(Baothanhhoa.vn) - Trong cuộc gặp gỡ với Liên đoàn Bóng đá Hàn Quốc (KFA) diễn ra cách đây vài ngày, Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) đã khiến người hâm mộ cả nước không thể không cảm thấy khó hiểu khi ký với liên đoàn bóng đá nước bạn một bản hợp tác cùng thông điệp đưa sân cỏ Việt Nam đi theo mô hình bóng đá xứ Kim Chi.

Tin liên quan

Đọc nhiều

“Loạn” chiến lược!

Trong cuộc gặp gỡ với Liên đoàn Bóng đá Hàn Quốc (KFA) diễn ra cách đây vài ngày, Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) đã khiến người hâm mộ cả nước không thể không cảm thấy khó hiểu khi ký với liên đoàn bóng đá nước bạn một bản hợp tác cùng thông điệp đưa sân cỏ Việt Nam đi theo mô hình bóng đá xứ Kim Chi.

Trước hết phải thấy rằng, Hàn Quốc là một trong những nền bóng đá hàng đầu châu lục và những năm gần đây đã vươn lên tầm thế giới. Thêm nữa, chiến tích của bóng đá trẻ Việt Nam năm 2017 vừa qua (Á quân giải U23 châu Á) ghi đậm dấu ấn của nhà cầm quân người Hàn - Park Hang Seo nên chuyện chúng ta “hợp tác” và “học tập” họ là điều hoàn toàn dễ hiểu.

Điểm khó hiểu chính là cách đây gần 4 năm, khi trúng cử Chủ tịch VFF, chính ông Lê Hùng Dũng từng vạch ra chiến lược: “Lái” con thuyền bóng đá nước nhà theo lộ trình của người Nhật. Theo ông Dũng thì đây là hướng đi rất đúng đắn bởi Việt Nam và Nhật Bản có nhiều điểm tương đồng về văn hóa, trong đó có thể thao; đồng thời ông tin rằng sẽ có ngày chúng ta gặt hái được quả ngọt như nền bóng đá xứ Phù Tang.

Để hiện thực hóa tham vọng ấy, hàng loạt chuyên gia Nhật Bản được mời về và giao cho những vị trí rất quan trọng: HLV Toshiya Miura dẫn dắt đội tuyển quốc gia và U23 Việt Nam, HLV Norimatsu Takashi chỉ đạo chuyên môn ở đội tuyển nữ. Thậm chí, các vị trí Trưởng Ban tổ chức V.League (năm 2014), Cố vấn cho Chủ tịch Công ty CP Bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam... đều được liên đoàn “chọn người Nhật để gửi ghế”.

Và giờ đây, khi sắp kết thúc nhiệm kỳ, như đã nói, ông Lê Hùng Dũng lại đưa bóng đá nước nhà sang “ngã rẽ” khác mà ở cuối con đường là một nền bóng đá khác, lừng lẫy không kém gì Nhật Bản, Hàn Quốc.

Không phủ nhận thực tế, dẫu là Nhật hay Hàn, thậm chí ông Dũng có hướng bóng đá quốc nội sang cựu lục địa (các nước Anh, Pháp, Đức, Ý...) hay Nam Mỹ (Brazil, Argentina) thì đó đều là những lộ trình lý tưởng, đáng để chúng ta học theo. Song điều đáng ở đây nói là sự đổi thay nhanh chóng trong nhận thức của người đứng đầu VFF. Chỉ chưa đầy 4 năm, bóng đá Việt Nam vừa “rẽ phải” (theo Nhật Bản) vừa... “rẽ trái” (hướng của người Hàn Quốc).

Nhìn nhận một cách khách quan thì những cú “bẻ lái” ấy trước hết thể hiện sự tìm tòi, khám phá cũng như tiêu chí làm việc “dù còn một ngày tại vị vẫn cống hiến hết mình” như đa phần các quan chức nước nhà vẫn “tự quảng cáo” trên các phương tiện truyền thông đại chúng. Tuy nhiên, cũng như nhiều ngành nghề khác, sân cỏ cũng đòi hỏi sự kiên định, có công mài sắt mới có ngày nên kim. Chẳng phải thế sao khi mà ông Đoàn Nguyên Đức - chủ lò đào tạo bóng đá trẻ Hoàng Anh Gia Lai đã mất tới 7 năm mới có thể giới thiệu một lứa cầu thủ có chất lượng. Bởi vậy, ở góc độ chiến lược của một nền bóng đá thì xem ra lối tư duy này phần nào biểu thị sự nóng vội, thích “ăn xổi”.

Hay trong nhãn quan của người đứng đầu VFF, bóng đá nước nhà đã lĩnh hội được hết những gì tinh túy từ bóng đá Nhật Bản, không còn gì phải học... nên giờ đây phải tìm “thầy” mới, trang bị thêm những bài học mới!


Mạnh Hà

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]