(Baothanhhoa.vn) - Có nhiều cách để tri ân sự đóng góp, hy sinh đối với những người có công với đất nước. Với ông Ngô Thọ Chính, việc dành cả cuộc đời chăm lo những phần mộ, canh “giấc ngủ” cho các liệt sĩ tại Nghĩa trang liệt sĩ Hàm Rồng, TP Thanh Hóa là cách thể hiện sự thành kính, biết ơn của mình đối với các anh hùng liệt sĩ.

Thầm lặng chăm lo phần mộ các anh hùng liệt sĩ

Có nhiều cách để tri ân sự đóng góp, hy sinh đối với những người có công với đất nước. Với ông Ngô Thọ Chính, việc dành cả cuộc đời chăm lo những phần mộ, canh “giấc ngủ” cho các liệt sĩ tại Nghĩa trang liệt sĩ Hàm Rồng, TP Thanh Hóa là cách thể hiện sự thành kính, biết ơn của mình đối với các anh hùng liệt sĩ.

Thầm lặng chăm lo phần mộ các anh hùng liệt sĩ

Ông Ngô Thọ Chính chăm sóc phần mộ liệt sĩ tại Nghĩa trang liệt sĩ Hàm Rồng (TP Thanh Hóa).

Đến gặp ông Ngô Thọ Chính vào lúc ông cùng với các thành viên trong tổ bảo vệ Nghĩa trang liệt sĩ Hàm Rồng (TP Thanh Hóa) đang lo toan đồ cúng lễ cho anh linh các liệt sĩ. Nhìn những lễ vật, cách bày trí đủ để chúng tôi cảm nhận được sự tỷ mỉ, chu đáo, đầy thành kính của ông Chính và các cộng sự đối với các liệt sĩ.

Là tổ trưởng tổ bảo vệ Nghĩa trang liệt sĩ Hàm Rồng, ông Chính không chỉ trực tiếp tham gia các hoạt động chăm sóc, bảo vệ cho khu nghĩa trang, mà còn quản lý, phân công công việc và truyền lửa cho các thành viên trong tổ.

Khiêm tốn kể về quãng thời gian gắn bó với khu Nghĩa trang liệt sĩ Hàm Rồng, ông Chính chia sẻ: Ông về làm việc ở Nghĩa trang liệt sĩ Hàm Rồng từ năm 1988. Lúc đó, xung quanh là bãi sình lầy hoang vắng, không điện, không nước, cả khu mới chỉ có 400 phần mộ. Đến trông nom, chăm sóc nghĩa trang khi tuổi đời đang ở độ đôi mươi, ban đầu ông Chính không tránh khỏi cảm giác sợ hãi, nhất là vào ban đêm một mình ở khu nghĩa trang với hàng trăm ngôi mộ. Nhưng rồi, khi trấn tĩnh lại, thấy thương các liệt sĩ tuổi còn trẻ như mình, nhiều người còn ít tuổi hơn đã hy sinh, nhiều người trong số đó còn khuyết danh, nên ông lấy lại được động lực để tiếp tục làm việc. Để khu nghĩa trang bớt hoang vu, lạnh lẽo, ông Chính tìm cách phát quang bụi rậm, kéo từng xe đất lấp đầy các hố sâu, bãi trũng, cố gắng để nơi đây trở nên thoáng mát, sạch sẽ nhất có thể. Hàng chục năm đã trôi qua, khu nghĩa trang ngày càng được các cấp ủy đảng, chính quyền quan tâm đầu tư khang trang, ông Chính cũng cảm thấy ấm lòng.

