(Baothanhhoa.vn) - Hôm qua (29-10-2018), khóa đào tạo HLV chứng chỉ B do Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) phối hợp với Liên đoàn Bóng đá châu Á (AFC) tổ chức dưới sự giảng dạy của giảng viên chính là ông Gopal Krishnan đã kết thúc - khóa học có thể ví như chiếc chìa khóa giúp Phước Tứ, Quốc Anh, Đình Luật, Quốc Long, Ngọc Duy, Nguyên Sa, Tiến Thành… - những ngôi sao V.League đã hết thời - bước vào sự nghiệp HLV.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Câu chuyện thể thao: Cầu thủ đổ xô đi học làm thầy!

Hôm qua (29-10-2018), khóa đào tạo HLV chứng chỉ B do Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) phối hợp với Liên đoàn Bóng đá châu Á (AFC) tổ chức dưới sự giảng dạy của giảng viên chính là ông Gopal Krishnan đã kết thúc - khóa học có thể ví như chiếc chìa khóa giúp Phước Tứ, Quốc Anh, Đình Luật, Quốc Long, Ngọc Duy, Nguyên Sa, Tiến Thành… - những ngôi sao V.League đã hết thời - bước vào sự nghiệp HLV.

Phải thấy rằng, việc những tên tuổi một thời thuộc hàng “có số má” ở làng cầu quốc nội chọn nghiệp huấn luyện sau khi giải nghệ là giải pháp rất khôn ngoan vì nhiều lẽ. Trước hết, với xuất thân “quần đùi áo số”, họ đã quen và có sự hiểu biết nhất định với sân cỏ nước nhà - đây là lợi thế không nhỏ cho công việc trong tương lai. Sau nữa, dẫu V.League có lúc thịnh, lúc suy thì HLV vẫn luôn là “nghề hấp dẫn” khi thu nhập luôn thuộc loại cao so với mặt bằng chung của xã hội.

Tuy nhiên, với nghề huấn luyện, nếu xét tiêu chí bằng cấp thì ở xứ ta không hiếm những câu chuyện mang đủ cả hai sắc thái: Bi và hài!

Theo thống kê, trong danh sách những ông thầy nội, sân chơi cao nhất làng cầu quốc nội đang sở hữu 5 nhà cầm quân có chứng chỉ AFC Pro (bằng cấp cao nhất của AFC mà nếu sở hữu, chủ nhân có thể hành nghề trên toàn châu lục) là Phan Thanh Hùng, Nguyễn Đức Thắng, Nguyễn Hữu Thắng, Nguyễn Minh Phương và Lê Huỳnh Đức. Ấy thế nhưng, dăm ba mùa giải trở lại đây, chức vô địch V.League luôn thuộc về những nhà cầm quân không có bằng cấp cao nhất như Chu Đình Nghiêm (Hà Nội FC), Hoàng Văn Phúc (Quảng Nam FC), Mai Đức Chung (B.Bình Dương)... Trong số này, Chu Đình Nghiêm vốn dĩ chỉ quen “làm bóng đá trẻ”, bỗng được lãnh đạo đội chủ sân Hàng Đẫy đặt vào băng ghế chỉ đạo và lập tức giúp đội nhà đăng quang. Đáng nói hơn, 4 năm trước, B.Bình Dương cán đích ở ngôi vị cao nhất trong một mùa bóng mà họ sở hữu tới... 3 HLV trưởng: Lê Thụy Hải, Mai Đức Chung và Nguyễn Thanh Sơn.

Trong số những ông thầy làm nên vinh quang cho đội bóng đất Thủ Dầu Một cách đây 4 mùa giải, ông Hải “lơ” là trường hợp có thể nói là hy hữu ở V.League khi không có bằng cấp hành nghề tối thiểu. Mọi vấn đề thuộc về chuyên môn như giáo án, sơ đồ chiến thuật... đều được vị HLV họ Lê áp dụng theo... chủ nghĩa kinh nghiệm nhưng thật kỳ lạ khi nhà cầm quân này đang sở hữu nhiều chức vô địch nhất nước với 3 lần đăng quang.

Điều đáng nói là, để hợp thức hóa sự phục vụ của ông Hải “lơ”, lãnh đạo các đội bóng đá không ngần ngại “nuôi báo cô” một HLV đầy đủ bằng cấp để đối phó với ban tổ chức, còn ông Hải hoặc ngồi ghế Giám đốc Kỹ thuật, hoặc giữ chức danh Giám đốc Điều hành... nhưng thực tế lại là người toàn quyền chỉ đạo, chịu trách nhiệm về chuyên môn.

Vì lẽ đó, có thể khẳng định, ở V.League, nhiều khi bằng cấp chỉ là tờ “giấy thông hành” không hơn không kém và quan trọng hơn, chẳng phải phải lúc nào “bằng cấp cao, chứng chỉ nhiều” cũng đồng nghĩa với “dễ tìm việc, có thành tích”.

Song dẫu sao đi nữa thì sự kiện nhiều cựu tuyển thủ đã và đang cố gắng trang bị cho mình một tấm bằng huấn luyện vẫn rất đáng được ngợi khen. Nó chứng tỏ một định hướng rõ ràng cho tương lai, nhất là với đa số cầu thủ, họ không có nhiều sự lựa chọn về nghề nghiệp khi trình độ, bằng cấp chỉ thuộc diện “làng nhàng”!


MẠNH HÀ

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]