(Baothanhhoa.vn) - Xây dựng nông thôn mới (XDNTM) phải được thực hiện liên tục. Hoàn thành XDNTM là tiến hành XDNTM nâng cao, NTM kiểu mẫu. Đây là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt của cả hệ thống chính trị, là cuộc vận động rộng rãi các tầng lớp nhân dân, thu hút các nguồn lực trong toàn xã hội cùng tham gia, trong đó chính quyền có vai trò kiến tạo và tổ chức thực hiện, người dân vừa là đối tượng thụ hưởng, vừa là chủ thể...

Tin liên quan

Đọc nhiều

Huyện Thọ Xuân hành trình về đích nông thôn mới: Bài 2: Xây dựng nông thôn mới bền vững

Xây dựng nông thôn mới (XDNTM) phải được thực hiện liên tục. Hoàn thành XDNTM là tiến hành XDNTM nâng cao, NTM kiểu mẫu. Đây là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt của cả hệ thống chính trị, là cuộc vận động rộng rãi các tầng lớp nhân dân, thu hút các nguồn lực trong toàn xã hội cùng tham gia, trong đó chính quyền có vai trò kiến tạo và tổ chức thực hiện, người dân vừa là đối tượng thụ hưởng, vừa là chủ thể...

Huyện Thọ Xuân hành trình về đích nông thôn mới: Bài 2: Xây dựng nông thôn mới bền vững

Mô hình cải tạo vườn tạp trồng cây gai xanh ở thôn 1, xã Xuân Giang.

Sự hài lòng của người dân

Về Thọ Xuân những ngày thu tháng chín, đâu đâu cũng thấy cảnh nhà nhà, người người đang nhộn nhịp sản xuất, thu hoạch nông sản. Giờ đây, con đường vận chuyển hàng hóa của bà con đã ngày một thuận lợi nhờ có những công trình giao thông nông thôn kiên cố, thẳng tắp nối dài từ đầu làng đến cuối ngõ. Bởi “con đường” NTM mà Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Thọ Xuân phấn đấu đã về đến đích. Bức tranh NTM với diện mạo khang trang, tươi đẹp và phát triển đã và đang được hiện hữu, được người dân đánh giá mức độ hài lòng với tỷ lệ cao (98,7%). Trao đổi với chúng tôi, ông Trịnh Hữu Hải, thôn Phong Mỹ, xã Xuân Tân, cho biết: Ngày trước, tôi cũng như nhiều người dân xã Xuân Tân chưa biết và chưa hiểu gì về XDNTM, sau khi được cán bộ xã, thôn tuyên truyền về mục đích, ý nghĩa của chương trình XDNTM, chúng tôi hiểu XDNTM chính là để phục vụ nhân dân, nâng cao đời sống của nhân dân. Bởi vậy, trong những năm qua, gia đình tôi và các hộ trong thôn luôn tích cực tham gia làm đường nội đồng, đường làng, ngõ xóm, chỉnh trang nhà ở, vệ sinh môi trường. Tôi rất phấn khởi, vui mừng khi xã Xuân Tân đã đạt chuẩn NTM. Nhờ đó mà diện mạo nông thôn đổi thay, đời sống người dân ngày càng được nâng cao. Còn ông Nguyễn Ngọc Lưu, thôn 1, xã Xuân Giang thì không giấu nổi niềm vui: Nhìn những con đường sạch sẽ, khang trang, chúng tôi vui lắm, mọi người thường nhắc nhau phải giữ gìn vệ sinh sạch sẽ, từ nhà ra ngõ. Từ khi đường làng, ngõ xóm được bê tông, việc lưu thông dễ dàng, giao thương, buôn bán thuận lợi hơn, cảnh đường xá lầy lội, đi lại khó khăn vất vả giờ chỉ còn trong ký ức.

Đó là những ý kiến khách quan của người dân khi đánh giá sự hài lòng về thành quả XDNTM, bởi họ là những người trực tiếp tham gia, trực tiếp thụ hưởng nên sự thẩm định chắc chắn sẽ sát, đúng với tình hình thực tế địa phương. Chỉ khi người dân phấn khởi, tin tưởng, làm chủ thành quả đạt được, khi đó NTM mới thực sự hiện hữu. Đó cũng là con đường để đạt mục đích cuối cùng của việc XDNTM là nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân nông thôn. Điều đó được minh chứng cụ thể ở việc đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân ngày càng được nâng cao khi thu nhập bình quân đầu người của huyện năm 2019 ước đạt 41,5 triệu đồng (gấp 3,1 lần so với năm 2011). Công tác giảm nghèo đạt kết quả tích cực, tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện giảm từ 18,53% (năm 2011) xuống còn 2,42% (trong đó, tỷ lệ hộ nghèo NTM là 1,46%, đã trừ 489 hộ nghèo thuộc diện chính sách bảo trợ xã hội).

