Hội nghị thượng đỉnh Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) diễn ra tại Madrid, Tây Ban Nha, trong ba ngày 28-30/6, được coi là sự kiện mang tính bước ngoặt của khối quân sự này với nhiều quyết sách quan trọng được thông qua, trong đó có quyết định mở rộng khối, cải tổ lực lượng phản ứng và đặc biệt là vạch ra định hướng chiến lược trong giai đoạn tới.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Tham vọng toàn cầu của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương

Hội nghị thượng đỉnh Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) diễn ra tại Madrid, Tây Ban Nha, trong ba ngày 28-30/6, được coi là sự kiện mang tính bước ngoặt của khối quân sự này với nhiều quyết sách quan trọng được thông qua, trong đó có quyết định mở rộng khối, cải tổ lực lượng phản ứng và đặc biệt là vạch ra định hướng chiến lược trong giai đoạn tới.

Tham vọng toàn cầu của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây DươngCác nhà lãnh đạo chụp ảnh chung tại Hội nghị thượng đỉnh Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) ở Madrid, Tây Ban Nha, ngày 29/6/2022. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Điểm nhấn của hội nghị là việc đưa ra “Khái niệm chiến lược” mới, đánh dấu sự chuyển đổi để thích ứng với bối cảnh địa chính trị mới.

Đây là tài liệu quan trọng, xác định các giá trị và mục tiêu của liên minh quân sự, đồng thời định hướng các nhiệm vụ ưu tiên liên quan đến vấn đề an ninh và giải quyết những thách thức mà NATO phải đối mặt.

Được cập nhật khoảng 10 năm một lần, “Khái niệm chiến lược” của NATO là “kim chỉ nam” cho chính sách quốc phòng của từng nước thành viên.

Trong “Khái niệm chiến lược” năm 2010, hiện đã hoàn toàn lỗi thời, NATO xác định “mở rộng vòng tay” với Nga, coi Moskva là “đối tác chiến lược,” trong khi kẻ thù giả định của khối này là chủ nghĩa khủng bố .

Chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga tại Ukraine đã làm thay đổi tất cả, khiến các nước thành viên trở nên đồng thuận hơn trong việc định nghĩa “mối đe dọa Nga.”

Sau nhiều năm “hòa bình ở châu Âu,” xung đột tại Ukraine đã khiến khái niệm “phòng thủ tập thể” có cơ hội một lần nữa trở thành sứ mệnh tồn tại của NATO.

Ngoài việc giữ nguyên mục tiêu chống khủng bố, NATO muốn một chiến lược phòng thủ và răn đe mới có tính đến các mối đe dọa hỗn hợp và không gian mạng như đã thấy tại chiến trường Ukraine.

Với những gì diễn ra tại Madrid, có thể thấy Nga là “trục xuyên suốt” và đối tượng số một trong nghị sự của hội nghị thượng đỉnh NATO lần này, từ chủ đề ủng hộ và tăng cường viện trợ cho Ukraine, tái vũ trang tại châu Âu, kết nạp thành viên mới cho đến cập nhật “Khái niệm chiến lược.”

Rõ ràng trong số hàng loạt mối đe dọa, Nga được NATO đặt ở vị trí cao nhất, “lớn nhất và trực tiếp nhất” đối với khu vực xuyên Đại Tây Dương. Điều này đồng nghĩa với việc “yếu tố Nga” đã chi phối phần lớn sự điều chỉnh “Khái niệm chiến lược” của NATO.

Theo Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg, NATO đang bước vào “kỷ nguyên mới của cạnh tranh chiến lược” với những thách thức hoàn toàn mới, đặc biệt từ Nga.

Để thích ứng, các lãnh đạo NATO muốn thực hiện một chương trình tái vũ trang quy mô lớn với tên gọi “chuyển đổi Lực lượng phản ứng,” tức là tăng cường mạnh mẽ cả về quân số lẫn các khả năng quân sự, tạo ra một cuộc cải tổ lớn nhất cho hệ thống phòng thủ và răn đe tập thể của khối này kể từ sau Chiến tranh Lạnh.

Mục đích là xây dựng một lực lượng đa quốc gia có khả năng can thiệp nhanh và rộng khắp ở cả trên bộ, trên không và trên biển cũng như trong các chiến dịch đặc biệt.

Trong “định dạng mới,” NATO dự kiến sẽ tăng quân số lực lượng sẵn sàng chiến đấu lên hơn 300.000 binh sỹ, trong đó sẽ nâng các nhóm tác chiến ở sườn phía Đông lên cấp độ lữ đoàn hoặc sư đoàn.

Hiện tại, khối này đang duy trì 8 nhóm đồn trú tại Litva, Estonia, Latvia, Ba Lan, Romania, Hungary, Slovakia và Bulgaria cùng với nhiều vũ khí hạng nặng mới được bổ sung trong thời gian diễn ra xung đột Nga-Ukraine.

Tổng Thư ký NATO nhấn mạnh để tái vũ trang trên quy mô lớn, các nước thành viên sẽ phải đầu tư nhiều hơn, ít nhất phải đạt mức 2% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) như đã cam kết cho chi tiêu quốc phòng vào năm 2024.

