(Baothanhhoa.vn) - Hơn 10 năm thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (XDNTM), diện mạo những vùng quê xứ Thanh ngày càng khởi sắc. Hệ thống hạ tầng và chất lượng cuộc sống cư dân nông thôn đang ngày một nâng cao nhờ thực hiện các tiêu chí XDNTM.

Phát triển nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới bền vững: Xây dựng nông thôn mới gắn với quá trình đô thị hóa nông thôn

Hơn 10 năm thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (XDNTM), diện mạo những vùng quê xứ Thanh ngày càng khởi sắc. Hệ thống hạ tầng và chất lượng cuộc sống cư dân nông thôn đang ngày một nâng cao nhờ thực hiện các tiêu chí XDNTM.

Phát triển nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới bền vững: Xây dựng nông thôn mới gắn với quá trình đô thị hóa nông thôn

Khu dân cư Hải Hà thuộc thị trấn Tân Phong (Quảng Xương) mang dáng dấp khu đô thị hiện đại. Ảnh: Lê Đồng

Trên thực tế, đã có nhiều nghị quyết, văn bản của Trung ương đề cập vấn đề: XDNTM phải gắn liền với CNH, HĐH nông thôn. Đơn cử như Quyết định 1600/QĐ-TTg ngày 16–8–2016 của Thủ tướng Chính phủ về Phê duyệt Chương trình Mục tiêu quốc gia XDNTM, giai đoạn 2016 – 2020. Đặc biệt, Quyết định 676/QĐ-TTg ngày 18–5–2017 của Thủ tướng Chính phủ về Phê duyệt Đề án XDNTM trong quá trình đô thị hóa trên địa bàn cấp huyện, giai đoạn 2017 – 2020, đã khẳng định: “XDNTM trong quá trình đô thị hóa trên địa bàn cấp huyện nhằm hình thành khu vực dân cư và cơ sở hạ tầng trên địa bàn cấp huyện phù hợp với tiến trình CNH, HĐH nông nghiệp, nông thôn, tái cơ cấu nông nghiệp và nâng cao điều kiện sống người dân nông thôn gần với điều kiện sống người dân đô thị”. Đồng thời phải “định hướng quy hoạch, đầu tư cơ sở hạ tầng, môi trường và các dịch vụ xã hội phù hợp với định hướng đô thị hóa, nhằm từng bước chuẩn bị cho việc hình thành đô thị trên địa bàn nông thôn, tránh lãng phí nguồn lực đầu tư”.

Từ tinh thần chỉ đạo và những định hướng ấy, trong quá trình XDNTM, tỉnh Thanh Hóa luôn ưu tiên phát triển hạ tầng và các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội theo hướng đô thị hóa, rút ngắn khoảng cách giữa thành thị và nông thôn. Rõ nét nhất là tại các địa phương đã đạt chuẩn NTM cấp huyện, hệ thống cơ sở vật chất, hạ tầng nông thôn đã có những bước ngoặt phát triển vượt bậc. Thực hiện tiêu chí giao thông trong xây dựng “huyện NTM”, Hoằng Hóa đã đi trước một bước, hoàn thiện nhiều tuyến giao thông nông thôn đạt tiêu chí... đô thị. Hai con đường đôi từ thị trấn Bút Sơn đi Khu Du lịch sinh thái biển Hải Tiến và từ ngã tư Goòng đi đô thị Quăng thuộc khu vực Tây Nam của huyện đều rộng thênh thang, hiện đại. Nhiều tuyến đường tỉnh, đường huyện kết nối các vùng trong huyện được mở rộng hoặc xây dựng mới khang trang, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Tại huyện NTM Thọ Xuân, dấu ấn đô thị ngày càng hiện rõ với công tác quy hoạch các khu dân cư ven thị trấn huyện, những tuyến đường được lắp đặt hệ thống đèn trang trí hiện đại. Một trong những điểm nhấn là tuyến đường rộng thênh thang nối thị trấn huyện đi cầu Hạnh Phúc, tạo dư địa phát triển cho vùng đất rộng lớn ven sông Chu. Theo các quy hoạch đã được phê duyệt, cả 2 địa phương trên đều phấn đấu trở thành thị xã trong lộ trình gần 10 năm tới, nên định hướng phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội cũng được phát triển theo hướng đô thị hóa.