Nông nghiệp - lĩnh vực chiếm tỷ trọng 16,7% giá trị sản xuất toàn huyện đạt được nhiều kết quả tích cực khi giá trị sản phẩm thu được bình quân/1 ha đất trồng trọt và nuôi trồng thủy sản đạt 109,6 triệu đồng, tăng 34,2 triệu đồng so với năm 2011. Sản xuất nông nghiệp với trọng tâm là phát triển thủy sản và trồng trọt, trong đó đầu tư phát triển các cây trồng, vật nuôi chủ lực và có lợi thế. Nổi bật phải kể đến vùng lúa năng suất, chất lượng, hiệu quả cao có hợp đồng bao tiêu sản phẩm với diện tích đạt 400 ha, mỗi năm cho thu nhập tăng thêm 3,6 triệu đồng/ha, vùng mía nguyên liệu 2.000 ha, mỗi năm cho thu nhập bình quân 17 triệu đồng/ha; chuyển đổi 589,2 ha diện tích đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng cây ăn quả, cây ngô, trồng sen nuôi cá tại 11 xã; chuyển đổi diện tích 143 ha đất 1 vụ lúa hiệu quả thấp ở 4 xã sang trang trại tổng hợp, nuôi trồng thủy sản; có 9 mô hình nhà màng, nhà lưới nông nghiệp công nghệ cao sản xuất rau, củ, hoa, quả hữu cơ kết hợp tưới nước tiết kiệm với diện tích 65.000m2, lợi nhuận trên 800 triệu đồng/ha/năm; 216,9 ha tập trung cây ăn quả có múi với giá trị thu nhập từ 400-500 triệu đồng/năm và nhiều mô hình cây trồng có giá trị cao khác ở các xã mang lại thu nhập bình quân từ 300 - 400 triệu đồng/ha/năm; toàn huyện có 105 trang trại, gia trại với tổng diện tích 283,5 ha. Tổng vốn đầu tư của các trang trại, gia trại 121,985 tỷ đồng, tổng giá trị sản phẩm hàng hóa đạt 184,11 tỷ đồng, thu nhập bình quân mỗi trang trại đạt 191,15 triệu đồng/năm và đã giải quyết việc làm cho trên 1.200 lao động, với mức thu nhập bình quân từ 3,5-4 triệu đồng/người/tháng.

Đối với lĩnh vực công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp - xây dựng được huyện xác định là ngành kinh tế quan trọng, chủ đạo với tốc độ tăng trưởng cao (bình quân hàng năm tăng 17,1%), đóng góp lớn cho ngân sách, chiếm tỷ trọng giá trị 50,1% trong cơ cấu kinh tế của huyện năm 2018, tương ứng với tổng giá trị sản xuất là 8.197,7 tỷ đồng, tăng 6% so với năm 2011; năm 2019, ước chiếm tỷ trọng 50,2%, tổng giá trị sản xuất tương ứng đạt 9.588,5 tỷ đồng. Đến tháng 7-2019, toàn huyện có 608 doanh nghiệp, chủ yếu quy mô vừa hoạt động ở lĩnh vực công nghiệp tạo việc làm cho trên 7.200 lao động; 4 công ty may xuất khẩu với tổng quy mô 15 ha, thu hút trên 2.200 lao động, với mức thu nhập bình quân 4,5-6 triệu đồng/người/tháng; 4 cụm công nghiệp được UBND tỉnh phê duyệt với diện tích 80,2 ha...

