(Baothanhhoa.vn) - Những ngày cuối năm, Bộ Tư lệnh Vùng 2 hải quân đã tổ chức các chuyến tàu tiếp lương thực, thực phẩm, tặng quà và chúc mừng năm mới các chiến sĩ đang làm nhiệm vụ trên biển, đảo và các nhà giàn ở vùng biển phía Nam, Đông Nam của Tổ quốc. Nơi đầu sóng, ngọn gió, các chiến sĩ đang viết tiếp trang sử hào hùng của lực lượng hải quân, góp phần bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo thiêng liêng...

Tin liên quan

Đọc nhiều

Một vùng biển trời Tổ quốc

Bài 1: “Thành lũy thép” nơi trùng khơi

Bài 1: “Thành lũy thép” nơi trùng khơi

Một nhà giàn sừng sững giữa biển, trời Tổ quốc. Ảnh: Lê Đồng

Những ngày cuối năm, Bộ Tư lệnh Vùng 2 hải quân đã tổ chức các chuyến tàu tiếp lương thực, thực phẩm, tặng quà và chúc mừng năm mới các chiến sĩ đang làm nhiệm vụ trên biển, đảo và các nhà giàn ở vùng biển phía Nam, Đông Nam của Tổ quốc. Nơi đầu sóng, ngọn gió, các chiến sĩ đang viết tiếp trang sử hào hùng của lực lượng hải quân, góp phần bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo thiêng liêng...

Ngoài các hải đảo xa xôi, các Nhà giàn DK 1 là nơi đóng quân của lực lượng hải quân nhằm xác lập và bảo vệ chủ quyền vùng trời, vùng biển thiêng liêng của Tổ quốc. Ở nơi đầu sóng, ngọn gió các anh vẫn ngày đêm chắc tay súng, theo dõi, bám sát tình hình để kịp thời báo cáo mọi diễn biến về đất liền...

Sau hành trình dài hơn 250 hải lý, tàu Trường Sa 19 đã đưa chúng tôi đến khu vực vùng biển Phúc Nguyên ở phía Đông Nam biển Việt Nam. Trạm Dịch vụ - Kinh tế - Khoa học kỹ thuật Phúc Nguyên 2 (gọi tắt là Nhà giàn DK 1/15) thu vào tầm mắt, ngày càng lớn dần sau những vòng quay chân vịt của con tàu hải quân 1.000 tấn do Bộ Tư lệnh Vùng 2 hải quân quản lý. Niềm vui đã hiển hiện trên từng khuôn mặt gần 80 thành viên trên tàu, nhất là cánh phóng viên lần đầu tiên được trải nghiệm biển đảo. Sự mệt mỏi của những ngày đầu say sóng, của chuyến hải trình kéo dài cũng dần xua tan, bởi trước mắt mọi người là những ánh mắt kỳ vọng, những cái vẫy tay chào đón từ các chiến sĩ đã đứng chờ sẵn ở chân nhà giàn. Nếu tính theo đường chim bay từ TP Vũng Tàu khi chúng tôi xuất phát, DK 1/15 là một trong các nhà giàn xa nhất ở vùng biển phía Nam của Tổ quốc, chỉ cách đảo Trường Sa lớn khoảng 40 hải lý.

Tại vùng biển Phúc Nguyên, từ những năm 1990, Nhà nước ta đã chủ trương xây dựng 2 cụm nhà giàn nhằm canh giữ vùng biển, vùng trời thiêng liêng của Tổ quốc tại đây. Tên của khu vực bãi cạn này được lấy từ tên của công thần Nguyễn Phúc Nguyên – người có công giúp nhà Nguyễn khai phá, mở rộng và trấn ải vùng đất miền Trung. Vùng biển này thường xuyên có bão và gió lớn, song ý chí của các chiến sĩ nhà giàn nơi đây luôn vượt lên khắc nghiệt của thiên nhiên để nắm chắc tay súng, gìn giữ vùng biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Hằng năm, các đoàn công tác của Bộ Quốc phòng, Quân chủng Hải quân đều ra kiểm tra tình hình huấn luyện và sẵn sàng chiến đấu, các nhà giàn ở đây đều hoàn thành tốt nhiệm vụ, được tặng danh hiệu “Đơn vị Quyết thắng”. Qua hơn 29 năm xây dựng và thực hiện nhiệm vụ trên vùng biển phía Đông Nam, các chiến sĩ nhà giàn tại đây đã phát huy vai trò tối quan trọng trong bảo vệ chủ quyền biển đảo, góp phần xây đắp thêm truyền thống vẻ vang của Tiểu đoàn DK1 anh hùng.

