Dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 ở Iran, quốc gia tiếp tục là tâm dịch của Trung Đông, vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt với số ca mắc bệnh nguy hiểm này đã lên tới 101.650 người và 6.418 trường hợp tử vong tính đến chiều 7/5.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Thế “tiến thoái lưỡng nan” của Iran trong mùa dịch COVID-19

Dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 ở Iran, quốc gia tiếp tục là tâm dịch của Trung Đông, vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt với số ca mắc bệnh nguy hiểm này đã lên tới 101.650 người và 6.418 trường hợp tử vong tính đến chiều 7/5.

Thế “tiến thoái lưỡng nan” của Iran trong mùa dịch COVID-19

Có thể thấy nước Cộng hòa Hồi giáo đang trong tình thế khó khăn chồng chất khi vốn đã phải gồng mình chống đỡ các lệnh trừng phạt kinh tế của Mỹ , dịch COVID-19 ập đến cùng với việc giá dầu thế giới sụt giảm mạnh, khiến nền kinh tế chủ yếu dựa vào xuất khẩu dầu mỏ của Iran ngày càng kiệt quệ.

Nói cách khác, dịch COVID-19 thực sự đã giáng thêm cho Iran một “đòn chí mạng,” hầu như “nhấn chìm” những nỗ lực vực dậy nền kinh tế để chống đỡ với các lệnh trừng phạt của Washington.

Tehran đã phải lên tiếng đề nghị Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) cấp khoản vay khẩn cấp trị giá 5 tỷ USD để đối phó với dịch. Tuy nhiên, có nhiều nguồn tin cho rằng Mỹ đang tìm mọi cách ngăn chặn Iran tiếp cận khoản vay này.

Cùng với cuộc khủng hoảng y tế trầm trọng, các hoạt động sản xuất-kinh doanh bị đình đốn, tình trạng thất nghiệp gia tăng đột biến do dịch bệnh đã đẩy nền kinh tế Iran tới gần bờ vực sụp đổ hơn lúc nào hết.

Iran phải đối mặt với mức thâm hụt ngân sách lớn chưa từng có, ngoại tệ khan hiếm trầm trọng, lạm phát tăng phi mã và để đổi lấy 1USD, người Iran hiện phải bỏ ra tới 156.000 rial, thậm chí còn hơn.

Việc đồng nội tệ Iran bị giảm giá trị nghiêm trọng được cho là hậu quả của các biện pháp trừng phạt mà Mỹ áp đặt.

Kể từ khi Mỹ rút khỏi thỏa thuận hạt nhân lịch sử năm 2015 và tái áp đặt các biện trừng phạt chống Iran từ tháng 11/2018, xuất khẩu dầu thô của Tehran giảm tới 80%.

Dầu mỏ là nguồn sống của nền kinh tế Iran, chiếm đến 1/4 Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) nước này, đóng góp 3/4 nguồn thu của Iran.

Các biện pháp trừng phạt của Mỹ cũng khiến Iran hầu như bị cô lập khỏi hệ thống tài chính toàn cầu, kéo theo đồng nội tệ rial mất hơn 60% giá trị. Nền kinh tế Iran rơi vào suy thoái trầm trọng với dự báo giảm 9,5% trong năm 2019.

Việc Mỹ vẫn tiếp tục duy trì các lệnh trừng phạt đối với Iran trong bối cảnh xảy ra dịch bệnh nghiêm trọng như hiện nay, làm cho ngân sách của nước Cộng hòa Hồi giáo càng eo hẹp hơn, trong khi cơ hội tiếp nhận viện trợ từ bên ngoài cũng gặp nhiều trở ngại, khiến Iran lâm vào cảnh “họa vô đơn chí.”

Đại dịch COVID-19, với ca mắc đầu tiên ở Iran được xác nhận ngày 19/2 vừa qua, làm cho tình hình càng trở nên trầm trọng hơn.