Những bài học kinh nghiệm

Thực tế chỉ ra rằng nơi nào các cấp ủy đảng, chính quyền và tổ chức đoàn thể quan tâm, tập trung chỉ đạo cụ thể, sâu sát, quyết liệt, có cách làm năng động, sáng tạo, phát huy được lợi thế của địa phương, cán bộ, đảng viên gương mẫu, nhân dân nhiệt tình ủng hộ thì ở đó chương trình XDNTM sẽ đạt kết quả cao. Trao đổi với chúng tôi, đồng chí Nguyễn Văn Hùng, Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy, nhấn mạnh: Tổng kết 10 năm XDNTM, huyện Thọ Xuân đã rút ra được những bài học kinh nghiệm đáng quý, đó là: Trong XDNTM, vai trò đội ngũ cán bộ rất quan trọng, do vậy cần tăng cường xây dựng, đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng cho đội ngũ cán bộ có đủ trình độ, năng lực để tổ chức thực hiện nhiệm vụ XDNTM. Có quy chế phân công, phân cấp rõ ràng và tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, kịp thời rút kinh nghiệm trong quá trình triển khai. Cùng với đó, phải làm tốt công tác tuyên truyền, vận động để cán bộ và nhân dân nhận thức rõ vai trò chủ thể trong XDNTM là người dân. Người dân phải tự làm là chính và họ là người được hưởng thụ, Nhà nước chỉ có vai trò hỗ trợ, lợi ích của người dân là động lực và sự tham gia của cộng đồng dân cư là bí quyết thành công. Từ đó tạo sự thống nhất về nhận thức, quyết tâm lãnh đạo, chỉ đạo, có sự tham gia của cả hệ thống chính trị và mọi tầng lớp nhân dân, huy động cao mọi nguồn lực của xã hội cả về trí tuệ, công sức và kinh phí để XDNTM.

Phải thực hiện tốt dân chủ ở cơ sở, đảm bảo công khai cho các tổ chức đoàn thể, cán bộ, đảng viên và mọi người dân được tham gia đóng góp xây dựng và giám sát quá trình thực hiện quy hoạch, đề án XDNTM ở địa phương. Chủ động phân cấp để cộng đồng dân cư có thể trực tiếp tham gia xây dựng các công trình, phát huy vai trò giám sát của ban giám sát đầu tư của cộng đồng để đảm bảo chất lượng công trình, phát huy hiệu quả vốn đầu tư để nhân dân tin tưởng và tích cực tham gia XDNTM. Đồng thời phải thường xuyên kiểm tra, phát hiện những đơn vị làm tốt và những vấn đề còn tồn tại; kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, đánh giá sơ kết rút kinh nghiệm, nhân ra diện rộng những điển hình hay, cách làm sáng tạo.

Đáng chú ý, phải coi trọng chỉ đạo điểm và xây dựng mô hình, lựa chọn xã yếu nhất của huyện để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, qua đó đánh giá, rút kinh nghiệm chỉ đạo và tổ chức thực hiện. Đồng thời, phải lựa chọn bước đi, cách làm phù hợp với điều kiện của huyện, cụ thể như trong phát triển sản xuất, đối với sản xuất nông nghiệp chọn quy hoạch vùng sản xuất, phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, nông nghiệp công nghệ cao, liên kết theo chuỗi giá trị là khâu đột phá; thực hiện chuyển đổi lại cơ cấu, phương thức sản xuất để nâng cao hiệu quả là then chốt. Trong sản xuất công nghiệp, dịch vụ chọn những sản phẩm, nghề là thế mạnh của địa phương, tạo điều kiện thuận lợi về mặt bằng, giao thông, điện nước, đào tạo nhân lực, dạy nghề... để khuyến khích phát triển nâng cao thu nhập cho người dân. Trong xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn, chọn giao thông nông thôn là khâu đột phá bắt đầu từ đường thôn, xóm, liên thôn, liên xã; lồng ghép các chương trình, dự án về thủy lợi, cơ sở trường học, y tế, nước sạch, môi trường, nhà ở... để phục vụ chương trình XDNTM.

Hướng đến NTM nâng cao, kiểu mẫu

Xác định Chương trình Mục tiêu quốc gia về XDNTM là nhiệm vụ thường xuyên, lâu dài, ngoài việc tiếp tục giữ vững và nâng cao chất lượng các tiêu chí đã đạt được, hiện nay, nhiều địa phương trên địa bàn huyện đã và đang tích cực xây dựng xã đạt chuẩn NTM nâng cao, thôn dân cư NTM kiểu mẫu, tiến tới đạt chuẩn xã NTM kiểu mẫu. Để hiện thực hóa mục tiêu này, đòi hỏi sự vào cuộc quyết liệt của các địa phương, trong đó, chính quyền có vai trò kiến tạo và tổ chức thực hiện, người dân là chủ thể.

