(Baothanhhoa.vn) - Đó là câu nói đầy xúc động của 3 đứa con gái sinh ba dành cho chị Lê Thị Thúy khi vừa biết số điểm các em đạt được trong kỳ thi THPT vừa qua. Bởi từ khi biết điểm, chị Thúy khóc suốt, khóc vì vui mừng cũng có, nhưng khóc vì thương, tủi thân cho các con thì phần nhiều hơn.

Tin liên quan

Đọc nhiều

“Mẹ ơi đừng khóc nữa nếu con đỗ đại học”

Đó là câu nói đầy xúc động của 3 đứa con gái sinh ba dành cho chị Lê Thị Thúy khi vừa biết số điểm các em đạt được trong kỳ thi THPT vừa qua. Bởi từ khi biết điểm, chị Thúy khóc suốt, khóc vì vui mừng cũng có, nhưng khóc vì thương, tủi thân cho các con thì phần nhiều hơn.

Góc học tập đơn sơ của ba cô học trò nghèo hiếu học Dương - Thùy - Linh.

Tìm về gia đình chị Lê Thị Thúy, anh Lê Duy Ngữ tại thôn 8, xã Hoằng Thịnh (Hoằng Hóa), đến đầu làng hỏi thăm ai cũng biết, vì “nhà đó có 4 cô con gái rất ngoan, đặc biệt có 3 chị em sinh ba học giỏi lắm”. Đón chúng tôi, anh Ngữ cùng 3 cô con gái sinh ba của anh chị là Lê Thị Dương, Lê Thị Thùy, Lê Thị Linh vừa vui mừng, xúc động vừa lo lắng khi được thông báo các con mình đạt điểm nằm trong tốp khá của kỳ thi THPT 2018. Anh Ngữ từ tốn trải lòng: “Tôi sinh năm 1967, lớn lên đi bộ đội và sau khi xuất ngũ thì năm 1993 gặp rồi kết hôn với chị Thúy, năm 1994 sinh được một cháu gái đầu lòng. Vợ chồng đến với nhau bằng hai bàn tay trắng, cố gắng tích cóp vay mượn để dựng được một ngôi nhà cấp bốn lấy chỗ che mưa che nắng. Nợ nần chưa xong thì gia đình thêm tin vui, chị Thúy mang thai lần hai và sinh ba. Có thêm con là thêm của, niềm vui cũng nhân lên thêm nhưng cuộc sống cũng thêm phần nào khó khăn, vất vả”. Câu chuyện của gia đình anh, tưởng chừng như nó chỉ gói gọn trong dăm ba câu nói nhưng chất chứa đầy những nỗi niềm, gian truân, vất vả. Thật may mắn vì ba cô con gái sinh ra cùng ngày cùng tháng cùng năm kia ngoan ngoãn, mạnh khỏe, học giỏi, như lời anh nói, chả biết có phải trời thương hay do “trời sinh voi sinh cỏ”, mà các con của anh chị cứ vậy mà lớn khôn. Không ốm đau, không bệnh tật, chỉ riêng con gái Lê Thị Dương thì không may mắn so với hai em khi bị chàm bẩm sinh, che mất nửa khuôn mặt.