Trong bối cảnh đại dịch tác động tiêu cực đến thị trường quốc tế, gây gián đoạn hoạt động vận chuyển hàng hóa qua biên giới và trên biển, hoat động kinh tế bị đình trệ khiến nhu cầu tiêu thụ năng lượng giảm mạnh, doanh thu từ xuất khẩu các sản phẩm hóa dầu của Iran trong năm nay, vốn đạt khoảng 12 tỷ USD mỗi năm, dự kiến sẽ giảm ít nhất 30% so với năm trước.

Mặt khác, giới chuyên gia nhận định tình trạng kinh tế sa sút và đồng rial mất giá mạnh cũng một phần là do sự điều hành kém hiệu quả của chính quyền.

Căng thẳng xã hội tại Iran, phát sinh do kinh tế suy thoái và thất nghiệp tăng cao, lại càng nặng nề thêm khi chính phủ áp dụng những chính sách như tăng giá nhiên liệu hồi cuối năm.

Trong khi ấy, thực phẩm và thuốc men đang dần cạn kiệt khi chuỗi cung ứng bị gián đoạn do dịch bệnh. Các lệnh trừng phạt của Washington đã không cho Tehran có cơ hội tiếp cận với vật tư, thiết bị y tế cần thiết để chống dịch.

Trước tình cảnh không biết bấu víu vào đâu, Iran đã có động thái đáng chú ý khi xúc tiến kế hoạch chuyển đổi đồng nội tệ. Quốc hội nước này vừa thông qua dự luật cho phép chính phủ bỏ 4 số 0 trên đồng tiền nội tệ hiện nay.

Dự kiến, đồng rial đang lưu hành sẽ được đổi sang đồng toman, với giá trị quy đổi 1 toman bằng 10.000 rial. Tuy nhiên, để tránh gây ra những cú sốc không đáng có, kế hoạch này sẽ được thực hiện theo lộ trình và Ngân hàng trung ương Iran sẽ có 2 năm để chuyển đổi từ đồng rial hiện nay sang đồng toman. Kế hoạch này còn cần phải được Hội đồng Giám hộ Iran thông qua.

Thế “tiến thoái lưỡng nan” của Iran trong mùa dịch COVID-19Đồng rial của Iran. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Giới chức Iran giải thích mục tiêu chính của kế hoạch này là nhằm tạo thuận tiện cho các giao dịch, giảm chi phí in tiền giấy và đúc tiền xu, cũng như nâng cao tính hiệu quả của hệ thống tiền tệ.

Tuy nhiên, có thể thấy “chất xúc tác” dẫn đến hành động này chính là tình trạng lạm phát đã ở mức “báo động đỏ” cũng như sự mất giá của đồng rial trước các đồng tiền khác.

Về góc độ kinh tế, khách quan mà nói, kế hoạch chuyển đổi tiền tệ của Iran đã được tính tới từ lâu, sau nhiều lần “nâng lên lại đặt xuống,” rốt cuộc Tehran đã buộc phải đi đến quyết định khó khăn này.

Kế hoạch loại bỏ 4 số 0 trên đồng tiền rial hiện nay được “nhen nhóm” từ năm 2008, song phải đến 10 năm sau mới nhận được sự ủng hộ rộng rãi.

Rõ ràng, các biện pháp trừng phạt theo kiểu “vùi dập” của chính quyền Tổng thống Donald Trump đã tác động tiêu cực đến kinh tế Iran và việc cải cách hệ thống tiền tệ được xem là một trong những biện pháp có thể vận dụng trong bối cảnh cùng lúc xảy ra “thiên tai, địch họa” với hy vọng sẽ có tác động tích cực đối với nền kinh tế đất nước.

Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng việc làm này chỉ phát huy hiệu quả như mong muốn nếu đó là một phần của quá trình cải cách toàn diện cơ cấu nền kinh tế Iran.

Còn trước mắt, tình trạng khẩn cấp y tế càng kéo dài và tổn thất về tài chính càng chồng chất áp lực đối với Iran ngày càng lớn.

Mỹ vẫn tuyên bố sẽ không từ bỏ chiến dịch “gây sức ép tối đa” nhằm vào Iran ngay cả khi đại dịch COVID-19 đang hoành hành và sẽ tiếp tục sử dụng các biện pháp trừng phạt.

