(Baothanhhoa.vn) - Những năm qua, cấp ủy, chính quyền các cấp trên địa bàn tỉnh đã nỗ lực xây dựng, củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động của hệ thống chính trị, trong đó, chú trọng phát triển đảng viên để xóa thôn “trắng đảng viên” và xóa “ghép chi bộ”. Tuy nhiên, sau những nỗ lực hoàn thành, vẫn còn đơn vị có nguy cơ “tái trắng”, “tái ghép”.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Bài 1: Tạo sức mạnh cho Đảng

Những năm qua, cấp ủy, chính quyền các cấp trên địa bàn tỉnh đã nỗ lực xây dựng, củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động của hệ thống chính trị, trong đó, chú trọng phát triển đảng viên để xóa thôn “trắng đảng viên” và xóa “ghép chi bộ”. Tuy nhiên, sau những nỗ lực hoàn thành, vẫn còn đơn vị có nguy cơ “tái trắng”, “tái ghép”.

Đoàn viên, thanh niên xã Hải Thanh (Tĩnh Gia) tích cực tham gia phong trào thi đua để tìm nhân tố tích cực giới thiệu nguồn cho Đảng. Ảnh: Lê Hà

Nỗ lực của cấp ủy các cấp

Thôn Phượng Áng, xã Thanh Sơn (Tĩnh Gia) có vị trí cách trung tâm xã khoảng 3 km, điều kiện canh tác không mấy thuận lợi nên đời sống người dân gặp nhiều khó khăn. Nhận rõ sự phát triển cách biệt giữa thôn Phượng Áng và các thôn khác trong xã, đồng thời xác định, công tác xây dựng Đảng là nhiệm vụ then chốt để lãnh, chỉ đạo phát triển kinh tế - xã hội, ổn định đời sống cho nhân dân, Đảng ủy xã Thanh Sơn đã tăng cường 2 đồng chí đảng viên là phó bí thư thường trực đảng ủy và bí thư đoàn xã về phụ trách thôn, cùng với đồng chí Hoàng Văn Lâm, đảng viên thôn Phượng Áng để thành lập chi bộ Phượng Áng. Đồng chí Hoàng Văn Lâm được bầu làm bí thư chi bộ. Đồng chí Nguyễn Duy Loan, phó bí thư đảng ủy, chủ tịch UBND xã, cho biết: Từ khi có chi bộ, việc tuyên truyền, quán triệt các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, của địa phương đến với người dân đạt hiệu quả hơn. Cùng với đó, xã quan tâm đầu tư đập hồ Ông Xã đáp ứng nhu cầu nước tưới trong sản xuất nông nghiệp và định hướng cho chi bộ thôn Phượng Áng tiếp tục phát huy được vai trò lãnh đạo, chỉ đạo nhân dân thực hiện chuyển đổi diện tích đất màu sang trồng lúa, đưa giống khoai tây mới vào trồng để tăng thu nhập. Đời sống người dân từng bước được cải thiện, các tổ chức đoàn thể được thành lập và tập hợp, thu hút đoàn viên, hội viên tích cực tham gia các phong trào thi đua. Qua các phong trào, các tổ chức đoàn thể đã tìm được nhân tố tích cực giới thiệu cho Đảng. Hiện nay, thôn Phượng Áng đã phát triển được 3 đảng viên, nâng tổng số đảng viên toàn thôn lên 6 đồng chí.

