(Baothanhhoa.vn) - Ngược ngàn hơn 70 km từ thị trấn Thường Xuân, chúng tôi tìm về bản Vịn của xã vùng biên Bát Mọt vào một ngày đầu tháng 7-2020. Sau những cung đường rừng khá hoang vu hẻo lánh, một bản làng trù phú hiện ra. Giữa bốn bề núi dựng, những khu nhà sàn san sát bên triền đồi, chạy quanh là hệ thống đường giao thông thôn, bản rộng rãi, được bê tông hóa.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Bản biên giới vượt khó đạt chuẩn nông thôn mới

Ngược ngàn hơn 70 km từ thị trấn Thường Xuân, chúng tôi tìm về bản Vịn của xã vùng biên Bát Mọt vào một ngày đầu tháng 7-2020. Sau những cung đường rừng khá hoang vu hẻo lánh, một bản làng trù phú hiện ra. Giữa bốn bề núi dựng, những khu nhà sàn san sát bên triền đồi, chạy quanh là hệ thống đường giao thông thôn, bản rộng rãi, được bê tông hóa.

Bản biên giới vượt khó đạt chuẩn nông thôn mớiĐường giao thông nông thôn ở bản Vịn được kiên cố khang trang.

Tại ngôi nhà sàn mới được xây dựng khang trang - đồng thời là nhà văn hóa của bản, chị em phụ nữ đang luyện hát, múa sạp và khua luống. Theo lời giới thiệu của bí thư chi bộ, trưởng bản Lang Hồng Tuyên, đây là những tiết mục văn nghệ được chuẩn bị để biểu diễn tại một sự kiện trọng đại của bản - lễ đón nhận danh hiệu đạt chuẩn nông thôn mới (NTM). Như để giải thích thêm với chúng tôi về 2 từ “trọng đại”, anh Vi Thành Chung, Phó Chủ tịch UBND xã Bát Mọt, khẳng định: Vịn chính là bản vùng biên đầu tiên trong các xã vùng biên của huyện Thường Xuân và là một trong số rất ít bản vùng biên của tỉnh đến thời điểm này được công nhận đạt chuẩn NTM. Là Phó Chủ tịch UBND xã nhưng tôi lại là công dân của bản Vịn này. Sống ở đây từ nhỏ, chứng kiến những khó khăn, thiếu thốn từ những ngày đầu xây dựng NTM, mới thấy hết được sự nỗ lực phi thường của cán bộ và Nhân dân của bản trong hưởng ứng chương trình mục tiêu quốc gia này.

Nói thêm về hành trình chung sức đồng lòng của chính quyền địa phương với Nhân dân trong bản để xây dựng NTM, Phó Chủ tịch Vi Thành Chung chia sẻ: Ban đầu, xã đã họp bàn, triển khai cho các thôn xây dựng từng tiêu chí. Đáng tiếc, sau các đợt mưa lũ gây sạt lở nặng nề vào mùa mưa bão năm 2017 và 2018, nhiều nỗ lực của bà con trong xây dựng đường giao thông và các công trình công cộng đã trôi theo dòng nước. Xã tiếp tục tranh thủ các nguồn lực hỗ trợ từ Trung ương, tỉnh và huyện, cùng Nhân dân trong bản chung tay tái thiết. Là bản vùng sâu, nhưng Nhân dân địa phương đã kiên cố được toàn bộ đường giao thông chính, trồng hoa ven đường. Bản đã phát triển mô hình trồng rau an toàn, nhiều mô hình nuôi dê, nuôi vịt, nuôi lợn nít, nuôi thỏ có quy mô khá lớn. “Đời sống đồng bào đã đổi mới nhiều lắm, giờ 100% số hộ có điện lưới, xe máy, ti vi. Không còn gia đình nào phải ở nhà tạm bợ dột nát nữa. Cả bản có 178 hộ, đa phần đều phát triển chăn nuôi trâu bò nên kinh tế ngày càng khá giả. Gia đình nhiều nhất trong bản có tới 28 con trâu, tính trung bình cũng 20 triệu đồng mỗi con. Thu nhập bình quân đầu người của bản đã đạt hơn 33 triệu đồng/năm” - trưởng bản Lang Hồng Tuyên vui mừng cho biết.

Bản Vịn nằm ven đường biên giới giữa hai nước Việt - Lào, hàng ngàn đời nay, đồng bào Thái nơi đây chủ yếu sống dựa vào rừng nên điều kiện kinh tế khó khăn. Thế nhưng, NTM đã đem lại “luồng gió mới”, thay đổi tư duy trong phát triển kinh tế của từng gia đình nơi đây. Khi được vận động, sức lao động của đồng bào đã biến những vườn hoang thành vườn cây ăn quả, những đồi cây bụi thành những mô hình trồng mận Tam Hoa... Những đàn gà đồi, lợn cỏ được nuôi đại trà hơn. Tiềm năng của vùng rừng núi đã được phát huy, để những đàn trâu bò hàng trăm con liên tục sinh sôi phát triển. Và nay, một mô hình phát triển du lịch cộng đồng đã được huyện Thường Xuân xây dựng tại đây. 10 hộ gia đình đầu tiên đã được hỗ trợ để sửa chữa nhà sàn, xây dựng nhà vệ sinh hiện đại để đón khách. Quần thể cây di sản Việt Nam tại bản, cùng với vẻ đẹp núi rừng đã và đang trở thành tiềm năng để du lịch cộng đồng ở đây phát triển.

Được công nhận là bản đạt chuẩn NTM, là động lực mới để đồng bào bản Vịn tiếp tục chung tay xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp. “Mỗi tuần một lần, đồng bào trong thôn lại tổ chức dọn vệ sinh. Chuồng trại chăn nuôi cũng được chúng tôi vận động phải xa nơi ở. Nhìn chung, ý thức về xây dựng môi trường xanh - sạch - đẹp đã được bà con hưởng ứng” - những lời “khoe” của ông trưởng bản càng củng cố thêm niềm tin về một vùng quê đáng sống ngay tại nơi từng được xem là “thâm sơn cùng cốc” này.

Bài và ảnh: Lê Đồng



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]