Ông cho rằng “để đối phó với mối đe dọa, mục tiêu 2% GDP hiện nay chỉ là mức sàn chứ không còn là mức trần” như trước.

Theo một báo cáo được NATO công bố trước khi diễn ra hội nghị tại Madrid, đến nay mới có 9/30 thành viên đạt được mục tiêu, gồm Hy Lạp, Mỹ, Ba Lan, Litva, Estonia, Anh, Latvia, Croatia và Slovakia.

Nhiều chuyên gia nhận định quyết định tái vũ trang ồ ạt tại châu Âu gợi lại thời kỳ Chiến tranh Lạnh, cho thấy NATO đã có sự cập nhật lớn về chiến lược so với một thập niên qua, từ chỗ chống đối phương giả định sang chống đối phương có hình hài rõ nét hơn, mà ở đây ít nhất là Nga.

Đặc biệt, lần đầu tiên Trung Quốc trở thành một chủ đề chính thức và cũng lần đầu tiên các đối tác Australia, New Zealand, Hàn Quốc và Nhật Bản có mặt tại một hội nghị cấp cao nhất của NATO.

Tất cả cho thấy rõ sự thay đổi trong nhận thức của khối này về vai trò của Trung Quốc trong thế giới hiện nay.

Trong “Khái niệm chiến lược” mới, Trung Quốc được xác định là “thách thức hệ thống” lâu dài đối với liên minh.

Trước đó, Tổng Thư ký Stoltenberg đã khẳng định “ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc đang định hình lại thế giới."

Giáo sư Mary Elise Sarotte, Trường Nghiên cứu quốc tế cấp cao thuộc Đại học Johns Hopkins (Mỹ), cho rằng NATO và Nga đang tiến tới mối quan hệ theo hình thái Chiến tranh Lạnh. Việc NATO đề cập đến Trung Quốc trong chiến lược là bước đi mang tính “thực tế,” thừa nhận rằng sự trỗi dậy của Trung Quốc không còn có thể bị bỏ qua.

Tại hội nghị, Tổng thống Mỹ Joe Biden tuyên bố Mỹ sẽ tiếp tục củng cố vị thế quân sự tại châu Âu, hoặc “NATO hóa” châu Âu theo cách gọi của ông, bằng việc tăng cường nhân lực và khả năng quân sự ở Tây Ban Nha, Ba Lan, Romania, các nước Baltic, Anh, Đức và Italy nhằm “đáp lại các mối đe dọa đến từ mọi hướng.”

Tham vọng toàn cầu của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây DươngToàn cảnh Hội nghị thượng đỉnh NATO ở Madrid, Tây Ban Nha, ngày 29/6/2022. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Ông cũng nhắc lại rằng trong năm nay, Mỹ đã bổ sung 20.000 binh sỹ ở châu Âu, đồng thời cho biết sẽ nâng tổng số lính Mỹ hiện diện tại lục địa này lên hơn 100.000 người.

Các mục tiêu nêu trên có thể giúp Mỹ củng cố vai trò ở lục địa châu Âu. Tuy nhiên, theo giới quan sát, cho dù Nhà Trắng đã đưa ra một cam kết mạnh mẽ, nhưng khả năng thực thi đến đâu vẫn phải phụ thuộc vào sự ủng hộ của dư luận Mỹ.

Tình hình kinh tế trong nước có thể kìm hãm các quyết định ngoại giao của chính quyền Tổng thống Biden.

Giá nhiên liệu và lạm phát tăng cao khiến dư luận Mỹ khá nhạy cảm với việc viện trợ Ukraine cũng như các chương trình quân sự nói chung của chính quyền.

Một năm trước, sau cuộc rút quân ồ ạt khỏi Afghanistan, tương lai của NATO đã bị đặt dấu hỏi. Tuy nhiên, sau sự kiện Ukraine, liên minh này dường như đã được hồi sinh với quyết định chính thức thông qua đơn xin gia nhập của Thụy Điển và Phần Lan tại hội nghị thượng đỉnh ở Madrid.

Kết quả hội nghị cũng thể hiện tham vọng của NATO chuyển đổi thành liên minh toàn cầu, qua đó khẳng định vai trò của liên minh như một lực lượng có thể đối phó với những thách thức trong thế kỷ XXI.

Tuy nhiên, đằng sau đó vẫn còn nhiều giới hạn, như những chia rẽ nội bộ của NATO liên quan tới mở rộng khối (lập trường của Thổ Nhĩ Kỳ đối với Phần Lan và Thụy Điển), việc hỗ trợ Ukraine hay quan điểm về Nga. Các vấn đề khác cũng đang tiềm ẩn rủi ro.

Cuộc thăm dò mới do tổ chức Pew thực hiện cho thấy quan điểm khác biệt rõ rệt về NATO từ người dân của 30 quốc gia thành viên, với tỷ lệ ủng hộ cao nhất là 89% ở Ba Lan và thấp nhất là 33% ở Hy Lạp. Có vẻ những vấn đề này chưa được giải quyết ở Madrid.

Theo AFP


Theo AFP

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]