Tiếp tục hành trình về phía Nam và Tây Nam, thêm khoảng chục ngày trên biển, chúng tôi lần lượt được đến thăm các nhà giàn phân bố rải rác trên khắp vùng thềm lục địa Việt Nam. Những “ngôi nhà” kiên cố trên sóng nước giữa trùng khơi này được khảo sát, xây dựng tại những vị trí biển nông, phía dưới có đá ngầm hoặc dải san hô. Từ bãi cạn Ba Kè đến các bãi Quế Đường – Huyền Trân – Phúc Tần, rồi xuống bãi Phúc Nguyên, Tư Chính... đều có các hệ thống nhà giàn tọa lạc vững chãi. Xa xôi nhất về phía Nam chính là Nhà giàn DK1/10 nằm trên vùng biển Bãi cạn Cà Mau, thuộc vùng biển Việt Nam nhưng có đường hàng hải quốc tế đi qua nên tiềm ẩn tình hình phức tạp. Có mặt tại nơi phên giậu này, chúng tôi ghi nhận sự cố gắng, nỗ lực vượt khó nhưng luôn vững tay súng và không ngơi nghỉ việc theo dõi tình hình của các chiến sĩ. Dưới lá cờ đỏ sao vàng ngày đêm kiêu hãnh bay trên nóc Nhà giàn DK1/10, Trung úy Nguyễn Văn Yên vẫn súng chắc trên vai, dõi ống nhòm liên tục quan sát các hướng trên biển. Mỗi tàu hàng, mỗi phương tiện đường thủy qua khu vực đều được ghi lại để báo tình hình về đất liền. “Chúng tôi luôn chuẩn bị sẵn sàng chiến đấu cao, dù là những ngày lễ, tết. Cùng với đó, phải theo dõi sát sao, không để lọt các mục tiêu trên biển lẫn trên không của toàn khu vực rộng lớn này. Hằng ngày, bộ phận thông tin trên nhà giàn phải liên tục duy trì liên lạc với đơn vị trong đất liền” – Trung úy Nguyễn Văn Yên chia sẻ. Chiến sĩ Nguyễn Thế Hùng, công tác tại nhà giàn này cho biết: “Ngoài nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền, chúng tôi còn có trách nhiệm tuyên truyền, vận động ngư dân không qua khai thác trái phép tại vùng biển Indonesia và Malaisia. Đồng thời, tham gia cứu hộ, cứu nạn ngư dân khi gặp nạn, giúp ngư dân thuốc men, nước ngọt khi khai thác hải sản dài ngày trên vùng biển này”.

Về lịch sử các nhà giàn, theo thông tin từ Bộ Tư lệnh Vùng 2 hải quân, từ những năm 1987 đến đầu năm 1988, tình hình tranh chấp chủ quyền khu vực biển Đông diễn ra phức tạp. Tháng 10–1988, Lữ đoàn 171 Hải quân được Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Quân chủng Hải quân trực tiếp giao nhiệm vụ cùng với Hải đoàn 129 bảo vệ thềm lục địa phía Đông Nam thuộc đặc khu Vũng Tàu – Côn Đảo để Nhà nước xây dựng ở đây một cụm dịch vụ - kinh tế - khoa học kỹ thuật phục vụ công cuộc phát triển kinh tế biển, xây dựng đất nước. Ngày 5–7–1989, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng lúc bấy giờ đã ra Chỉ thị 180/CT về việc xây dựng các cụm nhà giàn. Một ban chỉ đạo xây dựng được thành lập, gọi tắt là DK1, trực thuộc Chính phủ, đã tiến hành các bước khảo sát, thiết kế và thi công xây dựng các nhà giàn.

Từ năm 1989 đến nay, trước yêu cầu nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền vùng biển và thềm lục địa của Tổ quốc cũng như thực hiện mục tiêu chiến lược phát triển kinh tế biển, lần lượt có 20 nhà giàn được xây dựng tại vùng thềm lục địa phía Đông Nam và phía Nam của Việt Nam. Các nhà giàn nằm rải rác đã xác lập vùng biển DK1 rộng lớn hơn 200.000 km2, có phía Đông và Đông Bắc giáp Quần đảo Trường Sa, phía Nam là vùng biển của Việt Nam giáp với lãnh hải các nước Indonesia và Malaisia, phía Tây là khu vực biển Côn Đảo.

Khi lực lượng hải quân Việt Nam đóng quân trên vùng biển DK1, đã khẳng định chủ quyền bất khả xâm phạm, tạo nên vùng biển DK1 chạy dài hàng nghìn cây số trên biển. Đáng nói, phần lớn những nhà giàn của vùng biển DK1 đều nằm trong vùng mà gần đây, phía Trung Quốc tự tuyên bố đường “lưỡi bò” phi lý nhằm độc chiếm biển Đông. Sự hiện diện của các chiến sĩ nhà giàn là những cột mốc sống, lời khẳng định đanh thép về chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc trên biển Đông.

Lê Đồng

Bài 2: Những chiến sĩ quê Thanh.


Lê Đồng

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]