Thôn Thái Nhân 2, xã Thái Hòa (Triệu Sơn) là vùng công giáo toàn tòng, có 2 đảng viên được kết nạp Đảng từ trong quân ngũ. Nhiều năm nay thôn Thái Nhân 2 không có nguồn để bồi dưỡng kết nạp đảng viên. Để củng cố, nâng cao hoạt động tổ chức cơ sở đảng, đảng ủy xã đã thành lập chi bộ Thái Nhân, gồm đảng viên ở thôn Thái Nhân 1 và Thái Nhân 2. Đồng chí Nguyễn Xuân Hiền, Bí thư chi bộ Thái Nhân, cho biết: Tuy có nhiều khó khăn do địa bàn rộng, nhất là mỗi khi triển khai thực hiện các văn bản chỉ đạo của cấp trên, của địa phương, tôi và chi ủy chi bộ xác định tập trung lãnh đạo thông qua MTTQ và các tổ chức đoàn thể ở mỗi thôn gắn với làm tốt công tác dân vận, quán triệt và phát huy tinh thần đảng viên đi trước, làng nước theo sau. Trước đây việc thu nộp các loại quỹ của thôn Thái Nhân 2 thường bị chậm trễ, việc đóng góp xã hội hóa người dân không mấy “mặn mà”. Khi vai trò của đảng viên được phát huy, các đoàn thể hoạt động tích cực, đa số hộ dân đã có nhiều chuyển biến về nhận thức, hoàn thành sớm các khoản đóng góp theo quy định và tự nguyện đóng góp hoàn thiện hơn 1km đường giao thông nông thôn trước khi xã, thôn bước vào lộ trình xây dựng nông thôn mới.

Bám sát các văn bản chỉ đạo của cấp trên về việc nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng trên địa bàn toàn tỉnh, cấp ủy, chính quyền, đoàn thể từ tỉnh đến cơ sở đã xây dựng chương trình hành động, kế hoạch cụ thể, nỗ lực thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó có xóa thôn “trắng đảng viên” và xóa “ghép chi bộ”. Qua tìm hiểu, lãnh đạo nhiều đơn vị cho biết: Nhờ vận dụng những phương pháp, cách làm linh hoạt, sáng tạo, như: Đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nâng cao nhận thức cho nhân dân; quan tâm phát triển kinh tế, tạo việc làm, nâng cao đời sống; bồi dưỡng nguồn tại chỗ, điều động đảng viên là cán bộ, công chức xã có kinh nghiệm “biệt phái” về các thôn “trắng đảng viên”, “ghép chi bộ” để trực tiếp lãnh đạo, điều hành thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, hướng dẫn tạo nguồn phát triển đảng viên. Khi chi bộ ghép đủ điều kiện về số lượng đảng viên và hoạt động vững mạnh thì thực hiện tách, thành lập chi bộ độc lập. Nhìn chung, có tổ chức đảng, vai trò của chi ủy, người đứng đầu chi bộ được phát huy, đảng viên nêu gương đi đầu trong các phong trào thi đua, xây dựng nông thôn mới, tạo niềm tin cho quần chúng nhân dân.

Năm 2008, toàn tỉnh có 47 chi bộ sinh hoạt ghép và 21 thôn, bản trắng đảng viên. Với cách làm trên, đến năm 2014 toàn tỉnh đã xóa hoàn toàn số thôn, bản “trắng đảng viên” và “ghép chi bộ”, góp phần xây dựng tổ chức đảng vững mạnh.

Xóa “trắng” có dễ?

Mặc dù được củng cố, kiện toàn và ngày càng đáp ứng tốt hơn yêu cầu nhiệm vụ, tuy nhiên, hệ thống chính trị cơ sở vùng khó phát triển đảng viên nông thôn vẫn còn nhiều khó khăn, bất cập vì có thôn nhiều năm không có nguồn phát triển đảng viên; đảng viên tăng cường “biệt phái” về phụ trách thôn luôn có sự luân chuyển, biến động... Đây là một trong những nguyên nhân dẫn đến nguy cơ tái “trắng đảng viên” và tái “chi bộ ghép”. Theo số liệu thống kê của Ban Tổ chức Tỉnh ủy, tính đến tháng 6-2018, trên địa bàn tỉnh đã xuất hiện trở lại 2 thôn “trắng đảng viên”, 7 “chi bộ ghép”.

