(Baothanhhoa.vn) - Những năm qua, các địa phương trong tỉnh đã đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật (KHKT) vào sản xuất nông nghiệp thông qua nhiều hình thức, như: Xây dựng mô hình trình diễn; nhân rộng các mô hình sản xuất mang lại hiệu quả kinh tế cao; mở các lớp tập huấn, dạy nghề... Qua đó, góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế trên một đơn vị diện tích canh tác, tăng thu nhập cho người dân.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Đẩy mạnh ứng dụng khoa học - kỹ thuật trong sản xuất nông nghiệp

Những năm qua, các địa phương trong tỉnh đã đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật (KHKT) vào sản xuất nông nghiệp thông qua nhiều hình thức, như: Xây dựng mô hình trình diễn; nhân rộng các mô hình sản xuất mang lại hiệu quả kinh tế cao; mở các lớp tập huấn, dạy nghề... Qua đó, góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế trên một đơn vị diện tích canh tác, tăng thu nhập cho người dân.

Mô hình trồng dưa Kim Hoàng Hậu trong nhà lưới của Công ty Great Farm, xã Xuân Khánh (Thọ Xuân).

Trên diện tích 15 ha trồng dưa hấu của xã Nga Thành (Nga Sơn), trước đây, người dân trồng dưa hấu giống thuần, áp dụng kinh nghiệm canh tác truyền thống, năng suất đạt 20 đến 22 tấn/ha, thu nhập ước tính từ 100 đến 120 triệu đồng/ha. Từ năm 2016, người dân được hướng dẫn áp dụng cơ giới hóa đồng bộ, đưa giống dưa hấu lai vào trồng và sử dụng công nghệ màng phủ nông nghiệp, năng suất đạt từ 30 đến 32 tấn/ha, thu nhập từ 150 đến 160 triệu đồng/ha. Chị Mai Thị Hằng, thôn Đông Thành, cho biết: “Khi mới triển khai mô hình trồng dưa hấu sử dụng màng phủ nông nghiệp nhiều hộ còn e ngại và cho rằng chỉ cần kinh nghiệm, không phải học kỹ thuật vì dưa hấu là loại cây trồng truyền thống của địa phương. Tuy nhiên, sau khi áp dụng KHKT vào sản xuất, năng suất tăng cao hơn trước đây gần 2 lần, lại đỡ được công nhổ cỏ, chăm sóc. Vì vậy người dân đã áp dụng rộng rãi hơn”.

Được biết, UBND huyện Nga Sơn chỉ đạo các địa phương áp dụng cơ giới hóa đồng bộ, đưa giống, kỹ thuật sản xuất nông nghiệp công nghệ cao vào sản xuất trên các lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản. Qua đó, trên địa bàn huyện đã có hơn 80 ha dưa hấu sử dụng màng phủ nông nghiệp, 12.000 m2 nhà lưới chuyên trồng các loại rau an toàn, dưa Kim Hoàng Hậu, dưa lưới Nhật Bản; hơn 200 ha sản xuất hạt lúa giống... và hơn 70 trang trại, gia trại có áp dụng KHKT.

Tại huyện Thọ Xuân, những năm gần đây, việc áp dụng KHKT được người dân triển khai đồng bộ, hiệu quả. Nhiều giống cây trồng mới, như: Giống ngô biến đổi gen DK 6818S, DK 6919S, DK 9955S; giống ớt xuất khẩu F1; khoai tây Marabel; giống mía được sản xuất bằng phương pháp cấy mô như: LS1, LS2...; giống lúa thuần chất lượng cao TBR225... được đưa vào sản xuất cho năng suất, hiệu quả, kinh tế cao. Bên cạnh đó, việc ứng dụng các quy trình canh tác tiên tiến, như: Cơ giới hóa đồng bộ, ứng dụng hệ thống tưới tự động, sử dụng hệ thống nhà lưới để sản xuất rau, hoa, quả an toàn; mô hình sản xuất ứng dụng quy trình kỹ thuật công nghệ cao được nhân rộng tại các địa phương. Đến nay, trên địa bàn huyện có 26 ha cây ăn quả ứng dụng công nghệ tưới nhỏ giọt Isarel, 12 HTX áp dụng cơ giới hóa đồng bộ với diện tích hằng năm hơn 1.000 ha; 48.000 m2 nhà lưới sản xuất rau, quả an toàn. “Điểm nhấn” về hiệu quả của ứng dụng KHKT vào sản xuất nông nghiệp tại huyện Thọ Xuân chính là việc hình thành được 150 ha cây ăn quả có múi tập trung; hàng năm có gần 1.000 ha sản xuất hạt lúa giống thuần và hơn 21 ha rau an toàn tập trung được sản xuất, ứng dụng theo quy trình kỹ thuật, công nghệ cao và 10 trang trại.

