Sơn Thủy - xã vùng cao huyện Quan Sơn (Thanh Hóa) không chỉ có động Bo Cúng đẹp đến nao lòng mà còn có hang Hữu Tình, núi Lá Hoa… cùng với huyền thoại về vị tướng trấn ải biên cương giữ yên bờ cõi còn sống mãi với thời gian…

Tin liên quan

Đọc nhiều

Một lần đến miền Tây Thanh Hóa - Huyền thoại tướng quân Tư Mã Hai Đào

Sơn Thủy - xã vùng cao huyện Quan Sơn (Thanh Hóa) không chỉ có động Bo Cúng đẹp đến nao lòng mà còn có hang Hữu Tình, núi Lá Hoa… cùng với huyền thoại về vị tướng trấn ải biên cương giữ yên bờ cõi còn sống mãi với thời gian…

Một lần đến miền Tây Thanh Hóa - Huyền thoại tướng quân Tư Mã Hai Đào

Một trong nhiều thác nước đẹp vùng biên ải. Ảnh Vũ Do

Chưa có chuyến công tác nào ở các huyện vùng cao Thanh Hóa lại níu chân tôi nhiều ngày như lần này. Có lẽ, lâu ngày được thoát khỏi thành phố ngột ngạt, ồn ào, huyên náo về với rừng xanh, đến với các danh thắng lung linh huyền ảo, núi non hùng vĩ, khí trời trong lành, đã thôi thúc tôi lưu lại để chiêm ngưỡng những danh thắng còn lại nơi sơn cùng thủy tận. Một hang Hữu Tình nằm ở lưng chừng núi Chanh với vô số nhũ đá trắng đẹp, lung linh như chốn “bồng lai tiên cảnh” soi bóng xuống dòng Xia. Nơi này còn nổi tiếng với mạch nước ngầm nóng tới 40 độ.

Cách hang Hữu Tình không xa là núi đá trắng, được khoác trên mình đầy lá và hoa nên được gọi là núi Lá Hoa. Núi Lá Hoa có nhiều loại phong lan cùng các loài cây khác sống bám vào đá. Điều kỳ diệu là, tuy các loài cây lá khác nhau sống chung trên núi đá này, cứ vào độ tháng 3 tháng 4 âm lịch, cả núi đá sừng sừng, uy nghi lại bừng lên hương sắc của nhiều loài hoa, lá, kết thành đóa hoa khổng lồ vươn lên giữa rừng xanh đại ngàn nơi biên ải!( Chính màu sắc rực rỡ của lá, hoa trên núi đá này, còn ẩn chứa một chuyện tình đầy lãng mạn và bi ai giữa cô gái Việt và chàng trai Lào). Khó cưỡng nổi lòng mình khi phóng tầm mắt bao quát cả một vùng núi non trùng điệp được tô diểm bởi các loài hoa.

Những danh thắng này không tách rời công lao gìn giữ biên cương, lãnh đạo dân các Mường của huyền thoại tướng quân Tư Mã Hai Đào. Chuyện rằng: từ rất xa xưa ở Mường Đào ( nay thuộc huyện Bá Thước Thanh Hóa) có một cậu bé mồ côi cả cha và mẹ rất sớm. Tuy không còn cha mẹ dưỡng dục, nhưng cậu bé mồ côi lớn lên trong vòng tay yêu thương, chăm sóc của cư dân Mường Đào - Mường Khô. Vì ra đời ở Mường Đào, nên bà con dân bản thường gọi cậu bé với cái tên trìu mến - Hai Đào! Lúc còn nhỏ Hai Đào cũng như bạn cùng trang lứa chăn trâu, cắt cỏ, chơi các trò chơi dân gian. Đặc biệt bé Hai Đào thích chơi trò bắn cung, bắn nỏ, luyện kiếm, đánh cù, bày trò trận giả, luyện võ thi tài với các bạn. Nhưng cái khác thường ở Hai Đào là cùng trang lứa nhưng Hai Đào cao to, đôi tay dài, đặc biệt đôi mắt tinh anh rực sáng, tướng mạo oai phong, võ nghệ tinh tài… Sống trong tình yêu thương của bà con dân bản, Hai Đào ngày một trưởng thành, đứa bé Hai Đào ngày nào giờ trở thành chàng trai khỏe mạnh lực lưỡng như cây rừng mọc thẳng.