Sau khi được Thủ tướng Chính phủ quyết định công nhận đạt chuẩn NTM vào năm 2018, huyện Quảng Xương tiếp tục thực hiện các tiêu chí theo chiều sâu, trong đó ưu tiên phát triển hạ tầng theo hướng hiện đại để hướng tới mục tiêu thành lập thị xã vào năm 2030. Ông Nguyễn Đình Dự, Phó Chủ tịch UBND huyện Quảng Xương, cho biết: Cùng với XDNTM, huyện huy động nguồn lực để đầu tư phát triển hạ tầng, nhất là các tuyến đường giao thông theo tiêu chí đô thị. Hiện nay các tuyến đường xã, đường trong mặt bằng dân cư mới đều được quy hoạch khá rộng. Tại đô thị Tân Phong, hiện đã có hơn 50% lao động phi nông nghiệp do các ngành nghề công nghiệp và thương mại phát triển mạnh. Đó chính là tiêu chí đô thị hóa đang ngày càng mạnh mẽ. Vừa qua, huyện cũng thu hút được các chủ đầu tư vào xây dựng những khu dân cư kiểu đô thị, điển hình là khu dân cư Hải Hà đang hoàn thiện với hệ thống shophouse hiện đại. Khu đô thị ven biển huyện Quảng Xương, khu đô thị Tiên Trang trên địa bàn cũng đang được kêu gọi đầu tư, đã thu hút được một số dự án hạ tầng và sản xuất.

Ông Trần Đức Năng, Phó Chánh Văn phòng Điều phối Chương trình XDNTM tỉnh, khẳng định: Thanh Hóa đã có những bước tiến quan trọng trong đồng bộ và hiện đại hóa hạ tầng nông thôn nhờ quá trình XDNTM. Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần XVIII có đưa ra chỉ tiêu phấn đấu đến năm 2020 tỷ lệ đô thị hóa của tỉnh đạt 35%, và đã vượt xa kế hoạch. Nông thôn ở nhiều nơi đã có bóng dáng đô thị với các dịch vụ và hệ thống hạ tầng phát triển. Đó cũng là giải pháp thực hiện thu hẹp khoảng cách phát triển giữa thành thị và nông thôn, hình thành nên những “vùng quê đáng sống” đúng như mục tiêu ban đầu của chương trình XDNTM đề ra.

Theo thống kê từ Văn phòng Điều phối Chương trình XDNTM tỉnh, sau hơn 10 năm triển khai Chương trình Mục tiêu quốc gia XDNTM, từ nguồn ngân sách các cấp hỗ trợ, kết hợp với lồng ghép các chương trình và Nhân dân đóng góp, đến nay toàn tỉnh đã phát triển được hệ thống hạ tầng lớn cho khu vực nông thôn. Các địa phương trên địa bàn tỉnh đã đầu tư xây mới, nâng cấp và cải tạo được gần 15.000 km đường giao thông nông thôn, hơn 7.800 km đường dây truyền tải điện các loại, 1.131 trạm biến áp, hơn 13.000 phòng học, 378 công sở xã, 554 trạm y tế xã, 600 trung tâm văn hóa, thể thao xã, 575 trung tâm dịch vụ thương mại và chợ nông thôn... Ở cấp thôn/bản, đã có thêm gần 3.800 nhà văn hóa và khu thể thao, Nhân dân các vùng quê trong tỉnh đã được vận động bỏ kinh phí chỉnh trang và xây mới 203.000 nhà ở dân cư khang trang, 33.871 công trình cấp nước sinh hoạt, gần 2.000 công trình vệ sinh và xử lý môi trường nông thôn... Nhiều địa phương đã đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn đạt kết quả cao, nhất là giao thông nông thôn, kênh mương nội đồng, như các huyện: Như Thanh, Hoằng Hóa, Nga Sơn, Thọ Xuân, Quảng Xương, Đông Sơn, Yên Định, Vĩnh Lộc... Hạ tầng chính là một trong những điều kiện tiên quyết để rút ngắn khoảng cách giữa thành thị và nông thôn, đẩy nhanh đô thị hóa nông thôn. Mặt khác, nó còn là điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế - xã hội, góp phần nâng cao đời sống vật chất cũng như tinh thần cho các tầng lớp cư dân nông thôn.

Nhóm PV Kinh tế

Bài 12: Lấy Chương trình OCOP làm trọng tâm phát triển sản xuất và nghành nghề nông thôn.



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]