Năm 2020 đánh dấu một bước tiến quan trọng trong quan hệ Việt Nam-Liên minh châu Âu (EU) với việc Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA) có hiệu lực từ ngày 1/8 và kỷ niệm 30 năm hai bên thiết lập quan hệ song phương.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Năm đặc biệt nâng tầm quan hệ giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu

Năm 2020 đánh dấu một bước tiến quan trọng trong quan hệ Việt Nam-Liên minh châu Âu (EU) với việc Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA) có hiệu lực từ ngày 1/8 và kỷ niệm 30 năm hai bên thiết lập quan hệ song phương.

Năm đặc biệt nâng tầm quan hệ giữa Việt Nam và Liên minh châu ÂuẢnh minh họa. (Nguồn: Embassynews)

Quan hệ Đối tác hợp tác toàn diện Việt Nam-EU đang phát triển mạnh mẽ trên các lĩnh vực như chính trị-ngoại giao, thương mại-đầu tư, hợp tác phát triển, khoa học-công nghệ, an ninh quốc phòng và trong nhiều khuôn khổ đa phương quan trọng.

Trong thông điệp nhân dịp kỷ niệm 30 năm hai bên thiết lập quan hệ ngoại giao (28/11/1990-28/11/2020), Phó Chủ tịch Ủy ban châu Âu, Đại diện cấp cao EU về chính sách an ninh và đối ngoại Josep Borrell đánh giá Việt Nam trở thành một trong những nước năng động nhất ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương và 30 năm hoạt động hợp tác giữa Việt Nam và EU trải rộng trên khắp các lĩnh vực.

Việt Nam hiện trở thành một trong những đối tác mà EU có quan hệ toàn diện nhất trong Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương.

Để có một bức tranh về sự phát triển phi thường của mối quan hệ Việt Nam-EU trong suốt 30 năm qua, ông Borrell nhấn mạnh cần phải nhìn nhận từ EVFTA - hiệp định đầu tiên mà EU ký với một quốc gia đang phát triển - để thấy rằng EU và Việt Nam đã cùng nhau đi một đoạn đường xa thế nào kể từ những ngày đầu tiên.

EU là thị trường xuất khẩu lớn thứ hai của Việt Nam sau Mỹ, chiếm 17% kim ngạch ngoại thương. Hàng hóa của Việt Nam mới chỉ chiếm 2% tổng nhập khẩu toàn cầu của EU, nên dư địa tăng còn rất hứa hẹn.

Trên thực tế, giá trị hàng hóa nhập khẩu của EU từ Việt Nam đã tăng từ 8,63 tỷ USD lên 42,5 tỷ USD trong giai đoạn 2008-2018.

Theo hướng khác, Việt Nam đại diện cho một thị phần nhỏ hơn - khoảng 0,6% trong xuất khẩu của EU, nhưng khối lượng đã tăng đều đặn từ 3,39 tỷ USD lên 13,8 tỷ USD trong cùng thời kỳ 10 năm. Tuy nhiên, hàng hóa từ EU chiếm 6% tổng kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam.

Năm đặc biệt nâng tầm quan hệ giữa Việt Nam và Liên minh châu ÂuMay hàng xuất khẩu. (Ảnh minh họa. Nguồn: TTXVN)

Thương mại giữa EU và Việt Nam đã tăng đều đặn trong những năm gần đây, trong đó Việt Nam xuất khẩu nhiều đồ nội thất, điện thoại, máy móc và giày dép sang các quốc gia thành viên EU. Các mặt hàng xuất khẩu chính của EU sang Việt Nam bao gồm máy bay, máy móc, dược phẩm và thiết bị điện.

EVFTA có hiệu lực đúng thời điểm kinh tế-thương mại toàn cầu đang chịu tác động nặng nề do đại dịch COVID-19. Điều này đã góp phần thúc đẩy các công ty đa dạng hóa chuỗi cung ứng ngày càng tăng, trong đó Việt Nam nhanh chóng trở thành một nước thụ hưởng. EU đã là điểm đến hàng hóa lớn thứ hai (tính theo giá trị) của Việt Nam.

