Ngày 19/7, Chính phủ Anh dỡ bỏ hầu hết các biện pháp hạn chế được áp dụng nhằm kiểm soát dịch COVID-19, trong bối cảnh các ca mắc mới đang tăng cao tại nước này, thậm chí số ca mắc mới ghi nhận ngày 18/7 ở mức cao nhất thế giới.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Mở cửa hay không mở cửa: Bài toán hóc búa của nước Anh

Ngày 19/7, Chính phủ Anh dỡ bỏ hầu hết các biện pháp hạn chế được áp dụng nhằm kiểm soát dịch COVID-19, trong bối cảnh các ca mắc mới đang tăng cao tại nước này, thậm chí số ca mắc mới ghi nhận ngày 18/7 ở mức cao nhất thế giới.

Mở cửa hay không mở cửa: Bài toán hóc búa của nước AnhThực khách dùng bữa tại một nhà hàng ở London, Anh. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Đây là kế hoạch được Thủ tướng Boris Johnson dự kiến từ lâu, song sự xuất hiện của biến thể Delta cũng như các biến thể mới nguy hiểm khác đang khiến việc nước Anh mở cửa trở lại được đánh giá như một “canh bạc,” với nguy cơ làm sụp đổ thành quả chống dịch của “xứ sở Sương mù” thời gian qua.

Ngày 17/7, Anh ghi nhận gần 54.700 ca mắc COVID-19, so với 51.870 ca một ngày trước. Đây là ngày thứ hai liên tiếp Anh có số ca mắc mới vượt ngưỡng 50.000 ca/ngày kể từ hồi tháng Một.

Theo các cố vấn khoa học của chính phủ, Anh có thể sẽ trải qua làn sóng dịch thứ ba vào giữa tháng 8 khi các ca mắc mới có thể lên tới 100.000 ca/ngày trong vài tuần.

Mặc dù vậy, Chính phủ Anh vẫn quyết định dỡ bỏ các biện pháp hạn chế phòng dịch theo kế hoạch do các tiêu chí để mở cửa trở lại đều được đáp ứng, đặc biệt các ca nhập viện và tử vong do COVID-19 đều giảm nhờ vào hiệu quả của chương trình tiêm chủng.

Giám đốc Y tế England, Giáo sư Chris Whitty cho biết dù tỷ lệ nhập viện do COVID-19 hiện không nhỏ và đang gia tăng, con số này vẫn thấp hơn nhiều so với những làn sóng dịch trước đó.

Theo số liệu mới nhất của chính phủ, gần 4.000 người mắc COVID-19 ở Anh phải nhập viện trong tuần này, so với 3.000 trường hợp trong tuần trước. Tuy nhiên con số này thấp hơn nhiều so với mức đỉnh gần 40.000 ca hồi tháng 1.

Dữ liệu gần đây cho thấy chương trình tiêm vaccine ngừa COVID-19 đã làm giảm số ca nhập viện và tử vong, với tỷ lệ ca tử vong thấp hơn 1/1.000 ca mắc bệnh, so với tỷ lệ 1/60 vào mùa Đông năm ngoái.

Một nghiên cứu của Cơ quan Y tế công cộng Anh cũng cho thấy tiêm đủ 2 mũi vaccine Pfizer hoặc AstraZeneca có hiệu quả từ 60% đến 88% trong việc ngừa COVID-19 với biến chủng Delta, hiện đang chiếm hầu hết các ca mắc mới trên toàn Vương quốc Anh.

Vaccine cũng có hiệu quả cao trong việc ngăn ngừa các ca nhập viện do mắc COVID-19, với hiệu quả đạt trên 90% ở người tiêm đủ hai mũi vaccine.

Cho đến nay, hơn 46,2 triệu người - chiếm 88% tổng số người trưởng thành ở Vương quốc Anh - đã tiêm 1 mũi vaccine ngừa COVID-19, và hơn 35,3 triệu người đã tiêm đủ hai mũi, đưa Anh vào danh sách những nước dẫn đầu thế giới về chương trình tiêm chủng.

Phó Giám đốc y tế England, Giáo sư Jonathan Van-Tam, cho biết vaccine không thể hiệu quả 100%, nhưng có thể đã cứu khoảng 30.000 sinh mạng ở Anh và giúp giảm đáng kể số ca nhập viện.

Quyết định mở cửa trở lại của được Giáo sư Chris Whitty và một số nhà khoa học ủng hộ. Theo Giáo sư Chris Whitty, nếu tiếp tục lùi kế hoạch dỡ bỏ phong tỏa, có nguy cơ đỉnh dịch vào mùa Hè sẽ bị đẩy sang mùa Thu, là thời điểm cúm mùa và các loại virus khác phát triển.

Điều này có thể khiến mọi việc trở nên tồi tệ hơn. Ông cho rằng điều quan trọng là giảm số ca mắc tại đỉnh dịch, thay vì trì hoãn việc mở cửa.

Tiến sỹ Hồ Quốc Tuấn, Giảng viên Đại học Bristol (Anh) cũng nhận định tỷ lệ tiêm chủng cao khiến Anh tự tin mở cửa hoạt động kinh tế bởi chính phủ tin rằng số ca bệnh nặng và nhập viện vẫn ở mức khống chế được, và Anh có thể quay trở lại trạng thái gần như bình thường, thực hiện tham vọng sống chung với virus.

Tuy nhiên, quyết định dỡ bỏ mọi biện pháp hạn chế của Anh cũng đã vấp phải sự phản đối của nhiều nhà khoa học.