Một lần đến miền Tây Thanh Hóa - Huyền thoại tướng quân Tư Mã Hai Đào

Lễ hội Mường Xia - ảnh Vũ Do

Dạo đó, nghe tin triều đình mở hội thi võ để chiêu mộ người tài phò vua diệt giặc ngoại xâm, Hai Đào lập tức xuôi về kinh thành xin được tham gia. Hội thi đấu võ năm ấy rất nhiều chàng trai tham gia nhưng không ai qua được Hai Đào. Võ nghệ cao cường của chàng trai người rừng Mường Đào đã làm rung động trái tim công chúa. Khi biết tin con gái yêu của mình phải lòng chàng trai mồ côi tài năng, vua cho triệu Hai Đào vào cung. Khi nhìn thấy chàng trai cao to, khôi ngô, tuấn tú, đặc biệt vầng trán cao, đôi mắt sáng tướng mạo oai hùng, nhà vua đồng ý cho công chúa thành thân với Hai Đào và sai bảo quần thần dạy dỗ văn võ song toàn để giúp triều đình chống giặc ngoại xâm.

Từ chàng trai nghèo, Hai Đào trở thành phò mã đúng vào thời điểm giặc ngoại xâm quấy nhiễu và xâm chiếm vùng biên ải của đất nước. Phò mã Hai Đào xin vua cho trở về quê hương lên vùng biên cương để trừ giặc. Được vua cha ưng thuận và cung cấp lương thực, phương tiện, trâu, bò, voi, ngựa và quân sĩ. Trở về quê, Hai Đào vận động triệu tập thêm nhiều binh Mường trở thành đạo quân hùng hậu lên vùng biên giới (xã Tén Tằn huyện Mường Lát ngày nay) quyết chiến với lũ xâm chiếm biên cương. Với khí phách của người anh hùng lại có mưu mẹo và võ nghệ tinh thông, lại được 2 anh em ruột là tướng Ót Đanh và Ót Dọ phò tá, quân của Hai Đào tiến đánh quân giặc dọc theo biên giới kéo dài cả trăm km từ Tén Tằn huyện Mường Lát qua huyện Quan Hóa đến Mường Xia huyện Quan Sơn. Quân sĩ của Phò mã Hai Đào tiến đến đâu, quân giặc bỏ chạy đến đó. Chỉ trong thời gian ngắn vùng biên cương rộng dài phía Tây tỉnh Thanh Hóa không còn bóng giặc, cư dân các Mường lại được sống trong yên bình và trở lại thôn bản làm ăn…Tướng quân Hai Đào được vua phong tước Tư Mã biên phòng cai quản biên cương của đất nước. Kể từ đó đến nay nối tiếp nguồn mạch, khí phách của tướng quân Tư Mã Hai Đào, các thế hệ nối tiếp nhau bảo vệ vững chắc đường biên và xây dựng biên giới phía Tây tỉnh Thanh Hóa thành đường biên giới hòa bình hữu nghị với nước bạn Lào…

Biên cương bình yên, tướng quân Tư Mã Hai Đào chọn Mường Xia nơi “ sơn thủy hữu tình” để xây dựng thủ phủ và sống trọn đời với vùng biên cương mà cuộc đời ông cùng với các binh Mường đã từng nhiều năm chống giặc ngoại xâm giữ gìn từng tấc đất thiêng liêng của Tổ quốc. Khi tướng quân Tư Mã Hai Đào qua đời, dân Mường Xia an táng ông tại một trong những hang động của núi Pha Dùa. Năm tháng qua đi, duy còn đọng lại một điều mà người đời truyền tụng rằng: Chính tướng quân Tư Mã Hai Đào là vị thần thiêng, người có công tiến quân lên biên giới diệt trừ quân xâm lược. Và, khi đất nước thanh bình ông lại cai quản yên lành cửa ải biên cương và còn giữ cho các Mường vía yên, vía lành.

Nhớ ơn tướng quân Tư Mã Hai Đào, sau khi ông mất, bà con trong vùng lập đền thờ ngay cạnh nền nhà cũ của tướng quân để hương khói thờ cúng. Hằng năm vào ngày 25 tháng 2 âm lịch bà con Mường Xia mở hội tri ân tướng quân Tư Mã Hai Đào, cầu mong ông phù hộ độ trì cho cư dân các Mường nơi biên cương được no ấm, hạnh phúc và sống trong hòa bình hữu nghị. Những ngày lễ hội không chỉ có cư dân Việt mà cư dân Mường Bén, Mường Sôi nước bạn Lào cũng kéo sang tham dự. Lễ hội Mường Xia và đền thờ tướng quân Tư Mã Hai Đào từ lâu đã trở thành địa chỉ tâm linh để người dân khắp nơi đến thờ phụng, chiêm bái…



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]