EVFTA tạo thêm động lực cho tuyến đường thương mại quan trọng này và là một bước quan trọng đảm bảo sự an tâm cho các nhà đầu tư EU vào Việt Nam cũng như các doanh nghiệp toàn cầu khác đang tìm cách thiết lập hoặc phát triển hơn nữa các liên kết thương mại giữa Việt Nam và EU. Đây cũng là cơ sở để các điều khoản thương mại công bằng và hiệu quả có thể được thiết lập và duy trì.

Bất chấp ảnh hưởng của COVID-19, kết quả thực thi EVFTA đã cho thấy những tín hiệu đáng khích lệ. Xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường EU trong tháng 8 đạt 3,25 tỷ USD, tháng 9 đạt 3,1 tỷ USD, tăng lần lượt 4% và 9,5% so với cùng kỳ năm ngoái.

EVFTA cũng được kỳ vọng sẽ mang lại những lợi ích kinh tế thiết thực hơn nữa cho nền kinh tế, doanh nghiệp và người dân của cả hai bên trong trung và dài hạn. Theo tính toán, EVFTA sẽ giúp GDP của Việt Nam tăng thêm 4,6% và xuất khẩu của Việt Nam sang EU tăng 42,7% vào năm 2025; GDP của EU ước tính sẽ tăng thêm 29,5 tỷ USD và xuất khẩu tăng 29% vào năm 2035.

Bên cạnh yếu tố thương mại, đại diện cấp cao về chính sách an ninh và đối ngoại EU Josep Borrell cũng đánh giá Việt Nam đã trở thành một đối tác hấp dẫn của EU trong quan hệ song phương cũng như thông qua tư cách thành viên ASEAN và Liên hợp quốc, những diễn đàn mà Việt Nam đã cho thấy rõ cam kết mạnh mẽ của mình với chủ nghĩa đa phương và trật tự dựa trên những nguyên tắc quốc tế.

Về phía Việt Nam, phát biểu tại Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN 53 diễn ra ngày 12/9 vừa qua, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh khẳng định trong vai trò Chủ tịch ASEAN, Việt Nam ủng hộ các nỗ lực làm sâu sắc quan hệ ASEAN-EU, hướng tới chính thức nâng cấp quan hệ hai bên lên đối tác chiến lược.

Phó Thủ tướng nhấn mạnh tăng cường kết nối đóng vai trò quan trọng trong thúc đẩy phục hồi kinh tế và duy trì tăng trưởng, hoan nghênh EU đề xuất ra Tuyên bố chung Bộ trưởng ASEAN-EU về kết nối và ủng hộ thúc đẩy gắn kết và bổ trợ trong triển khai Kế hoạch Tổng thể về kết nối ASEAN 2025 và Chiến lược kết nối EU.

Nỗ lực của Việt Nam trên cương vị nước Chủ tịch ASEAN 2020 đã gặt hái được thành công nổi bật với việc ngày 1/12, trong khuôn khổ Đối thoại ASEAN-EU lần thứ 23, hai bên đã chính thức tuyên bố nâng cấp mối quan hệ lên đối tác chiến lược.

Nhận thức được giá trị chiến lược của quan hệ thương mại ASEAN-EU chặt chẽ hơn, các lãnh đạo hai bên cam kết sẽ nỗ lực hơn nữa hướng tới việc tạo ra một khuôn khổ thiết thực cho một Hiệp định Thương mại tự do ASEAN-EU đầy tham vọng vì điều này sẽ gửi một tín hiệu mạnh mẽ về cam kết của cả hai khu vực nhằm mang lại lợi ích thông qua hội nhập kinh tế và tự do hóa thương mại.

Chính EVFTA cũng là hiệp định thương mại toàn diện thứ hai giữa một quốc gia thành viên ASEAN và EU và có thể được sử dụng làm khuôn mẫu nếu EU quyết định theo đuổi các FTA với các nước ASEAN khác hoặc với ASEAN như một khối khu vực trong tương lai.