Ông Lê Thọ Cường, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND huyện Thọ Xuân, cho biết: Những năm qua, huyện thường xuyên tổ chức tập huấn chuyển giao tiến bộ KHKT cho người dân trên các lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản. Cùng với đó, huyện xây dựng kế hoạch tích tụ đất đai gắn với nông nghiệp công nghệ cao đến năm 2025, nhằm thay đổi phương pháp canh tác manh mún, nhỏ lẻ và chuyển dần sang sản xuất tập trung gắn với áp dụng kỹ thuật tiên tiến trên diện rộng. Qua đó, nhiều mô hình sản xuất ứng dụng công nghệ cao đã được hình thành, mang lại thu nhập hàng trăm triệu đồng/ha/năm cho người dân. Điển hình như: Mô hình trồng cây ăn quả áp dụng công nghệ tưới nhỏ giọt ở các xã Thọ Xương, Xuân Trường, Thọ Lâm, Xuân Hưng; mô hình sản xuất giống lúa thuần TBR225 của HTX dịch vụ nông nghiệp xã Xuân Minh cho thu nhập bình quân khoảng 54 đến 60 triệu đồng/ha/vụ; mô hình trồng dưa trong nhà lưới ở các xã Xuân Khánh, Xuân Bái, Tây Hồ... cho doanh thu khoảng 1,6 tỷ đồng/ha/năm và trừ chi phí người dân thu lãi gần 700 triệu đồng/ha/năm...

Để khai thác tiềm năng, thúc đẩy nông nghiệp phát triển theo hướng chất lượng, hiệu quả, ứng dụng KHKT vào sản xuất, nhiều năm qua, tỉnh đã triển khai hàng loạt cơ chế, chính sách, như: Hỗ trợ sản xuất hạt giống lúa lai F1; hỗ trợ xây dựng vùng lúa thâm canh năng suất, chất lượng, hiệu quả; vùng sản xuất rau an toàn tập trung; lưu giữ giống gốc vật nuôi... Qua đó, trên địa bàn tỉnh đã hình thành nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

Để đạt được mục tiêu đến năm 2020, tỉnh ta sẽ xây dựng và phát triển vùng sản xuất lúa chất lượng cao áp dụng cơ giới hóa đồng bộ và gắn với chế biến lúa gạo hàng hóa, có quy mô 30.000 ha; vùng mía thâm canh công nghệ cao 13.000 ha; vùng ngô thâm canh công nghệ cao 10.000 ha; vùng rau, hoa, cây cảnh công nghệ cao 600 ha; có 364.000 con lợn và 15 triệu con gà được nuôi bằng công nghệ cao; hơn 800 ha nuôi tôm thẻ chân trắng thâm canh công nghệ cao... Ngoài việc khuyến khích người dân thực hiện cơ giới hóa, ứng dụng các tiến bộ KHKT, đưa các giống cây trồng, vật nuôi mới có năng suất, chất lượng cao vào sản xuất, tỉnh cần có những chính sách để thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp và liên kết tiêu thụ nông sản để người dân mạnh dạn thay đổi tập quán canh tác, áp dụng tiến bộ kỹ thuật mới vào sản xuất.


Bài và ảnh: Lê Hòa

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]