(Baothanhhoa.vn) - “Giải vô địch quốc gia V.League đã nằm trong nhóm 10 giải đấu hấp dẫn nhất châu lục (Top 10) theo thông báo chính thức của Liên đoàn Bóng đá châu Á (AFC)” là một trong những nội dung được Tổng giám đốc kiêm Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty CP Bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam (VPF) - Trần Anh Tú nhắc đi nhắc lại tại buổi tổng kết mùa giải 2018 vừa diễn ra cách đây ít ngày.

Tin liên quan

Đọc nhiều

V.League lọt vào “Top 10 châu Á”: “Phần chìm” của danh hiệu!

“Giải vô địch quốc gia V.League đã nằm trong nhóm 10 giải đấu hấp dẫn nhất châu lục (Top 10) theo thông báo chính thức của Liên đoàn Bóng đá châu Á (AFC)” là một trong những nội dung được Tổng giám đốc kiêm Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty CP Bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam (VPF) - Trần Anh Tú nhắc đi nhắc lại tại buổi tổng kết mùa giải 2018 vừa diễn ra cách đây ít ngày.

Trước khi bàn về “Top 10 châu Á” hãy nhắc lại một sự xưng tụng, có thể nói là “xưa nay hiếm” về làng bóng nước nhà từ Chủ tịch Liên đoàn Bóng đá thế giới - ông Gianni Infantino - sau chuyến công du tại dải đất hình chữ S hồi đầu năm: Trong không ít lời khen ngợi, ông này đã dùng từ “vĩ đại” để nói về bóng đá Việt Nam.

Như chúng ta đã biết, căn nguyên khiến ông Gianni Infantino ngợi khen chính là thành tích “chấn động châu lục” của đội U23 quốc gia (giành Huy chương Bạc) tại giải trẻ châu Á. Ở phương diện khác, một giải đấu trẻ (vòng chung kết U23 châu Á 2018) chưa bao giờ được căn cứ để đánh giá chất lượng một làng bóng.

Bởi vậy, các chuyên gia đã bỏ thời gian “mổ xẻ” nội hàm khái niệm “vĩ đại” và thống nhất ở nhận định: Sự “vĩ đại” ấy là bởi sự cuồng nhiệt của hàng triệu khán giả; quan trọng hơn, U23 Việt Nam là tấm gương điển hình cho mẫu “nhà nghèo vượt khó”?

Trở lại vị thế “Top 10 châu Á” của V.League. Một chi tiết mà dường như bầu Tú không muốn nhắc đến, đó là trong nhóm 10 giải đấu này có cả giải vô địch Indonesia (Liga 1).

So với các nền bóng đá khác, trong khi giải đấu cao nhất của Jordan đã được tổ chức tới 74 lần thì Liga 1 của xứ Vạn đảo thuộc hàng “sơ sinh” vì mới khởi tranh... duy nhất 1 lần. Năm 2015, giải đấu này lấy tên là Super League nhưng bị Liên đoàn Bóng đá thế giới “tuýt còi”: cấm Liên đoàn Bóng đá Indonesia hoạt động do bị Chính phủ chi phối. Khi hết lệnh cấm (2 năm), giải vô địch Indonesia mới quay trở lại song phải đối mặt với nạn bạo lực nghiêm trọng mà đỉnh điểm là sự việc một khán giả thương vong ngày 23-9-2018. Những chuyển động ấy xem ra thật nực cười khi Liga 1 cùng với V.League lọt vào “Top 10 châu Á”.

Tuy nhiên, AFC không “phong ẩu”, “tặng bừa”! Thực tế thì đây chỉ là danh hiệu ghi nhận tốc độ phát triển và tên gọi chính xác của nó là 10 giải đấu “đang phát triển tốt nhất châu lục”. Chính vì danh hiệu này không liên quan đến “chất lượng” hay “đẳng cấp” nên không có sự hiện diện của K.League, J.League - những giải đấu cao nhất của Hàn Quốc, Nhật Bản.

Ngoài V.League và Liga 1 còn có 8 giải cao nhất dành cho các câu lạc bộ của các quốc gia được vinh phong gồm: Philippines, Singapore, Ấn Độ, Bhutan, Jordan, Kyrgyzstan, Tajikistan và Guam. Trong số này, đáng nói nhất là Guam bởi đội tuyển quốc gia này từng thua chúng ta với tỷ số 0-9.

Đây chính là “phần chìm” của danh hiệu mà “ai đó” không đề cập (hoặc cố tình không đề cập) như một cách “lập lờ đánh lận con đen”.

Song dẫu sao đi nữa thì việc nằm trong danh sách 10 giải đấu “đang phát triển tốt nhất châu lục” cũng là sự động viên, khích lệ rất lớn cho các nhà làm giải, nhất là trong bối cạnh V.League 2018 là mùa bóng đầu tiên ông bầu Tú ngồi trên chiếc ghế quyền lực nhất VPF.


MẠNH HÀ

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]