Là địa phương được công nhận xã đạt chuẩn NTM cấp huyện đầu tiên, xã Xuân Giang tiếp tục phát huy thế mạnh để đạt những mục tiêu mới cao hơn. Dẫn chúng tôi đi trên những con đường được bê tông hóa khang trang, rộng rãi, hai bên đường là những khóm hoa rực rỡ sắc màu, ông Trịnh Xuân Thạo, nguyên bí thư chi bộ, kiêm trưởng thôn 1, xã Xuân Giang không giấu được niềm vui. Ông Thạo chia sẻ: Tháng 9-2017, khi được tỉnh chọn thí điểm xây dựng thôn NTM kiểu mẫu, dưới sự lãnh, chỉ đạo của đảng ủy xã, chi bộ thôn đã tổ chức triển khai chủ trương đến cán bộ, đảng viên và nhân dân trong thôn. Không chỉ triển khai, tổ chức họp dân, cán bộ xã, thôn đã lặn lội đến từng nhà để vận động nhân dân chung sức, chung lòng xây dựng thôn NTM kiểu mẫu. Khi nhân dân đã đồng thuận, thôn 1 bắt tay vào triển khai xây dựng thôn NTM kiểu mẫu với khí thế khẩn trương, trách nhiệm và cũng rất vinh dự, tự hào. Trên cơ sở 14 tiêu chí xây dựng thôn NTM kiểu mẫu, thôn 1 đã vận động người dân cải tạo vườn tạp trồng rau, cây ăn quả, xây dựng mỗi gia đình một mô hình vườn mẫu. Đồng thời, đấu mối với doanh nghiệp xây dựng được 3 mô hình liên kết sản xuất lúa giống, rau an toàn và cây gai xanh trên diện tích 14 ha. Cùng với sự hỗ trợ của cấp ủy, cán bộ thôn 1 đã tích cực vận động nhân dân và con em địa phương xa quê đóng góp gần 1 tỷ đồng cùng nhiều ngày công thực hiện bê tông hóa 1 km đường giao thông, tu bổ nhà văn hóa thôn, xây dựng cảnh quan nông thôn xanh – sạch - đẹp... Sau quá trình triển khai xây dựng thôn NTM kiểu mẫu, đến nay thu nhập bình quân đầu người của thôn 1 tăng từ 30 triệu đồng lên trên 41 triệu đồng/năm, cả thôn không còn hộ nghèo, người dân có việc làm ổn định, diện mạo nông thôn ngày càng khang trang, sạch đẹp.

Xây dựng thí điểm mô hình thôn NTM kiểu mẫu chính là bước đi tạo tiền đề để tiến tới xây dựng xã NTM kiểu mẫu, huyện NTM kiểu mẫu. Với ý nghĩa đó, trao đổi với chúng tôi, đồng chí Lê Văn Chế, Bí thư Đảng ủy xã Xuân Giang, nhấn mạnh: “Sau khi thực hiện xong thôn NTM kiểu mẫu ở thôn 1, chúng tôi đang triển khai nhân rộng mô hình, xác định mỗi năm xây dựng 1 thôn NTM kiểu mẫu”.

XDNTM là một cuộc “cách mạng”, bởi những giá trị cốt lõi của nó chính là nhằm nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân, thực sự khơi dậy được nội lực và phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị, đưa mỗi vùng nông thôn trở thành những vùng đất thanh bình, phát triển. Đó cũng là định hướng mà huyện Thọ Xuân đặt mục tiêu hướng tới cho giai đoạn tiếp theo 2021-2025, định hướng đến năm 2030.

Theo kế hoạch, dự kiến giai đoạn 2021-2025, huyện Thọ Xuân phấn đấu số xã đạt chuẩn NTM nâng cao là 36/36 xã; số xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu là 7 xã. Thu nhập bình quân đầu người dự kiến đến năm 2025 đạt trên 70 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo phấn đấu đến năm 2025 giảm còn 0%; tỷ lệ dân số tham gia bảo hiểm y tế đến năm 2025 đạt trên 100%; tỷ lệ hộ được sử dụng nước sạch đến năm 2025 đạt 90%. Mục tiêu dự kiến giai đoạn 2026-2030, huyện Thọ Xuân phấn đấu 100% xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu, thu nhập bình quân đầu người dự kiến đến năm 2030 đạt khoảng 100 triệu đồng/người/năm; huyện đạt chuẩn NTM kiểu mẫu. “Tuy vậy, đây đều là những mục tiêu, định hướng lâu dài, còn trước mắt, trong những tháng còn lại của năm 2019 và năm 2020, toàn huyện ra sức phấn đấu thực hiện hoàn thành và hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu còn lại của chương trình giai đoạn 2010-2020, trọng tâm là trong năm 2019 cùng với việc được Trung ương công nhận huyện đạt chuẩn NTM, huyện phấn đấu có thêm 5 xã đạt NTM nâng cao, 3 xã NTM kiểu mẫu với mức thu nhập bình quân đầu người đạt 46 triệu đồng/người/năm” - đồng chí Nguyễn Văn Hùng, Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy, cho biết.

Bài và ảnh: Lê Phượng


Bài Và Ảnh: Lê Phượng

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]