Năm đặc biệt nâng tầm quan hệ giữa Việt Nam và Liên minh châu ÂuThủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chứng kiến Lễ ký Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu ( EVFTA ). (Ảnh: Lâm Khánh/TTXVN)

Về hòa bình và an ninh, EU và Việt Nam đã ký hiệp định thiết lập khuôn khổ tham gia của Việt Nam vào các hoạt động xử lý khủng hoảng của EU (FPA), cho phép Việt Nam tham gia, đóng góp vào các hoạt động và sứ mệnh của chính sách quốc phòng và an ninh chung của EU. Đây là hiệp định đầu tiên mà EU ký với một quốc gia ASEAN và giúp đóng góp vào hoạt động của EU đối với an ninh và hòa bình thế giới.

Việt Nam và EU đã đều đặn tổ chức tham vấn về an ninh và quốc phòng. Ngày 1/12 vừa qua, cuộc tham vấn lần thứ hai đã diễn ra với các cuộc thảo luận về tình hình toàn cầu và khu vực, bao gồm cả Biển Đông . Hai bên tái khẳng định cam kết đối với việc duy trì trật tự quốc tế dựa trên luật lệ, tự do hàng hải và tính chất thống nhất và phổ quát của Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982, trong đó đặt ra khuôn khổ pháp lý mà mọi hoạt động trên biển cần được tiến hành trong phạm vi khuôn khổ này. EU và Việt Nam kêu gọi các tranh chấp trên biển cần được giải quyết một cách hòa bình phù hợp với Công ước trên.

Trưởng phái đoàn Việt Nam bên cạnh EU Vũ Anh Quang đánh giá quan hệ hợp tác toàn diện với EU, một trung tâm kinh tế-chính trị quan trọng hàng đầu thế giới, luôn là một trong những định hướng ưu tiên trong chính sách đối ngoại và hội nhập quốc tế của Việt Nam. Cả Việt Nam và EU đều có lợi ích và đã cùng nhau tạo dựng đầy đủ các khuôn khổ, cơ chế để đẩy mạnh mối quan hệ hợp tác toàn diện song phương.

Đại sứ Vũ Anh Quang bày tỏ tin tưởng quan hệ Việt Nam-EU sẽ ngày càng phát triển thực chất, toàn diện và sâu rộng, nhất là về kinh tế, chính trị, thương mại và đầu tư. Cả hai bên đã thiết lập các khuôn khổ chung để thúc đẩy quan hệ, nhất là Hiệp định khung Đối tác và hợp tác toàn diện Việt Nam-EU (PCA), tạo ra bước đi đột phá là EVFTA thế hệ mới đầy tham vọng và Hiệp định Bảo hộ đầu tư ( EVIPA ).

Có thể nói kể từ khi hai bên thiết lập quan hệ ngoại giao năm 1990, hợp tác giữa Việt Nam và EU đã phát triển vượt bậc trên nhiều lĩnh vực quan trọng. Với những dấu ấn đặc biệt của năm 2020 trong quan hệ song phương, tại phiên họp lần thứ hai Ủy ban hỗn hợp trong khuôn khổ Hiệp định khung Đối tác và hợp tác toàn diện Việt Nam-EU, được tổ chức trực tuyến vào ngày 15/12, hai bên nhất trí tăng cường hơn nữa quan hệ đối tác cả về song phương lẫn trên các diễn đàn đa phương nhằm duy trì trật tự quốc tế dựa trên luật lệ, thúc đẩy hòa bình, thịnh vượng thông qua sự phục hồi bền vững.

Việc chia sẻ tầm nhìn và lợi ich lâu dài trên nhiều phương diện khiến mối quan hệ Đối tác hợp tác toàn diện Việt Nam-EU ngày càng trở nên đáng tin cậy và bền chặt./.

(TTXVN/Vietnam+)


(TTXVN/Vietnam+)

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]