Do bị di chứng sau lần sinh ba, sức khỏe chị Thúy giảm sút rõ rệt, chị bị thoái hóa cột sống và thoát vị đĩa đệm. Gặp chị, không ai nghĩ được rằng đó là người phụ nữ mới hơn 40 tuổi bởi lưng chị còng xuống, khuôn mặt già nua khắc khổ hơn so với tuổi, đôi chân chậm chạp di chuyển do xương khớp. Anh Ngữ cũng vậy, sỏi thận, rồi xương khớp nên quanh năm làm bạn với thuốc. Ngoài việc đan lát ở nhà, anh chị còn phải lăn lộn đi giao hàng tại các tỉnh xa như Ninh Bình, Hà Nội... có khi dăm bữa nửa tháng mới về qua nhà. Tự ý thức được hoàn cảnh gia đình nên các con rất ngoan, chăm chỉ, ngay từ khi còn học lớp 1, lớp 2, tan học, các bạn cùng trang lứa đang còn vô tư chơi đùa thì các con của anh chị đã phải chạy về nhà phụ giúp bố mẹ làm nghề đan lát để kiếm thêm thu nhập cho gia đình. Rồi đến sự nghiệp học hành của các con cũng vậy, chỉ có cô con gái đầu lòng là Lê Thị Trang, sinh năm 1994, vì hoàn cảnh gia đình khó khăn nên sau khi học xong cấp 3 phải nghỉ học để làm công nhân phụ giúp bố mẹ nuôi các em ăn học. Còn lại, Dương – Thùy – Linh đều rất ham học, chăm học và học rất giỏi. Cầm trên tay những tập giấy khen nặng trĩu, phẳng phiu được cất cẩn thận thành từng cặp một, anh Ngữ tự hào nói: “Đây là tài sản quý giá nhất của gia đình, vì nó là thành quả của các con sau những năm không ngừng nỗ lực miệt mài đèn sách”. Được biết, từ khi còn là học sinh tiểu học cho đến THCS rồi THPT, Dương – Thùy – Linh đều là học sinh khá – giỏi, tham dự và đạt giải nhiều cuộc thi học sinh giỏi cấp huyện, cấp tỉnh. Nhà không có điều kiện để các em học thêm, ngoài giờ học ở trường, các em về nhà tự bảo nhau ôn luyện. Trong căn nhà đơn sơ, không có một góc học tập riêng nào cho mỗi người, mà chung vào đấy là cả ba chị em ngồi cùng trên một chiếc bàn dài hơn 2m, dưới chân còn kê vài viên gạch cho chắc chắn. Vậy nên, những tấm bằng khen, giấy khen, thành tích học tập chính là phần thưởng, là món quà vô giá nhất mà các con đã đền đáp cho công lao sinh thành, nuôi dưỡng của bố mẹ.

Trò chuyện lâu hơn với Dương – Thùy – Linh, tôi đặc biệt thấy ấn tượng với Dương, “chị cả” trong ba chị em sinh ba. Dương có một vết chàm che quá nửa khuôn mặt nhưng em chưa bao giờ cúi mặt và rất hoạt bát, tự tin khi giao tiếp với người khác. Dương thi khối B đạt 23,45 điểm, Thùy thi khối A1 đạt 23,8 điểm, Linh thi khối D đạt 24 điểm – với số điểm đấy, cơ hội để bước vào những cổng trường đại học là rất lớn, thế nhưng cánh cửa mở ra cho các em lại quá bé. Bởi với số tiền hơn 1 triệu đồng từ nguồn thu nhập đan lát, gia đình em lo chạy ăn từng bữa còn khó đừng nói đến việc đủ điều kiện kinh tế để lo cho ba con học đại học. Thế nhưng, nếu không được đi học để rồi trưởng thành có công việc ổn định, thì đến bao giờ gia đình em mới thoát nghèo được. Được biết, gia đình anh Ngữ nhiều năm liền nằm trong danh sách hộ nghèo của thôn. Cộng với số tiền nợ hơn 100 triệu đồng cứ lãi chồng lãi tồn tại, chưa biết đến bao giờ gia đình mới thảnh thơi vì gánh nặng “cơm, áo, gạo, tiền”. Nghe các con chia sẻ, người cha nén tiếng thở dài, khẽ quay mặt đi che giấu giọt nước mắt chực chờ rơi nơi khóe mắt.

Gia đình anh Ngữ - chị Thúy rất mong nhận được sự giúp đỡ của các cá nhân, đơn vị, tổ chức doanh nghiệp để phần nào đó vượt lên khó khăn, tạo điều kiện giúp các con của anh chị được thực hiện ước mơ tới trường của mình.

Mọi sự giúp đỡ xin được gửi về địa chỉ: Lê Duy Ngữ, thôn 8, xã Hoằng Thịnh, huyện Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hóa. ĐT: 01677640192. Hoặc Quỹ Tấm lòng vàng Báo Thanh Hóa, đường Đông Hương 2, phường Đông Hương, TP Thanh Hóa, ĐT: 0237.3714930.


Lan Phương

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]