(Baothanhhoa.vn) - Dù là mặt hàng cấm, không được phép kinh doanh, nhưng thời gian qua, các loại vũ khí thô sơ và công cụ hỗ trợ dưới vỏ bọc “Vũ khí tự vệ” như: Dùi cui điện, dao bấm, gậy 3 khúc, bình xịt hơi cay,... vẫn được bày bán tràn lan, công khai trên mạng xã hội và một số cửa hàng trên địa bàn tỉnh.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Tăng cường công tác quản lý vũ khí thô sơ, công cụ hỗ trợ

Dù là mặt hàng cấm, không được phép kinh doanh, nhưng thời gian qua, các loại vũ khí thô sơ và công cụ hỗ trợ dưới vỏ bọc “Vũ khí tự vệ” như: Dùi cui điện, dao bấm, gậy 3 khúc, bình xịt hơi cay,... vẫn được bày bán tràn lan, công khai trên mạng xã hội và một số cửa hàng trên địa bàn tỉnh.

Dao phớ, dùi cui điện và các loại dao bấm.

Chỉ bằng một vài thao tác tìm kiếm đơn giản là người mua có thể tìm được các trang rao bán vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ trên mạng online. Bất chấp pháp luật, “chợ vũ khí” trên mạng vẫn hoạt động ngày càng biến tướng. Ví như “Shop đồ tự bảo vệ chuyên dụng” có địa chỉ trang web là Thoitranglinh.net đã đăng bán công khai gần 400 mặt hàng, giá cả được đăng kèm cùng hình ảnh sản phẩm, người mua chỉ cần kích chuột vào ô “Mua hàng”, một trang mô tả chi tiết sản phẩm bao gồm: Xuất xứ, nguyên liệu, công dụng, phạm vi ảnh hưởng, hạn sử dụng và video hướng dẫn sử dụng sẽ hiện ra. Cũng trên trang này, dòng chữ màu đỏ “Hàng cấm, không được mở ra “XEM HÀNG” khi nhận” được ghi ngay đầu trang nhằm cảnh báo người mua để tránh bị nhân viên giao hàng phát hiện. Tại cửa hàng online này, các loại bình xịt hơi cay được bán với giá dao động từ 210.000 đồng đến 270.000 đồng, các loại dùi cui điện được bán với giá từ 350.000 đồng đến 700.000 đồng, đèn pin chích điện được rao bán từ 500.000 đồng đến 800.000 đồng...

Tương tự, trên trang mạng online facebook, fanpage: Chợ tốt Thanh Hóa và Tìm việc làm Thanh Hóa, ngày 20-4-2018, tài khoản N.H.V đã công khai đăng hình ảnh và rao bán bình xịt hơi cay với lời giới thiệu: “Mình có người nhà đi Trung Quốc mang được ít bình xịt cay tự vệ. Giá chỉ 150.000 đồng, số điện thoại: 0949363xxx”. Chúng tôi đã liên hệ với tài khoản facebook này và ngỏ ý muốn nhập một số lượng lớn bình xịt hơi cay về để bán kiếm lời. Không tỏ vẻ nghi ngờ, chủ tài khoản này cho biết, nếu lấy 10 bình sẽ có giá 120.000 đồng/bình, nếu lấy 20 bình giá 100.000 đồng/bình và yêu cầu chúng tôi cung cấp địa chỉ, số điện thoại để giao hàng. Khi tôi ngỏ ý muốn nhận hàng trực tiếp, người này đã hẹn gặp chúng tôi tại Ngã tư phường Phú Sơn (TP Thanh Hóa). Tại đây, người bán hàng đã ngang nhiên cho chúng tôi kiểm tra hàng trước khi thanh toán mà không một chút cảnh giác, lo sợ sẽ bị lực lượng chức năng phát hiện. Điều này cho thấy thái độ xem thường pháp luật của các đối tượng.

Không chỉ trên mạng online, nhiều cửa hàng trên địa bàn tỉnh, các loại vũ khí thô sơ, công cụ hỗ trợ cũng được bày bán. Tại một cửa hàng ở Phố Môi, xã Quảng Tâm (TP Thanh Hóa), với tấm biển quảng cáo: “Cửa hàng dụng cụ thể dục, thể thao”; ngoài các dụng cụ thể dục thể thao, trong chiếc tủ kính còn có những chiếc dùi cui điện ngụy trang đèn pin thường được chủ cửa hàng để lẫn với đèn pin thông thường nhằm qua mắt lực lượng chức năng. Chỉ hỏi qua vài ba câu, chủ cửa hàng không ngần ngại giới thiệu về chiếc dùi cui điện được ngụy trang đèn pin thông thường. Vừa giới thiệu cho khách, chủ cửa hàng vừa bấm chiếc dùi cui nổ tanh tách. Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết, dùi cui điện có nhiều loại, giá mỗi loại khác nhau, dao động từ 300.000 đồng đến 1.500.000 đồng. Các thiết bị này được sản xuất tại Trung Quốc và thẩm lậu về Việt Nam qua các đường tiểu ngạch.