Chia sẻ về công việc của mình, ông Chính cho biết: Công việc chính, thường xuyên của những người quản trang là quản lý, bảo vệ, chăm sóc vườn hoa, cây cảnh và các công trình khác trong nghĩa trang bảo đảm luôn sạch đẹp và trang nghiêm; đón tiếp, hướng dẫn và phục vụ các tổ chức, cá nhân và Nhân dân đến thăm viếng nghĩa trang... Liệt kê thì nghe đơn giản nhưng khi bắt tay vào làm mới thấy vất vả. Bởi công việc không những làm ngày mà còn phải trực đêm. Như bản thân ông, một tháng dành tới 20 đêm ở khu nghĩa trang. Với thu nhập chỉ hơn 3 triệu đồng/tháng, nếu không vì cái nghiệp gắn vào thân, không vì trân quý, tri ân các anh hùng liệt sĩ thì khó có thể gắn bó với nghề.

34 năm gắn bó với khu nghĩa trang có gần 2.000 ngôi mộ, trong đó có một nửa là mộ khuyết danh, ông Chính đều thuộc lòng tên, quê quán và vị trí từng ngôi mộ. Trong quãng thời gian đó, ông không nhớ mình đã tham gia đón bao nhiêu hài cốt liệt sĩ, trồng bao nhiêu cây xanh và vui, buồn với biết bao thân nhân của các liệt sĩ. Với ông Chính, nghề quản trang như một cái nghiệp. Niềm vui của nghề này đơn giản là thấy các phần mộ được nhang khói ấm cúng, khuôn viên nghĩa trang sạch đẹp, cây cảnh được cắt tỉa gọn gàng. Kỷ niệm ông nhớ nhất là những lần đón các hài cốt liệt sĩ từ Lào về. Lần ít thì vài chục hài cốt, lần nhiều thì lên tới hơn một trăm hài cốt. Những lần đó, ông và các cộng sự đều ra ngoài ngủ, nghỉ, nhường phòng ở cho hài cốt các liệt sĩ. Qua những lần đó, ông càng cảm nhận sâu sắc sự tàn khốc của chiến tranh, sự hy sinh lớn lao của các anh hùng liệt sĩ, càng thương và cảm phục các anh hơn.

Gần 2/3 tuổi đời gắn bó với công việc quản trang, niềm vui, hạnh phúc lớn nhất của ông Chính là thấy những người mẹ, người cha già khóc cạn khô nước mắt, run run khi nhận được mộ con mình, những người con nhận lại được mộ cha sau bao năm tìm kiếm. Ông Chính cũng đồng cảm, chia sẻ nỗi buồn với những gia đình phương xa lặn lội đến tìm mộ người thân nhưng rồi thất vọng lại lặng lẽ ra về. Trăn trở nhất của ông Chính luôn đặt vào hàng nghìn ngôi mộ vô danh, bởi ông biết rằng những ngôi mộ này sẽ chẳng thể có cơ hội để người thân nhận lại, vì vậy nên ông dành thời gian chăm lo nhiều hơn cho những phần mộ vô danh ấy.

Không chỉ bảo vệ, chăm sóc các phần mộ, ông Chính còn kết nối, trao đổi thông tin, hướng dẫn đường cho nhiều thân nhân liệt sĩ khắp mọi miền đất nước về Nghĩa trang liệt sĩ Hàm Rồng tìm người thân. Ông coi đây là cơ hội để giúp các liệt sĩ tìm được người thân, cũng là cách để ông giải tỏa sự trăn trở của mình.

Ông Chính tâm sự: Có nhiều cách để tri ân sự hy sinh đối với những người có công với đất nước. Với ông, việc dành cả cuộc đời mình thầm lặng chăm lo cho những phần mộ là cách để ông thể hiện sự thành kính, biết ơn của mình đối với những anh hùng liệt sĩ.

Những đóng góp thầm lặng của ông Chính đã được các sở, ban, ngành ghi nhận và khen thưởng xứng đáng. Năm 2015, ông được Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tặng Kỷ niệm chương Vì sự nghiệp lao động - thương binh và xã hội; năm 2017, được Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Thanh Hóa tặng giấy khen vì đã có thành tích xuất sắc trong phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”. Mới đây nhất, năm 2021, ông được Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa tặng Bằng khen vì đã có thành tích xuất sắc trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, giai đoạn 2016-2020.

Bài và ảnh: Hương Thơm


Bài và ảnh: Hương Thơm

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]