 9X hiện tại cũng khá xa khiến họ khó tìm được tiếng nói chung. Trao đổi với chúng tôi, nhiều bí thư huyện đoàn tỏ vẻ lo lắng, bởi theo Quy định 289 của Trung ương Đoàn với yêu cầu trẻ hóa và chuẩn hóa đội ngũ cán bộ đoàn, nhất là nếu không sớm giải quyết được bài toán đầu ra cho số cán bộ đoàn quá tuổi hiện nay thì sẽ dẫn tới hiện tượng “dồn toa”, khó khăn cho cả những người sẽ được đôn lên làm thủ lĩnh kế tiếp.

Đồng chí Phan Thanh Dũng, Bí thư Huyện đoàn Thọ Xuân cho biết: Thời gian qua, tổ chức đoàn đã tích cực tham mưu đề xuất với cấp ủy giải quyết đầu ra cho cán bộ đoàn quá tuổi, qua đó đã có một số cán bộ đoàn được chuyển sang các chức danh công chức phù hợp với bằng cấp chuyên môn và một số vị trí khác. Tuy nhiên, hiện nay địa phương vẫn còn 4 cán bộ đoàn quá tuổi chưa được luân chuyển công tác, gây cản trở cho việc thực hiện mục tiêu trẻ hóa và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ đoàn cơ sở.

Có thể nói, một phần nguyên nhân là do số lượng biên chế của cấp xã có hạn, trong khi đó các chức danh trong bộ máy hoạt động của xã đã đủ, để bố trí phải chờ có người về hưu hoặc chờ vị trí trống để “thế chỗ”. Cùng với đó, thực tế chất lượng “đầu vào” của cán bộ đoàn cơ sở nhiều nơi còn thấp do việc lựa chọn cán bộ đoàn chủ yếu mới chỉ dựa vào sự nhiệt tình, năng động chứ chưa chú ý đến trình độ chuyên môn, trong quá trình công tác lại chưa sắp xếp được thời gian đi học, nâng cao trình độ để đáp ứng các tiêu chí về chức danh công chức xã, phường, thị trấn nên đánh mất cơ hội được luân chuyển, bố trí sang vị trí khác hoặc xét tuyển, thi tuyển công chức.

Hiện nay, theo quy định, muốn trở thành công chức chuyên môn của xã phải qua thi tuyển, cho dù có được thêm điểm ưu tiên thì các bí thư đoàn xã quá tuổi, chủ yếu học trung cấp, tại chức muốn vượt qua được những sinh viên trẻ, đào tạo chính quy mới ra trường cũng rất khó, trừ khi họ được xét tuyển. Nhiều ý kiến cũng cho rằng, với sự luân chuyển theo độ tuổi nhanh như hiện nay, chắc chắn cán bộ đoàn rất khó có đầu ra một cách “an toàn”. Bởi lẽ, nếu cơ cấu quá trẻ, một số địa phương sẽ không có nhân sự đủ sức đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ công tác; ngược lại, tuổi vừa đủ tầm thì có thể sau một nhiệm kỳ đã phải luân chuyển, trong khi định biên ở xã hạn hẹp, không phải lúc nào cũng còn chỗ “để dành” đầu ra cho cán bộ đoàn.

Việc tháo gỡ, giải quyết bố trí công tác cho cán bộ đoàn quá tuổi ở cơ sở đã được hầu hết các huyện đoàn quan tâm, chú trọng, tích cực tham mưu đề xuất thường trực huyện ủy, cấp ủy, chính quyền cơ sở giải quyết “đầu ra” cho cán bộ đoàn quá tuổi. Tuy nhiên, do định biên của cấp xã cố định và không có sự thay đổi nên “đầu ra” cho cán bộ đoàn quá tuổi gặp những khó khăn nhất định. Nhiều huyện đoàn như Thọ Xuân, Yên Định, Thành đoàn TP Thanh Hóa... đã tích cực tham mưu, đề xuất với huyện ủy, đảng ủy các xã, phường, thị trấn có cán bộ đoàn quá tuổi để tìm các giải pháp tháo gỡ, nhất là chú trọng công tác quy hoạch và đề án nhân sự chuẩn bị cho nhiệm kỳ.