Tương tự, tại một nhà hàng có địa chỉ tại xã Quảng Bình, huyện Quảng Xương, trong khuôn viên trước nhà hàng có một chiếc tủ được bày bán các loại dao găm, dao bấm. Trong vai khách mua hàng, người phụ nữ - chủ nhân của chiếc tủ tự tin giới thiệu và hướng dẫn chúng tôi cách sử dụng các loại dao. Theo tìm hiểu, giá cả các loại dao găm, dao bấm dao động từ 70.000 đồng đến 100.000 đồng, khách hàng ở đây chủ yếu là thanh niên. “Đây là mặt hàng Nhà nước cấm kinh doanh sao chị vẫn bán?” - tôi hỏi. Chị thản nhiên: “Tôi bán ở đây bao lâu nay, có thấy ai đến kiểm tra đâu”.

Ngoài hành vi mua bán vũ khí thô sơ và công cụ hỗ trợ, tại một số lò rèn, chủ cửa hàng dễ dàng nhận lời rèn các loại hung khí như đao, rìu, dao phớ... khi khách hàng có nhu cầu. Cụ thể, tại một lò rèn ở thị trấn Vạn Hà (Thiệu Hóa), khi chúng tôi ngỏ ý muốn đặt một con dao phớ, ông Đ. đã đồng ý ngay và đưa ra giá 250.000 cho loại dao phớ có cán được làm bằng tuýp nước, giá 90.000 đồng nếu được làm bằng cán gỗ và chúng tôi có thể nhận hàng ngay trong ngày. Ông Đ. cho biết: “Những ai có nhu cầu đặt dao phớ, tôi đều nhận, mà chủ yếu là thanh niên và dân xã hội đen”.

Trên thực tế, có không ít vụ cướp tài sản, cố ý gây thương tích, chống người thi hành công vụ,... xảy ra và nhiều đối tượng đã sử dụng súng, kiếm và công cụ hỗ trợ là phương tiện gây án. Có thể xem đây là nguyên nhân khiến số vụ trọng án mà người gây án sử dụng “vũ khí nóng” có xu hướng gia tăng. Không dừng lại ở tình trạng buôn bán, tàng trữ các loại vũ khí thô sơ, công cụ hỗ trợ trái phép và sử dụng như một vật để phòng thân hay dùng làm hung khí khi xảy ra mâu thuẫn, một số đối tượng còn sử dụng để chống lại người thi hành công vụ. Những sự việc này đang có nguy cơ trở thành tiền lệ xấu, gây ảnh hưởng trực tiếp đến việc tuân thủ kỷ cương, pháp luật của Nhà nước, đe dọa an toàn tính mạng người dân.

Theo Nghị định số 102/2010/NĐ-CP ngày 1-10-2010 của Chính phủ quy định, danh mục ngành, nghề cấm kinh doanh được thể hiện rõ; trong đó có kinh doanh vũ khí quân dụng, trang thiết bị, kỹ thuật, khí tài, phương tiện chuyên dùng quân sự, công an; quân trang (bao gồm cả phù hiệu, cấp hiệu, quân hiệu của quân đội, công an), quân dụng cho lực lượng vũ trang; linh kiện, bộ phận, phụ tùng, vật tư và trang thiết bị đặc chủng, công nghệ chuyên dùng chế tạo chúng. Và theo Khoản 5, Điều 10 Nghị định 167/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định: Đối với các hành vi: Sản xuất, sửa chữa các loại vũ khí thô sơ, công cụ hỗ trợ mà không có giấy phép; mua, bán, vận chuyển, tàng trữ vũ khí thô sơ, công cụ hỗ trợ mà không có giấy phép sẽ bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng. Tuy nhiên, thực tế hành vi sản xuất, kinh doanh các loại vũ khí thô sơ, công cụ hỗ trợ vẫn diễn ra công khai. Do vậy, thời gian tới, để ngăn chặn trình trạng này, các cơ quan chức năng cần đưa ra những giải pháp phù hợp, quyết liệt hơn. Trước tiên, cần tăng cường công tác tuyên truyền để các cá nhân có ý định mua bán, sử dụng vũ khí “nóng” nhận thức được đó là hành vi vi phạm các quy định của pháp luật và sẽ bị xử lý nghiêm. Vận động nhân dân giao nộp vũ khí, công cụ hỗ trợ theo đúng chủ trương của Đảng và Nhà nước. Có cơ chế động viên, khen thưởng kịp thời để toàn dân tham gia vào công tác thông tin, tố giác tội phạm. Cùng với việc kiểm soát, ngăn chặn, xử lý các trường hợp tàng trữ, sử dụng công cụ hỗ trợ, vũ khí thô sơ, lực lượng chức năng cần phát hiện, chặn đứng nguồn cung, xử lý nghiêm các vi phạm. Đồng thời, người dân cần nâng cao ý thức để thường xuyên kiểm tra, phát hiện kịp thời, tố giác hành vi quảng cáo, rao bán công cụ hỗ trợ, vũ khí thô sơ.


Bài và ảnh: Lê Tình

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]