Mở cửa hay không mở cửa: Bài toán hóc búa của nước AnhNgười dân đi bộ trong một công viên tại London, Anh. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Trong một lá thư gửi tạp chí y học the Lancet, hơn 1.200 nhà khoa học từ khắp thế giới đã chỉ trích kế hoạch mở cửa của Anh là “phản khoa học,” và có thể dẫn đến sự xuất hiện các biến chủng kháng vaccine, đồng thời kêu gọi Chính phủ Anh tạm dừng kế hoạch này.

Các cố vấn của chính phủ New Zealand, Australia, Israel và Italy đã bày tỏ quan ngại về chiến lược dỡ bỏ phong tỏa của Anh.

Giáo sư về sức khỏe cộng đồng tại Đại học Otago, New Zealand, ông Michael Baker cho biết: “Ở New Zealand, chúng tôi luôn hướng đến Vương quốc Anh với vai trò đi đầu trong khoa học. Vì vậy thật đáng chú ý khi nước này không tuân theo những nguyên tắc y tế công cộng cơ bản.”

Giáo sư Graham Medley, chủ trì Nhóm nghiên cứu khoa học mô hình đại dịch cúm (Spi-M) của Anh, cũng cảnh báo không thể dự đoán mức độ lây lan của COVID-19 sau ngày 19/7, bởi hành vi của người dân là không thể biết trước sau khi các quy định bắt buộc được dỡ bỏ.

Theo ông, không thể dự đoán được làn sóng dịch mới sẽ kéo dài bao lâu, bởi không như các làn sóng trước - vốn được kiểm soát nhờ lệnh phong tỏa và quy định giãn cách xã hội - làn sóng mới sẽ phát triển tự nhiên và vì vậy có thể lây lan mạnh và kéo dài.

Ông cũng cho rằng ngay cả khi số ca mắc mới không quá cao, sự gia tăng các ca mắc có thể kéo dài trong vài tuần, và vẫn tạo gánh nặng đáng kể cho hệ thống y tế.

Hiện tại, số người nhập viện do COVID-19 đang đều đặn tăng gấp đôi cứ sau 3 tuần, và con số này có thể đạt mức đáng ngại nếu xu hướng gia tăng tiếp tục trong những tuần tới.

Ước tính tại thời điểm đỉnh dịch, số ca nhập viện và tử vong lần lượt có thể lên tới 1.000-2.000 ca/ngày và 200 ca/ngày trong tháng 8.

Tiến sỹ Mike Tildesley, chuyên gia về bệnh truyền nhiễm tại Đại học Warwick (Anh), lưu ý mặc dù vaccine đã phá vỡ mối liên hệ giữa các ca mắc bệnh và nhập viện, song không thể nói rằng mọi người đã an toàn khi các ca mắc mới gia tăng bởi có nguy cơ virus sẽ phát triển thành các biến thể kháng vaccine.

Trước tình hình trên, Thủ tướng Anh Boris Johnson đã kêu gọi người dân cẩn trọng sau khi các quy định phòng dịch được dỡ bỏ bởi đại dịch vẫn chưa kết thúc.

Ông nhấn mạnh các ca mắc mới sẽ tăng khi lệnh phong tỏa được dỡ bỏ hoàn toàn, và người dân cần hành động có trách nhiệm để bảo vệ hệ thống y tế quốc gia và thành quả của chương trình tiêm chủng.

Chính phủ Anh cũng đưa ra những hướng dẫn mới nhằm kiềm chế dịch bệnh đang lây lan, theo đó người dân được khuyến khích đeo khẩu trang ở những nơi đông người, như trên các phương tiện giao thông công cộng và trong các cửa hàng.

Thị trưởng thành phố London, ông Sadiq Khany, cũng tuyên bố đeo khẩu trang là yêu cầu bắt buộc đối với người sử dụng phương tiện giao thông công cộng tại thủ đô sau ngày 19/7.

Một khảo sát mới của Văn phòng Thống kê quốc gia Anh cho thấy, 64% số người được hỏi sẽ tiếp tục đeo khẩu trang trong các cửa hàng và trên các phương tiện giao thông công cộng sau ngày 19/7, dù đây không còn là quy định bắt buộc.

90% số người được hỏi tin rằng đeo khẩu trang khi đi mua sắm và giãn cách xã hội là biện pháp quan trọng để ngăn chặn dịch bệnh lây lan. Trong khi đó, 57% tỏ ra lo lắng về kế hoạch dỡ bỏ hoàn toàn các quy định phòng dịch của chính phủ.

Kết quả cuộc khảo sát là một dấu hiệu tích cực cho thấy người dân Anh đã sẵn sàng cho một trạng thái bình thường mới và sẵn lòng hợp tác với chính phủ nhằm bảo vệ thành quả chống dịch trong thời gian qua.

Cho đến nay, chưa có quốc gia nào trên thế giới thực hiện những gì Anh đang làm khi mở cửa đất nước vào thời điểm các ca mắc mới biến thể dễ lây lan đang tăng mạnh.

Các chuyên gia cho rằng làn sóng lây nhiễm này chỉ có thể kết thúc khi bức tường miễn dịch đạt được nhờ tỷ lệ tiêm chủng và sự lây nhiễm tự nhiên đủ lớn.

Tuy nhiên, liệu Anh có đạt tới đích đó trong những tháng tới hay không vẫn còn là “bài toán” chưa có lời giải./.

(TTXVN/Vietnam+)


(TTXVN/Vietnam+)

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]