Nhằm tháo gỡ khó khăn về đầu ra cho đội ngũ cán bộ đoàn quá tuổi trên địa bàn huyện Thọ Xuân, Ban Thường vụ Huyện ủy đã ban hành Kết luận số 17-KL/HU về chủ trương bố trí, sắp xếp cán bộ đoàn cơ sở từ nay đến tháng 12-2018, bao gồm các phương án giải quyết, cụ thể: Bố trí công tác theo phương án nhân sự đại hội đảng bộ xã, thị trấn nhiệm kỳ 2015-2020 đã được Ban Thường vụ Huyện ủy phê duyệt; bố trí, sắp xếp vào các chức danh cán bộ cấp xã theo phương án nhân sự của đảng ủy các xã, thị trấn được Ban Thường vụ Huyện ủy phê duyệt đối với các chức danh cán bộ cấp xã thuộc diện Ban Thường vụ Huyện ủy quản lý; Bố trí, sắp xếp làm công chức chuyên môn ở các xã, thị trấn trên địa bàn huyện còn thiếu biên chế, phù hợp với trình độ chuyên môn được đào tạo theo quy định và trên cơ sở năng lực thực tiễn của từng đồng chí.

Đồng chí Hoàng Văn Thanh, Phó Bí thư Tỉnh đoàn cho biết: Trẻ hóa đội ngũ cán bộ đoàn là việc làm cần thiết để củng cố, nâng chất tổ chức đoàn các cấp, vừa đáp ứng yêu cầu thực tiễn công tác cán bộ trong tình hình mới, vừa phù hợp với tâm sinh lý của các bạn trẻ. Tuy nhiên, để “trẻ hóa” trước hết phải giải quyết được “đầu ra” cho cán bộ đoàn. Trong vấn đề này, tổ chức đoàn chỉ đóng vai trò tham mưu, quan trọng là lãnh đạo địa phương phải xác định rõ rằng cán bộ đoàn phải thuộc diện quy hoạch, vì đây là nguồn bổ sung cán bộ chủ chốt ở cơ sở. Thực tế hiện nay, rất nhiều lãnh đạo các ban, ngành, đoàn thể từ cấp cơ sở đến cấp tỉnh, lãnh đạo các huyện, thành, thị trưởng thành từ cán bộ đoàn. Vì vậy, việc quy hoạch này cần tiến hành thường xuyên chứ không đợi hết một nhiệm kỳ đại hội. Trẻ hóa cán bộ đoàn đồng nghĩa với nâng cao trách nhiệm của Đảng trong việc đào tạo lớp cán bộ kế cận đủ tầm gánh vác trọng trách cấp ủy, chính quyền giao phó, tránh tình trạng quy hoạch treo, quy hoạch hình thức làm ảnh hưởng đến tinh thần cũng như động lực công tác của cán bộ đoàn.

Theo Bí thư Huyện đoàn Thọ Xuân Phan Thanh Dũng thì: Phần lớn cán bộ đoàn cấp xã, phường trưởng thành từ phong trào ở cơ sở, chưa được qua đào tạo về chuyên môn và chính trị. Vì vậy, việc chọn lựa, đào tạo, bồi dưỡng phẩm chất và năng lực cho họ ngay từ lúc khởi đầu chính là lời giải bài toán đầu ra cho cán bộ đoàn hiện nay ở cơ sở. Nếu như có ý định sau này sang làm công chức chuyên môn nên định hướng cho họ theo học những ngành nghề sát thực với thực tế cần của địa phương. Nếu đi theo hướng lên chuyên trách theo bầu bán, được Đảng giới thiệu sang ứng cử thì quá trình công tác, cán bộ đoàn phải tự “lớn lên” bằng chính năng lực thực sự của mình, không ngừng trau dồi trình độ chuyên môn lẫn bản lĩnh chính trị, dám nghĩ, dám làm và biết thể hiện bản thân đúng lúc để được tập thể công nhận, tín nhiệm và tạo dựng lòng tin với mọi người qua thực tiễn. Nói cách khác, cán bộ đoàn phải “tự quy hoạch” trước cho mình bằng cách phát huy sức trẻ, năng động và khả năng tiếp cận nhanh với công việc, thử sức ở các lĩnh vực, bằng không điệp khúc “nan giải đầu ra” hiện nay vẫn tiếp tục lặp lại.

Nhiều ý kiến khác lại cho rằng, nguyên nhân “đầu ra” cho cán bộ đoàn khó một phần do ngay từ khâu “đầu vào” thấp. Bởi vậy, nên chăng để đáp ứng yêu cầu trẻ hóa và đảm bảo cho bài toán đầu ra nên mạnh dạn tuyển các sinh viên tốt nghiệp đại học, ưu tiên các chuyên ngành gần với công tác thanh niên về làm bí thư đoàn xã và có hướng bồi dưỡng, quy hoạch giúp họ trưởng thành qua quá trình cọ xát thực tiễn để tạo nguồn cán bộ có chất lượng cho cơ sở.

Lê Phượng


Lê Phượng

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]