Đồng chí Nguyễn Xuân Hùng, Bí thư Đảng ủy xã Hùng Sơn (Tĩnh Gia) cho biết: Thôn Ngọc Sơn là vùng giáo toàn tòng, qua theo dõi công tác phát triển Đảng của đảng ủy xã, khoảng từ năm 1950 về trước, chi bộ có 5 đảng viên là bộ đội được phát triển Đảng từ trong quân ngũ. Tuy nhiên, số đảng viên trên giảm qua từng năm (mất, chuyển nơi ở, miễn sinh hoạt...) từ đó đến nay thôn không có nguồn để phát triển đảng viên, trở thành thôn “trắng đảng viên”. Mặc dù đảng ủy xã đặc biệt quan tâm công tác phát triển Đảng và bồi dưỡng nguồn nhưng sau đó, quần chúng có nguyện vọng xin rút. Hiện, xã Hùng Sơn đang thực hiện các quy trình sáp nhập thôn Ngọc Sơn với thôn Thượng và thôn Thái để xóa “trắng đảng viên”, nhưng cũng đang còn chờ quyết định của HĐND tỉnh thông qua.

Tìm hiểu thực tế tại nhiều đơn vị, chúng tôi được cho biết: Nguyên nhân chính là do địa bàn rộng, nhận thức của người dân còn hạn chế, sức ép tâm lý đôi khi buộc họ phải lựa chọn giữa trách nhiệm với gia đình và nhiệm vụ đảng viên nên chưa có động cơ thực sự phấn đấu vào Đảng. Thiếu việc làm tại chỗ nên lao động thanh niên phải đi làm ăn xa dẫn đến không có nguồn bồi dưỡng. Bên cạnh đó, một số cấp ủy, chính quyền địa phương chưa thật sự quan tâm đến công tác tạo nguồn, chưa xây dựng và phát huy được vai trò của những người có uy tín trong cộng đồng. Có những chi bộ nhiều năm liền chưa kết nạp được đảng viên, số lượng đảng viên tại chỗ ít, chủ yếu là đảng viên tăng cường từ nơi khác về có tuổi đời cao, tính ổn định không cao do đến tuổi nghỉ bảo hiểm xã hội hoặc chuyển nơi công tác, đảng viên miễn sinh hoạt, cán bộ chi hội đoàn thể xin rời vị trí đang đảm nhận... Mỗi lần như vậy, cấp ủy lại phải tìm người thay thế rất vất vả. Một số trưởng thôn chưa phải là đảng viên nên việc nắm bắt công tác Đảng để lãnh đạo, chỉ đạo còn hạn chế, hoạt động của các đoàn thể trong thực hiện các phong trào thi đua ở địa phương còn mờ nhạt nên chưa phát hiện được quần chúng ưu tú để bồi dưỡng, giới thiệu cho Đảng. Đây là một trong những nguyên nhân dẫn tới tái “trắng đảng viên” và tái “chi bộ ghép”.

Các đồng chí trưởng ban tổ chức huyện ủy một số địa phương: Tĩnh Gia, Nông Cống, Triệu Sơn... khẳng định: Xóa “trắng đảng viên” và xóa “ghép chi bộ” là việc làm “dễ ít, khó nhiều”. Khó nhất là tư tưởng của người dân chưa thông, không muốn vào Đảng dẫn đến việc tạo nguồn để giới thiệu cho tổ chức đảng không dễ. Tuy nhiên, nếu có sự nỗ lực, tập trung lãnh, chỉ đạo quyết liệt của tổ chức đảng, sự vào cuộc của các tổ chức đoàn thể, chính trị xã hội, nhất là vai trò tiên phong, gương mẫu của cán bộ, đảng viên, gắn với những giải pháp đồng bộ, việc xóa “trắng đảng viên” và xóa “ghép chi bộ” từ khó sẽ thành dễ.

Bài 2: Để xóa “trắng đảng viên” và xóa “chi bộ ghép” bền vững.


Thanh Huê - Lê Hà

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]