Mới nhất, Tổng thống Donald Trump ngày 6/5 đã phủ quyết dự luật được lưỡng viện quốc hội nước này thông qua nhằm hạn chế khả năng tổng thống phát động chiến tranh chống Iran.

Chỉ trong 1 tuần, Mỹ đã liên tiếp công bố các biện pháp trừng phạt 5 nhà khoa học hạt nhân Iran và 17 thực thể, cá nhân liên quan đến hoạt động buôn bán sản phẩm hóa dầu của Iran.

Thế “tiến thoái lưỡng nan” của Iran trong mùa dịch COVID-19Cơ sở lọc dầu trên đảo Khark của Iran ở ngoài khơi vùng Vịnh Persian. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Trước đó, Washington đã bác bỏ lời kêu gọi của Liên minh châu Âu (EU) nới lỏng các biện pháp trừng phạt đối với Iran và phê duyệt kế hoạch viện trợ kinh tế để giúp nước này đối phó với đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19.

Trong bối cảnh dịch bệnh hoành hành tại Iran, việc Mỹ gia tăng các biện pháp trừng phạt chống Tehran đang bị cộng đồng quốc tế chỉ trích.

Trên thực tế, chiến lược “gây sức ép tối đa” của Mỹ đối với Iran trong gần 2 năm qua (tính từ tháng 5/2018 khi Mỹ rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran) hầu như chưa mang lại cho Mỹ lợi ích chiến lược nào. Ngược lại, chiến lược nhằm hạn chế tầm ảnh hưởng của Tehran trong khu vực đã khiến căng thẳng gia tăng về mọi mặt và nhiều lần đẩy hai bên đến bờ vực chiến tranh.

Về phần Iran, việc Tehran ngày 22/4 vừa qua tuyên bố phóng thành công vệ tinh quân sự đầu tiên và trước đó tiết lộ kế hoạch chế tạo tàu ngầm hạt nhân, được cho là nhằm “gây sức ép ngược trở lại” đối với Mỹ và các đồng minh của Washington ở khu vực.

Tuy nhiên, giới phân tích khu vực lo ngại những động thái trên của Iran có thể càng làm gia tăng căng thẳng, vốn đã tồn tại dai dẳng và leo thang mạnh từ đầu năm nay sau vụ Mỹ không kích nhằm vào sân bay quốc tế Baghdad của Iraq, khiến Tướng Qassem Soleimani, Tư lệnh đơn vị Quds thuộc Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC), thiệt mạng và Tehran tiến hành các cuộc tấn công trả đũa nhằm vào lực lượng Mỹ ở Iraq.

Thái độ cứng rắn của Iran có thể khiến nỗ lực kêu gọi việc dỡ bỏ các lệnh trừng phạt của Washington nhằm vào Tehran càng trở nên khó khăn hơn.

Những khó khăn hiện nay buộc Chính phủ Iran phải cân nhắc nối lại các hoạt động kinh doanh, dù tình hình dịch bệnh COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp.

Chính phủ Iran đã cho phép nhiều doanh nghiệp và cơ sở kinh doanh mở cửa trở lại từ ngày 11/4 vừa qua, sau thời gian đóng cửa toàn bộ từ giữa tháng Ba vừa qua, đồng thời dự kiến tiếp tục nới lỏng các hạn chế. Tuy nhiên, điều đó cũng tạo nguy cơ bùng phát trở lại làn sóng thứ hai và thứ ba của virus SARS-CoV-2 tại Iran.

Có thể nói, với sức tàn phá của đại dịch COVID-19, Iran đang bị đẩy vào tình thế “tiến thoái lưỡng nan” mà trước mắt nước này cần sự trợ giúp quốc tế, bao gồm cả khoản vay khẩn cấp trị giá 5 tỷ USD của IMF.

Trong bối cảnh đó, một bước “xuống thang” căng thẳng của cả Mỹ và Iran được coi là lựa chọn hợp lý lúc này, và sự hợp tác chống lại đại dịch không biên giới COVID-19, biết đâu có thể tạo cơ hội cho một giải pháp ngoại giao trong quan hệ giữa Tehran và Washington./.

(TTXVN/Vietnam+)


(TTXVN/Vietnam+)

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]